Phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thọ tháng 6 năm 1975

SPIEGEL: Thưa ngài chủ tịch, đã hai tháng qua đi kể từ khi các ngài chiến thắng, miền nam Việt Nam vẫn được điều hành do chính quyền quân đội. Tình hình an ninh hiện nay vẫn tồi tệ vậy sao?

Nguyễn Hữu Thọ: An ninh hiện nay vẫn còn rất kém. Kẻ thù tuy đã hạ vũ khí nhưng chưa bị tiêu diệt hết. Sự thật là chúng tôi đã chiến thắng mà không cần nổ súng và cũng không cần phải đánh nhau trận nào trong Sài Gòn. Toàn bộ quân đội từng bảo vệ thành phố hiện giờ vẫn còn ở lại trong thành phố với hàng trăm ngàn người. Phần lớn thì đã hạ vũ khí, chấp nhận qua lớp cải tạo, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nơi họ không làm theo và chống đối tới cùng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch đầu tiên của
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

SPIEGEL: Họ có phải là mối đe dọa?

Nguyễn Hữu Thọ: Hoàn toàn không! Họ chẳng làm gì được nhiều, thậm chí tổ chức phản công họ cũng không dám hy vọng. Nhưng họ tổ chức gây rối, phá hoại nhằm cho người ta thấy rằng ở đây vẫn chưa thể nào an toàn. Thỉnh thoảng có những quân nhân của chúng tôi đi lẻ thì họ bắn tỉa hoặc ném ra một vài quả lựu đạn. Ngoài ra chúng tôi còn phải đối mặt với đám côn đồ và du đãng, những kẻ được chính quyền cũ thả ra ngay trước khi họ thua trận. Chúng tôi rất cảm ơn những người dân, kể cả những người thuộc gia đình sĩ quan, quân nhân của chế độ cũ rất tích cực giúp đỡ nhằm ổn định tình hình và bắt giam những kẻ phá hoại.

SPIEGEL: Các ông đối xử với những cựu quân nhân chế độ cũ ra sao?

Nguyễn Hữu Thọ: Việc chúng tôi giáo dục họ là nhiệm vụ lâu dài. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc đó, tuy nhiên theo từng bước và công việc vẫn phải tiếp tục. Phần lớn trong số họ nhận ra sai trái và chính quyền cách mạng hiện nay theo đuổi chính sách ôn hòa. Quan trọng là họ muốn trở thành công dân tốt hay không.

SPIEGEL: Ông làm sao để hướng cho những quân đội chiến thắng của ông đối xử những người bên kia chiến tuyến theo cách đó?

Nguyễn Hữu Thọ: Chúng ta cần phải hiểu rằng: Đất nước chúng tôi đã trải qua thời gian dài nằm dưới chế đội do ngoại bang cai trị. Từ năm 1945 cho tới 30 tháng 4 năm 1975 Sài gòn chỉ có một tháng duy nhất được tự do, đó là từ ngày 23 tháng 8 năm 1945 khi cách mạng tháng 8 nổ ra tới 23 tháng 9 khi quân đội Pháp quay trở lại và kể từ ngày đó miền nam luôn được cai trị bởi chính quyền do ngoại bang dựng lên. Chúng tôi đã nhận thấy rằng, người dân muốn làm gì đó để có thể tiếp tục tồn tại.
Một bộ phận bị cưỡng ép theo, để thoát khỏi là việc rất khó. Một số người giàu khác có tiền có thể đổi quốc tịch và cũng có người thoát ra được vùng giải phóng. Điều đó chúng tôi rất hiểu. Chính vì thế ngay khi chúng tôi mở các lớp cải tạo chúng tôi đã nói với họ "Các anh đã sai lầm. Cho dù có tội hay vô tội thì các anh cũng đã cộng tác với kẻ thù chống lại chính quyền cách mạng. Nếu lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của các anh đủ mạnh thì các anh đã tìm cách theo cách mạng. Người ta có thể nhìn thấy rõ ranh giới giữa tinh thần yêu nước và chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa đế quốc kiểu mới. Đó là sai lầm của các anh."
Trong các trại cải tạo cũng như chính sách cải tạo của chúng tôi đối với những người đã từng trong quân đội hoặc chính phủ của ngụy quyền rất rõ ràng: Phân biệt rõ phần lớn những người đã nhận ra sai lầm của mình và một nhóm nhỏ vài người thuộc diện theo Mỹ cứng đầu chống đối lại cách mạng tới cùng và cho tới nay họ vẫn chưa từ bỏ những hành động tội ác của họ như trong quá khứ.

SPIEGEL: Toàn bộ chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông hoàn toàn phụ thuộc vào việc thống nhất đất nước. Ông nghĩ sao về điều đó?

Nguyễn Hữu Thọ: Chỉ có một nước Việt Nam và một dân tộc Việt Nam! Một dân tộc mà chia cắt là điều không thể nào chấp nhận được. Trong suốt lịch sử 4000 năm chống giặc ngoại xâm củaViệt Nam, chúng tôi đã có được sức mạnh nhờ vào sự đoàn kết một lòng. Giặc ngoại xâm đã nhiều lần tìm cách chia cắt chúng tôi giống như đế quốc Mỹ trong mấy thập niên qua tìm cách chia cắt lâu dài miền nam Việt Nam. Họ đã tuyên truyền tới từng làng, từng ngõ, kích động người nam ghét người bắc, gây chia rẽ tới từng làng, từng gia đình. Bây giờ miền nam đã hoàn toàn giải phóng, cả nước sẽ tập trung vào việc quan trọng nhất, mơ ước ngàn đời của người Việt, đó là thống nhất đất nước. Việc khó nhất chúng tôi đã hoàn thành. Nhưng bây giờ cũng còn nhiều việc phải làm vì sự khác biệt của mỗi khu vực: Trong khi miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì phải xóa bỏ tàn dư của chủ nghĩa đế quốc tại miền nam, điều mà chúng tôi đã biết từ trước đó. Việc ưu tiên nhất hiên nay là chúng tôi cần phải cho ngành nông nghiệp cũng như công nghiệp hoạt động trở lại.


SPIEGEL: Làm sao ông có thể thực hiện được điều đó? Ông có sẵn sàng nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài hay không?

Nguyễn Hữu Thọ: Mỹ đã dựng lên ở miền nam một nền kinh tế không ổn định chỉ để phục vụ cho mục đích chiến tranh. Nguyên vật liệu sản xuất, máy móc và phụ tùng thay thế, năng lượng tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Vì thế khi nước Mỹ cắt viện trợ thì nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Thiệu đã để lại cho chúng tôi một hậu quả vô cùng tai hại: Đói và thất nghiệp. Chúng tôi bắt buộc phải thay đổi lại cơ cấu nền kinh tế. Việc đó đòi hỏi chúng tôi rất nhiều thời gian nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ bè bạn năm châu nhưng chủ yếu chúng tôi vẫn dựa vào sức mình là chính và điều đó chúng tôi đã làm ngay từ lúc còn trong chiến tranh. Sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước bè bạn khác rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là sự cố gắng của chúng tôi. Trong kinh tế chúng tôi tránh bị lệ thuộc, ví dụ như nguyên vật liệu sản xuất. Chúng ta lấy ví dụ về dầu mỏ. Chúng tôi có mỏ dầu ở cả miền bắc và miền nam, đó là sự thật. Chúng tôi cần thời gian và công nghệ nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cộng tác với những nước mà không quan tâm tới thể chế chính trị và xã hội của nước đó. Điều kiện mà chúng tôi đưa ra chỉ là họ cần tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi.

SPIEGEL: Trong nhiều bài phát biểu của ông kể từ sau khi giải phóng Sài Gòn, ông chưa bao giờ nhắc tới từ "Chủ nghĩa xã hội", phải chăng ông không phải là con người XHCN? Chính quyền miền nam Việt Nam sẽ theo đường hướng nào?

Nguyễn Hữu Thọ: Chúng tôi đang muốn xây dựng một nền dân chủ tiến bộ tại miền nam để cho bất cứ ai yêu nước, muốn phục vụ đất nước - trong đó bao gồm cả giai cấp tư sản - đều có chỗ đứng của mình

SPIEGEL:Tức là một chính phủ trung lập?

Nguyễn Hữu Thọ: Chúng tôi vẫn sẽ nằm trong khối các nước theo phong trào không liên kết

SPIEGEL: Mối quan hệ giữa mặt trận giải phóng và chủ nghĩa cộng sản ra sao?

Nguyễn Hữu Thọ: Chủ nghĩa cộng sản ở đây cũng có một đảng: Chi nhánh miền nam của đảng lao động Việt Nam. Nhân dân miền nam hiểu rất rõ rằng đảng cộng sản đã được thành lập từ năm 1930 và là đảng tiên phong trong phong trào đấu tranh giành độc lập và tự do cho tổ quốc. Chính vì thế đối với đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn có lòng kính trọng và mến yêu. Đó là sự thật không ai chối cãi được!

SPIEGEL: Chính phủ của ông có quan niệm về nền tự do dân chủ như thế nào?

Nguyễn Hữu Thọ: Quyền lực của chúng tôi nằm trong dân chính vì thế tôi tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Và đó chính là sức mạnh và hiệu quả của quyền lực nhân dân.

SPIEGEL: Ông có cho phép báo chí tư nhân hoạt động hay không?

Nguyễn Hữu Thọ: Có, chúng tôi có ý định cho phép một số tờ báo hoạt động bao gồm những tờ trước kia không ủng hộ chế độ cũ. Hiện tại thì đó là vấn đề về kỹ thuật là chủ yếu nhưng báo tư nhân sẽ có.

SPIEGEL: Ở miền nam những người ủng hộ chế độ cũ phần đa là đạo công giáo. Ông có chính sách nào đối xử với họ?

Nguyễn Hữu Thọ: Chính sách của chúng tôi trước tiên là tự do tín ngưỡng và chúng tôi sẽ ủng hộ tự do tín ngưỡng một cách tuyệt đối. Tuy nhiên chính quyền cách mạng không bao giờ chấp nhận thiểu số một đám người lợi dụng khoác áo cha cố hay nhà sư để làm những việc chống lại cách mạng, gây chia rẽ trong tôn giáo. Tôi tin tưởng rằng những người yêu nước thực sự sẽ luôn sẵn sàng lột mặt nạ và lên án những kẻ đó.

SPIEGEL: Chính sách giữa miền nam và miền bắc có gì khác biệt hay không?

Nguyễn Hữu Thọ: Lãnh đạo giữa hai miền luôn có sự đồng thuận rất lớn. Áp lực của phía bên này với phía bên kia là việc không bao giờ có. Cả chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đều đang tập trung tất cả vào nỗ lực nhằm thực hiện khát vọng chung của cả dân tộc. Đó là vì một Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ và giàu mạnh.

SPIEGEL: Tất nhiên chúng tôi hiểu rẳng chỉ có thể tồn tại một nước Việt Nam nhưng lại có tới hai chính phủ. Mối quan hệ giữa miền nam và miền bắc như thế nào, có phải tương tự như mối quan hệ giữa hai nhà nước?

Nguyễn Hữu Thọ: Không phải như vậy, ở đây chúng tôi phải tìm thấy sự đồng thuận chung vì chúng tôi là một dân tộc. Đó cũng chính là lý do trước giải phóng chúng tôi chưa bao giờ gọi người đại diện từ miền bắc là "đại sứ". Người của chúng tôi ra miền bắc cũng chỉ là "đặc phái viên" không phải đại sứ. Tất cả những thứ khác đều có thể từ đó mà suy diễn ra.

SPIEGEL: Chính quyền cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam liệu có mở đại sứ ở những nước đã có đại sứ quán của Việt Nam dân chủ cộng hòa ở đó?

Nguyễn Hữu Thọ: Kể từ sau khi giải phóng, đã có thêm 30 nước công nhận chính quyền cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam, đưa tổng số lên 81 nước tất cả và chúng tôi rất vui mừng vì thành quả ngoại giao tốt đẹp. Chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ với bất cứ nước nào có mối quan tâm tới quan hệ với chúng tôi.

SPIEGEL: Ông sẽ quan hệ với Hoa kỳ như thế nào?

Nguyễn Hữu Thọ: Hiệp chủng quốc Hoa kỳ có trách nhiệm tuân thủ điều 1 và điều 4 hiệp định Paris, có trách nhiệm tôn trọng quyền căn bản của dân tộc Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ngoài ra họ có trách nhiệm hàn gắn những vết thương chiến tranh do chính họ gây ra như điều 21 hiệp định đã ghi rõ. Chúng tôi lên án những người Hoa kỳ nào không chấp nhận rút ra bài học từ những chính sách sai lầm của họ. Những người đó trước sau như một họ vẫn có lòng thù hận với Việt Nam, với nhân dân ba nước Đông Dương, đi ngược lại nguyện vọng của chính nhân dân Hoa Kỳ.


SPIEGEL: Chính quyền cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam đối xử ra sao với những người Việt Nam đã bỏ trốn ra nước ngoài, đặc biệt là qua Hoa kỳ ?

Nguyễn Hữu Thọ: Thời điểm trước khi Hoa kỳ rút quân ra khỏi miền nam Việt Nam họ đã phát động nhiều chiến dịch cưỡng bức di tản ở Sài Gòn và nhiều thành phố lớn khác ở miền nam. Mục tiêu của họ nhằm gây hoang mang cho người dân, làm giảm uy tín của chính quyền cách mạng, chuẩn bị tất cả về người cũng như về của nhằm kéo dài cuộc chiến. Rất may mắn Huế, Đà Nẵng, đặc biệt là Sài Gòn đã được giải phóng nhanh hơn sự tính toán của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng rất không may Hoa Kỳ vẫn kịp biến hàng chục ngàn người Việt Nam trở thành nạn nhân của họ và rời khỏi Việt Nam.
Hoa Kỳ đã đưa ra những thứ tuyên truyền khủng khiếp vô lý nhất, vậy mà nhiều người Việt Nam vẫn có thể tin họ.
Ở đây tôi đề cập tới việc Hoa Kỳ nói rằng sẽ có tắm máu. Hay là việc họ nói chúng tôi sẽ cưỡng bức các cô gái trẻ phải cưới các thương binh của chúng tôi làm chồng và nhiều người tin là thật.
Chính vì thế chúng tôi rất thông cảm với những người đã phải bỏ nước ra đi vì khi ấy tình trạng của họ cũng không sáng sủa là mấy. Nhất là khi cuộc sống của họ đương lúc khó khăn, đói và thất nghiệp.
Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tình trạng khổ sở của những người dân của chúng tôi chạy ra nước ngoài hiện nay.

SPIEGEL: Thưa ông chủ tịch. Năm 1961 sau khi ông trốn khỏi nhà tù và đi vào hoạt động bí mật. Ngày ấy ông tưởng tượng về tương lai sau này của mình ra sao?

Nguyễn Hữu Thọ: Ngày đó tôi cảm giác như không hề có lối thoát! Làm sao chúng tôi có thể đối chọi lại một nước Hoa Kỳ hùng mạnh về cả kinh tế lẫn quân sự? Chúng tôi chỉ biết rằng, cuộc chiến sẽ kéo dài nhưng chúng tôi nhất định thắng lợi. Vũ khí chúng tôi thua xa đối phương. Trong suốt cả cuộc chiến, trừ thời điểm chót, tỷ lệ 3/1 vẫn luôn nghiêng về phía Hoa Kỳ vô cùng bất lợi cho chúng tôi. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép Hoa Kỳ được đảo ngược lại bánh xe lịch sử. Hoa Kỳ và chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu đã gây ra cuộc chiến này và cũng vì cuộc chiến này họ đã mất tất cả.

SPIEGEL: Thưa ông chủ tịch, cảm ơn ông về buổi phỏng vấn hôm nay.

(Theo blog Karel Phùng)

Bài liên quan

Tư liệu 6921215325979307554

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item