Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản

Friedrich Engels (1820-1895)
Năm 1847, Friedrich Engels viết 2 chương trình dự thảo dưới dạng tài liệu giáo lý cho Liên đoàn cộng sản là: Những nguyên lý của CNCS (Principles of Communism) và Dự thảo lời tuyên thệ của người cộng sản (Draft of the Communist Confession of Faith). Bài viết dưới đây giới thiệu với các bạn nội dung của cuốn "Những nguyên lý của CNCS", một cẩm nang dạng "những câu hỏi thường gặp (FAQ)" về chủ nghĩa cộng sản.


☼☼☼

Câu hỏi thứ 1: Chủ nghĩa cộng sản là gì?

Trả lời: Chủ nghĩa cộng sản là học thuyết về những điều kiện giải phóng giai cấp vô sản.


Câu hỏi thứ 2: Giai cấp vô sản là gì?

Trả lời: Giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp những người vô sản là giai cấp lao động trong thế kỷ XIX.


Câu hỏi thứ 3: Phải chăng như vậy có nghĩa là: không phải lúc nào cũng có những người vô sản?

Trả lời: Đúng thế, không phải lúc nào cũng có những người vô sản. Các giai cấp nghèo đói và lao động thì lúc nào cũng có và thường thường thì các giai cấp lao động sống trong cảnh nghèo đói. Nhưng những người nghèo đói, những công nhân sống trong những điều kiện vừa kể trên, tức là những người vô sản, thì không phải lúc nào cũng có, cũng như không phải lúc nào cạnh tranh cũng là hoàn toàn tự do và không hạn chế.


Câu hỏi thứ 4: Giai cấp vô sản đã ra đời như thế nào?

Trả lời: Giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra; cuộc cách mạng này xảy ra ở Anh vào nửa sau của thế kỷ trước, và sau đó tái diễn ở tất cả các nước văn minh trên thế giới. Sở dĩ có cuộc cách mạng đó, là do có sự phát minh ra máy hơi nước, các thứ máy kéo sợi, máy dệt và hàng loạt những thiết bị máy móc khác. Những máy móc đó - rất đắt và vì vậy chỉ có những nhà tư bản lớn mới có thể dùng được- làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất tồn tại từ trước tới nay và loại những người công nhân cũ, vì hàng hóa do máy móc sản xuất ra thì rẻ hơn và tốt hơn so với hàng hóa do công nhân sản xuất bằng xa kéo sợi và khung cửi dệt vải không hoàn thiện của mình. Bằng cách đó, những máy móc đó đã trao toàn bộ công nghiệp vào tay các nhà tư bản lớn và hoàn toàn làm giảm giá trị số tài sản nhỏ bé không đáng kể thuộc về công nhân (công cụ, khung cửi, v.v.), thành thử chẳng bao lâu, các nhà tư bản đã nắm hết thảy mọi cái vào tay mình, còn công nhân thì không còn gì nữa. Từ đó, trong ngành sản xuất vải, bắt đầu thực hiện chế độ công xưởng. - Một khi đã có đà để áp dụng máy móc và chế độ công xưởng thì chế độ đó liền lan tràn nhanh chóng trong tất cả các ngành công nghiệp khác, nhất là trong ngành in vải, in sách, sản xuất đồ gốm và sản xuất những sản phẩm bằng kim loại. Lao động ngày càng được phân công rộng rãi giữa công nhân với nhau, thành thử người công nhân trước đây một mình làm trọn cả một công việc thì nay chỉ làm một bộ phận công việc. Sự phân công lao động đó làm cho người ta có thể sản xuất nhanh chóng hơn, do đó cũng rẻ hơn. Nó làm cho hoạt động của mỗi người công nhân chỉ còn là một động tác rất đơn giản, thường xuyên lặp đi lặp lại, có tính chất máy móc nào đó, một động tác có thể tiến hành bằng máy mà vẫn mang lại kết quả giống như trước và thậm chí còn tốt hơn trước rất nhiều. Bằng cách ấy, tất cả các ngành công nghiệp đó đã lần lượt chịu sự khống chế của hơi nước, của máy móc và của chế độ công xưởng, hoàn toàn giống như tình hình đã xảy ra trong ngành kéo sợi và dệt vải. Nhưng do đó, tất cả các ngành công nghiệp ấy đã hoàn toàn chuyển vào tay các nhà tư bản lớn, còn công nhân thì ở đây, cũng lại mất hết mọi tàn dư cuối cùng của sự độc lập của họ. Dần dần chế độ công xưởng đã mở rộng được sự thống trị của nó không những vào trong công trường thủ công (theo đúng nghĩa công trường thủ công) mà cũng đã ngày càng mở rộng được sự thống trị của nó vào cả trong thủ công nghiệp nữa, vì trong lĩnh vực này, các nhà tư bản lớn ngày càng chèn lấn được những người thợ cả hạng nhỏ, xây dựng nên những xưởng to lớn ở đó có thể tiết kiệm được nhiều thứ chi phí và tiến hành phân công lao động tỉ mỉ. Kết quả là hiện nay, chúng ta thấy là trong các nước văn minh, việc sản xuất bằng công xưởng đã được xác lập trong hầu hết tất cả các ngành lao động, và trong hầu hết tất cả các ngành đó, thủ công nghiệp và công trường thủ công đều bị đại công nghiệp chèn lấn. - Vì vậy tầng lớp trung gian trước đây, nhất là những người thợ cả thủ công hạng nhỏ, ngày càng phá sản; địa vị trước đây của người sản xuất đã hoàn toàn thay đổi và hai giai cấp mới được tạo ra dần dần cuốn hút tất cả các giai cấp khác vào hàng ngũ của mình. Hai giai cấp đó là:

I. Giai cấp những nhà tư bản lớn. Hiện nay, trong tất cả các nước văn minh, hầu như họ là những người độc chiếm mọi tư liệu sinh hoạt và cả nguyên liệu, công cụ (máy móc, công xưởng, v.v.) cần thiết để sản xuất ra những tư liệu đó. Đó là giai cấp những người tư sản hay giai cấp tư sản.

II. Giai cấp những người hoàn toàn không có của. Do tình hình như trên nên họ buộc phải bán lao động của mình cho nhà tư sản để đổi lấy những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống của mình. Giai cấp đó gọi là giai cấp những người vô sản hay giai cấp vô sản.


Câu hỏi thứ 5: Những người vô sản bán lao động cho nhà tư sản trong những điều kiện như thế nào?

Trả lời: Lao động cũng là một thứ hàng hóa giống như mọi thứ hàng hóa khác, giá cả của nó cũng tuân theo những quy luật quyết định giá cả của mọi thứ hàng hóa khác. Dưới sự thống trị của đại công nghiệp hay của cạnh tranh tự do - dưới đây chúng ta sẽ thấy đại công nghiệp và cạnh tranh tự do chỉ là một - giá cả của hàng hóa tính trung bình thì bao giờ cũng ngang với chi phí sản xuất ra hàng hóa đó. Do đó, giá cả của lao động cũng ngang với chi phí sản xuất ra lao động, mà chi phí sản xuất ra lao động thì gồm có số lượng tư liệu sinh hoạt cần thiết để người công nhân có thể duy trì năng lực lao động của mình và để cho giai cấp công nhân khỏi bị diệt vong. Người công nhân khi trao đổi lao động của mình, không thể nhận được nhiều hơn số cần thiết cho mục đích đó; do đó giá cả lao động hay tiền lương sẽ hết sức thấp, nó là một mức tối thiểu cần thiết để duy trì đời sống. Nhưng vì tình hình có khi tốt khi xấu nên công nhân có khi lĩnh được nhiều và có khi lĩnh được ít, hoàn toàn giống như người chủ xưởng bán hàng hóa khi thì thu được nhiều khi thì thu được ít. Nếu tính trung bình tất cả những lúc tốt lúc xấu lại thì người chủ xưởng tuy vậy, khi bán hàng, vẫn thu được một số tiền không nhiều hơn cũng không ít hơn chi phí sản xuất; người công nhân cũng thế, tính trung bình thì cũng thu được một số tiền không nhiều hơn cũng không ít hơn mức tối thiểu nói trên. Đại công nghiệp càng chiếm địa vị thống trị trong tất cả các ngành lao động thì quy luật kinh tế đó của tiền lương càng được thực hiện một cách chặt chẽ.


Câu hỏi thứ 6: Trước khi có cách mạng công nghiệp, đã từng có những giai cấp lao động nào?

Trả lời: Tùy theo các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội mà các giai cấp lao động sống trong những điều kiện khác và có địa vị khác, so với các giai cấp có của chiếm địa vị thống trị. Trong thời cổ, những người lao động là nô lệ của người chủ, giống như ngày nay họ còn là nô lệ ở nhiều nước lạc hậu và thậm chí cả ở miền Nam nước Mỹ nữa. Trong thời trung cổ, họ là nông nô của bọn chúa đất quý tộc, giống như hiện nay họ còn là nông nô ở Hung-ga-ri, Ba Lan và Nga. Ngoài ra, vào thời trung cổ và cho đến cách mạng công nghiệp, trong các thành thị còn có những người thợ thủ công làm việc cho những người thợ cả tiểu thị dân; nhưng cùng với sự phát triển của công trường thủ công thì dần dần xuất hiện những công nhân công trường thủ công do các nhà tư bản lớn hơn thuê mướn.


Câu hỏi thứ 7: Người vô sản khác người nô lệ ở chỗ nào?

Trả lời: Người nô lệ bị bán đi chỉ một lần thôi, còn người vô sản thì tự bán mình từng ngày, từng giờ. Mỗi người nô lệ là tài sản của người chủ nhất định, và do lợi ích của người chủ đó, nên sinh hoạt của người nô lệ được bảo đảm, dù sinh hoạt đó có cùng cực đến thế nào chăng nữa. Còn người vô sản thì có thể nói họ là tài sản của toàn bộ giai cấp tư sản. Lao động của họ chỉ có thể bán được, khi nào có người cần đến, nên sinh hoạt của họ không được bảo đảm. Chỉ có sinh hoạt của toàn bộ giai cấp vô sản là được bảo đảm thôi. Người nô lệ đứng ngoài cạnh tranh, còn người vô sản thì sống trong điều kiện của cạnh tranh và chịu ảnh hưởng của tất cả những sự biến động của cạnh tranh. Người nô lệ bị coi là một thứ đồ vật, chứ không phải là thành viên của xã hội công dân. Người vô sản được thừa nhận là một cá nhân, một thành viên của xã hội công dân. Do đó, tuy người nô lệ có thể có sinh hoạt dễ chịu hơn người vô sản, nhưng người vô sản thuộc về một xã hội có trình độ phát triển cao hơn, và bản thân họ cũng ở trình độ cao hơn người nô lệ. Người nô lệ muốn tự giải phóng thì trong số tất cả các quan hệ tư hữu, chỉ cần tiêu diệt một quan hệ nô lệ thôi và chỉ khi đó họ mới trở thành người vô sản; còn người vô sản chỉ có thể tự giải phóng được, sau khi đã tiêu diệt chế độ tư hữu nói chung.


Câu hỏi thứ 8: Người vô sản khác người nông nô ở chỗ nào?

Trả lời: Người nông nô có và được sử dụng công cụ sản xuất, một mảnh ruộng nhỏ và muốn thế họ phải nộp một phần thu nhập của mình hay phải làm một số công việc. Còn người vô sản thì làm việc bằng những công cụ sản xuất của người khác, để làm lợi cho người khác đó, và nhận được một phần thu nhập. Người nông nô phải đem nộp, còn người vô sản thì lại được lĩnh về. Sinh hoạt của người nông nô được bảo đảm, sinh hoạt của người vô sản không được bảo đảm. Người nông nô đứng ngoài cạnh tranh, còn người vô sản thì sống trong những điều kiện của cạnh tranh. Người nông nô tự giải phóng hoặc là bằng cách bỏ chạy ra thành thị và trở thành người thợ thủ công ở đó, hoặc là nộp tiền cho địa chủ để khỏi phải làm lao dịch hay khỏi phải nộp sản phẩm, và do đó trở thành người lĩnh canh tự do, hoặc là bằng cách đánh đuổi bọn chúa phong kiến và chính mình trở thành người tư hữu. Nói tóm lại, họ tự giải phóng bằng cách gia nhập như thế nào đó vào hàng ngũ giai cấp hữu sản, và đi vào cạnh tranh. Còn người vô sản thì tự giải phóng bằng cách tiêu diệt cạnh tranh, chế độ tư hữu và mọi sự khác nhau về giai cấp.


Câu hỏi thứ 9: Người vô sản khác người thợ thủ công ở chỗ nào?

Trả lời: Trái với vô sản, các thợ thủ công - như họ vẫn tồn tại gần như ở khắp mọi nơi trong thế kỷ trước (mười tám) và vẫn còn tồn tại ngày nay - là một giai cấp vô sản tạm thời. Mục tiêu của họ là có được tư bản bằng cách bóc lột các công nhân khác. Họ thường có thể đạt được mục tiêu khi mà phường hội vẫn còn tồn tại hoặc ở những nơi mà sự tự do đến từ sự thu hẹp của phường hội chưa dẫn tới việc áp dụng các phương pháp sản xuất công nghiệp vào các nghề thủ công và cũng chưa dẫn tới cạnh tranh khốc liệt. Nhưng ngay khi hệ thống công nghiệp hóa đã được đi vào các nghề thủ công và mở màn cạnh tranh đầy đủ, viễn cảnh trên lập tức suy tàn và thợ thủ công trở nên vô sản và vô sản hơn nữa! Các thợ thủ công do đó giải phóng mình bằng cách trở thành hoặc là tư sản, hoặc gia nhập tầng lớp trung lưu nói chung, hoặc trở thành vô sản vì cạnh tranh (như là phần lớn các trường hợp hiện nay). Trong trường hợp anh ta có thể tự giải phóng mình bằng cách tham gia các phong trào vô sản, tức là đã ít nhiều giác ngộ chủ nghĩa cộng sản.


Câu hỏi thứ 10: Người vô sản khác công nhân công trường thủ công ở chỗ nào?

Trả lời: Công nhân công trường thủ công thế kỷ XVI - XVIII, ở hầu khắp mọi nơi, đều còn có công cụ sản xuất như: khung cửi dệt vải, xa kéo sợi cho gia đình mình, và một mảnh đất nhỏ mà người đó trồng trọt trong những lúc rỗi việc. Người vô sản thì không có gì hết. Công nhân công trường thủ công hầu như luôn luôn sinh sống ở nông thôn và có ít nhiều quan hệ có tính chất gia trưởng với địa chủ hay người giao việc. Người vô sản phần nhiều sống ở các thành thị lớn và liên hệ với người giao việc bởi những quan hệ thuần túy tiền tệ. Đại công nghiệp kéo người công nhân công trường thủ công ra khỏi những điều kiện gia trưởng của họ; họ mất hết mọi tài sản cuối cùng của họ và chỉ khi đó họ mới trở thành người vô sản.


Câu hỏi thứ 11: Cách mạng công nghiệp và sự phân chia xã hội thành tư sản và vô sản đã mang lại những hậu quả trước mắt gì?

Trả lời:
Thứ nhất, vì lao động bằng máy móc ngày càng giảm được giá hàng công nghiệp, nên ở trong tất cả các nước trên thế giới, hệ thống công trường thủ công trước kia hay hệ thống công nghiệp xây dựng trên cơ sở lao động thủ công đều bị phá hoại hoàn toàn. Do đó, tất cả những nước nửa dã man - những nước mà đến tận nay vẫn còn ít nhiều đứng ngoài lề sự phát triển của lịch sử, những nước mà công nghiệp vẫn còn dựa trên cơ sở công trường thủ công - đều buộc phải tách khỏi tình trạng biệt lập của mình. Những nước ấy bắt đầu mua của người Anh những hàng hóa rẻ hơn và làm cho công nhân công trường thủ công của mình phải phá sản. Như vậy là những nước mà trong hàng chục thế kỷ không hề tiến bộ, như Ấn Độ chẳng hạn, thì nay cũng trải qua một cuộc cách mạng hoàn toàn, và thậm chí cả Trung Quốc ngày nay cũng đang đi đến cách mạng. Đã có tình hình là một chiếc máy mới, ngày hôm nay được phát minh ra ở Anh, một năm sau sẽ cướp mất bát cơm của hàng triệu công nhân ở Trung Quốc. Như vậy là nền đại công nghiệp đã gắn liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, đã thống nhất tất cả các thị trường địa phương nhỏ bé thành một thị trường toàn thế giới, đã chuẩn bị cơ sở, ở khắp nơi, cho văn minh và tiến bộ, đã làm cho tất cả những cái gì xảy ra trong các nước văn minh đều có ảnh hưởng đến tất cả các nước khác; thành thử, nếu như hiện nay, ở Anh hay ở Pháp công nhân tự giải phóng được thì việc đó sẽ gây nên cách mạng ở trong tất cả các nước khác, những cuộc cách mạng này sớm hay muộn cũng sẽ giải phóng cho công nhân ở các nước đó.

Thứ hai, ở tất cả những nơi mà đại công nghiệp đã thay thế cho công trường thủ công thì cách mạng công nghiệp làm tăng thêm rất nhiều của cải và thế lực của giai cấp tư sản, làm cho nó trở thành giai cấp thứ nhất trong nước. Kết quả là ở tất cả những nơi đã xảy ra quá trình đó, giai cấp tư sản đều nắm được chính quyền trong tay và gạt bỏ được những tầng lớp trước đó vẫn giữ quyền thống trị: tầng lớp quý tộc, thị dân phường hội và giới quân chủ chuyên chế, đại biểu cho hai tầng lớp đó. Giai cấp tư sản đã thủ tiêu được quyền lực của tầng lớp quý tộc, quý phái, sau khi đã bãi bỏ quyền kế thừa của con cả hay quyền chiếm hữu ruộng đất bất di bất dịch, sau khi đã thủ tiêu mọi đặc quyền của quý tộc. Nó đã phá tan thế lực của thị dân phường hội, sau khi đã thủ tiêu mọi phường hội và mọi đặc quyền của thợ thủ công. Để thay thế những cái đó, nó đề ra tự do cạnh tranh, tức là một trạng thái xã hội trong đó mỗi người đều có quyền kinh doanh bất cứ một ngành công nghiệp nào, hơn nữa không có cái gì có thể ngăn cản được họ kinh doanh, trừ phi họ không có tư bản cần cho việc đó. Như vậy, tiến hành cạnh tranh tự do thì cũng giống như công khai tuyên bố rằng từ nay trở đi, mọi người trong xã hội sẽ chỉ không bình đẳng với nhau chừng nào mà tư bản của họ không ngang bằng nhau, rằng tư bản đã trở thành một lực lượng quyết định và do đó mà các nhà tư bản, tư sản, trở thành giai cấp thứ nhất trong xã hội. Nhưng cạnh tranh tự do là tất yếu đối với thời kỳ phát triển ban đầu của đại công nghiệp, vì cạnh tranh tự do là một trạng thái xã hội duy nhất trong đó đại công nghiệp có thể phát triển.- Tiêu diệt thế lực xã hội của tầng lớp quý tộc và tầng lớp thị dân phường hội bằng cách đó, giai cấp tư sản cũng đã tiêu diệt luôn cả chính quyền của hai tầng lớp đó. Sau khi trở thành giai cấp thứ nhất trong xã hội, giai cấp tư sản tự tuyên bố mình là giai cấp thứ nhất cả trong lĩnh vực chính trị. Nó làm việc đó bằng cách, thi hành chế độ đại nghị là chế độ xây dựng trên cơ sở sự bình đẳng tư sản trước pháp luật, trên cơ sở thừa nhận bằng pháp luật sự cạnh tranh tự do. Chế độ đó được áp dụng ở các nước châu Âu dưới hình thức quân chủ lập hiến. Trong chế độ quân chủ lập hiến, ai có một số tư bản nhất định, tức là chỉ có các nhà tư sản, mới được hưởng quyền bầu cử. Những cử tri tư sản đó bầu ra đại biểu, rồi những đại biểu tư sản đó - có quyền không phải nộp thuế - bầu ra chính phủ tư sản.

Thứ ba, ở khắp nơi, cách mạng công nghiệp đều thúc đẩy giai cấp vô sản phát triển theo cùng một tốc độ phát triển của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản càng giàu bao nhiêu thì giai cấp vô sản càng trở nên đông đúc bấy nhiêu. Vì chỉ tư bản mới có thể đem lại việc làm cho những người vô sản, và vì tư bản chỉ có thể tăng thêm khi sử dụng lao động, cho nên tư bản lớn lên bao nhiêu thì giai cấp vô sản cũng lớn lên bấy nhiêu. Đồng thời cách mạng công nghiệp tập trung tư sản và vô sản vào các thành thị lớn, ở đó sự phát triển công nghiệp là có lợi hơn cả, và sự tập trung đông đảo quần chúng vào một chỗ như vậy làm cho vô sản nhận thức được sức mạnh của mình. Sau đó, cách mạng công nghiệp mà phát triển bao nhiêu, những máy mới thay thế được lao động thủ công được tiếp tục phát minh ra bao nhiêu thì đại công nghiệp ngày càng gây áp lực đối với tiền lương bấy nhiêu và, như chúng tôi đã nói, càng giảm tiền lương xuống đến mức tối thiểu, khiến cho tình cảnh của giai cấp vô sản ngày càng trở nên không sao chịu nổi. Tóm lại, một mặt do sự bất mãn của giai cấp vô sản ngày càng tăng, mặt khác do sức mạnh của giai cấp vô sản ngày càng lớn cho nên cách mạng công nghiệp chuẩn bị điều kiện cho cuộc cách mạng xã hội mà giai cấp vô sản sẽ tiến hành.


Câu hỏi thứ 12: Cách mạng công nghiệp còn mang lại những hậu quả gì thêm nữa?

Trả lời: Đại công nghiệp đã tạo nên những phương tiện như máy hơi nước và các máy móc khác cho phép trong một thời gian ngắn có thể tăng thêm sản xuất công nghiệp một cách vô hạn mà chi phí lại không nhiều. Nhờ dễ dàng mở rộng sản xuất như vậy, nên chẳng bao lâu cạnh tranh tự do - hậu quả tất nhiên của nền đại công nghiệp đó - có tính chất đặc biệt gay gắt; đông đảo các nhà tư bản đổ xô vào công nghiệp, và chẳng bao lâu người ta sản xuất ra nhiều hơn là tiêu dùng. Kết quả là những hàng hóa đã sản xuất ra, không thể bán được, và xảy ra cái gọi là khủng hoảng thương nghiệp. Công xưởng phải đóng cửa, chủ xưởng bị phá sản và công nhân không có cơm ăn. Khắp nơi, diễn ra cảnh nghèo đói khủng khiếp. Qua một thời gian nhất định, những sản phẩm thừa được bán hết, công xưởng lại bắt đầu làm việc, tiền lương được tăng lên, và tình hình dần dần đi đến chỗ tốt hơn bao giờ hết. Nhưng được ít lâu, vì chẳng mấy nỗi lại sản xuất ra quá nhiều hàng hóa, nên lại xảy ra một cuộc khủng hoảng mới hoàn toàn giống như trước. Như vậy là bắt đầu từ thế kỷ này, công nghiệp luôn luôn trải qua những sự biến động, lúc thì phồn vinh, lúc thì khủng hoảng, và hầu như cứ cách năm - bảy năm một, lại đều đặn xảy ra một cuộc khủng hoảng như vậy; hơn nữa, cứ mỗi lần bùng nổ, là khủng hoảng lại gây ra những tai họa hết sức to lớn trong công nhân, lại thức tỉnh tinh thần cách mạng ở khắp nơi và gây một mối nguy rất lớn cho toàn bộ chế độ đương thời.
Giống hai anh em không?
Câu hỏi thứ 13: Từ những cuộc khủng hoảng thương nghiệp tái diễn đều đặn đó, có thể rút ra những kết luận gì?

Trả lời:
Thứ nhất, mặc dù đại công nghiệp đã tự mình tạo ra cạnh tranh tự do trong giai đoạn phát triển ban đầu của nó, nhưng hiện nay nó đã vượt quá cạnh tranh tự do; cạnh tranh và nói chung việc những cá nhân riêng lẻ tiến hành sản xuất công nghiệp đã trở thành xiềng xích trói buộc đại công nghiệp, những xiềng xích mà đại công nghiệp phải phá tan và sẽ phá tan được; đại công nghiệp, khi còn được tiến hành trên những cơ sở hiện nay, thì không thể tồn tại mà lại không đưa tới tình trạng rối loạn chung cứ bảy năm lại tái diễn, và mỗi một lần rối loạn như thế, lại đe dọa toàn bộ nền văn minh và không những ném những người vô sản vào cảnh nghèo xác xơ mà còn làm cho nhiều nhà tư sản bị phá sản; do đó, hoặc phải từ bỏ đại công nghiệp - đó là điều tuyệt đối không thể được -, hoặc phải thừa nhận rằng đại công nghiệp làm cho việc xây dựng một tổ chức xã hội hoàn toàn mới trở thành một việc tuyệt đối cần thiết, một tổ chức xã hội mới trong đó việc lãnh đạo sản xuất công nghiệp không phải do từng chủ xưởng riêng lẻ cạnh tranh với nhau thực hiện nữa, mà là do toàn thể xã hội thực hiện theo một kế hoạch vững chắc và phù hợp với nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội.

Thứ hai, đại công nghiệp và khả năng mở rộng sản xuất một cách vô hạn do nó tạo ra, sẽ cho phép xây dựng một chế độ xã hội, trong đó tất cả mọi vật phẩm cần cho đời sống sẽ được sản xuất ra nhiều đến nỗi mỗi thành viên trong xã hội đều có thể hoàn toàn tự do phát triển và sử dụng mọi lực lượng và năng lực của mình. Cho nên, cái tính chất của đại công nghiệp, trong xã hội hiện thời, là đẻ ra mọi sự nghèo đói và mọi cuộc khủng hoảng thương nghiệp, thì đến một chế độ xã hội khác, chính tính chất ấy lại trở thành tính chất thủ tiêu sự nghèo khổ đó và những sự biến động đem lại tai họa đó.

Như vậy là ta có thể chứng minh một cách hoàn toàn rõ ràng rằng:

1) hiện nay, tất cả mọi tai họa đó đều chỉ do cái chế độ xã hội không còn phù hợp với điều kiện của thời đại nữa, gây ra

2) người ta đã có phương tiện để thủ tiêu triệt để những tai họa đó bằng cách xây dựng nên một chế độ xã hội mới.


Câu hỏi thứ 14: Chế độ xã hội mới đó phải như thế nào?

Trả lời: Trước hết, việc quản lý công nghiệp và tất cả các ngành sản xuất nói chung sẽ không còn nằm trong tay của cá nhân riêng lẻ cạnh tranh với nhau nữa. Trái lại, tất cả các ngành sản xuất sẽ do toàn thể xã hội quản lý, tức là sẽ được tiến hành vì lợi ích chung, theo một kế hoạch chung và với sự tham gia của tất cả mọi thành viên trong xã hội. Như vậy, chế độ xã hội mới đó sẽ tiêu diệt cạnh tranh và thay cạnh tranh bằng hợp tác. Vì việc từng cá nhân riêng lẻ kinh doanh công nghiệp đem lại hậu quả tất yếu là chế độ tư hữu, và vì cạnh tranh không phải là một cái gì khác mà là một phương thức kinh doanh công nghiệp khi công nghiệp do những người tư hữu riêng lẻ quản lý, cho nên chế độ tư hữu không thể tách rời việc cá nhân kinh doanh công nghiệp và tách rời cạnh tranh được. Do đó, chế độ tư hữu cũng phải được thủ tiêu và phải được thay bằng việc sử dụng chung tất cả mọi công cụ sản xuất và việc phân phối sản phẩm theo sự thỏa thuận chung, tức là bằng cái mà người ta gọi là sự cộng đồng về tài sản. Thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội; việc cải tạo này là kết quả tất yếu của sự phát triển của công nghiệp. Cho nên, những người cộng sản hoàn toàn đúng khi đề ra việc thủ tiêu chế độ tư hữu thành yêu cầu chủ yếu của mình.


Câu hỏi thứ 15: Phải chăng như vậy có nghĩa là trước đây, không thể thủ tiêu được chế độ tư hữu?

Trả lời: Đúng trước đây không thể thủ tiêu được chế độ tư hữu. Bất cứ một sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên những lực lượng sản xuất mới, không còn phù hợp với các quan hệ sở hữu cũ nữa. Bản thân chế độ tư hữu cũng đã ra đời như vậy. Vấn đề là ở chỗ không phải khi nào cũng có chế độ tư hữu; vào cuối thời trung cổ, khi phương thức sản xuất mới - không chứa nổi trong khuôn khổ của chế độ sở hữu phong kiến và phường hội lúc bấy giờ - xuất hiện dưới hình thức công trường thủ công thì công trường thủ công đã vượt quá quan hệ sở hữu cũ, tạo ra cho nó một hình thức sở hữu mới, - chế độ tư hữu. Đối với công trường thủ công và đối với giai đoạn phát triển ban đầu của đại công nghiệp, không thể có hình thức sở hữu nào khác ngoài quyền tư hữu, không thể có chế độ xã hội nào khác ngoài chế độ xã hội xây dựng trên cơ sở tư hữu. Chừng nào chưa thể sản xuất với một quy mô có thể không những đủ cung cấp cho mọi người mà còn có thừa sản phẩm để tăng thêm tư bản xã hội và tiếp tục phát triển lực lượng sản xuất hơn nữa, thì chừng đó, luôn luôn còn phải có một giai cấp thống trị chi phối lực lượng sản xuất của xã hội, và một giai cấp khác nghèo đói, bị áp bức. Đó là những giai cấp nào, điều này là tùy ở trình độ phát triển của sản xuất. Trong thời trung cổ, thời kỳ phụ thuộc vào nông nghiệp, chúng ta thấy có địa chủ và nông nô; trong các thành thị cuối thời trung cổ, có thợ cả phường hội, thợ phụ và thợ công nhật; trong thế kỷ XVII, có người chủ công trường thủ công và công nhân công trường thủ công; trong thế kỷ XIX, có chủ xưởng lớn và vô sản. Hoàn toàn rõ ràng là cho đến nay, lực lượng sản xuất vẫn chưa phát triển đến mức khiến cho có thể sản xuất đủ sản phẩm cho mọi người, và khiến cho chế độ tư hữu trở thành xiềng xích ngăn cản sự phát triển của các lực lượng sản xuất đó. Nhưng hiện nay, nhờ sự phát triển của đại công nghiệp, nên thứ nhất, tư bản và lực lượng sản xuất đã được tạo ra với quy mô chưa từng có, và người ta đã có phương tiện để, trong một thời gian ngắn, phát triển các lực lượng sản xuất đó một cách vô hạn. Thứ hai, các lực lượng sản xuất đó tập trung trong tay một số ít nhà tư sản, còn đông đảo quần chúng nhân dân thì ngày càng trở thành vô sản; hơn nữa, của cải của tư sản càng tăng thì tình cảnh của quần chúng nhân dân càng trở nên nghèo đói và không sao chịu nổi. Thứ ba, những lực lượng sản xuất mạnh mẽ dễ tăng thêm đó đã vượt quá chế độ tư hữu và nhà tư sản đến mức là nó luôn luôn gây ra những sự chấn động hết sức mạnh mẽ trong chế độ xã hội. Cho nên, chỉ có ngày nay, việc thủ tiêu chế độ tư hữu mới trở thành không những là điều có thể thực hiện được, mà thậm chí còn là điều hoàn toàn cần thiết.


Câu hỏi thứ 16: Có thể thủ tiêu chế độ tư hữu bằng biện pháp hòa bình được không?

Trả lời: Có thể mong muốn là sẽ làm được như vậy, và dĩ nhiên những người cộng sản sẽ là những người sau cùng trong số những người phản đối việc đó. Người cộng sản biết rất rõ rằng mọi hoạt động âm mưu đều không những vô ích mà thậm chí còn có hại nữa. Họ biết rất rõ rằng không thể làm cách mạng một cách theo ý định từ trước và tùy tiện, rằng ở đâu và bao giờ, cách mạng cũng là kết quả tất yếu của những hoàn cảnh hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn và sự lãnh đạo của các đảng phái riêng lẻ và của cả một giai cấp. Nhưng đồng thời họ thấy rằng sự phát triển của giai cấp vô sản trong hầu khắp tất cả các nước văn minh đều bị đàn áp bằng bạo lực, và đàn áp như vậy, tức là kẻ thù của những người cộng sản đã gắng hết sức làm việc cho cách mạng. Nếu tất cả những điều đó cuối cùng sẽ thúc đẩy giai cấp vô sản bị áp bức đứng lên làm cách mạng thì những người cộng sản chúng tôi lúc đó sẽ bảo vệ sự nghiệp của giai cấp vô sản bằng hành động, không kém gì bây giờ chúng tôi đang bảo vệ sự nghiệp đó bằng lời nói.


Câu hỏi thứ 17: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không?

Trả lời: Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu.


Câu hỏi thứ 18: Cuộc cách mạng đó sẽ diễn biến như thế nào?

Trả lời: Trước hết, nó tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản. Trực tiếp như ở Anh là nơi mà hiện nay vô sản đã chiếm đa số trong nhân dân; gián tiếp như ở Pháp và Đức là nơi mà đa số nhân dân không những gồm có vô sản mà còn gồm cả tiểu nông và tiểu tư sản thành thị là những người chỉ mới ở trong giai đoạn đang chuyển thành giai cấp vô sản, và trong việc thực hiện mọi quyền lợi chính trị của mình, đang ngày càng phụ thuộc vào giai cấp vô sản, do đó chẳng bao lâu, sẽ phải đồng ý với các yêu sách của giai cấp vô sản. Muốn thế, có lẽ cần phải có một cuộc đấu tranh mới nữa, song cuộc đấu tranh mới đó nhất định sẽ kết thúc bằng thắng lợi của giai cấp vô sản.

Đối với giai cấp vô sản, chế độ dân chủ sẽ trở nên hoàn toàn vô ích nếu nó không được dùng ngay lập tức làm phương tiện để thi hành những biện pháp rộng rãi trực tiếp đánh vào chế độ tư hữu và bảo đảm sự tồn tại của giai cấp vô sản. Những biện pháp chủ yếu nhất, tất yếu xuất phát từ những điều kiện hiện nay, là như sau:

1) Hạn chế quyền tư hữu: áp dụng thuế lũy tiến, đánh thuế cao vào tài sản kế thừa, xóa bỏ quyền kế thừa tài sản của những người họ hàng thân thuộc (anh em, cháu chắt, v.v.), cưỡng bức cho vay, v.v..

2) Dần dần tước đoạt bọn chiếm hữu ruộng đất, bọn chủ xưởng, bọn chủ đường sắt và bọn chủ tàu thủy, một phần bằng sự cạnh tranh của công nghiệp nhà nước, một phần trực tiếp bằng cách chuộc lại bằng tiền giấy.
3) Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ chạy trốn ra nước ngoài và những kẻ nổi loạn chống lại đa số nhân dân.

4) Tổ chức lao động hay giao công việc cho những người vô sản ở trong các nông trường quốc gia, nhà máy và công xưởng của quốc gia. Làm như vậy sẽ thủ tiêu được sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, và bọn chủ xưởng, nếu chúng còn tồn tại, sẽ buộc phải trả công cao như nhà nước.

5) Tất cả mọi người trong xã hội đều có nghĩa vụ lao động như nhau cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn chế độ tư hữu. Tổ chức những đội quân công nghiệp, nhất là đối với nông nghiệp.

6) Tập trung hệ thống tín dụng và việc buôn bán bằng tiền vào trong tay nhà nước bằng một ngân hàng quốc gia với vốn của nhà nước. Đóng cửa tất cả các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng của tư nhân.

7) Tùy theo sự tăng thêm vốn và tăng thêm số lượng công nhân của quốc gia, mà tăng thêm số lượng nhà máy, công xưởng, đường sắt, tàu bè của quốc gia, trồng trọt hết những ruộng đất còn bỏ hóa, cải tiến việc trồng trọt những ruộng đất đã trồng trọt.

8) Đối với tất cả các trẻ em, khi không cần đến sự chăm sóc của người mẹ nữa thì đưa các em vào giáo dục trong các cơ quan nhà nước và bằng sự đài thọ của nhà nước. Kết hợp việc giáo dục với lao động trong công xưởng.

9) Xây dựng những cung lớn trong những khu đất của nhà nước để làm chỗ ở chung cho các công xã công dân làm công nghiệp, nông nghiệp, kết hợp các mặt tốt của lối sống thành thị và lối sống nông thôn nhưng tránh tình trạng một chiều và thiếu sót của hai lối sống đó.

10) Phá bỏ tất cả những nhà ở và khu nhà ở không hợp vệ sinh và có chất lượng xây dựng kém ở thành thị.

11) Con trong và ngoài giá thú đều có quyền kế thừa tài sản như nhau.

12) Tập trung toàn bộ công việc vận tải vào trong tay nhà nước.

Cố nhiên không thể thi hành tất cả các biện pháp đó ngay trong một đợt, nhưng biện pháp này sẽ dẫn đến biện pháp khác. Chỉ cần tiến hành một cuộc tấn công triệt để đầu tiên vào chế độ tư hữu, là giai cấp vô sản sẽ ngày càng phải đi xa hơn nữa, ngày càng tập trung trong tay nhà nước toàn bộ tư bản, toàn bộ nông nghiệp, toàn bộ công nghiệp, toàn bộ vận tải và toàn bộ sự trao đổi. Tất cả các biện pháp kể trên sẽ dẫn đến chỗ đó. Mức độ thực hiện các biện pháp đó cũng như mức độ tập trung do các biện pháp đó đưa lại sẽ tăng lên đúng như mức độ các lực lượng sản xuất trong nước sẽ tăng lên nhờ lao động của giai cấp vô sản. Cuối cùng, khi toàn bộ tư bản, toàn bộ sản xuất, toàn bộ việc trao đổi đã tập trung vào trong tay nhà nước thì chế độ tư hữu sẽ tự nó tiêu vong, tiền tệ sẽ trở thành thừa, sản xuất sẽ tăng lên với mức độ như thế và con người sẽ thay đổi đến mức tất cả những hình thức cuối cùng của quan hệ xã hội cũ có thể biến mất đi.


Câu hỏi thứ 19: Cuộc cách mạng đó có thể xảy ra trong riêng một nước nào đó không?

Trả lời: Không. Đại công nghiệp do đã tạo nên thị trường thế giới nên đã nối liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, khiến cho mỗi một dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác. Sau nữa, đại công nghiệp đã san bằng sự phát triển xã hội ở trong tất cả các nước văn minh, khiến cho ở khắp nơi, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở thành hai giai cấp có tác dụng quyết định trong xã hội và cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu của thời đại chúng ta. Vì vậy, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Trong mỗi một nước đó, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển nhanh hay chậm, là tùy ở chỗ nước nào trong những nước đó có công nghiệp phát triển hơn, tích lũy được nhiều của cải hơn và có nhiều lực lượng sản xuất hơn. Cho nên ở Đức, cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ thực hiện chậm hơn và khó khăn hơn, còn ở Anh thì nhanh hơn và dễ dàng hơn. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác trên thế giới, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn và thúc đẩy cực kỳ nhanh chóng tiến trình phát triển trước kia của các nước đó. Nó là một cuộc cách mạng có tính chất toàn thế giới và vì vậy nó sẽ có một vũ đài toàn thế giới.


Câu hỏi thứ 20: Xóa bỏ triệt để chế độ tư hữu thì sẽ đưa lại những kết quả gì?

Trả lời: Sẽ đưa lại những kết quả như sau: xã hội sẽ tước khỏi tay bọn tư bản tư nhân việc sử dụng tất cả mọi lực lượng sản xuất và mọi phương tiện giao dịch cũng như việc trao đổi và phân phối sản phẩm; xã hội sẽ quản lý tất cả những việc đó căn cứ theo kế hoạch đặt ra, căn cứ vào các nguồn lực lượng hiện có và vào nhu cầu của toàn xã hội; do đó mà tất cả những hậu quả tai hại gắn liền với chế độ quản lý đại công nghiệp hiện nay sẽ bị thủ tiêu trước hết. Khủng hoảng sẽ chấm dứt; nền sản xuất mở rộng gây nên sản xuất thừa, trong chế độ xã hội hiện nay, và là nguyên nhân to lớn của nạn nghèo đói thì khi đó sẽ tỏ ra hoàn toàn không đủ nữa và cần phải có quy mô rộng lớn hơn rất nhiều. Số sản xuất thừa, hiện nay vượt quá những nhu cầu cấp thiết nhất của xã hội, sau này sẽ không còn gây ra cảnh nghèo đói, mà sẽ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, sẽ làm nảy sinh những nhu cầu mới, đồng thời sẽ tạo nên những phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu mới đó. Nó sẽ là điều kiện và động cơ kích thích sự tiến bộ hơn nữa và nó sẽ thực hiện được sự tiến bộ đó mà không làm cho toàn bộ chế độ xã hội bị rối loạn từng thời kỳ một như trước kia nữa. Đại công nghiệp, thoát khỏi xiềng xích của chế độ tư hữu thì sẽ phát triển với những quy mô khiến cho đại công nghiệp hiện nay đem so sánh với đại công nghiệp ấy thì thật là nhỏ bé không đáng kể, giống như công trường thủ công so với đại công nghiệp của thời đại chúng ta vậy. Sự phát triển đó của công nghiệp sẽ làm cho xã hội có đủ sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội. Nông nghiệp cũng vậy, - trong nông nghiệp, do xiềng xích của chế độ tư hữu, do tình trạng phân tán của ruộng đất, nên rất khó áp dụng những sự cải tiến và những thành tựu của khoa học hiện có, - rồi đây cũng sẽ bước vào giai đoạn hoàn toàn mới, giai đoạn phồn vinh và sẽ cung cấp hoàn toàn đầy đủ sản phẩm cho xã hội. Như vậy là xã hội sẽ sản xuất ra đầy đủ sản phẩm để tổ chức việc phân phối nhằm thỏa mãn nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội. Do đó, tình trạng xã hội phân chia thành các giai cấp khác nhau, đối địch với nhau, sẽ trở nên thừa. Nhưng tình trạng đó không những trở nên thừa, mà thậm chí còn không thể tương dung được với chế độ xã hội mới nữa. Các giai cấp sở dĩ tồn tại là do có phân công lao động, nhưng hình thức phân công lao động hiện nay sẽ hoàn toàn mất hẳn, vì muốn nâng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp lên đến mức độ cao nói trên, mà chỉ có phương tiện cơ giới và hóa học phụ trợ thì không đủ. Còn cần phải phát triển một cách tương xứng năng lực của con người sử dụng những phương tiện đó nữa. Giống như trong thế kỷ trước, người nông dân và người công nhân công trường thủ công, sau khi được thu hút vào đại công nghiệp, đã thay đổi toàn bộ lối sống của họ và bản thân họ đã trở thành những con người hoàn toàn khác hẳn; hiện nay cũng vậy, việc tiến hành sản xuất tập thể bằng lực lượng của toàn xã hội và sự phát triển mới của nền sản xuất do việc đó mang lại, sẽ cần đến những con người hoàn toàn mới và sẽ tạo nên những con người mới đó. Những con người như hiện nay thì không thể tiến hành nền sản xuất mang tính chất xã hội được, vì mỗi một người đều bị phụ thuộc vào một ngành sản xuất nào đấy, bị cột chặt vào ngành sản xuất đó, bị ngành đó bóc lột, chỉ phát huy được một mặt của năng lực còn các mặt khác thì không phát huy được, vì chỉ biết có một ngành hay một bộ phận của ngành nào đấy trong toàn bộ nền sản xuất. Ngay nền công nghiệp hiện nay cũng ngày càng tỏ ra không thể sử dụng những con người như thế. Vậy thì nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất. Do đó, sự phân công lao động, hiện nay đã bị máy móc phá hoại, hiện nay đang biến người này thành nông dân, người kia thành thợ đóng giày, người thứ ba thành công nhân công xưởng, người thứ tư thành tên đầu cơ ở thị trường chứng khoán, thì sau này sẽ hoàn toàn không còn nữa. Công tác giáo dục sẽ làm cho những người trẻ tuổi có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tùy theo nhu cầu của xã hội hoặc tùy theo sở thích của bản thân họ. Do đó, công tác giáo dục sẽ làm cho họ thoát khỏi tình trạng một chiều mà sự phân công lao động hiện nay đang buộc mỗi một người phải theo. Như vậy là một xã hội tổ chức theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, sẽ làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình. Đồng thời các giai cấp khác nhau, nhất định cũng sẽ không còn nữa. Do đó, một mặt, xã hội tổ chức theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa sẽ không thể tương dung được với sự tiếp tục tồn tại của các giai cấp; mặt khác, bản thân sự xây dựng xã hội đó sẽ tạo nên phương tiện để thủ tiêu những sự khác nhau về giai cấp.
Vì vậy, sự đối lập giữa thành thị và nông thôn cũng sẽ không còn. Cũng những con người ấy sẽ làm cả lao động nông nghiệp lẫn lao động công nghiệp, chứ không cần phải giao hai công việc đó cho hai giai cấp khác nhau. Đó là điều kiện tất yếu của sự liên hợp cộng sản chủ nghĩa, sự liên hợp ấy là do những nguyên nhân hoàn toàn vật chất đưa đến. Tình trạng phân tán của dân cư làm nghề nông ở nông thôn, bên cạnh sự tập trung của dân cư làm công nghiệp ở các thành thị lớn, chỉ thích hợp với trình độ phát triển còn thấp của nông nghiệp và công nghiệp, tình trạng đó cản trở mọi sự phát triển hơn nữa; điều này hiện nay người ta đã cảm thấy rất rõ.

Sự liên hợp chung tất cả mọi thành viên trong xã hội nhằm mục đích cùng nhau khai thác lực lượng sản xuất một cách có kế hoạch; sự phát triển của sản xuất tới mức có thể thỏa mãn nhu cầu của mọi người; sự xóa bỏ tình trạng nhu cầu của số người này được thỏa mãn bằng cách hy sinh nhu cầu của số người khác, sự tiêu diệt hoàn toàn các giai cấp và những sự đối lập giữa các giai cấp đó; sự phát triển toàn diện năng lực của tất cả mọi thành viên trong xã hội bằng cách xóa bỏ lối phân công cũ, tiến hành giáo dục về sản xuất, thay đổi các hình thức hoạt động, làm cho mọi người đều được hưởng những của cải do tất cả mọi người sản xuất ra và cuối cùng bằng cách hòa hợp thành thị với nông thôn - đó là những kết quả chủ yếu nhất của việc thủ tiêu chế độ tư hữu.


Câu hỏi thứ 21: Chế độ xã hội cộng sản sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến gia đình?

Trả lời: Quan hệ nam nữ sẽ trở thành một công việc hoàn toàn tư nhân, chỉ thuộc về những người hữu quan và xã hội không cần phải can thiệp vào. Điều đó có thể có được nhờ việc thủ tiêu chế độ tư hữu và nhờ công tác giáo dục của xã hội đối với thanh niên, kết quả là sẽ tiêu diệt được hai cơ sở của hôn nhân hiện tại gắn liền với chế độ tư hữu: vợ phụ thuộc vào chồng, con phụ thuộc vào cha mẹ. Đây cũng là một sự trả lời lại tiếng kêu la om sòm của những tên tiểu tư sản lên mặt đạo đức nói đến sự cộng thê của chủ nghĩa cộng sản. Cộng thê là một hiện tượng hoàn toàn thuộc về xã hội tư sản và hiện nay đang biểu hiện rất đầy đủ dưới hình thức mại dâm. Nhưng mại dâm là xây dựng trên chế độ tư hữu và sẽ mất đi cùng với chế độ tư hữu. Do đó, tổ chức cộng sản chủ nghĩa không những không đưa lại sự cộng thê mà trái lại còn tiêu diệt sự cộng thê.


Câu hỏi thứ 22: Tổ chức cộng sản sẽ có thái độ như thế nào đối với các dân tộc hiện đương tồn tại?

Trả lời: Các dân tộc, quốc gia cùng hòa nhập dựa theo các nguyên tắc cộng đồng sẽ bị sự kết hợp này ép buộc hợp nhất với nhau và do đó loại bỏ chính chúng như là những khác biệt giữa các đẳng cấp và giai cấp biến mất thông qua xóa bỏ tư hữu.


Câu hỏi thứ 23: Nó sẽ có thái độ như thế nào đối với các tôn giáo hiện đương tồn tại?

Trả lời: Mọi thứ tôn giáo tồn tại cho đến nay là sự biểu hiện của những giai đoạn phát triển của từng cá nhân hay tập thể. Nhưng chủ nghĩa cộng sản là 1 giai đoạn phát triển lịch sử khiến tất cả các tôn giáo trở nên thừa thãi và bị từ bỏ.


Câu hỏi thứ 24: Người cộng sản khác người xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào?

Trả lời: Những người gọi là người xã hội chủ nghĩa, chia ra làm 3 loại.

Loại thứ nhất gồm những người ủng hộ xã hội phong kiến và gia trưởng là xã hội đã bị tiêu diệt và càng ngày càng bị tiêu diệt bởi đại công nghiệp, bởi thương nghiệp thế giới và bởi xã hội tư sản do đại công nghiệp và thương nghiệp thế giới tạo nên. Căn cứ vào những tai họa của xã hội hiện tại, loại người này đi đến kết luận rằng: cần phải khôi phục lại xã hội phong kiến và gia trưởng, vì xã hội đó không có những tai họa như vậy. Tất cả những lời đề nghị của họ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đều nhằm mục đích đó. Người cộng sản bao giờ cũng kiên quyết đấu tranh với loại người xã hội chủ nghĩa phản động này, mặc dù loại này giả thông cảm với cảnh nghèo đói của giai cấp vô sản và khóc sướt mướt trước tình cảnh ấy. Bởi vì những người xã hội chủ nghĩa đó:

1) mong muốn những cái hoàn toàn không thể có được;

2) mưu đồ khôi phục lại nền thống trị của quý tộc, của thợ cả phường hội và của chủ công trường thủ công cùng một loạt bọn quân chủ chuyên chế hay phong kiến, bọn quan lại, bọn lính tráng và cha cố; họ muốn khôi phục lại một xã hội đã đành là sẽ không có những tệ xấu của xã hội hiện đại, nhưng ít nhất cũng sẽ mang đến những tai họa khác giống như vậy; hơn nữa sẽ không mở ra được những triển vọng nào khiến cho thông qua một tổ chức cộng sản chủ nghĩa mà giải phóng được công nhân bị áp bức;

3) luôn luôn để lộ tâm địa thật của họ ra, khi giai cấp vô sản trở thành một giai cấp cách mạng và cộng sản. Trong những lúc này, họ lập tức hợp nhất với giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản.

Loại thứ hai gồm những người ủng hộ xã hội hiện nay; những tai họa do xã hội đó đẻ ra, buộc họ phải lo sợ cho sự tồn tại của xã hội đó. Do đó, họ muốn bảo vệ xã hội hiện tại, nhưng lại muốn xóa bỏ những tai họa do xã hội hiện tại gây ra. Muốn thế, một số người đề ra những biện pháp từ thiện giản đơn; một số khác thì đề ra những kế hoạch cải cách đồ sộ, viện cớ cải tổ lại xã hội, những kế hoạch này nhằm mục đích bảo vệ những cơ sở của xã hội hiện nay và do đó bảo vệ bản thân xã hội hiện nay. Người cộng sản cũng phải đấu tranh không mệt mỏi chống những người xã hội chủ nghĩa tư sản đó, vì hoạt động của bọn họ là có lợi cho kẻ thù của người cộng sản và vì bọn họ bảo vệ một chế độ xã hội mà người cộng sản muốn phá bỏ.

Cuối cùng, loại thứ ba gồm có những người xã hội chủ nghĩa dân chủ. Đi theo cùng con đường với những người cộng sản, họ muốn thực hiện một phần những biện pháp nêu ra trong câu hỏi 18, nhưng không coi đó là những biện pháp quá độ dẫn đến chủ nghĩa cộng sản, mà coi đó là những biện pháp đầy đủ để xóa bỏ cảnh nghèo nàn và những tai họa của xã hội hiện nay. Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ đó thì hoặc là những người vô sản chưa am hiểu đầy đủ những điều kiện giải phóng giai cấp mình, hoặc là những đại biểu của giai cấp tiểu tư sản, tức là của một giai cấp mà trên nhiều mặt, có quyền lợi giống như vô sản trong việc giành chế độ dân chủ và trong việc thực hiện những biện pháp xã hội chủ nghĩa xuất phát từ chế độ dân chủ đó. Cho nên, người cộng sản, trong lúc hoạt động, sẽ liên hiệp với những người xã hội chủ nghĩa dân chủ và nói chung trong thời gian đó, phải cố sức duy trì một chính sách chung với họ, chỉ cần là họ không phục vụ giai cấp tư sản thống trị và không tấn công những người cộng sản. Cố nhiên việc hoạt động chung không gạt bỏ việc tranh luận về những ý kiến bất đồng giữa họ với người cộng sản.


Câu hỏi thứ 25: Người cộng sản sẽ có thái độ như thế nào đối với các chính đảng khác trong thời đại chúng ta?

Trả lời: Thái độ sẽ khác nhau ở trong các nước khác nhau.- Ở Anh, Pháp và Bỉ là nơi mà giai cấp tư sản thống trị thì tạm thời người cộng sản còn có những quyền lợi chung với các đảng phái dân chủ. Hơn nữa, những người dân chủ càng đi gần đến mục đích của người cộng sản trong những biện pháp xã hội chủ nghĩa mà hiện nay những người dân chủ ở khắp nơi đều bênh vực, tức là họ càng bênh vực quyền lợi của giai cấp vô sản một cách rõ ràng và dứt khoát, càng dựa vào giai cấp vô sản thì quyền lợi chung nói trên càng lớn. Ví dụ như ở Anh, những người tham gia phong trào Hiến chương mà là công nhân thì nhất định sẽ gần người cộng sản hơn những người tiểu tư sản dân chủ hay những người gọi là cấp tiến.

Ở Mỹ là nơi đã có hiến pháp dân chủ, người cộng sản sẽ cần phải ủng hộ đảng muốn quay bản hiến pháp đó chống lại giai cấp tư sản và muốn dùng bản hiến pháp đó để mưu lợi ích cho giai cấp vô sản, tức là ủng hộ đảng của những người ủng hộ cuộc cải cách ruộng đất trong nước.

Ở Thụy Sĩ, những người cấp tiến, mặc dù họ còn là một đảng mà thành phần rất phức tạp, nhưng họ là những người duy nhất mà người cộng sản có thể liên hiệp được; trong hàng ngũ những người cấp tiến đó thì những người cấp tiến bang Va-át-tơ và Giơ-ne-vơ lại là những người tiến bộ nhất.

Cuối cùng, ở Đức cuộc đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp tư sản và chế độ quân chủ chuyên chế còn chưa diễn ra. Nhưng vì người cộng sản không thể hy vọng rằng họ sẽ phải tiến hành một cuộc chiến đấu quyết định với giai cấp tư sản trước khi giai cấp tư sản giành được quyền thống trị, nên vì lợi ích của mình, người cộng sản có thể giúp đỡ cho giai cấp tư sản mau giành được quyền thống trị, để sau đó đến lượt mình sẽ lật đổ nó càng nhanh càng hay. Như vậy là trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản tự do với các chính phủ, người cộng sản bao giờ cũng phải đứng về phía giai cấp tư sản tự do, nhưng phải coi chừng sự tự dối mình của giai cấp tư sản, không nên tin vào những lời thuyết phục đầy sức quyến rũ của giai cấp tư sản về những kết quả tốt đẹp mà thắng lợi của giai cấp tư sản sẽ mang lại cho giai cấp vô sản. Thắng lợi của giai cấp tư sản chỉ mang lại cho người cộng sản những điều lợi duy nhất sau đây: 1) một vài sự nhượng bộ nào đấy làm cho người cộng sản dễ dàng bảo vệ, thảo luận và truyền bá những nguyên tắc của mình và do đó sẽ làm cho giai cấp vô sản dễ tập hợp thành một giai cấp có tổ chức, đoàn kết chặt chẽ, sẵn sàng xông ra chiến đấu và 2) sự tin tưởng rằng một khi các chính phủ chuyên chế sụp đổ thì tức là sẽ đến lượt đấu tranh giữa tư sản và vô sản. Kể từ ngày đó, chính sách của đảng cộng sản ở những nơi này cũng sẽ giống như ở những nước mà giai cấp tư sản đã chiếm được địa vị thống trị.

Bài liên quan

Tư liệu 5024635843416199835

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item