Vì sao ngày càng nhiều thảm án?
Có bạn hỏi tôi vì sao "thời gian gần đây, ở Việt Nam có rất nhiều vụ án thảm sát, giết người hàng loạt mà hung thủ toàn là những người...
https://daosichanga.blogspot.com/2015/08/vi-sao-ngay-cang-nhieu-tham-an.html
Có bạn hỏi tôi vì sao "thời gian gần đây, ở Việt Nam có rất nhiều vụ án thảm sát, giết người hàng loạt mà hung thủ toàn là những người tuổi còn trẻ? con người Việt Nam nói chung và người tuổi trẻ Việt Nam nói riêng tại sao lại cư xử ác độc đến vậy?".
Nguyên nhân vì đâu?
Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân nhưng tất cả đều là hệ quả của sự phát triển kinh tế – xã hội theo “kinh tế thị trường”. Không phải tôi có ý chê bai KTTT mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là 1 hệ quả tất yếu của sự phát triển. Xã hội càng phát triển thì con người ta càng dễ đánh mất chính mình vì không có được sự giáo dục về tinh thần đầy đủ, tương xứng với sự phát triển ấy. KTTT đẩy con người ta vào 1 cuộc đua ghê gớm để tồn tại và khẳng định mình bởi nó khuyến khích sự phát triển cái TÔI thay vì cái TA như giáo dục truyền thống. Hơn bao giờ hết, hình thái xã hội của nền KTTT khiến cho đồng tiền trở thành trung tâm trong mối quan hệ giữa người với người thay vì tình nghĩa như trong xã hội xưa kia. Cuộc sống đô thị hóa làm tan rã những mối quan hệ ràng buộc làng xã truyền thống, khiến cho con người ta ngày càng ích kỷ hơn & xa rời nhau hơn.
Áp lực của cuộc sống cũng khiến cho người người, nhà nhà lao vào kiếm tiền, tất bật với mưu sinh ngoài xã hội, do đó cũng sao nhãng trong việc giáo dục con cái về những vấn đề đạo đức. Giáo dục ngày nay cũng khác xưa, khi chủ yếu là đào tạo con người ta về kiến thức tự nhiên – xã hội với mục đích đào tạo ra nhân lực cho nền kinh tế chứ không còn chú trọng vào việc “trồng người” theo cái nghĩa “người” của người xưa. Bên cạnh đó, hàng hà sa số các sản phẩm văn hóa bạo lực – khiêu dâm tràn lan trên mạng, trong quán xá,... bủa vây những tâm hồn non nớt của những đứa trẻ mới lớn cũng là một nguyên nhân quan trọng của sự tha hóa nhân cách. Những giá trị thiêng liêng đối với xã hội một thời như mạng sống, tiết hạnh trở thành những trò chơi giải trí và thỏa mãn phần “con” trong con người. Mà thực ra những sản phẩm này cũng là hệ quả tất yếu của những nền kinh tế thị trường thiếu định hướng xã hội từ bên ngoài tràn vào nước ta mà thôi.
Con người hơn nhau cái phần “người” ở khả năng kiềm chế dục vọng của mình. Các thánh nhân, hiền nhân, cao tăng,... đều được người ta ngưỡng mộ là vì lý do này và đương nhiên họ phải trải qua một thời gian dài tu dưỡng đạo đức. Nhưng trong thời đại ngày nay, thay vì đẩy mạnh sự tu dưỡng - chế ngự bản ngã, người ta lại có đầy đủ những chiêu trò để “giúp” cho các thanh thiếu niên thoải mái thể hiện dục vọng của mình. Điều đó chẳng khác gì việc người ta muốn “thuần dưỡng” những “con cọp đói” của tâm hồn bằng lợn béo, dê nồng mà kết quả chắc chắn càng làm “con cọp” đó hung hăng hơn, thèm khát hơn và sẵn sàng “bứt xích, sổ lồng” khi không được thỏa mãn. Lấy ví dụ là khi bạn bị đói, nếu bạn biết dằn mình để qua cơn đói thì dần dần cơ thể bạn cũng thích nghi và những cơn đói sẽ ít khi hành hạ được bạn. Ngược lại, nếu bạn càng được ăn uống phủ phê khi đói thì các bạn ngày càng bị lệ thuộc vào nó, khiến cho một phút trễ giờ cơm đối với bạn cũng là một cực hình.
Như vậy, vấn đề bùng phát bạo lực ở Việt Nam hiện nay không phải là một điều quá bất ngờ mà nó chỉ là sự lặp lại những hiện tượng đã và đang diễn ra ở các nước phát triển trước. Nếu chịu khó tìm hiểu 1 chút thêm các thông tin ở nước ngoài thì chúng ta cũng thấy không hề thiếu những chuyện giết chóc như đã xảy ra ở VN, thậm chí còn kinh khủng hơn nhiều. Cách đây mười mấy năm, khi đọc thông tin trên các báo về các vụ án giết người chặt đầu, thậm chí bỏ tủ lạnh ... “ăn dần” ở Mỹ, ở Úc,... chẳng mấy ai dám tin rằng đó là sự thật. Nhưng bây giờ, “trào lưu” đó cũng đã lan sang VN. Ngay như ở Na Uy, một quốc gia Bắc Âu phát triển và bình yên hàng đầu thế giới cũng có cuộc “đồ sát” của tay “sát thủ” nghiệp dư Anders Behring Breivik, một mình giết chết 93 người vô tội, không quen biết.
Sự trăn trở của nền đạo đức phương Tây
Nền tảng đạo đức của người phương Tây trước đó chủ yếu dựa trên các giáo luật của Thiên chúa giáo nhưng nó đã bị rạn nứt nghiêm trọng cùng sự phát triển của xã hội thời đại công nghiệp. Việc này đã được K.Marx viết rất rõ ràng trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản như sau:
Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên. Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến với "những bề trên tự nhiên" của mình, đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối "tiền trao cháo múc" không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, giai cấp tư sản đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị.
Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó.
Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ tiền nong đơn thuần.
Ngày nay, những người có lương tri ở các nước phát triển phương Tây cảm thấy bất lực với những vấn nạn xã hội này và họ lại tìm đến những phương pháp giáo dục – tu thân truyền thống, đặc biệt là các tư tưởng đến từ phương Đông: đạo Khổng và đạo Phật. Ở Mỹ, đáng ngạc nhiên là trong khi số người theo Thiên chúa giáo, Do Thái giáo giảm dần thì số người theo đạo ... Hồi lại tăng ... gấp đôi, theo cuộc khảo sát "Nhận thức Tôn giáo người Mỹ". Tất nhiên, rất có thể đây là sự tăng lên bởi di dân cơ học khi những người Hồi giáo ở Trung Đông, tại các nước bị chú Sam nhúng mũi vào, tìm đường vào đất Mỹ. Nhưng việc tăng lên của những tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo hoặc các luồng tư tưởng phương Đông khác cũng là dấu hiệu cho thấy người phương Tây đang tìm cách lấp đầy các lỗ hổng trong tâm hồn mình sau một thời gian dài quay cuồng với sự phát triển kinh tế - KHKT để rồi nhận ra sự phủ phê về thể xác là không đủ để có một cuộc sống hạnh phúc.
Vậy, làm thế nào để hạn chế tình trạng suy thoái đạo đức này tại Việt Nam?
Nói ra thì chúng ta nghĩ rằng nó máy móc nhưng thực tế thì đây đúng là một vấn đề thời đại, cần thiết phải có sự tham gia của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị. Nhưng tham gia để làm gì? Để vực dậy cái "đạo" của dân tộc, của tiền nhân. Chúng ta trăn trở với hiện trạng bây giờ là bởi chúng ta tin rằng, hoặc có cơ sở tin rằng, trong quá khứ, con người đối xử với nhau tốt đẹp hơn nhiều. Do đó, chúng ta cần làm sống dậy những "bí quyết" của người xưa và áp dụng vào cuộc sống ngày nay, chứ không phải để đưa vào bảo tàng mà ngắm.
Những năm gần đây, khi đời sống vật chất trong xã hội ngày càng khấm khá thì các chùa chiền, nhà thờ hay các cơ sở tôn giáo lại càng mọc lên nhiều. Đó cũng là một minh chứng cho sự song hành giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không hẳn là thể hiện sự hiệu quả của việc tu thân vì thực tế nó chỉ như lớp son phấn cho sự hướng thiện. Tương tự là nỗ lực của hệ thống chính trị khi phát động phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhưng kết quả dường như chỉ mang tính hình thức. Bởi lẽ tất cả những việc làm đó đều xa rời bản chất của "đạo": chùa chiền phát triển vì sự tham ái của thiên hạ nhiều hơn là sự mong muốn dứt bỏ tham ái của họ, như giáo lý nhà Phật; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thì mang tính phong trào, tuyên truyền suông, không có đối tượng, chương trình rèn luyện cụ thể. Muốn có "lợi ích trăm năm" thì quá trình "trồng người" cũng phải có thời gian vun vén, chăm lo tương xứng và phải có khởi điểm hợp lý. Kêu gọi những kẻ đang chìm đắm trong u mê của cuộc sống kim tiền bằng một khẩu hiệu đạo đức thì hiệu quả cũng chẳng khác gì ngồi khuyên bảo những kẻ đang phừng phừng men say về tác hại của rượu bia.
Do đó, tôi nhấn mạnh lại là làm sống dậy những "bí quyết" của người xưa và áp dụng vào cuộc sống ngày nay. Áp dụng sao cho hiệu quả? Nghiên cứu về những bậc chân tu chúng ta sẽ thấy thường có hai trường hợp: thứ nhất là những người được đào luyện từ nhỏ, lánh xa bụi trần và chỉ được "xuất sơn" khi đã rèn luyện được bản lĩnh, tức có "kháng thể" trước những thú vui trần thế; thứ hai, loại đã trải nghiệm chán chê cuộc sống trần tục, thấu hiểu nỗi khổ trần ai và tìm đến tu tập để tìm đến sự thanh tịnh trong tâm hồn. Loại thứ nhất là loại đông đảo và bị động, cần thời gian tu tập nhiều. Loại thứ hai thì hiếm hơn nhưng chủ động và dễ "ngộ" hơn loại thứ nhất. Các vị tổ sư sáng lập các tôn giáo thường là loại thứ 2 này.
Như thế, để giáo dục những giá trị truyền thống hiệu quả thì nhất thiết phải chú trọng áp dụng đối với người học ngay từ thuở trẻ thơ (loại 1) chứ đối với loại 2 thì không cần phải "dạy", còn loại đã "đủ lông đủ cánh" và không quan tâm đến điều đó thì "dạy" cũng chẳng hiệu quả (như đa số các đối tượng của phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh").
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chương trình học phổ thông theo hướng cân bằng giữa tri thức khoa học với rèn luyện tư cách, đạo đức con người trên tinh thần gắn kết cộng đồng. Đồng thời, cần có những chiến dịch thật lớn, làm trong sạch nền thông tin - truyền thông - văn hóa của nước nhà, để quét đi càng nhiều càng tốt những thứ rác rưởi văn hóa, sản phẩm độc hại của nền kinh tế thị trường ngoại nhập. Bất kể điều gì, muốn tốt được thì người ta cần phải có học và hành. Có điều, nếu bạn lười học, bạn vẫn có thể giải một bài toán, làm một bài văn bằng cách tham khảo bài làm từ những người khác nhưng nếu đạo đức bạn không được rèn luyện thì tuyệt nhiên chẳng ai giúp bạn được cả.
Nói tóm lại, xu hướng của xã hội phát triển theo quy luật của kinh tế thị trường là tách cái tôi ra khỏi cái chung, biến con người thành những con thiêu thân cho ngọn lửa thèm khát vật chất vô hạn,... cho nên cần đối phó bằng cách đề cao việc giáo dục con người về cái ta, về sự cống hiến cho cộng đồng, về sự đoàn kết. Nói cách khác, cần phải biết vận dụng chọn lọc, cân bằng giữa cái hay của văn minh cơ giới phương Tây với văn minh tư tưởng của phương Đông. Tôi cho rằng đó là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của xã hội.