Nghĩa vụ phạm tội của doanh nghiệp

Người ta thường được nghe thấy rằng ở nước văn minh như Mỹ thì pháp luật là thượng tôn, song giáo sư kinh tế học người Mỹ M. Perelman đã chỉ ra sự thật trái ngược, ông cho thấy rằng trong thực tế pháp luật luôn đứng dưới lợi nhuận, hay nói cách khác lợi nhuận mới là pháp luật tối cao của xã hội tư bản. Doanh nghiệp đã trở thành tổ chức tội phạm chuyên nghiệp mà không phải lo sợ về sự trừng phạt.

Dưới đây là bản dịch phần "Corporate Obligation to Commit Crime" trong chương 4 "Corporate Accountability" của cuốn sách "Manufacturing Discontent" do nhà xuất bản Pluto phát hành năm 2005.



Nghĩa vụ phạm tội của doanh nghiệp

Không chỉ không phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như con người, mà nhiều người nắm quyền còn đang khuyến khích doanh nghiệp phớt lờ luật pháp. Trái lại, nhà nước thường xuyên bỏ tù con người vì những tội tương đối nhỏ. Những người tái phạm sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, vào năm 2003 tòa án tối cao hủy bỏ luật cho phép kết án chung thân những người phạm tội nhẹ như ăn trộm vặt ở cửa hàng của bang California.

Ngày nay, không có bất cứ doanh nghiệp nào - thậm chí cả những doanh nghiệp đã đánh cắp của công chúng hàng tỷ dollar phải đối mặt với bất cứ hình phạt ngồi tù tương đương nào - thậm chí ngay cả khi tái phạm. Tử hình đối với doanh nghiệp là ngoài sức tưởng tượng, bất kể là doanh nghiệp có gây ra bao nhiêu cái chết. Trái lại, những người bảo vệ doanh nghiệp khẳng định rằng xã hội không có quyền xét xử doanh nghiệp về các hành động tội phạm.

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ lừa đảo nhiều tỷ dollar của hãng Enron, một bài xã luận có tiêu đề "Doanh nghiệp không phải là tội phạm" của tờ Wall Street Journal viết "Theo luật pháp thông thường thì doanh nghiệp không thể phạm tội bởi vì nó không có chủ ý vi phạm, ý thức phạm tội" (Baker 2002). Đáng buồn là tác giả bài báo hoàn toàn đúng - ít nhất là trong trường hợp của các phiên tòa mới đây.

Trong mắt một số quan tòa, luật pháp còn đi xa hơn việc quy định rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật thiếu ý thức phạm tội. Họ khẳng định rằng các nhà quản lý doanh nghiệp, những người có chủ ý vi phạm, có nghĩa vụ đạo đức phải vi phạm pháp luật khi mà điều đó sẽ làm tăng lợi nhuận cho cổ đông. Giám đốc điều hành doanh nghiệp có thể đối mặt với sự trừng phạt nếu họ gây tổn hại bất hợp pháp cho chủ sở hữu doanh nghiệp, nhưng nếu hành động của họ gây tổn hại cho những đối tượng khác thì họ có thể yên tâm nghỉ ngơi. Các học giả pháp lý bảo thủ hoan nghênh sự khoan dung này.

Ví dụ, Frank H. Easterbrook và Daniel R. Fischel, cựu quan tòa liên bang và giảng viên cao cấp của trường Luật của đại học Chicago đã viết:

Mặc dù vậy, việc cho rằng có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành mọi quyền pháp lý là không thực tế... Các nhà quản lý không có nghĩa vụ đạo đức phải tuân thủ theo các quy định pháp luật chỉ bởi vì những luật đó tồn tại. Họ phải quyết định sự quan trọng của những luật này. Những chế tài mà Quốc Hội đặt ra cho việc bất tuân là thể hiện mức độ họ muốn doanh nghiệp hy sinh để bày tỏ sự trung thành với luật lệ: ý tưởng trừng phạt tối ưu này dựa trên tiền đề là nhà quản lý không chỉ có thể mà còn phải vi phạm luật lệ khi việc đó có lợi nhuận. (Easterbrook và Fischel 1982: 1171 và 1177n).

Richard Posner, một quan tòa liên bang có ảnh hưởng khác, một tác giả viết nhiều và giảng viên cấp cao của trường Luật thuộc đại học Chicago giống như Fischel, cũng khẳng định tương tự (Posner 1986). Khi Milton Friedman, đồng nghiệp ở đại học Chicago của những học giả pháp lý nói trên, đề xuất rằng trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là nghĩa vụ tối đa hóa lợi nhuận mà không cần quan tâm tới bất kỳ vấn đề xã hội nào, trong phạm vi ràng buộc của pháp luật, quan điểm của ông gây tranh cãi. Một vài thập kỷ sau, các quan tòa liên bang giờ đã đề xuất nghĩa vụ về lợi nhuận cao hơn luật pháp, quan điểm của họ không gây tranh cãi. Do vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy các nhà kinh tế học đáng kính ca ngợi báo của Posner. Một bài báo trên tờ Journal of Law and Economic danh giá của trường luật Chicago đề xuất:

Ngay cả khi các nhà quản lý cấp cao trực tiếp biết về các hoạt động lừa dối, họ có thể vẫn theo đuổi những dự án ít nhất cũng đem lại tài sản ròng hiện tại dương. Có nghĩa là các nhà quản lý có thể sử dụng lừa dối để làm gia tăng giá trị. Như Richard Posner đề xuất, lợi thế so sánh của các nhà quản lý đương nhiệm có thể xuất phát từ sự sẵn sàng thực hiện hoặc dung thứ cho các hành động lừa dối. (Agrwal, Jaffe và Karpoff 1999:315)

Đại học Chicago có truyền thống lâu đời trong việc khuyến khích tội phạm kinh tế. Vào năm 1968, Gary Becker, người gắn bó lâu dài với Chicago và Friedman, chủ nhân của giải Nobel, viết bài báo nổi tiếng "Tội phạm và Trừng phạt: Một tiếp cận kinh tế" (Becker 1968). Ông đề xuất rằng phương pháp phù hợp để ngăn chặn tội phạm là gia tăng trừng phạt. Theo tôi biết thì không có ai thuộc trường Chicago đã từng đề xuất chế tài nghiêm khắc hơn.

Quản lý của những hãng bị bắt gần đây trong các vụ bê bối doanh nghiệp như Enron, WorldCom, Tyco, vv - có thể tự lừa dối mình bằng cách tin rằng họ đang làm tăng giá trị của doanh nghiệp ngay cả khi làm giàu cho bản thân. Họ có thể không tin rằng họ đang tham gia hoạt động tội phạm. Loại tính toán mà Easterbrook và Posner nghĩ trong đầu là tình huống mà giới quản lý biết rằng họ gây ra thiệt hại nghiêm trọng, nhưng bỏ qua bởi vì lợi nhuận mang lại lớn hơn chế tài.

Easterbrook và Posner phản ánh quan điểm phổ biến rằng kinh doanh theo định nghĩa là hành động cho phép con người hoạt động không bị cả giới thẩm quyền lẫn lương tâm của họ kiềm chế. Theo lời của một người bình luận:

Đèn đỏ hoặc bàn tay giơ lên của cảnh sát giao thông khiến mọi người dừng lại (ít nhất là ở nơi mà mọi người có khuynh hướng tuân thủ chúng) không phải là sự thể hiện của quyền lực - cả đèn đỏ cũng như bàn tay đều không chặn được chiếc xe hơi đang chạy, mà là sự thể hiện của thẩm quyền... Nhiều công dân dừng xe không lưỡng lự, ngay cả ở đường liên vùng hoang vắng vào lúc 2 giờ sáng, sẽ tính toán cẩn thận chi phí và lợi ích của việc vi phạm luật ô nhiễm môi trường, mua bán chứng khoán nội bộ, không báo cáo doanh thu cho Phòng Doanh Thu Nội Bộ, và sau đó tuân thủ hay vi phạm phát luật phụ thuộc vào kết quả tính toán. (Fields 1990:113)

Trường hợp cổ điển của việc doanh nghiệp tính toán các chế tài kinh tế sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận tiềm năng là xe Pinto của hãng Ford. Từ năm 1971 đến năm 1976, hãng Ford đặt bình xăng của xe chỉ cách khung chống va chạm phía sau 15 cm. Một va chạm nhỏ ở đuôi xe cũng khiến bình xăng bị bu lông nhô ra từ các bộ phận khác chọc thủng. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ từ thuốc lá, bộ đánh lửa hay kim loại cọ xát cũng sẽ khiến xe bùng cháy (Estes 1995:196-7; xem thêm Dowie 1977). Theo ước tính thoáng nhất, các vụ va chạm của xe Pinto gây ra 500 vụ chết cháy cho những người đáng ra sẽ không phải chết nếu xe không bị bốc cháy. Bài báo cổ điển của Mark Dowie về xe Pinto ước tính rằng số người chết có thể lên tới 900 (Dowie 1977).

Ford đã nhận thấy sự nguy hiểm. Các thử nghiệm va chạm cho thấy một quả bóng cao su đơn giản trong bình xăng sẽ ngăn xăng không chảy ra khỏi bình xăng bị thủng. Chi phí để xử lý vấn đề này là 5,08 dollar. Một cách thay thế khác có giá 11dollar. Mặc dù vậy, phân tích chi phí lợi ích của Ford cho thấy rằng tổn thất nhân mạng và bị thương tránh được không đủ để bù đắp cho chi phí thay thế là 11 dollar cho mỗi xe (Estes 1995:196-7).

Ford không phải là đơn vị duy nhất tính toán chi phí và lợi ích của sai lầm thiết kế chết người này. Vào năm 1973, hãng General Motor đã có tính toán tương tự, cho thấy công ty có thể tiết kiệm được tiền bằng cách bồi thường cho 500 người chết thay vì sửa chữa bình xăng lỗi với giá 8,59 dollar cho mỗi xe (Court 2003:16; Bakan 2004:61-3).

Bạn có thể cảm thấy những tính toán này thật đê tiện. Tôi cũng vậy, nhưng dường như không phải tất cả mọi người đều vậy, nhất là các quan tòa liên bang. Hãy hình dung sự giận dữ khi có vài kẻ khủng bố nước ngoài âm mưu ám sát hơn một ngàn người. Nhưng trong thế giới kinh doanh, sự trừng phạt tương tự là rất ít, chế tài nghiêm khắc lại càng ít hơn, doanh nghiệp có rất ít lý do để lo sợ về hậu quả hành động của họ.

Kết luận, mặc dù những người bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp thường nhanh chóng kêu gọi trách nhiệm cá nhân, nhưng họ rất ít khi yêu cầu một mức độ tương đương về trách nhiệm của doanh nghiệp. Trái lại, họ bỏ qua tội ác của doanh nghiệp hoặc tìm ra sự biện hộ pháp lý cho sự vi phạm của doanh nghiệp. Nếu như pháp luật nhìn nhận doanh nghiệp là cá nhân thì đó là những cá nhân có đặc quyền phổ biến được đứng trên pháp luật.
------------
Bản dịch của Hiệp sĩ cưỡi lừa.

Bài liên quan

Chính trị 1813567052801315063

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Nhà bên

Thư viện blog

item