"Tướng bảo tàng": hết khôn dồn dại!

Con người ta khi về già thì tính nết thường có xu hướng trẻ con hóa. Cũng như phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh sẽ "hồi xuân", người về già thường "hồi nhi". Trong ngôn ngữ mạng xã hội, từ "trẻ trâu" dùng để chỉ những người trẻ thiếu kiến thức - hiểu biết nhưng thừa sự hung hăng, thì cũng có "già trâu" để chỉ thành phần tương tự nhưng trái ngược về tuổi đời. Nói vậy để biết rằng đây đơn thuần là một vấn đề sinh lý bình thường. Tuy nhiên, "hồi nhi" đến mức chẳng còn phân biệt được đúng sai, phải trái thì thật là đáng trách, nhất là đối với những người có chút địa vị trong xã hội.



Trước đây, cái tên thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thường được ký dưới các bài viết, kiến nghị mang tính xuyên tạc đăng trên các trang web của giới lưu manh chính trị đội lốt "dân chủ". Nhưng gần đây, ông thiếu tướng này đã phải nhường chỗ cho một ông thiếu tướng khác trẻ hơn, nổi tiếng hơn và thậm chí là một anh hùng LLVT QĐNDVN: Lê Mã Lương. Không như ông thiếu tướng "gần đất xa trời" Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ xuất hiện trong các bài viết đăng trên các trang weblog "cha vơ chú váo", ông Lương thì chễm chệ trên mặt các trang báo mạng với các bài phát biểu văng mạng và có sức tàn phá sự thật lịch sử cũng như lòng tin ghê gớm. Không như ông Vĩnh đã ở vào cái tuổi "đái ướt mũi giày", nói trước quên sau, dễ bị lũ hậu bối lưu manh lừa bịp, ông Lương vẫn còn trong giai đoạn tráng kiện, hăng hái của thời kỳ mới hưu. Chính bởi vậy, vô hình chung, ông Lương trở thành một "ngôi sao mới nổi" của đám lưu manh chính trị. Và có ai ngờ, chính ông, dường như đã ngả vào vòng tay của chúng, theo những hình ảnh mới đây được chúng công bố trên mạng.
Thiếu tướng Lê Mã Lương với đám "dân oan chuyên nghiệp" tai tiếng ở Hà Thành

Có thể nói, tên tuổi của vị cựu giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam "nổi" trở lại nhờ một đoạn video về phát biểu của ông trong buổi tọa đàm "Minh Triết Biển Đông" nào đó, giữa thời điểm sôi sục phong trào phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Hoàng Sa. Việc đưa ra ý kiến của mình về những vấn đề quan trọng như vậy là điều đáng hoan nghênh đối với những người có kinh nghiệm chiến đấu, có kiến thức lịch sử lại từng giữ vị trí lãnh đạo một cơ quan quân đội, bởi nó sẽ góp phần định hướng thông tin đúng đắn cho người dân. Tuy nhiên, đáng buồn là ông Lương, thay vì vận dụng hiểu biết thực sự của mình thì lại "chơi nổi" bằng cách đưa ra một thông tin "nghe hơi nồi chõ", chẳng những không cổ vũ được tinh thần quân dân trong thời điểm khó khăn ấy mà thậm chí lại làm phản tác dụng, nếu không muốn nói là "đâm sau lưng đồng đội".


Trong đoạn nói chuyện ấy, tướng Lê Mã Lương bịa ra một chiến sĩ là Nguyễn Văn Luyện, bị lính Trung Quốc đâm nhiều nhát, nhưng đáng kể nhất là ông nói, đã có nhân vật cao cấp lệnh cho lính ta ở Trường Sa không được nổ súng vào lính Trung Quốc. Mặc dù đã có nhiều người trong cuộc như cựu binh Lê Hữu Thảo hoặc những người thông hiểu lịch sử truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam như nhà báo Thiềm Thừ, ngay sau đó, đã lên tiếng phản bác lại luận điệu của ông Lương nhưng khổ nỗi, ở đời, "tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa" nên những lời phát biểu vô trách nhiệm của ông tướng họ Lê cho đến bây giờ, và có lẽ còn rất lâu sau nữa, vẫn là "viên đạn súng lục bắn vào quá khứ", và đáng trách hơn, vào chính những đồng đội của ông, đồng thời là cơ sở, là sự tiếp tay vô tình cho những kẻ chống phá sự bình yên của đất nước mình.
Lời nhắn của cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo trên Facebook.

Nhưng, mỉa mai thay, cũng chính vì sự tai tiếng đó, báo giới (chủ yếu là báo mạng) lại nhớ đến ông và thường tìm đến ông trong những vấn đề liên quan đến lịch sử quân đội và tình hình căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cũng phải thôi vì ông đường đường là cựu giám đốc bảo tàng quân đội, một tiến sĩ sử học và cũng từng tham gia chống Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới 1979. Vậy mà, ngay cả khi đụng đến sở trường của mình, ông lại đi hết từ sai lầm này sang sai lầm khác.

Về lịch sử quân đội, khi được tờ VTC News hỏi về việc có hay không việc Liên Xô viện trợ hỏa tiễn Kachiusa cho Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì ông Lương khẳng định rằng:
Sư đoàn công pháo 351 chính là đơn vị sở hữu toàn bộ các loại pháo do Liên Xô qua Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam khi đó.

Đây là sư đoàn kết hợp giữa công binh và pháo binh, sử dụng các loại pháo cao xạ phòng không 35mm và lựu pháo mặt đất 105mm. Đặc biệt, trong sư đoàn 351 khi đó, có một tiểu đoàn tên lửa Kachiusa do Liên Xô viện trợ.

Tiểu đoàn này bao gồm 6 khẩu Kachiusa, mỗi khẩu có 6 nòng có khả năng nhả đạn liên tiếp. Như vậy, sư đoàn công pháo 351 khi đó sở hữu 36 nòng tên lửa Kachiusa của Liên Xô.

Tuy nhiên, tiểu đoàn Kachiusa này chưa từng có cơ hội thể hiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ dù đã triển khai trận địa, vì cục diện thay đổi và quân đội Việt Nam chỉ cần sử dụng cao xạ 37mm và lựu pháo 105mm là đủ.
....

Như đã nói ở trên, các vũ khí của Việt Nam khi đó được Liên Xô viện trợ nhưng nhận hàng trực tiếp từ Trung Quốc để giảm thời gian vận chuyển, chứ không phải vũ khí đó là Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam.

Thực sự thì những dàn "hỏa tiễn Kachiusa" ấy chính là những khẩu pháo phản lực 6 nòng Type 506 (ta gọi là H6) do Trung Quốc chế tạo và viện trợ cho ta. Ngoài ra, lượng lựu pháo 105mm chủ lực của ta trong chiến dịch ĐBP phần lớn là do Trung Quốc viện trợ (chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với Tưởng Giới Thạch), phần còn lại là thu được trong các trận đánh với quân Pháp trước đó. Trong cuốn sách "Điện Biên Phủ Điểm Hẹn Lịch Sử" của đại tướng Võ Nguyên Giáp có đề cập đến các loại pháo này như sau:
Trung đoàn lựu pháo 105 ly đầu tiên của ta, gồm 24 khẩu pháo Mỹ với 3.600 viên đạn, đã có mặt ở Bắc Mục, Tuyên Quang, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu Đây là hỏa lực mạnh nhất của quân đội ta lúc này. Trung đoàn lựu pháo nằm trong đội hình của đại đoàn công pháo 351. Riêng trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, do Liên Xô trang bị, mới thành lập từ tháng 9 năm 1953, chỉ có thể có mặt vào cuối năm."

Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh, gồm 27 tiểu đoàn, 1 trung đoàn sơn pháo 75 ly (24 khẩu), 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), 4 đại đội súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly (24 khẩu), và 2 tiểu đoàn công binh. So sánh lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch, và trang bị yếu hơn nhiều. Về lực lượng pháo yểm hộ trực tiếp cho bộ binh, ta hơn địch về số lượng (64/48 khẩu), nhưng lực lượng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có xe tăng, và chỉ có 1 trung đoàn cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch.

Đợt học tập chính trị đã mang lại cho mọi người niềm tin vững chắc ở thắng lợi. Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ, sung túc thóc gạo bằng thời kỳ này. Vào cuối tháng Tư, hậu cần đã có dự trữ cho tháng Năm. Về đạn cho lựu pháo, ngoài 5.000 viên lấy được của địch, hơn 400 viên đạn chiến lợi phẩm thu được ở Trung Lào đã được ngành hậu cần chuyển rạ tới nơi. Bạn cũng chuyển cho ta hai dàn hỏa tiễn sáu nòng. Vì số lượng đạn không có nhiều, nên đây sẽ là một bất ngờ dành cho quân địch vào những ngày tiến cóng cuối cùng. Sau đợt 2 chiến dịch, chỉ trong mười ngày ta đã xây dựng xong một tiểu đoàn ĐKZ 75 và một tiểu đoàn H6 (hỏa tiễn) do trung đoàn 676 phụ trách, kịp thời bổ sung cho mặt trận.

Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn sáu nòng. Mặc dù độ tản xạ còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mớ này đã làm cho quân đồn trú sơng trong những công sự đắp đất đã bị. mưa làm suy yếu, hoảng sợ.

Với một người bình thường thì những nhầm lẫn kiểu này không có gì khó hiểu, nhưng với một cựu giám đốc bảo tàng quân đội, lại là tiến sĩ chuyên ngành sử học (ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội), lên mặt báo để trả lời về một vấn đề đang được tranh luận nghiêm túc thì không khỏi khiến cho người ta cảm thấy hụt hẫng và làm sứt mẻ niềm tin vào những người có trách nhiệm truyền lửa thiêng lịch sử lại cho các thế hệ sau.

Mới đây nhất, tướng Lương phát biểu trên tờ báo mạng GDVN rằng "Máy bay Trung Quốc đã uy hiếp an ninh lãnh thổ Việt Nam" sau sự kiện máy bay dân dụng Trung Quốc thực hiện các chuyến bay ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Và ông đề xuất: “Trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đối phó, đảm bảo an ninh không phận. Nhưng tại sao Trung Quốc vi phạm như vậy, chúng ta không cảnh báo kịp thời tại thời điểm xảy ra, để đưa ra biện pháp ngăn chặn? Vấn đề là chúng ta chưa đủ quyết liệt...
... “Đối với nước ngoài, nếu rơi vào trường hợp này, họ sẽ đưa ra những cảnh báo ở các mức độ khác nhau.
Có trường hợp nghiêm trọng có thể sử dụng máy bay áp sát và các phương tiện, khí tài hỗ trợ, khống chế các hành động vi phạm nói trên”.

Thực sự thì tôi không rõ khi ông còn tại ngũ, chức vụ chỉ huy chiến đấu cao nhất của ông là gì (cấp bậc thiếu tướng của ông được thăng khi ông làm giám đốc bảo tàng quân đội) nhưng những phát biểu như vậy rõ ràng không phải là của một người cầm quân ở vị trí đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và trình độ chính trị cao.

Thứ nhất, có vẻ như ông Lương đã không phân biệt được (hoặc không tìm hiểu kỹ tình hình trước khi phát biểu) về vùng thông báo hướng dẫn bay (FIR) và không phận.
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (vòng xanh)

Vùng thông tin bay, viết tắt là FIR (Flight Information Region), là vùng không gian khí quyển có kích thước được xác định cụ thể. Máy bay qua vùng này phải cung cấp những thông tin cần thiết cho việc điều hành chuyến bay an toàn và hiệu quả, báo động cho các cơ quan có trách nhiệm khi một máy bay cần cứu trợ hay bị tai nạn để tìm kiếm cứu nạn. Sự phân chia trách nhiệm giữa các đơn vị FIR là do thỏa thuận của các nước liên hệ và phải thông qua Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). FIR mang tên vùng chứ không mang tên quốc gia nên không mang ý nghĩa về chủ quyền quốc gia. FIR Hồ Chí Minh gồm cả vùng hải phận quốc tế cũng như cả một phần vùng trời Lào và một phần vùng trời Campuchia. FIR Hong Kong và FIR Hồ Chí Minh chia nhau trách nhiệm không gian khí quyển trên một phần của Biển Đông. FIR Bangkok chịu trách nhiệm vùng trời Campuchia và vùng trời trên biển phía Nam Việt Nam.

Không phận là bầu trời do một quốc gia kiểm soát bao phủ lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia đó. Chiếu theo luật quốc tế thì không phận chủ quyền ăn khớp với lãnh thổ, lãnh hải và nội hải của một quốc gia, tức không gian trên đất và 12 hải lý dọc bờ biến. Không phận nằm ngoài vùng lãnh hải và lãnh thổ được coi là không phận quốc tế, tương đương với hải phận quốc tế.

Như vậy, việc những máy bay dân dụng của Trung Quốc bay trong không phận quốc tế khó có thể nói là "đe dọa trực tiếp tới an ninh vùng biển, vùng trời, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam". Và điều họ vi phạm ở đây là lờ đi vai trò kiểm soát không lưu của FIR Hồ Chí Minh trong khu vực này. Do đó, phía FIR HCM đã thông báo đến ICAO, cơ quan quốc tế phụ trách việc này, là cách xử lý hoàn toàn xác đáng. Ông Lương đòi “sử dụng máy bay áp sát và các phương tiện, khí tài hỗ trợ, khống chế các hành động vi phạm nói trên” ở không phận quốc tế, có phải là làm trò cười cho thiên hạ không?

Cần nói thêm, việc bộ ngoại giao trao công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc là để phản đối việc nước này điều máy bay phi pháp ra đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chứ không phải là vì máy bay của Trung Quốc vi phạm quy định của ICAO do không thông báo cho FIR HCM khi bay vào khu vực này. Đây là một động thái riêng biệt, nằm trong chiến lược xử lý mối quan hệ tranh chấp trên biển Đông thời gian vừa qua của nhà nước ta.
Theo những người bạn "dân oan" mới của tướng Lương thì những phát biểu của ông ấy còn "hung hăng" hơn trên mặt báo nhiều!

Thứ hai, là một người kinh qua chiến tranh, hơn ai hết ông Lương phải hiểu được giá trị của hòa bình. Chiến tranh là một hành động cực chẳng đã, là điều cần phải hết sức tránh, nhất là đối với một dân tộc yêu hòa bình và quá nhiều khổ đau vì chiến tranh như nước ta. Lịch sử nước ta không hề thiếu những bài học cho thế hệ sau trong những tình hình tương tự. Các vua nhà Trần đã năm lần bảy lượt nhún nhường tìm cách hòa hoãn trước ý định xâm lăng của Nguyên Mông và chỉ buộc phải chiến đấu khi đội quân xâm lược tràn qua biên giới. Sau CMT8, chính quyền cách mạng cũng vô cùng nỗ lực trong việc tìm cách tránh khỏi chiến tranh với Pháp và Tưởng, đến mức mà có dư luận lo lắng về việc cụ Hồ bắt tay với giặc Pháp. Giai đoạn 1954 - 1956, chúng ta kiên trì thực hiện nghị định Geneve, cố gắng tránh tối đa mọi xung đột vũ trang với chính quyền Ngô Đình Diệm ở phía Nam dù rằng bị ngụy quyền này đàn áp, khủng bố đẫm máu. Chỉ đến khi các lãnh đạo Đảng CSVN xác định rằng không còn hy vọng gì về việc thực hiện hiệp định Geneve thì cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam mới được tiến hành. Tiếp theo đó, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất nước nhà vừa hoàn thành, từ năm 1975, nước ta lại bị quân Khmer đỏ quấy nhiễu ở biên giới, tàn sát dân lành. Trước tình hình đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhẫn nhịn trong suốt 4 năm trời, trước khi vùng lên làm cuộc tổng công kích đập tan chế độ quái thai này cũng như đẩy lùi 60 vạn quân Đặng Tiểu Bình ở biên giới phía Bắc. Ngay cả trong sự kiện ở quần đảo Trường Sa năm 1988, chúng ta cũng có thể thấy sự nhẫn nhịn của lãnh đạo và chiến sỹ đã đem lại kết quả là chúng ta đã chiếm giữ được 11 đảo chìm trong CQ88.

Ấy vậy mà tướng Lương, người kinh qua các sự kiện oai hùng của nửa cuối thế kỷ 20 ấy, lại có những lời lẽ kêu gọi đi ngược lại hoàn toàn với những bài học truyền thống và khát vọng hòa bình của dân tộc. "Nhịn" không phải là "nhục" mà là để hạn chế tối đa những gì tệ hại nhất cho dân tộc, cho đất nước. "Nhục" là một khái niệm ấu trĩ để tự hạn chế khả năng của bản thân và có biên độ khác nhau giới hạn bởi cái tâm và cái tầm của mỗi người. Cái "nhục" của người kinh bang tế thế là không giúp cho quốc thái dân an,.. Cái "nhục" vì sự gây hấn của kẻ khác là dành cho những kẻ võ biền hoặc trẻ trâu. Trong chiến tranh, dù ai là người chiến thắng thì khổ đau vẫn là những người dân phải gánh chịu. Trong thời đại này, một cuộc chiến tranh, nhất là với kẻ có tiềm lực kinh tế, quân sự áp đảo, là con đường nhanh nhất để kéo nước ta tụt hậu lại thêm so với thế giới và khu vực. Và cho đến giờ, lãnh đạo Đảng CSVN và nhà nước đã làm rất tốt việc giữ cho "quốc thái dân an" dưới sự khiêu khích từ phía Trung Quốc, sự "chọc ngoáy" từ các thế lực sen đầm quốc tế, trong bối cảnh biến đổi phức tạp của thế giới. Nhưng đáng tiếc, một người như tướng Lương lại không hiểu điều đó mà lại đưa ra những nhận định, ý kiến trái ngược.
 
***
Tướng Lương "thân mật" với Trương Dũng,
tên lưu manh chính trị có tiếng ở Hà thành.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương nổi tiếng với câu nói: "Chiến đấu là cao quý nhất, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" thời kháng chiến chống Mỹ. Thời nay hay bất kỳ thời nào thì chúng ta cũng đều phải "chiến đấu", có điều là với những "kẻ thù" khác nhau. Do đó, trước khi "chiến đấu" thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được "quân thù" là ai hay cái gì. "Quân thù" ngày nay không phải là một kẻ địch được xác định rõ ràng như thời chàng trai trẻ Lê Mã Lương trở thành anh hùng mà ẩn hiện tinh vi trong mớ quan hệ chằng chịt giữa bạn và thù, giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa "đồng chí" và "nghịch chí",.. Với những gì đang thể hiện, nếu không kịp thời chấn chỉnh, rất có thể tướng Lương sẽ nhận định sai giữa thù và bạn. Khi đó, không chừng có ngày ông lại phải hối hận vì "cuộc đời tệ nhất là trên trận tuyến đánh ... quân mình".

Bài liên quan

Việt - Trung 88153205807236223

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Nhà bên

Thư viện blog

item