Hát tiếp về cây lúa hôm nay: thực hư giá trị hạt gạo

Cách đây hơn 10 năm, thời còn sinh viên lêu bêu, tôi hay về miền Tây chơi và có một tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Vùng nông thôn hiền ...

Cách đây hơn 10 năm, thời còn sinh viên lêu bêu, tôi hay về miền Tây chơi và có một tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Vùng nông thôn hiền hòa, êm đềm, giản dị và người dân miền Tây hồn hậu, chân chất dễ dàng chiếm lĩnh tâm trí tôi, tự nhiên như thể tôi là một người con xứ sở này vậy. Có lẽ do bản tính của tôi có phần nào đó phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Nơi tôi hay đến là một vùng trồng cây ăn trái, chủ yếu là nhãn. Đủ thứ nhãn: da bò, tiêu, nước, xuồng,... Tới các vườn để mua trái cây ở đây rất thú vị: hái ăn thoải mái không mất tiền, mang về mới tính tiền. Rộng rãi là vậy, nhưng xem ra chẳng là gì so với giá nhãn bấy giờ. Có những thời điểm thương lái thu mua chưa tới 500 đồng một kí, nhiều chủ vườn chẳng thèm bán, mặc cho chim ăn, nẫu rụng. Một số chủ vườn nghe ngóng thấy loại cây khác có giá trị hơn, lại chặt bỏ vườn nhãn mình để tìm một khởi đầu mới. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là "thương lái ép giá", tức là người nông dân làm ra sản phẩm nhưng lại không được quyết định giá thành bán ra. Vấn nạn này không chỉ có ở cây ăn trái miền Tây mà phổ biến ở nhiều loại nông sản khác, đặc biệt là lúa gạo, ảnh hưởng đến "nồi cơm" của người nông dân cả nước. Mười mấy năm nay "cán cân quyền lực" này dường như không có mấy thay đổi cho dù nước ta đã vươn lên thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Báo chí, truyền thông năm này qua năm khác vẫn rỉ rả bài ca "được mùa mất giá" (một quy luật thị trường nhưng không hiểu sao lại là "chuyện khó hiểu" đối với giới truyền thông) và một trong những tác nhân chính được chỉ ra vẫn là "thương lái ép giá". Nhiều giải pháp của nhà nước đưa ra để hỗ trợ nông dân nhưng chưa đưa lại hiệu quả như mong muốn. Có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ một trong những lý do căn bản xuất phát từ chính cung cách làm ăn của những người nông dân. Suy nghĩ đó của tôi ấp ủ từ thuở về miền Tây và cho đến bây giờ vẫn thấy đúng. Nhân đọc bài viết của ông tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn chê chính sách nhà nước trong việc người nông dân phải bán gạo với giá thấp, bên cạnh việc phê phán bài viết của ông ấy, tôi cũng tìm hiểu thêm một số bài viết, bài báo khác nhưng thấy hầu hết chỉ thấy dừng lại ở việc phản ánh tình trạng và "khóc giùm" cho người nông dân chứ chưa thấy chỉ ra được giải pháp nào thiết thực. Lạ lùng hơn nữa là dù ai cũng chỉ ra được thực tế nhức nhối "thương lái ép giá" nhưng tôi chẳng thấy giải pháp nào nhắm vào việc xử lý trực tiếp vấn nạn đó mà lại luẩn quẩn với những chuyện cao siêu nào đó như thể vấn nạn đó là một điều kiện khách quan và hiển nhiên vậy.

Những mối quan hệ trong sản xuất nông sản


Có rất nhiều yếu tố, thành phần tham gia vào vòng đời hạt gạo từ khi được ủ giống đến khi đến tay người tiêu dùng. Những thành phần chính có thể kể ra như sau:
1. Đầu vào: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông cụ, thiết bị nông nghiệp,..
2. Sản xuất: người nông dân
3. Đầu ra: các nhà phân phối, nhà xuất nhập khẩu,...
4. Môi trường quản lý: các chính sách nông nghiệp, XNK, thuế, ... của nhà nước và địa phương, trung tâm khuyến nông, các ngành phụ trợ,...

Giữa các thành phần này sẽ có những mối quan hệ, liên kết để tạo thành một chuỗi giá trị:
⍟ Theo chiều dọc:
① Mối quan hệ giữa Đầu vào và Sản xuất: giữa những doanh nghiệp cung cấp giống, thuốc BVTV, phân bón, máy móc nông nghiệp,... với người nông dân.
② Mối quan hệ giữa Sản xuất và Đầu ra: giữa người nông dân với các doanh nghiệp thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu...
③ Mối quan hệ giữa Đầu ra với Thị trường: giữa nhà phân phối, XNK, nhà buôn,... với thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa,..
⍟ Theo chiều ngang: mối quan hệ cạnh tranh / hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, mối quan hệ gắn kết giữa những người nông dân với nhau.

Nhìn vào các mối quan hệ này, có thể thấy rằng để tăng mức lợi nhuận của người nông dân thì phải kết hợp các yếu tố như: giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán đầu ra, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao lãng phí nguyên vật liệu,...
Trong các yếu tố này, hiện tại người nông dân chỉ có thể chủ động được về năng suất lao động, mức tiêu hao nguyên vật liệu. Các chương trình hỗ trợ về tài chính (miễn thuế nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất mua giống / phân bón,...), về kỹ thuật (chính sách "3 giảm, 3 tăng": Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế) trong thời gian vừa qua đã góp phần đưa nông dân nước ta trở thành những nhà sản xuất có năng suất lao động hàng đầu khu vực. Theo tờ Bưu điện Bangkok, số ra ngày 22/01/2011, nhờ những chính sách này của chính phủ Việt Nam mà năng suất trồng lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á trong khi chi phí lại ít hơn. Bài báo lấy ví dụ: chi phí sản xuất trung bình của nông dân ở Cần Thơ khoảng 4.978 baht/rai, thấp hơn 822 baht/rai so với nông dân tại Ayutthaya (5.800 baht/rai),  trong khi năng suất lại cao gần gấp đôi. [Rai: là một đơn vị đo lường của Thái, tương đương 40m x 40m = 1600m2].

Những tưởng năng suất lao động tăng, chi phí đầu vào giảm là điều kiện lý tưởng và chính yếu để người sản xuất có thể yên tâm an hưởng thành quả của mình nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Lúa gạo, nông sản không giống như những loại hàng hóa mà người sản xuất có thể kết nối trực tiếp với thị trường, bởi lẽ người nông dân không đủ vốn, tri thức, sự đồng bộ để có thể tự mình làm điều đó. Do đó, người nông dân sau khi hoàn thành "thiên chức" cày cấy của mình, lại hoàn toàn phó thác thành quả lao động của mình cho các nhà phân phối, nhà xuất nhập khẩu. Điều đó cũng có thể xem là lẽ thường tình trong thị trường nhưng đáng nói là ngay trong mối liên kết này, người nông dân cũng không tự chủ động được mà lại phải thông qua một lớp trung gian khác: các thương lái nhỏ lẻ. Để tạo ra thêm một đồng lợi nhuận trong quá trình sản xuất là không đơn giản nhưng cái lợi nhuận bé nhỏ ấy hoàn toàn có thể bị "hô biến" vào túi các thương lái một cách dễ dàng. Thất thoát trong khâu này là một trong những cản trở chính đối với thu nhập của người nông dân và ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường.

Thương lái đã chen vào giữa nông dân và nhà phân phối, XNK như thế nào?

Đây chắc chắn là một vấn đề mang tính lịch sử, tập quán, không chỉ riêng có ở Việt Nam. Chỉ có điều, cái tập quán của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ấy đã không còn phù hợp với quy mô, đặc điểm thị trường hiện nay, là tác nhân chính gây nên sự bất bình đẳng trong phân phối lợi ích giữa các thành phần tham gia trong chuỗi, đồng thời cản trở sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nền kinh tế Việt Nam đang lò dò từ kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang kinh tế công nghiệp - dịch vụ nên có rất nhiều lỗ hổng, kẽ hở, giữa những bộ phận kinh tế với nhau. Điều này cũng giống như những cấu kiện máy móc mới khi lắp ráp vào với nhau cần phải có thời gian rô đai, phải có dầu mỡ bôi trơn. "Dầu mỡ" trong kinh doanh bất động sản là cò nhà đất, trong giao nhận vận chuyển là các công ty tiếp vận nhỏ lẻ, trong nông sản là thương lái,... Bất cứ chỗ nào mà các "bánh răng chuyển động" chính chưa thể ăn khớp nhịp nhàng được với nhau thì ở đó thành phần trung gian sẽ xuất hiện.

Là thành phần trung gian (phụ) nhưng các thương lái lại ở thế "trên cơ" thành phần sản xuất chính là vì sao? Tại sao các nhà phân phối, nhà xuất nhập khẩu lại chấp nhận thành phần trung gian này dù điều đó cũng có nghĩa rằng giá cả họ thu mua vào sẽ cao hơn nếu làm trực tiếp với nông dân? Những nguyên nhân chính có thể kể đến là:
  • Người nông dân ngoài việc sản xuất ra, không có các kỹ năng khác để tạo hướng ra cho sản phẩm của mình. Thành phần lao động nông nghiệp rất lớn nhưng họ chỉ là những cá thể rời rạc chứ không tạo thành những tập thể vững mạnh, dẫn đến việc dễ dàng bị thương lái thao túng như chuyện bẻ từng chiếc đũa.
  • Người nông dân thiếu vốn, cơ sở hạ tầng (kho, bãi) để có thể dự trữ lúa gạo trong thời gian dài. Do đó họ gặp áp lực phải bán được lúa càng sớm càng tốt sau mỗi vụ mùa.
  • Tập quán làm nông manh mún, chạy theo tâm lý đám đông, dẫn đến phá vỡ các cấu trúc quy hoạch, sản phẩm tăng vọt trong khi nhu cầu thị trường không đổi, cơ sở vật chất phụ trợ không theo kịp, tạo điều kiện cho thương lái ép giá.
  • Các nhà phân phối, xuất nhập khẩu làm ăn theo kiểu bóc ngắn cắn dài, chỉ tập trung vào hoạt động thương mại chứ không chăm lo đến nguồn nguyên liệu. Thậm chí, những thương lái trung gian còn là "sân sau" của lãnh đạo các công ty phân phối, xuất nhập khẩu. Bằng hình thức này, họ sẽ bóc tách được một phần giá trị hạt gạo lý ra thuộc về người nông dân và doanh nghiệp, bỏ vào túi cá nhân.

Giá trị hạt gạo bị bóp nghẹt thế nào?

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành nước đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo nhưng nghịch lý là giá gạo của chúng ta lại thường đứng "đội sổ" trong danh sách những gã khổng lồ về sản lượng gạo! Đặc biệt trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm nay, giá gạo liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 06. Nhiều lý do quen thuộc lại được các nhà xuất khẩu viện dẫn như: nhu cầu thế giới giảm, gạo Việt chưa có thương hiệu, chất lượng gạo Việt không bằng gạo nước khác,... Và hòa cùng tiếng ta thán của người nông dân, các nhà xuất khẩu cũng không ngừng than thở về những khoản thua lỗ mà mình đang phải gánh chịu. Nghe ra thì cũng hợp lý, nhưng những điều đó có hàm lượng sự thật đến mức nào?

Theo thống kê và dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu nhập khẩu gạo năm 2013 sẽ đạt 38,6 triệu tấn, giảm hơn nửa triệu tấn so với năm 2012 nhưng tăng gần 6,7 triệu tấn so với ba năm trước. Do đó có thể thấy nhu cầu thực sự của thế giới biến động không đáng kể. Việt Nam là nguồn cung ổn định, truyền thống và giá rẻ cho thế giới trong nhiều năm qua nên chắc chắn chút biến đổi của nhu cầu thế giới kia không ảnh hưởng đáng kể đến việc cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Chuyện gạo Việt Nam chưa có thương hiệu là điều đáng tiếc nhưng đó không phải là vấn đề mới. Hàng chục năm nay người ta vẫn tìm đến thị trường cung cấp gạo Việt Nam mặc dù "thương hiệu" vẫn là một thứ mù mờ. Còn nói chất lượng gạo Việt không bằng gạo nước ngoài là vô căn cứ. Theo các chuyên gia về gạo trả lời trên phương tiện truyền thông và các hội thảo chuyên ngành thì chất lượng gạo Việt Nam không hề thua kém bất cứ đối thủ cạnh tranh nào. Chẳng nhìn đâu xa, chính những thứ gạo tiêu thụ nội địa đang "khoác áo" gạo Nhật, Thái, Hàn,... cũng chỉ là gạo sản xuất trong nước (có thể giống gạo nước ngoài).

Vậy thì nguyên nhân thực sự vì đâu mà giá gạo Việt Nam lại thấp hơn Thái Lan trên 100USD/tấn và hàng chục USD/tấn so với Ấn Độ, Pakistan? Có thể là gì khác ngoài năng lực yếu kém của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt? Có thể kể ra một số yếu tố như sau:
  • Các doanh nghiệp xuất khẩu (nhất là các doanh nghiệp nhà nước) thời gian vừa qua được thừa hưởng nhiều lợi ích từ các hợp đồng chính phủ nên khi loại hợp đồng này sụt giảm, họ "chới với" khi phải tìm kiếm những đơn đặt hàng khác. Năng lực đàm phán, tìm kiếm thị trường, hoạt động ngoại thương của các doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế.
  • Các doanh nghiệp xuất khẩu ỷ y vì họ "làm chủ" được đầu vào, tức họ áp đặt được mức giá lên người nông dân nên họ dễ dàng nhượng bộ trước đối tác mua gạo. Sau đó, họ đem cái gánh nặng về giá trút lên người nông dân. Họ sẵn sàng bán thật rẻ để đạt được sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất, và vì thế lợi nhuận họ thu về cũng không hề giảm (hoặc không đáng kể) nếu so với việc phải cạnh tranh giá với các nước khác.
  • Cũng như cách làm ăn manh mún của người nông dân, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt hầu hết có quy mô nhỏ. Nhưng thay vì liên kết với nhau để đấu với doanh nghiệp nước ngoài, họ lại lợi dụng sự "xông xênh" biên độ dưới (giá mua) để vô tư dùng giá để chèn ép lẫn nhau. Cuối cùng, đối tác nước ngoài là người được hưởng lợi lớn nhất và nông dân Việt lại là người gánh "cục nợ" sinh ra bởi sự kèn cựa giữa các doanh nghiệp Việt.
Nói gọn lại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt đối với thị trường quốc tế thì "rắn buông" để quay lại "mềm nắn" nông dân trong nước. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm đối với không chỉ quyền lợi của người nông dân mà còn đối với sự phát triển của ngành ngoại thương Việt Nam, chí ít là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, một vấn đề mà mọi người ít để ý là giá gạo tiêu thụ nội địa của Việt Nam lại không hề thấp! Theo số liệu thống kê năm 2012, tổng sản lượng lúa cả nước là 43,66 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu là 8,05 triệu tấn; lượng gạo tồn kho khoảng 0,7 - 0,8 triệu tấn, lượng lúa tiêu thụ là 29 triệu tấn (khoảng 17,5 triệu tấn gạo theo tỷ lệ lúa : gạo là 1:0,6). Như vậy lượng lúa tiêu thụ chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng toàn quốc. Giá gạo tại thị trường bán lẻ giao động trong khoảng từ 12.000 đồng / kg đến trên 20.000 đồng/kg, chưa kể các loại gạo "khoác áo ngoại quốc". Tức là giá bán lẻ gạo trong nước tối thiểu là 560 USD / tấn, nhiều hơn giá gạo xuất khẩu tháng 07 khoảng 170USD/tấn! Trừ đi các chi phí vận chuyển, kho bãi thì mức chênh lệch giữa giá lúa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng rất lớn. Như vậy, đại đa số người dân Việt chúng ta đều đang bị "thua toàn tập" trong vụ lúa gạo này: nông dân bán giá thấp, người tiêu dùng mua giá cao, xuất khẩu giá thấp,... chỉ có "tầng lớp trung gian" là sống khỏe!

☺☻☺

Để có một giải pháp toàn diện, triệt để từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và để đến khi nó đem lại kết quả thiết thực thì còn mất nhiều thời gian, nhiều tiền của. Tuy nhiên, trong lúc đó, những người nông dân có thể tự cứu mình hay không? Tôi nghĩ là có và tôi sẽ trình bày suy nghĩ của mình trong bài viết sau. Bây giờ thì mời mọi người thưởng thức lại bài hát "Hát về cây lúa hôm nay", một tuyệt phẩm của nhạc sỹ Hoàng Vân, qua giọng ca Nhất Sinh, trong clip dưới đây.

Bài liên quan

Kinh tế 3767468571943848956

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

  1. Phần tiếp đâu rồi đồng chí ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa có thời gian viết được bác ạ. Từ từ đã nhé :))

      Xóa
  2. (h). Ca này khó đấy. Đúng như Tùng nói là bây giờ nông dân phải tìm cách tự cứu mình trước

    Trả lờiXóa

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item