Đạo diễn Oliver Stone: Thật xấu hổ cho nước Mỹ và phương Tây
Tháng 9 vừa qua, Oliver Stone, một trong những nhà sản xuất phim nổi tiếng nhất của Mỹ với các tác phẩm lừng danh về chiến tranh Việt Nam ( ...
https://daosichanga.blogspot.com/2014/12/dao-dien-oliver-stone-that-xau-ho-cho-nuoc-My.html
Tháng 9 vừa qua, Oliver Stone, một trong những nhà sản xuất phim nổi tiếng nhất của Mỹ với các tác phẩm lừng danh về chiến tranh Việt Nam (Trung đội (1986), Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (1989) và Trời và Đất (1993)) đã đến Matxcova gặp cựu chuyên viên phân tích tình báo Mỹ Edward Snowden để chuẩn bị cho việc làm phim về cuộc chạy trốn của anh sau khi làm rò rỉ nhiều thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Trong dịp này, ông cũng đã trả lời phỏng vấn tờ báo Nga Rossiiskaya Gazeta trong một cuộc trò chuyện phản ánh cái nhìn của vị đạo diễn từng đoạt ba giải Oscar này về mối quan hệ Mỹ - Nga và về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Do cuộc phỏng vấn vô tình đúng dịp sinh nhật của Oliver Stone (ngày 15/9), các phóng viên đã đem tặng ông các món quà là chai vodka hình súng tiểu liên Alashnikov (водки "Калашников") và chiếc áo thun in hình “Những người lịch sự” (майку "Вежливые люди").
Trong cuộc phỏng vấn, Oliver Stone cũng khẳng định lại việc Mỹ đã dàn dựng "Sự kiện Bắc Bộ" để xâm lược Việt Nam.
Mời các bạn tham khảo bản dịch toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn dưới đây (tôi tạm dịch, đối chiếu từ bản tiếng Nga & tiếng Anh).
Trong cuộc phỏng vấn, Oliver Stone cũng khẳng định lại việc Mỹ đã dàn dựng "Sự kiện Bắc Bộ" để xâm lược Việt Nam.
Mời các bạn tham khảo bản dịch toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn dưới đây (tôi tạm dịch, đối chiếu từ bản tiếng Nga & tiếng Anh).
***
PV: - Loại áo này đang mốt. Hồi tháng 9, khi diễn viên Steven Seagal biểu diễn ở Sevastopol (Crimea), được tặng áo thun có hình Putin, ông ấy đã mặc ngay trên sân khấu. Hoặc như diễn viên Mickey Rourke khi tới Nga đã xếp hàng mua áo thun in ảnh Putin. Tấm ảnh Rourke đi mua áo được lan truyền trên nhiều tờ báo, khiến sau đó trợ lý của Rourke cho biết là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có gọi điện yêu cầu không nên quảng bá quá mức tình yêu với nước Nga. Ông có sợ mặc áo thun in ảnh Putin không?Oliver Stone: Thành thật mà nói, tôi không tin Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) gọi điện nói như vậy. Tôi không cho là họ có sự ủy nhiệm pháp lý đó. Mọi công dân Mỹ có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng có lẽ tôi sẽ không mặc cái áo đó trước công chúng, bởi nó khiêu khích. Tôi không muốn khiêu khích.
Đúng, đôi khi những nhận định của tôi có tính công kích, nhưng thường thì tôi cố giữ một thái độ kiềm chế. Đơn giản tôi cho rằng tôi có quyền bày tỏ ý kiến như một công dân Mỹ mà nếu không làm vậy, vô hình trung tôi chịu thua sự sợ hãi và tuân phục các giáo điều, thứ tôi căm ghét.
- Vâng, thật khó khăn để thấy rằng chúng ta sợ cả việc có ý kiến của riêng mình. Ông có cảm thấy sợ không khi phải đứng một mình chống lại bộ máy tuyên truyền hùng mạnh của Mỹ?
Tôi sẽ không đặt câu hỏi theo cách này. Tôi nghĩ rằng nhiều người Mỹ sẽ đồng ý với tôi rằng Hoa Kỳ là đi sai đường - con đường của chiến tranh và xâm lược. Mỹ chỉ có thể đi lên, và mục đích của chuyển động này là thống trị thế giới. Nga và Trung Quốc là các cường quốc độc lập với tiềm năng hạt nhân, và điều này là rất quan trọng, và rất hữu ích cho thế giới từ gốc độ cán cân lực lượng. Nếu không có sự cân bằng này, Hoa Kỳ sẽ trở thành siêu cường duy nhất. Trong vai trò này, Mỹ đã hành xử sai lầm, gây ra các cuộc chiến tranh ở Kuwait, Iraq, Afghanistan, can thiệp quân sự vào Libya. Mục đích của Mỹ là kiểm soát các nguồn tài nguyên của thế giới, trở thành “sen đầm” kiểm soát cả thế giới. Bây giờ Mỹ đang cố gắng bao vây Trung Quốc và Nga. Phần thưởng trong cuộc đấu này khu vực Âu Á, nơi tập trung các nguồn trữ lượng tài nguyên".
- Nhưng tại sao người Mỹ đang đẩy Nga về phía Trung Quốc. Đó chẳng phải là điều điên rồ ư?
Bạn biết đấy, theo suy nghĩ của tôi, một Liên minh của Trung Quốc và Nga tại khu vực Âu Á là điều tự nhiên, cũng như cả quan hệ đối tác của họ với các nước khác, chẳng hạn như Kazakhstan. Đó là tương lai. Nếu các nước trong khu vực đều đồng ý rằng Hoa Kỳ là một mối đe dọa từ gốc độ kiểm soát tài nguyên, thì sẽ nảy sinh các vấn đề. Nhưng Mỹ sẽ không bỏ cuộc, bởi vì những người ở Washington đã quen nghĩ rằng họ có quyền thống trị thế giới, và do đó mục đích của họ là làm mất ổn định Nga: chia rẽ Ucraina,lật đổ chính quyền ở Mátxơcva. Điều này đã bắt đầu một vài năm trước. Lật đổ Putin, tiêu diệt nước Nga mới, và sau đó nhắm vào Trung Quốc.
VỀ KẺ THÙ CỦA NƯỚC MỸ
- Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã nói rằng ông có hứng thú làm phim về những người được xác định là kẻ thù của Hoa Kỳ như: Fidel Castro, Hugo Chavez. Ông có nghĩ đến việc làm một bộ phim về Vladimir Putin, người mà các phương tiện truyền thông phương Tây gọi là kẻ thù số một của nước Mỹ?
Phim về Chavez và Castro là những cuộc phỏng vấn, tài liệu. Nó khác với bộ phim kịch tính. Tôi đang làm việc với các nhà sản xuất Ukraina những người đang làm một bộ phim tài liệu mang tên "Ukraine trong lò lửa" kể về quá trình của cuộc khủng hoảng tại quốc gia đó. Tôi là một trong những nhà sản xuất của dự án này, và họ muốn tôi phỏng vấn Vladimir Putin. Chúng tôi đã đề nghị như vậy. Tôi không thể nói chắc chắn là điều đó có trở thành hiện thực hay không vì nó phụ thuộc vào ông Putin. Cũng sẽ có các cuộc phỏng vấn với những người khác. Nhưng tôi không phải là giám đốc hoặc nhà sản xuất chính, nên nó sẽ có chút khác biệt so với các tác phẩm khác của tôi. Bây giờ tôi đang làm một bộ phim về Edward Snowden. Tôi không thể làm hai bộ phim cùng một lúc.
Oliver Stone và Hugo Chavez năm 2010 |
Không, nó chỉ là một tin đồn, mặc dù tôi biết về sự tham gia của chủ nghĩa quốc xã ở Ukraine. Tôi không cho rằng mình có thể làm một phim tài liệu khác bây giờ. Tôi đã làm việc suốt một năm nay với một bộ phim về Snowden và một dự án khác.
- Ý ông là bộ phim "Lịch sử chưa kể về nước Mỹ"?
Đúng vậy, tôi và Peter Kuznik vừa hoàn thành 12 giờ loạt phim tài liệu dài "Lịch sử chưa kể về nước Mỹ". Nó sẽ được chiếu trên kênh Channel One của Nga. Cuốn sách dựa trên bộ phim này sẽ không giống như những gì thường thấy. Tôi đã từng bị cáo buộc nhiều lần rằng mình xuyên tạc sự thật, vì vậy chúng tôi đã quyết định chứng minh cho những gì mình đang nói trong bộ phim bằng những cuốn sách. Trong quá trình viết sách cũng như các bộ phim, chúng tôi đã làm việc với ba nhóm rà soát sự kiện khác nhau. Chúng tôi đã cố gắng để làm cho nó tốt nhất có thể.
Chúng tôi đã bán những cuốn sach này ở nhiều nước. Tôi rất vui khi sau nhiều nỗ lực cuốn sách và bộ phim đã được phát hành ở Nga. Người Nga đã có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai. Người Mỹ không hiểu nhiều về lịch sử của các cuộc chiến tranh, và chúng tôi đã giải thích điều đó trong cuốn sách. Người Nga có thể nói, "Vâng, chúng tôi biết điều này." Người Hoa Kỳ thì không. Chúng tôi viết các cuốn sách và làm bộ phim này cho những người trẻ tuổi, con gái và con trai của tôi, để họ có thể hiểu về những lịch sử này. Tôi đã đi qua tất cả các nước cùng với Peter, tất cả các nơi trên thế giới, để nói chuyện với sinh viên. Chẳng hạn cuối tuần này chúng tôi sẽ tới Arkansas để giới thiệu về chương năm, trong đó kể về cuộc khủng hoảng di dân vào năm 1957 dưới thời Tổng thống Eisenhower. Tôi quan tâm rất nhiều về giảng dạy lịch sử cho những người trẻ tuổi.
Cuốn sách đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi như các cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, "chiến tranh lạnh", quan hệ Mỹ - Liên Xô. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là ở phần cuối của quá trình lịch sử lâu dài này. Tôi rất quan tâm đến lịch sử về những mối quan hệ giữa hai nước, và nó là một vấn đề rất lớn và phức tạp.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine theo một cách nào đó với tôi là nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng Cuba trong năm 1961-1962 và tình hình Berlin. Điều này thật là đáng sợ!
- Ông có biết về phát xít mới ở Ukraine. Ông có theo dõi tình hình ở đó?
Trong thực tế, trên cùng mảnh đất Ucraina nói chung rất nhiều chất Nga. Nếu quay trở lại Chiến tranh thế giới II, ở Ucraina đã xảy ra các cuộc chiến đấu đẫm máu và rất nhiều người Nga chết ở đó, khi chiến đấu với Đức quốc xã, cũng như với người Ucraina đã từng giúp đỡ người Đức. Nhưng người Mỹ không nhận thức được điều này và không hiểu rằng Nga đã cứu thế giới khỏi Hitler và rằng người Nga đã tiêu diệt quân đội Đức. Cỗ máy chiến tranh Đức quả là đáng sợ, thậm chí ở giai đoạn cuối của cuộc chiến. Họ sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Cũng như Liên Xô. Đó là một cuộc tắm máu. Theo tôi, việc người Nga tiêu diệt gần hết cỗ máy chiến tranh của Đức đã cứu mạng ít nhất một triệu người Mỹ. Đã có hơn 300 ngàn người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến này. Hãy tưởng tượng nếu chúng tôi phải tham chiến sớm hơn. Nếu, ví dụ, Liên Xô sau khi đánh bại Đức ở Stalingrad và Kursk đã từ chối tự mình tiến lên tiếp, và để cho phe đồng minh tự giải quyết phần còn lại của cuộc chiến. Đây là ác mộng đối với Churchill và Roosevelt. Mỹ có thể đã bị mất thêm một triệu binh sĩ nữa. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu trẻ em không có cha và ông nội. Nó sẽ thay đổi toàn bộ bản chất kiêu ngạo của người Mỹ sau chiến tranh thế giới II, khi chúng tôi có vị thế quyền lực như vậy. Chúng tôi phải cảm ơn nước Nga vì điều đó, trở thành đồng minh của họ và tin tưởng họ. Nhưng tổng thống Truman và các nhà tài phiệt ở phố Wall đã không một phút giây nào nghĩ đến điều đó. Các ông chủ ngân hàng và những người giàu có ở Mỹ luôn luôn ghét Nga, ghét cộng sản. Truman nói tại Thượng viện vào năm 1942 rằng hãy để cho quân đội Liên Xô và Đức để giết chóc lẫn nhau, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ đó. Đó là tư tưởng của Truman.
TỪ BREZHNEV TỚI PUTIN
- Nhiều người Mỹ vẫn không biết nhiều về nước Nga, đến nay vẫn cho rằng ở đó chỉ có Siberia và trên đường đầy gấu. Ông đến Nga không dưới một lần. Ông đánh giá thế nào về sự tiến bộ ở đó?
Tôi chỉ thấy những gì trên bề nổi, tôi cũng không phải chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi không biết tiếng Nga, không đến các làng quê, không có nhiều mối quan hệ ở Nga. Tôi chỉ có thể nói về bộ mặt của nước Nga dựa trên Matxcơva và Saint Petersburg.
Tôi đã tới Liên Xô đầu thập niên 1980, khi Leonid Brezhnev còn nắm quyền, để phỏng vấn khoảng một chục vị bất đồng chính kiến Xô viết. Với sự lên ngôi của Gorbachev, trong tôi cũng như nhiều người khác nảy sinh hi vọng về hòa bình... Giai đoạn từ năm 1986-1989 cứ tưởng mọi thứ là như thế.
Đến năm 1989, Mỹ tấn công Panama, tôi đã vô cùng thất vọng. Năm 1991, bắt đầu chiến tranh Kuwait, hi vọng về một trật tự thế giới mới sụp đổ. Chiến tranh ở Kuwait đã giữ nước Mỹ tiếp tục trên đường ray quân sự hóa. Nước Mỹ đã không khác đi sau các tất cả thỏa ước với Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, hi vọng thay đổi lại một lần nữa xuất hiện. Nhưng không. Tôi không biết hết chi tiết, bởi tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử không phải trong trường học mà muộn hơn, năm 2008, khi nhiệm kỳ tổng thống của G. Bush (con) đang ở năm thứ tám.
Khi đó tôi đã 60 tuổi, tôi đã sống đến độ tuổi này với nỗi thất vọng lớn lao về những gì xảy ra ở Mỹ - đất nước tôi yêu. Bush đã bóp méo tất cả những gì tôi hằng tin thời ấu thơ và niên thiếu. Tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử Mỹ, và Peter Kuznick giúp tôi nhiều trong việc này. Kết quả của việc làm này là tạo ra một phim tài liệu và một cuốn sách. Lúc đó tôi cũng bắt đầu tìm hiểu những gì đã xảy ra ở thập niên 1980-1990. Tôi nhận ra Mỹ đã bóp méo tinh thần những thỏa thuận giữa Gorbachev và G. Bush (cha) về các vấn đề thống nhất nước Đức, mở rộng NATO và những vấn đề khác.
- Điều đó có nghĩa rằng không phải là Liên Xô mà Mỹ mới chính là đế chế ác quỷ?
Hoa Kỳ là một đất nước lạ lùng. Nghiên cứu một lịch sử của nó có thể đi đến một kết luận rằng nó luôn luôn cần một kẻ thù, cho dù đó là chủ nghĩa cộng sản hay cái gì khác. Sau cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, người Mỹ rất sợ, sợ ảnh hưởng của các ý tưởng của những người Bolshevik thâm nhập vào tầng lớp lao động tại Hoa Kỳ. Trong chính phủ và các tầng lớp kinh doanh, thái độ đối với cuộc cách mạng ngay từ đầu đã rất tiêu cực, và nó không bao giờ thay đổi. Dưới thời tổng thống Woodrow Wilson, Hoa Kỳ đã đưa quân sang Nga để chống lại cuộc cách mạng. Mỹ chỉ công nhận Liên Xô từ năm 1933, dưới thời Franklin Roosevelt. 6 năm trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu vào năm 1939, đó đã là điều rất tiến bộ ở Mỹ. Cải tạo lao động đã được thực hiện, nội quy lao động đã được thay đổi và thực hiện tốt hơn. Và nó là một ảnh hưởng tích cực mà người Nga đã tác động vào nền kinh tế Mỹ. Đối với tôi, thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi nghĩ rằng sẽ là một mất mát lớn nhất đối với những người Mỹ không hiểu gì về cuộc chiến này và về những người chiến thắng. Chính sự hiểu lầm này và sự thiếu hiểu biết quá đáng là thiếu sót của người Mỹ. Đây chính là điểm mấu chốt trong nhận thức về nước Nga của người Mỹ.
- Oliver, liệu chúng tôi hiểu ông đúng không nếu nói ông ủng hộ Gorbachev, người mà ở nước tôi ít được nghe nói tốt về ông ấy?
Vâng, tôi thích ông ta, dù tôi biết ông ấy không được ưa chuộng và bị truất quyền năm 1991. Tôi đọc những hồi ký gần đây của ông ấy, trong đó ông ta kể lại chi tiết chuỗi sự kiện làm bất ổn tình hình, về Boris Yeltsin và về sự sụp đổ Liên Xô.
Tôi có cảm tưởng nếu cho Gorbachev ở lại, tình hình thế giới có thể đã tốt hơn. Nhưng Mỹ muốn biến Nga thành nước tư bản và đã gửi tới đó các chuyên gia của mình để khuyên nên làm cho nền kinh tế tự do hơn, được gọi là những chàng trai Harvard (tức các cộng sự từ Viện Phát triển kinh tế của Đại học Harvard cố vấn cho Chính phủ Nga lúc bấy giờ - R.G).
Kết quả là ta nhận được nền kinh tế gangster.
- Vậy thì ông thấy vai trò của Putin trong bối cảnh đó là gì?
Tôi cho rằng, dù nhiều người cảm nhận khác, V. Putin đóng một vai trò hết sức quan trọng, ngăn chặn cú trượt dài của nước Nga khi nói “không” với chính sách của Yeltsin, đặt ra một trật tự mới và chế độ toàn trị mới. Tôi nghĩ điều đó đã mang tới cho người Nga cảm giác ổn định, bình an, tự hào. Những năm 1990, kinh tế Nga thu hẹp lại chỉ còn cỡ nền kinh tế Hà Lan, quá nhỏ so với một đất nước rộng lớn như thế. Lấy lại quốc gia từ tay những kẻ cướp là một bước đi vô cùng quan trọng cho nước Nga. Trong hoàn cảnh đó, tôi khâm phục Putin như một con người mạnh mẽ.
Ở Nga, người ta luôn phải chơi theo những luật lệ khác với ở Mỹ, nghiệt ngã và hà khắc hơn nhiều. Nếu nói về cảm nhận của tôi thì khi tôi đến Nga thập niên 1990, trông nó đã có vẻ tươi tắn, mới hơn, nhiều hộp đêm, cận vệ hơn. Sau đó tôi đến đây vào đầu những năm 2000.
Tôi không biết ở các khu vực khác thì sao, còn ở Matxcơva thì chất lượng phục vụ đã tốt hơn nhiều. Thành phố rất đắt đỏ, chói sáng, hiện đại. Người ta trông hạnh phúc hơn. Có thể họ không quen cười nhiều bởi vì khí hậu nước các bạn khắc nghiệt, nhưng tâm hồn họ sâu sắc và khi có thời gian ở cùng họ, bạn sẽ hiểu họ rất hiếu khách và nồng hậu.
Tôi thích người Nga.
- Vậy ông đã từng quan tâm đến Stalin bao giờ chưa?
Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghĩ về điều ấy. Còn bây giờ thì không. Tất nhiên, đây là một nhân cách tuyệt vời và vĩ đại. Nhưng tôi không thể nghĩ ra được cách làm phù hợp cho một bộ phim về ông ấy. Tôi chưa tìm thấy chìa khóa cho vấn đề đó.
SNOWDEN: ANH HÙNG HAY KẺ PHẢN BỘI?
- Chúng ta hãy quay lại chủ đề Snowden. Khi nào bộ phim đó được phát hành?
Bây giờ chúng tôi đang hoàn thành kịch bản phim. Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu quay vào đầu năm tới và nó có thể ra mắt cuối năm 2015.
- Ông đã gặp Snowden ở Nga khi làm bộ phim này?
Có, tôi đã gặp anh ta ở Matxcơva, cũng như với nhiều người khác liên quan.
- Điều gì khiến ông quay phim về Snowden, người mà nhiều người ở Mỹ cho là kẻ phản bội?
Về chính hành động của Snowden thì tôi không thể nói nhiều bởi trong trường hợp này tôi là kịch tác gia chứ không phải nhà báo. Hình tượng sân khấu khác với (hình tượng) chính trị. Vì vậy khi tôi làm phim về G. Bush con, ở mức độ nào đó tôi phải cố làm sao cho mọi người có thể hiểu ông ấy, dù tôi không thích ông ta.
Công việc của tôi là một nhà viết kịch - làm sao để mọi người hiểu Snowden. Trong ý nghĩa đó, tôi không đứng ở một quan điểm nào khi làm phim, không nói Snowden tốt hay xấu. Tôi chỉ giới thiệu sự kiện và để mọi người tự phán xét. Xung quanh Snowden có nhiều cuộc tranh cãi chính trị, nhưng phim thì không làm điều đó.
- Ông nghĩ gì về hành động của Chính phủ Nga khi cho Snowden cư trú trên lãnh thổ Nga?
Tôi nghĩ việc cấp nơi cư trú cho Snowden là một nước cờ tốt bởi anh ta không có nhà cửa, không ai sẵn sàng tiếp nhận anh ta. Và tôi có cảm giác (người Nga làm) điều đó không phải để gây khó chịu cho Mỹ, mà để nói: phải có một đối trọng cho một thế giới mà Mỹ đang điều khiển toàn bộ.
Hãy nhớ việc máy bay Tổng thống Bolivia Evo Morales bị buộc hạ cánh (vì tình nghi có Snowden trên đó - NTT). Tay của người Mỹ vươn dài lắm. Trước kia có thể tìm nơi cư trú chính trị ở Brazil, Pháp, Thụy Sĩ hay Thụy Điển. Giờ thì không thể. Khắp nơi là ảnh hưởng của người Mỹ.
Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất, và tôi không cho rằng điều đó có lợi cho ai, kể cả người Mỹ.
Vì vậy, khi quyết định của ông Putin về vấn đề Snowden hay, ví dụ, khi ông đưa ra một đề nghị để phá hủy vũ khí hóa học ở Syria, ông thực sự đã giúp thế giới và đóng góp vào hòa bình trên hành tinh của chúng ta.
"ĐỐI VỚI NGA - ĐÓ LÀ MỘT ÁC MỘNG"
Mấy tháng trước tôi gặp Mikhail Gorbachev. Ông lên án những gì người Mỹ đã làm, gọi đó là sự phản bội nước Nga và vi phạm tinh thần những thỏa thuận với G. Bush (cha). Những thỏa ước đó không được củng cố bằng văn bản, bị vi phạm đầu tiên bởi Bill Clinton, sau đó là G. Bush (con) rồi đến Barack Obama. Kể từ đó có thêm 13 quốc gia gia nhập NATO. Đối với Nga, đó là một cơn ác mộng. Theo suy nghĩ của tôi và nhiều người khác, NATO đã được hoàn thành sứ mệnh của nó sau khi kết thúc "chiến tranh lạnh", không có lý do nào để liên minh này tiếp tục tồn tại. Đó là một liên minh phòng thủ để bảo vệ Tây Âu, và đã trở thành một liên minh tấn công nuốt trọng Đông Âu với lá chắn tên lửa gần biên giới với Nga.
Tình hình ở Ukraine hiện nay là phép thử cuối cùng. Nó bắt đầu bằng nỗ lực để đưa NATO vào Georgia. Sau đó, ngấm ngầm tìm cách đưa Ukraine vào liên minh và chặn con đường của Nga tới Sevastopol cho Nga, nơi mà có một hạm đội. Điều đó có khác chi đòi cắt mất mấy hòn bi (của Nga) và nước Nga làm sao có thể chấp nhận được. Tôi hiểu tại sao Putin không thể bỏ Crimea. Các tổ chức phương Tây - EU, NATO, IMF - muốn có ảnh hưởng, điều hành và kiểm soát Ukraine. Tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề lớn đối với Nga, để bảo vệ các quyền của người dân ở phía đông nam của Ukraine. Tôi hiểu vấn đề xung đột ở đây là gì, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người Mỹ chẳng hiểu gì về quan điểm của Nga. Họ cho rằng nước Nga chỉ muốn vươn tới sự vĩ đại, rằng Putin muốn khôi phục quá khứ. Theo tôi, Putin giữ vị thế phòng thủ, bảo vệ những lợi ích địa chính trị then chốt của Nga. Ông ta có quyền đó như bất cứ nước nào khác. Vấn đề là Hoa Kỳ tiếp tục xâm lấn và liên tục đẩy người Nga đến giới hạn của sự kiên nhẫn, như việc mở rộng NATO về phía đông. Tình trạng này rất nguy hiểm.
Sẽ là một thảm họa nếu đẩy Nga vượt qua các giới hạn. Nhưng Mỹ sẽ không chịu dừng lại ở Ukraine. Mà với Nga - đó là biên giới của Nga.
ĐÊM TRƯỚC CỦA "MÙA ĐÔNG HẠT NHÂN"
- Gần đây, một nhà báo và là một cựu nhân viên NSA Wayne Madsen cho rằng thượng nghị sĩ John McCain đã sai lầm khi ông kêu gọi về một cuộc chiến toàn diện với Nga. Trước đó, cái cớ là cuộc xung đột ở Abkhazia và Nam Ossetia, và bây giờ ông ta muốn bắt đầu nó với tình hình ở Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với Press TV, Madsen nói rằng thượng nghị sĩ cần hỗ trợ tâm thần. Ông cho rằng việc bài Nga cực đoan là hậu quả của chấn thương tinh thần của McCain ở Việt Nam. Nhưng McCain không chỉ có một mình. Nhiều người bây giờ đang nói về một "chiến tranh lạnh" thứ hai hay thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông nghĩ gì về khả năng này?
Đối với một người đã tham gia chiến tranh, McCain dường như chưa học được gì. Tôi nhớ là, ông ta dường như luôn phía đối lập với mỗi quyết định chính trị của Hoa Kỳ thực hiện kể từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ rằng có điều gì đó đã xảy ra với ông ta.
Thực tế, đây là tình trạng rất nguy hiểm. Nó không chỉ là "chiến tranh lạnh" 2.0, mà còn có vẻ như tình hình của Cuba vào năm 1962. Tôi lo sợ rằng sự hiểu lầm lẫn nhau có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân và tiếp theo đó là "mùa đông hạt nhân". Trước đây, chúng ta đã lo sợ về điều này, sau đó nỗi sợ này rút đi trước những thách thức mới, nhưng mối đe dọa vẫn còn đó.
Tôi không biết liệu điều đó xảy ra hay không nhưng tôi rất lo lắng.
AI ĐÃ BẮN HẠ MÁY BAY MALAYSIA?
- Trên Facebook ông đã kêu gọi mọi người không tin vào những lời cáo buộc của chính phủ Mỹ rằng Matxcơva có trách nhiệm trong việc máy Boeing của Malaysia bị rơi. Bây giờ, hai tháng sau sự kiện đó, báo cáo của Hà Lan đã được công bố, nhưng nó đã không làm rõ được vấn đề gì cả. Ông nghĩ gì về điều đó? Ai đã bắn hạ máy bay?
Đây là một ví dụ khác về việc đưa tin kém hiệu quả về các sự kiện của báo chí phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra một cáo buộc kích động nhằm vào Nga. Và ông ta trước đó cũng đã làm điều tương tự ở Syria, cáo buộc chính phủ nước này sử dụng khí sarin, mặc dù đã có rất nhiều bằng chứng rằng trái ngược chỉ ra rằng khí độc đã được phát tán bởi phe đối lập Syria. Tôi đã đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông Nga rằng có một máy bay phản lực quân đội Ukraine bay bên cạnh Boeing. Chúng ta nên kiểm tra thân máy bay và xem xét về khả năng chiếc máy bay bị bắn hạ bởi các máy bay chiến đấu. Điều đó hoàn toàn có thể. Hơn nữa, ngay sau khi thảm họa đã có một thông tin bị rò rỉ từ cơ quan tình báo Hoa Kỳ rằng đó là một phi hành đoàn của chính phủ Ucraina phóng tên lửa vì họ đang say rượu. Và sau đó họ nói rằng đó là những người ly khai thân Nga mặc đồng phục của quân đội Ukraine. Tôi có thể kết luận được gì từ những thông tin đó?
Có một phần khác bị bỏ qua trong câu chuyện này. Nhờ Snowden, chúng ta biết rằng Hoa Kỳ có khả năng theo dõi toàn bộ thế giới, và đặc biệt là ở Ukraine trong một thời điểm quan trọng như vậy. Vậy tại sao Mỹ không công bố bất kỳ hình ảnh nào về sự kiện này? Điều đó nói lên rất nhiều. Họ có vẻ không muốn mọi người biết về các máy bay chiến đấu Ukraine trên bầu trời. Và làm thế nào bạn có thể bỏ lỡ một tổ hợp "Buk" khá lớn bao gồm một số tên lửa lớn? Hoa Kỳ cũng chẳng thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về việc những tên lửa này đã đến Ukraine từ Nga. Tôi cũng đã đọc rằng Nga đã cung cấp tổ hợp tên lửa đó cho quân đội Ukraine trước cuộc khủng hoảng. Vì vậy, đó là những bằng chứng chẳng hề có chút thuyết phục. Tại Anh, các chuyên gia đang giải mã "hộp đen", nhưng kết quả của cuộc điều tra sẽ được công bố vào năm 2015, điều đó là quá muộn. Trực giác của tôi mách bảo là chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi những "kẻ xấu" trong chính phủ Ukraine. Tôi không chắc chắn, nhưng đó là linh cảm của tôi.
- Có lần khi trả lời phỏng vấn ngài đã nói một cách hình ảnh rằng các phương tiện truyền thông hiện đại đã “nhóm lửa để thiêu rụi sự thật” . Ngài có nhận xét gì về cách đưa tin hiện nay trên thế giới nói chung và ở Ucraina hiện nay nói riêng?
Oliver Stone tại Việt Nam năm 2007 |
Thật khủng khiếp. Tôi đã từng tham gia chiến đấu tại Việt nam. Cách đưa tin hồi đó thực ra cũng vậy. Ví dụ như: lấy lý do tàu khu trục Mỹ bị pháo của quân đội Bắc Việt bắn cháy, ngay sau đó Thượng viện Mỹ đã ban hành nghị quyết về Vịnh Bắc bộ để châm ngòi cho cuộc chiến ở Việt nam bắt đầu. Nhưng sau đó chúng tôi mới được biết rằng dường như quân đội Mỹ đã tự dàn dựng lên màn kịch này chứ phía Bắc Việt chẳng có liên quan gì. Thật là dối trá và thô bỉ. Chúng tôi cũng biết đã có nhiều chuyện tương tự như vậy được tạo dựng. Chẳng hạn khi Bush “Con” tuyên bố tại diễn đàn Liên hợp quốc rằng có bằng chứng cho thấy Iraq đang sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, chúng tôi đã hình dung thấy đây chính là bản sao của Bush “Cha” người mà trước đó tại Kuwait cũng công bố bản báo cáo sai sự thật về hành động dã man của quân đội Iraq khi giết hại trẻ em. Mỹ rất giỏi trong việc gây dựng thông tin để tạo nên các luồng dư luận xã hội. Trong cả 1 giai đoạn dài cách làm này đã được vận dụng để lật đổ chế độ ở khá nhiều quốc gia. Phương pháp này đã và đang được triển khai ở Venezuela cùng đồng thời cả biện pháp cứng rắn như tạo áp lực kinh tế và biện pháp mềm như bóp méo thông tin trên truyền thông. Các biện pháp kỹ thuật này cũng được phát triển và sử dụng tại Ucraina, nơi mà Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ đang hoạt động tích cực. Mục đích là lật đổ chế độ và lập nên chính quyền thân Mỹ.
Chưa khi nào tôi thấy thông tin được công bố với nhiều sai lệch như những thông tin về Olimpic mùa đông ở Sochi với đầy rẫy các vấn đề tiêu cực và những chỉ trích nhắm vào Putin. Còn bây giờ bức tranh về cuộc khủng hoảng ở Ucraina cũng rất méo mó. Tôi tham khảo thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ từ báo chí của Mỹ. Nhưng nếu xem truyền hình và các kênh thông tin của Mỹ thì sẽ thấy câu chuyện về nước Nga đi xâm lược thường xuyên được thêu dệt. Điều này vô cùng nguy hại.
- Có những kênh thông tin nào mà ông cho là đáng tin cậy? Rossiyskaya Gazeta chăng?
(Cười) Có những nhà báo độc lập đang làm việc ở Ucraina. Cách họ đưa tin không phải nêu lên các quan điểm xung quanh các sự kiện, họ cố gắng truyền tải các thông tin, những diễn biến 1 cách trung thực nhất. Nếu tôi có đọc báo chí Mỹ cũng là để nhận ra sự giả dối ở trong đó. Tôi nghĩ là giống như đọc báo “Sự thật – Pravda” hay báo “Tin tức – Izvesti” thời trước. Bây giờ thật khó mà nhận được các thông tin trung thực từ báo chí chính thống. Thực tế ở Hoa Kỳ cũng vậy. Xem truyền hình Mỹ tôi thấy còn tệ hơn cả báo chí. Các phóng sự thường rất hời hợt, không có chiều sâu. Độc giả đang trở thành con tin của các sự kiện .
Cũng có thể tìm thấy sự thật qua các cuốn sách về lịch sử, tuy nhiên cũng phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Trên Internet cũng có những phóng sự đáng giá. Tác giả của những nguồn thông tin này là những người có tâm, họ không làm việc vì tiền.
LẠI LÀ LỆNH TRỪNG PHẠT!
- Mỹ luôn gây áp lực để các đồng minh của mình áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga. Theo ông liệu điều đó có đạt được hiệu quả và họ còn có mục đích nào khác?
Thật là xấu hổ. Phương Tây gây tổn hại cho Nga và cho cả chính mình. Nga có thể tìm được cho mình các đối tác ở phương Đông và tại Á Âu. Mới đây Nga đã ký các hiệp định buôn bán với Trung Quốc. Kể cả có trừng phạt hay không thì nước Nga vẫn trụ vững. Đáng xấu hổ khi Mỹ cố tình ép Nga bằng các biện pháp cả về kinh tế, cả về truyền thông.
Để quật ngã được rồng thì phải kiên trì và nhẫn nại, tôi biết Putin là người thông minh và ông ta hiểu được điều này. Ngay sau thảm hoạ ngày 11.09.2001 Putin là người đầu tiên gọi điện chia buồn với G.Bush. Nước Nga đã từng trải qua những khốc liệt khi phải đối diện với những kẻ khủng bố người Chechnya, người Nga cũng rất hiểu sức mạnh tiềm ẩn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vì vậy theo tôi Nga chính là phải đồng minh tự nhiên và tất yếu của Hoa kỳ. Ôi (Olvier giận dữ khoát tay), thật là xấu hổ!
- Ông đã làm bốn bộ phim (*) về cuộc chiến ở Việt nam, qua đó khắc hoạ sự tàn khốc của chiến tranh. Giờ đây cuộc chiến đang xảy ra ở Ucraina cũng không kém phần khốc liệt. Đạn bom làm tan nát thành phố, rất nhiều dân lành bị thiệt mạng. Theo ông, do đâu mà những người bình thường bỗng trở thành những con quái thú trong chiến tranh?
Chiến tranh mà. Chiến tranh như một cái phễu khổng lồ hút mọi người và của cải vào đó. Một khi bạn tạo ra cuộc chiến ở khu vực nào đó, như Mỹ đang làm, lập tức những xung đột láng giềng xuất hiện và bất ổn bắt đầu ngự trị. Đó là điều khủng khiếp. Chiến tranh là tàn phá và huỷ diệt. Trên thế giới không gì đáng sợ hơn là chiến tranh. Nhân dân Nga là người đã từng trải qua chiến tranh, nếu bản thân không trực tiếp thì trước đó cha ông họ cũng đã từng trải qua, chính vì thế họ rất hiểu cái giá phải trả sau mỗi cuộc chiến. Còn người Mỹ thì không bởi vì họ chưa từng phải trải qua những thử thách này, họ không hình dung hết sự tàn khốc của chiến tranh vì vậy thái độ với chiến tranh đôi khi rất hời hợt và phiến diện. Nước Mỹ chỉ quen đi gây chiến và tàn phá các khu vực khác ở bên ngoài nước Mỹ. Chừng nào chiến tranh chưa xảy ra ở ngay trên đất Mỹ thì khi đó người Mỹ sẽ vẫn còn chưa thực sự hiểu thế nào là chiến tranh đích thực.
Nước Mỹ thật là may mắn khi được chúa trời ban tặng cho mình 1 vị trí tách biệt ở bên kia bán cầu. Đây chính là ưu thế rất lớn về địa chính trị của nước Mỹ. Tuy nhiên nếu Hoa kỳ luôn mang trong mình tư tưởng xâm lược thì tôi tin chắc có ngày bóng ma của lịch sử sẽ quay trở lại và trừng phạt nước Mỹ. Người dân Mỹ thường bàng quan với lịch sử và có thái độ biệt lập. Nhưng bạn không thể trốn tránh được lịch sử. Lịch sử sẽ luôn bắt kịp được bạn.
---------------HẾT--------
(*) Ngoài 3 bộ phim Trung đội (1986), Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (1989) và Trời và Đất (1993), năm 2007, Oliver Stone có dự án làm một bộ phim về vụ thảm sát Mỹ Lai, có tên là Pinkville (Làng hồng). Dự án này sau đó gặp trục trặc vì bất đồng giữa Oliver Stone và Bruce Willis, diễn viên chính của phim, kéo theo nhà tài trợ United Artists. Bộ phim này sau đó nghe nói là khởi động lại từ 2011 với diễn viên Shia LaBeouf nhưng hiện giờ chưa có thông tin chính thức về số phận của nó.