Từ phát biểu của phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bàn về phòng chống tham nhũng

Cách đây cũng chưa lâu, ở TPHCM người dân hoang mang vì một băng cướp máu lạnh, sẵn sàng chặt tay người khác để cướp của. Sau khi băng cướp ...

Cách đây cũng chưa lâu, ở TPHCM người dân hoang mang vì một băng cướp máu lạnh, sẵn sàng chặt tay người khác để cướp của. Sau khi băng cướp sa lưới, thủ lĩnh tuổi đôi mươi bị lĩnh án tử hình, dư luận đã cực kỳ "sốc" trước những lời mà thân nhân y gào thét giữa chốn công đường: "Ai biểu đi xe tay ga, đeo hột xoàn chi cho nó chém". Mặc dù rất thông cảm với mất mát của gia đình này nhưng người ta cũng chẳng thể nào nuốt trôi được cái lý lẽ ngang phè phè ấy. Và vô hình chung, họ tự xát thêm muối vào nỗi đau của mình vì lỡ đem nó ra làm trò cười cho thiên hạ.


Đối với một quốc gia, một thể chế thì tình trạng tham ô, tham nhũng cũng là một trong những nỗi đau, căn bệnh nhức nhối. Như mỗi con người, trong đời mình phải ít nhất một vài lần đổ bệnh vì sự sụt giảm sức đề kháng trong cơ thể, mỗi quốc gia trong hành trình phát triển của nó cũng không thể tránh khỏi "căn bệnh" này. Có ý thức, quyết tâm chống lại "căn bệnh" tham nhũng là "điều kiện cần" của bất cứ lãnh đạo, công chức hay người dân có trách nhiệm nhưng phải tỉnh táo tìm ra phương cách sáng suốt, hiệu quả chứ không thể nóng vội, bức xúc mà khiến "xôi hỏng bỏng không". Mới đây, nhiều báo đăng tin phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 13, đã phát biểu rằng: “Doanh nghiệp là tác nhân gây tham nhũng rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam phải nói không với tham nhũng, không được đưa tiền cho quan chức”. Đúng là "doanh nghiệp là tác nhân lớn" vì trong việc tham nhũng chủ yếu có 2 đối tượng là "người đưa - kẻ nhận" mà doanh nghiệp lại là "người đưa". Nhưng chuyện "đưa" ở đây không phải là yếu tố chủ động như trong câu nói "em đưa thì anh đẩy" mà cần hiểu rằng trước khi chuyện "đưa - nhận" xảy ra thì đã phải có hàng loạt "động tác giả", "ve vãn" từ phía người nhận để "tín hiệu" đến người đưa. Tất nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp bên đưa thực sự chủ động trước nhưng cần hiểu rằng điều đó là hệ quả của một quá trình "đưa - nhận" lâu dài, dẫn đến tâm lý coi chuyện đó là bình thường, thậm chí là "chiến thuật", là kim chỉ nam vì "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Hoặc như trường hợp doanh nghiệp cố ý làm sai và việc móc ngoặc với các cán bộ biến chất là điều đương nhiên thì việc kêu gọi họ không đưa hối lộ phỏng có kết quả gì?

Đối với bất kỳ vấn nạn gì trong xã hội thì trách nhiệm giải quyết đầu tiên thuộc về Nhà nước, chính phủ huống hồ việc tham ô, tham nhũng lại là vấn đề của chính chính phủ. Có thể ý của PTT Phúc là kêu gọi doanh nghiệp song hành cùng các biện pháp chống tham nhũng của chính phủ bằng việc tự giác "nói không với hối lộ"  nhưng thật khó có thể đòi hỏi các doanh nghiệp mạo hiểm để "trong sạch" trong khi họ không thể biết các đối thủ cạnh tranh có "trong sạch" như họ hay các "quan" có để cho họ yên ổn mà "trong sạch" hay không. Đó là cách giải quyết phần ngọn và có vẻ giống như cách lý giải cười ra nước mắt của bà mẹ tên tướng cướp nói trên. Thay vào đó, chính phủ cần đưa ra những biện pháp, quyết sách chống tham nhũng hiệu quả, rõ ràng và phải chứng minh hiệu quả đó cho người dân, cho doanh nghiệp thấy, để từ đó khuyến khích họ cùng hợp tác, trong từng công việc cụ thể nào đó.

Lấy ví dụ về một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn tham nhũng là vấn đề về thủ tục hành chính (trong mọi lĩnh vực). Mặc dù trong thời gian vừa qua, chính phủ đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng về hành chính công, cộng thêm sự phát triển về công nghệ thông tin đưa đến nhiều giải pháp mới mẻ nhưng có vẻ như hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Sự rắc rối, chồng chéo của các quy định, nghị định, sự thiếu rõ ràng trong cách thức xử lý của các nhân viên công lực,.. đã làm cho các công việc hành chính trở thành "hành là chính". Nếu có một cuộc thống kê những người đã từng đi thực hiện các nghĩa vụ hành chính thì tôi tin chắc là có một tỷ lệ rất cao đã phải đi lại nhiều lần cơ quan chức năng chỉ vì những thủ tục đơn giản và một trong những lý do chính là sự tắc trách của các công chức thực thi. Một trong những "chiêu thức" mà họ thường sử dụng là nói "một nửa sự thật", đôi khi chưa được một nửa nữa, tức là mỗi lần người dân trình chứng từ thì họ chỉ chỉ ra một vài điều sai, thiếu trong số nhiều điều mà họ thấy. Số thiếu sót còn lại để dành cho những lần sau! "Chiêu thức" này trên thực tế không chỉ áp dụng trong ngành hành chính mà có ở tất tần tật các nơi liên quan đến thủ tục giấy tờ (đối với doanh nghiệp thì cơ quan thuế, hải quan,...).

Để giải quyết căn cơ vấn nạn tham nhũng đòi hỏi một quá trình lâu dài, phối hợp bằng nhiều sách lược phức tạp nhưng nếu có quyết tâm và biện pháp quản lý đúng đắn thì chính phủ hoàn toàn có thể "tiễu trừ" đáng kể tình trạng tham nhũng "vặt" trong thời gian ngắn. Gọi là "tham nhũng vặt" nhưng thực tế, nó lại điều nguy hiểm nhất vì gần gũi người dân nhất và do đó gây xói mòn lòng tin của nhân dân nhất.
Những biện pháp quản lý đó tất nhiên là sẽ tùy theo tình hình cụ thể của mỗi ban ngành, địa phương để đưa ra nhưng chắc chắn một điều là đều nằm trong khả năng điều hành của chính phủ mà thôi. Có thể lấy ví dụ như sau:

- Rà soát các quy trình, thủ tục để lược bỏ sự chồng chéo, không cần thiết,.. Nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp từng ngành nghề để việc cải tiến được thực tế nhất. Tất nhiên, sẽ có những điều cần thiết cho sự quản lý của nhà nước nhưng lại gây phiền hà cho doanh nghiệp nên nhân đó cũng cần được làm rõ để đạt sự thống nhất cao giữa 2 bên.

- Công bố công khai các quy trình, thủ tục, giấy tờ cần thiết một cách chi tiết trên các website bộ ngành, tại các cơ quan thực thi,.. cho người dân, doanh nghiệp được biết và thực hiện theo. Khi người dân đã làm theo đúng các hướng dẫn đó rồi mà cán bộ tiếp nhận không đồng ý phê duyệt vì một lý do nào đó thì phải ghi rõ ra hồ sơ để người dân được biết và thực hiện theo nếu hợp lý.

- Định lượng cụ thể thời gian cho từng công đoạn giải quyết hồ sơ của DN, người dân và công khai điều đó cùng với quy trình. Nếu cơ quan thực thi không thể thực hiện đúng thời hạn quy định thì phải có lời xin lỗi và lý do cụ thể ghi trên phiếu hẹn cho người dân. Thời gian chậm trễ không được quá 30% thời gian thực hiện (con số này chỉ là ví dụ) cho những việc có thời gian hẹn dài ngày hoặc không quá 1 ngày đối với những việc ngắn hạn. Thời gian thực hiện và quy trình rõ ràng cũng sẽ giúp giảm đáng kể các loại "cò dịch vụ", một trong những thành phần "góp công góp sức" cho tiêu cực.

- Đẩy mạnh việc thực hiện công việc hành chính qua hệ thống thư điện tử. Điều này thật ra cũng đâu có quá khó khăn và tốn kém nhiều nếu so với việc dùng giấy tờ thông thường và công di chuyển, chờ đợi của người dân. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển internet thuộc loại nhanh nhất khu vực nhưng sự phát triển của hành chính điện tử có vẻ như chưa tương xứng (dù rằng các cán bộ công chức vẫn chơi facebook nhoay nhoáy được!). Giao tiếp hành chính qua thư điện tử vừa góp phần tăng tốc độ xử lý, vừa là một biện pháp nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ. Bên cạnh đó, các cấp quản lý có thể trực tiếp theo dõi ý thức làm việc của nhân viên (thư điện tử sẽ gửi vào hộp thư chung của bộ phận xử lý). Ngoài ra, công nghệ hóa công việc hành chính cũng góp phần giúp chính phủ thanh lọc lại bộ máy nhân sự cồng kềnh của mình.

- Công khai địa chỉ, email, số điện thoại của các đơn vị phòng chống tham nhũng của các ngành tại các trang web ngành và ngay tại cổng các cơ quan thực thi. Đơn thư của người dân tố cáo cần phải được phúc đáp đầy đủ và thông báo kết quả xác minh, xử lý cho người tố cáo được biết trong thời gian quy định cụ thể.

- Các cơ quan Đảng ủy cấp phường, cấp xã hàng quý phải tổ chức buổi nói chuyện, báo cáo trước toàn dân trong phường, xã về tình hình, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quý. Tương tự, Đảng ủy cấp quận / huyện tổ chức 6 tháng / lần còn cấp tỉnh, thành thì tổ chức báo cáo hàng năm. Thông qua đó, người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và góp phần mạnh mẽ vào việc chống tiêu cực.
.......

Tôi cho rằng, còn có nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực hay hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu chính phủ biết cách huy động nguồn trí tuệ và "tai mắt" của nhân dân. Điều đó là cần thiết và thiết thực hơn việc kêu gọi "doanh nghiệp Việt Nam phải nói không với tham nhũng, không được đưa tiền cho quan chức".
Nguyễn Thanh Tùng

Bài liên quan

Hot 2890727695888797663

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item