Quy luật phát triển của xã hội loài người nhìn từ góc độ cuộc sống con người

Con người thì vốn dĩ quá hiểu về chu kỳ sống của mình rồi nhưng về một sản phẩm của họ - xã hội mà họ tạo ra, thì họ lại vô cùng mơ hồ và tranh cãi về nó suốt. Điều này dễ hiểu vì đó là những điều chưa từng đến hoặc đã quá xa trong quá khứ so với thời gian sống của con người.

Nếu như Charles Darwin đã dựa vào các công trình khảo cổ và thực tế nghiên cứu để chỉ cho loài người thấy nguồn gốc của mình (và của muôn loài) thì Karl Marx đã tìm ra quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người. Từ quy luật vận động đó, Marx đưa ra học thuyết về những hình thái tiếp theo của xã hội loài người, sau CNTB. Và cũng như học thuyết của Darwin đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực thần quyền, thế lực thống trị Âu châu bấy giờ, thì học thuyết của Marx ngay từ khi ra đời cũng phải chịu sự tấn công không khoan nhượng bằng mọi hình thức, thủ đoạn từ những "ông chủ" của thế giới trong thời đại công nghiệp. Điều đó là đương nhiên bởi lẽ những kiến thức của họ đóng góp cho nhân loại lại đồng thời là nhát dao rạch nát tấm màn dối trá mà những kẻ thống trị thế giới bấy lâu vẫn treo trước mắt người dân, là đòn đánh trực diện vào vị thế, quyền lợi của chúng trong xã hội loài người.
Do đó, cũng dễ hiểu nếu việc tranh cãi giữa những người hiểu và không hiểu quy luật này, giữa những người bảo vệ quyền lợi cho "chủ thế giới" và những người vì quyền lợi đại đa số loài người còn tiếp diễn dài dài. Nhưng cũng như việc 2 đứa trẻ con tranh cãi với nhau về tương lai của chúng thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến một sự thật hiển nhiên là cơ thể chúng vẫn phát triển lên hàng ngày.



Tạm gác lại những lý giải khoa học phức tạp, chúng ta có thể hình dung sự phát triển của XH loài người thông qua cuộc đời của một con người. Cuộc sống và vũ trụ vốn dĩ vô cùng phức tạp, đa dạng và phong phú nhưng thực ra chúng đều xuất phát từ những vật chất cơ bản và tuân theo những quy luật nhất định. Sự vận động phát triển của xã hội loài người có thể hiểu như là một sự phóng đại về không gian, thời gian cuộc đời một con người và được bổ sung thêm nhiều gia vị phức tạp của cuộc sống, đến từ tập hợp các tâm sinh lý khác biệt, sự mâu thuẫn về lợi ích của loài người cũng như sự biến đổi của điều kiện tự nhiên.

Dưới đây là một bức họa phác thảo sự tương ứng giữa các giai đoạn sống của đời người với cách hình thái xã hội. Tất nhiên, nó chỉ mang tính tương đối mà thôi.
Nếu coi quá trình từ thụ thai đến khi sinh ra đời của một người là chặng đường tiến hóa của loài vượn người thành người thì tiếp theo đó sẽ là các cặp tương ứng:

1 - Tuổi sơ sinh cho đến chập chững tập đi, tập nói, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, ứng với xã hội cộng sản nguyên thủy, khi con người chung sống bình đẳng, cùng làm cùng hưởng.

2 - Tuổi đi mẫu giáo đến khi vào tiểu học, khi đứa trẻ phải chịu giáo dục của cha mẹ và cô giáo mầm non một cách hoàn toàn thụ động với sự phản kháng vô cùng yếu, ứng với thời kỳ chiếm hữu nô lệ.

3 - Độ tuổi đi học phổ thông với cá tính, sự trưởng thành rõ nét nhưng vẫn phụ thuộc vào sự chu cấp cũng như quản lý chặt chẽ của gia đình, ứng với thời kỳ chế độ phong kiến.

4 - Tuổi trưởng thành đi làm cho đến khi đạt đươc vị trí ổn định trong nghề nghiệp, có sự "độc lập về tài chính", tức quá trình tích lũy tư bản, thì ứng với giai đoạn của chủ nghĩa tư bản. Trong giai đoạn này, ai ai cũng "cày" hùng hục tìm cách kiếm tiền bằng đủ mọi cách có thể và tất nhiên là: Sếp ... sếp là tất cả ... sếp ơi sếp ơi... đúng như thực tế thời đại của các ông chủ tư bản.

5 - Khi đã có một cuộc sống ổn định, đầy đủ về vật chất, người ta bắt đầu tìm đến sự cân bằng trong tâm hồn với những hoạt động đóng góp cho xã hội như làm từ thiện, bảo vệ môi trường, khuyến học,... Giai đoạn này ứng với quá trình xây dựng CNXH. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản tạo ra rất nhiều của cải vật chất cho xã hội nhưng với bản chất vì lợi nhuận của nó dẫn đến sự tái sản xuất với quy mô nhanh dần - lớn dần, tựa như những bánh răng động cơ chạy ngày càng nhanh, sẽ dẫn đến tình trạng quá nhiệt, quá tải và sụp đổ. Và trong quá trình phát triển của CNTB, các giá trị XHCN được bồi đắp như: cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao quyền lợi người lao động, giai cấp công nhân phát triển về mọi mặt, quyền con người được nâng cao,... dẫn đến sự chuyển hóa dần dần tư liệu sản xuất của xã hội sang sở hữu chung dưới sự quản lý của nhà nước.

6 - Sau khi đã tìm kiếm được sự cân bằng cho cuộc sống (cả vật chất và tinh thần), người ta chuyển sang trạng thái an hưởng cuộc sống, làm những gì mà mình thích, thực hiện những ước mơ thời tuổi trẻ chẳng hạn,.. Đó là thời kỳ tương ứng với hình thái CNCS của xã hội loài người.

Trong các hình thái trên, nếu tương ứng với cuộc đời một con người "chuẩn" thì giai đoạn CNCS có vẻ sẽ kéo dài nhất, bởi một con người "chuẩn" về tuổi thọ, tài chính, tài năng,... thì sẽ luôn có thời gian an hưởng cuộc sống dài hơn cả chặng đời trước đó. Tất nhiên, con người rồi sẽ chết nên xã hội loài người rồi cũng đến hồi cáo chung. Theo học thuyết của Marx thì dường như chỉ bàn đến hình thái CNCS (vậy cũng đã là quá xá xa rồi) nhưng nếu ta vận dụng thêm các kiến thức khác về tự nhiên như "tuổi thọ của vũ trụ" thì phải hiểu rằng vũ trụ cũng sẽ có lúc "chết" huống hồ loài người. Nhưng đó lại là một chặng đường vô cùng xa nữa nên không cần bàn tới làm chi. Vậy, ngoài "cái chết sinh học" đó, xã hội loài người liệu có "chết" trước đó hay không? Tất nhiên là có thể, ví dụ như trái đất bị 1 tiểu hành tinh đâm vào hay loài người tự sát bằng chiến tranh hạt nhân,.. Nhưng điều đó cũng không cần quan tâm đến vì nó nếu có cũng chỉ là những yếu tố bên ngoài sự vận động phát triển một cách tự nhiên của xã hội loài người. Tôi cho rằng, khi xã hội loài người đã phát triển đến một mức nào đó trong CNCS, nó sẽ "chết" hay nói đúng hơn là sẽ "phân rã". Bởi lẽ, con người trong thời đại đó sẽ phát triển vượt bậc, vận dụng được hầu hết các kỹ năng còn tiềm ẩn trong bộ não mình, và mỗi con người trở thành những "vị thánh" so với khả năng con người trong thời đại chúng ta. Điều đó, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ bấy giờ, sợi dây liên kết giữa con người với nhau để trở thành một xã hội như chúng ta thấy hiện nay, sẽ là vô cùng mong manh. Xã hội loài người "chết" bởi sự "phân rã" của các cá nhân ra khỏi xã hội đó. Con người khi đó chắc chắn sẽ không còn bị giới hạn bởi các địa giới hành chính, quốc tịch, dân tộc,.. mà là những cá nhân độc lập với đầy đủ những phẩm chất NGƯỜI và sinh sống trong một khoảng không vũ trụ bao la chứ không phải tụ tập trên tinh cầu nhỏ bé này. Con người có thể gắn kết với nhau thành những hội nhóm liên quan đến tư tưởng, sở thích nghiên cứu,... chứ không còn là một xã hội "hổ lốn" nữa.

Đó là xét theo chiều dọc, còn theo chiều ngang thì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cũng giống như mỗi cá nhân con người trong cuộc sống. Có những con người dễ dàng đạt đến thành công thì cũng có những con người "chậm tiến". Các quốc gia châu Âu đã có gần 300 năm phát triển CNTB nhưng các nước nghèo châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh còn đang dò dẫm tìm đường đi cho chính mình. Nhưng dù nhanh hay chậm thì chẳng có xã hội nào thoát khỏi bánh xe phát triển của lịch sử, chừng nào nó còn quay cũng như con người ta không thể ở mãi trong hình hài, suy nghĩ của một đứa trẻ như thái tử Na Tra được.

Bài liên quan

Hot 8368512542130597289

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item