Hà Nội những ngày thu lặng gió

Tối thứ sáu, 04/10/2013, đang nhậu với thằng bạn. Điện thoại. Chú Lê Vũ gọi báo tin ĐT Võ Nguyên Giáp mất.... Đời người có sinh tất có diệt, hiểu điều đó nên tôi chỉ thấy nhói trong lòng. Khi ánh sao mai đã hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ chan hòa vào ánh sáng mặt trời. Và theo triết lý nhà Phật thì Đại tướng sẽ tái sinh, có thể bất cứ đâu trên trái đất này, nhưng chắc chắn sẽ là một vị bồ tát cứu khổ, cứu nạn cho nhân loại còn lắm khổ đau. Chỉ mong rằng cụ sẽ sớm tái sinh và tuyệt vời nhất là lại đầu thai trên mảnh đất phải oằn mình vì chịu nhiều gian khổ này!

NGÀY THỨ NHẤT

Đúng một tuần sau, tờ mờ sáng ngày 11/10/2013, từ phương Nam hai gã lãng tử, một la đà già, một lỡ cỡ trẻ "xách ba lô lên và đi"... Khi vệt khói của chiếc Airbus A320 tan biến trên bầu trời Nội Bài cũng là lúc những giọt nắng thu Hà Nội ùa tới đón những người lữ khách. Lẫn trong đám nắng ấy và ngổn ngang xe cộ là anh chàng Đoàn Tâm, người bạn tâm giao nhưng mới lần đầu gặp mặt. Sau một thoáng dạo đầu giữa đại diện 2 miền tổ quốc, chiếc taxi "của nhà Đoàn Tâm trồng được" trực chỉ 30 Hoàng Diệu thẳng tiến. Nhà riêng của Đại tướng đã ngừng đón tiếp người dân đến viếng từ chiều tối hôm trước. Tuy vậy, còn khá đông bà con đứng ngoài vái vọng vào. Dãy hàng rào cây xanh thẳng tăm tắp cao ngang mặt người bao năm qua chỉ như làn ranh giới mỏng manh, mộc mạc giữa chốn riêng tư của cụ và chốn nhân gian, giữa huyền thoại và cuộc sống đời thường. Thấp thoáng trong khuôn viên bình dị những cỏ và cây cổ thụ là một căn biệt thự cũ với màu ve vàng đặc trưng từ thời Pháp thuộc. Sự vĩ đại của một danh tướng lẫy lừng năm châu bốn bể ẩn chứa trong khung cảnh yên bình, gần gũi càng làm người thăm thấm thía cái danh xưng "đại tướng nhân dân" đầy trìu mến của nhân dân tôn vinh cụ. Trộm nghĩ, không biết có được bao nhiêu người từ lãnh đạo đến thường dân hiện nay hiểu và học tập được về lẽ sống đích thực như cụ.
Tượng đồng Đại tướng 100 tuổi trong
phòng làm việc của Người.

Cái cổng màu xanh cũ hé mở, riêng đón 2 người khách từ phương xa đến, bỏ lại sau lưng ánh mắt "ghen tị" của những người đứng ngoài với khuôn mặt rắn rỏi, nghiêm nghị của mấy chàng lính trẻ gác cổng. Đoàn Tâm không lường được sự may mắn bám theo gót giày phương Nam nên đã không mặc y phục phù hợp, đành phải bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi. Theo bước chân dẫn đường của một người bạn "bí mật", chúng tôi nhỏ nhẹ từng bước chân bước về phía ngôi nhà huyền thoại. Mỗi chiếc lá khô rải rác trên lối đi nhỏ này cũng là một chứng nhân của thời khắc lịch sử hôm nay. Cạnh lối đi mấy chị công nhân vệ sinh đang ngồi nghỉ mệt, loáng thoáng bóng áo xanh của các bạn đoàn viên thanh niên tình nguyện cùng màu xanh ô liu quân phục của các sĩ quan quân đội. Tuyệt nhiên nơi đây không có một chút gì thể hiện quyền uy của một đại tướng, một lãnh đạo đất nước như mọi người thường quan niệm mà thay vào đó là cảm giác thân thương như bắt gặp một dáng dấp quê nhà.

Gian thờ cụ đại tướng quay mặt ra phía vườn sau, nơi những giỏ phong lan ủ ê không hoa nở. Đó là một căn phòng nhỏ với một bàn thờ đơn sơ, sạch sẽ cùng bức chân dung của đại tướng. Một nhóm bạn đoàn viên thanh niên đang lặng cúi tiễn biệt Người. Anh Võ Hồng Nam, con trai út của đại tướng và phu nhân Mạc Thu Hương trong bộ tang phục toàn đen đang thu xếp lại gian thờ và đón tiếp những vị khách lạ nhiều quen ít cuối cùng. Hai gã khách phương Nam đang còn lâng lâng với niềm vinh dự mà ngày hôm trước để được như vậy hàng chục ngàn người phải rồng rắn xếp hàng, nên quên cả việc hỏi thăm gia quyến Đại tướng mà chỉ biết lặng lẽ chắp tay trước di ảnh của cụ...
Sân trước nhà Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu.

"Người dẫn đường" lại đưa 2 vị khách vào thăm phòng làm việc của Đại tướng ở dãy nhà ngang. Căn phòng nhỏ ngập tràn các bức ảnh, tượng của Bác Hồ và Đại tướng cùng vô vàn bức trướng, phù điêu mà bạn bè thế giới và nhân dân Việt Nam tặng Người. Ở đây tôi bắt gặp một bức tượng rất lạ về Bác Hồ: bức tượng màu đồng đỏ khắc họa chân dung Người đang ngồi viết trên một gốc cây trong một ngày lộng gió. Chúng tôi đến vái tạ trước bức tượng họa Đại tướng khi Người 100 tuổi. Chợt nhớ là mình chưa có tấm ảnh nào kỷ niệm thời khắc lịch sử này. Nhờ chú Lê Vũ chụp cho một kiểu đứng mặc niệm trước tượng vị tướng nhân dân, tôi suýt té ngửa khi biết ông blogger văn vẻ đầy mình này không biết chụp ảnh! Ông ấy nhấn nút chụp ảnh như thể đang bóp cò AK vậy! Kết quả của một tràng "tạch... tạch ... tạch..." là một loạt những bức ảnh "cắt dọc" người tôi. May mà cố lựa trong hơn chục bức cũng được 1 - 2 cái tạm ổn.
"Quần ma hội tụ"
Giã từ nhà Đại tướng với nỗi niềm lâng lâng khó tả vì hoàn thành được một sở nguyện bấy lâu, chúng tôi thẳng tiến đến bờ hồ Hoàn Kiếm. Nắng thu vàng vọt rót qua đám mây mờ. Bờ hồ không gió. Một lúc sau, đội "quân địa phương" bắt đầu lục tục kéo đến. Cả đám quyết định lấy quán bia Lan Chín làm nơi "quần ma hội tụ". Màu vàng từ các chai bia Trúc Bạch bắt đầu lan tỏa trong tiếng ly cụng chan chứa niềm vui ngày họp mặt. Hầu hết mọi người đều lần đầu gặp gỡ cũng như lần đầu tôi nhìn thấy những chai bia đóng trong thùng giấy nhưng tất cả đều "như đã dấu yêu từ thuở nào"! Khoảng cách hàng ngàn kilometer chưa bao giờ là cách trở nếu tâm trí, tư tưởng người ta tương đồng. Thật ngỡ ngàng khi biết mấy anh chàng mặt "búng ra sữa", đời cuối 8x và đời đầu 9x như Trung, Măng Già lại có thể hiểu biết sâu sắc về Marx còn hơn rất nhiều vị "hàng chục năm tuổi Đảng". Hay chuyện anh chàng Quốc Huy, chủ một nhà sách cũ, bán sách về CNXH cho Trung, thấy cậu chàng này say mê đọc nên hỏi thăm xem có gì hay. Ai dè, sau khi được Trung "bỏ bùa", lại cũng mê mệt nghiên cứu về CN Marx! Cũng có ai ngờ là bà mẹ trẻ "lửa mặt trời" Tây Nguyên lại từng là một quái xế Hà Thành! Nhưng tôi khoái nhất là sự có mặt của Tranmoscow, người từ nước Nga lạnh giá vừa về tới, bởi đứng bên anh, cái vòng hai của tôi trông khiêm tốn đến lạ kỳ! Cuộc nhậu lê thê kiểu phương Nam kéo dài đến nửa ngày dù ngay khi chưa được nửa chặng đường, đã có 2 "thương binh" là Mrtata và Quốc Huy, "kéo bễ trên chiến trường".

NGÀY THỨ HAI

Ngày thứ bảy (12/10/2013) chào đón những người khách phương xa bằng những tô phở Cồ thơm nưng nức. Sau đó là một tour lượn quanh khu Vincom village, ngắm những ngôi nhà mười mấy hai chục tỷ để biết thế nào là mức sống của một bộ phận cư dân Hà Nội. Rất nhiều căn nhà tiền tỷ ấy đang xuống cấp cùng với sự lao dốc của thị trường bất động sản. Cùng lúc đó Tranmoscow báo tin phải lên Phú Thọ vì có việc liên quan đến vụ nổ tại nhà máy Z121 mới xảy ra nên không tham gia viếng Đại tướng tại nhà tang lễ được. Ngẫm lại càng thấy đúng rằng mọi sự trên đời chẳng qua cũng chỉ là ảo ảnh, được đó, mất đó có ai ngờ. Xem ra trên cõi tạm này họa chăng chỉ có cái tình là thật. Chỉ có cái tình mới gắn kết hàng triệu người Việt nắm tay nhau quanh linh cữu, ngôi nhà của cụ Đại tướng. Chỉ có cái tình mới khiến chú Lê Vũ và những người đồng đội lưu lạc hàng chục năm trời tìm được nhau theo những cách hoang đường như truyền thuyết. Một trong những người bạn đó, chú Biên, gia nhập nhóm hôm nay. Câu chuyện về chú Biên cũng rất cảm động và hài hước. Thời chiến trường K, quân đội ta luôn tuân thủ chính sách chữa trị cho người bị thương theo thứ tự nặng chữa trước, nhẹ chữa sau, không phân biệt quân ta, quân địch hay dân thường (nhờ vậy rất nhiều lính Khmer đã theo ta và rất trung thành). Một lần có một chú da đen nhẻm, bị gãy đùi, nằm chờ đến lượt lâu quá cứ liên tục giục: Cứu tôi với ... cứu tôi với... Mấy vị y sĩ nói với nhau: Ơ.. cái thằng Cam này nói tiếng Việt giỏi nhỉ!? Chú lính nhảy dựng dậy, quên mất cái chân bị gãy, loi choi chửi: MK... bố mày là dân Bắc kỳ gộc đấy nhé... Cam ... Cam... cái éo gì!!!
Hai gã này ngày trước, ngày sau rủ nhau chào đời.

Theo thông tin ban đầu thì ngày 12 và 13 sẽ rất khó để vào viếng cụ ở nhà tang lễ bởi sẽ có rất nhiều đoàn khách quốc tế, trong nước. Chúng tôi dự tính sẽ được sắp xếp ghép vào một đoàn nào đó. Tuy nhiên, đến trưa thứ 7, "người dẫn đường" báo là các đoàn viếng chính đã xong việc, buổi chiều mở cửa cho nhân dân vào tiễn biệt Người. Khoảng hơn 14h, chúng tôi đến phố Nguyễn Huy Tự, dòng người già  - trẻ, nam -  nữ, áo vest - sơ mi - áo thun - áo dài, giày tây - sandal - guốc mộc,.. đã kéo dài cả cây số. Song song với đó là một "hàng rào xanh" trẻ trung những bạn đoàn viên thanh niên. Khoảng thời gian đầu tốc độ di chuyển còn tương đối nhanh nhưng khi đến trước Viện vệ sinh dịch tễ trung ương thì cả dòng người bị "phanh kít" lại. May mà nơi đây là công viên Yersin nên đoàn người được những bóng cây xà cừ lớn che chở. Nhưng lạ kỳ là cũng như ngày hôm trước, Hà Nội không có một chút gió nào, các ngọn cây im phăng phắc dán mình vào nền trời thu nhàn nhạt nắng. Có lẽ gió trời cũng đang mặc niệm Người. Trong không gian đặc quánh thiêng liêng ấy, chỉ có những làn gió tình người, từ chiếc quạt giấy trên tay các em thanh niên tình nguyện, thoang thoảng đưa giữa nhân gian. Tuy vậy, cũng có một vài hình ảnh không đẹp lắm, như một cụ tóc muối tiêu, dáng người khỏe mạnh, đứng sau hàng rào của công viên khoe với một số bạn mình đang "sa lầy" cùng đoàn người: nãy giờ tôi vào 2 lần rồi, cứ giơ cái huy hiệu này (trước ngực) ra, tôi thương binh, 72 tuổi rồi... Con người ta đôi khi thật lạ kỳ, hơn thua nhau ngay cả tấm lòng. Ôi thế gian còn nhiều mê đắm!
Các "cháu" ĐVTN đang quạt cho đoàn người đi viếng.

Càng vào đến gần khu vực nhà tang lễ, không khí linh thiêng càng ngun ngút. Nhiều cụ già thậm chí không đi nổi, phải có người khiêng - bế nhưng quyết vào tiễn biệt Người bằng được. Trên màn hình lớn trước nhà tang lễ, một số cụ già khóc ngất khi nhìn thấy linh cữu của Đại tướng. Cả không gian như co thắt lại. Đây rồi! Sau hơn 2 tiếng đồng hồ nối đuôi nhau, chúng tôi đã tới được cửa nhà tang lễ. Những chàng lính tiêu binh da sạm đen đóng trong bộ quân phục trắng thẳng tăm tắp, đẹp như những pho tượng. Đoàn người lặng lẽ đi qua linh cữu của Người trong tiếng sụt sùi và vị cay trên khóe mắt. Nơi kia là di thể của con người đã làm nên những chiến công chấn động địa cầu khiến cả thế giới phải ngả mũ kính phục. Người nằm đó, khiêm tốn trong không gian thênh thang của nhà tang lễ nhưng sự vĩ đại của tài năng và nhân cách thì không có không gian nào chứa đựng hết được. Bối rối nhất có lẽ là gia quyến của Đại tướng: vừa đau khổ vì mất đi người ông, người cha vĩ đại, vừa hạnh phúc vì chứng kiến tình cảm của nhân dân Việt Nam và thế giới dành cho Người. Cuộc đời vẫn thế, sự hạnh phúc và đau khổ luôn song hành cùng nhau và khi chúng quấn vào nhau thì tạo nên những cao trào tột đỉnh của cảm xúc con người.

Công viên Yersin nơi đoàn người nối đuôi nhau dài dằng dặc.

Con đường rời khỏi nhà tang lễ đi qua bệnh viện 108, nơi có nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chủ tịch. Đây là nơi đầu tiên đã giữ gìn, bảo quản thi hài Bác, lúc đó gọi là cơ sở K75A. Mọi người lại chen chúc vào khấn tạ ơn Bác. Tôi không một chút hài lòng khi thấy mâm ngũ quả trên bàn thờ cắm đầy những đồng bạc. Chợt liên tưởng đến cảnh nhét tiền vào tay Phật trong các ngôi chùa. Đoàn Tâm bảo rằng đó chỉ là một cách góp phần vào việc nhang khói cho Người. Dẫu không đủ để tự an ủi nhưng tôi đành tặc lưỡi, xem như đó là sự giao thoa giữa cõi nhân gian bèo bọt và sự màu nhiệm cõi trên. Cả đội kéo ra kem 35 Tràng Tiền, mỗi người chơi 2 que kem và 2 ốc quế. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn nhiều kem một lúc đến vậy và cũng là lần đầu biết đến kem Tràng Tiền dù rằng trên giấy tờ, tôi hiện giờ nguyên quán Hà Nội. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ cuốc bộ và chờ đợi, giá trị của những cây kem thật là vô cùng. Giữa lúc khoan khoái ấy, anh chàng Cao Thanh điện thoại báo tin tình hình đoàn người nơi nhà tang lễ là đang chuyển từ "nhúc" sang "nhích".  Đáng tiếc cho chàng, chỉ tới đó sau chúng tôi khoảng nửa tiếng, nhưng đi phía Tăng Bạt Hổ mà đến tận 21h mới hoàn thành tâm nguyện viếng Đại tướng. Còn anh chàng Măng Già thì vất vả hơn nữa, chập tối gọi điện cho chú Lê Vũ quả quyết: có đứng đây đến sáng cháu cũng đứng!
Chiếc bánh giò thao thức trong đêm.
Ngẫm lại, quả thực chúng tôi đã quá may mắn, hoàn thành được tâm nguyện một cách ít tổn hao công sức nhất. Bao nhiêu thử thách hình dung ra trước chuyến đi ngàn dặm lần lượt trôi qua êm đềm như một giấc mơ đẹp. Đúng là hãy đi - sẽ tới, hãy tìm - sẽ gặp, miễn là chúng ta có một tấm lòng thành. Chỉ tiếc rằng kế hoạch thứ 3 của chúng tôi là đi viếng lăng Bác đã không được toại nguyện vì những ngày này lăng Bác không đón khách. Thay vào đó, chúng tôi quyết định sẽ tiễn biệt Đại tướng lần cuối khi Người được đưa ra sân bay Nội Bài. Ngày thứ hai ở Hà Nội kết thúc bằng bữa ăn khuya tại chợ Đồng Xuân, khi Tranmoscow trở về từ Phú Thọ và "hốt" chúng tôi đi. Ấn tượng nhất là những chiếc bánh giò ú na ú nẫn cùng khúc giò lụa dày cộp, cắn ngập chân răng. Đêm đó chiếc bánh giò trong bụng cũng thao thức nghe chuyện chiến trường K của chú Lê Vũ đến 3 rưỡi sáng.

NGÀY THỨ BA

Ngày cuối cùng trên đất bắc đúng là một ngày chỉ có "ăn và đi". Dự kiến ban đầu là sẽ tiễn biệt Đại tướng ở bờ hồ nhưng Tranmoscow rủ về nhà anh tại Hải Phòng chơi nên mọi người đổi kế hoạch, đến Nội Bài đón bà xã anh từ Nga về rồi tiễn biệt Người trên đường ra sân bay. (Đành bỏ lỡ món ong Lạng Sơn mà bữa trước Đoàn Tâm cao hứng rủ! Cho hắn nợ vậy!). Chú Lê Vũ hỏi bà xã Tranmoscow có ra tiễn cụ Giáp không, chị cười: Em về đây chủ yếu là để tiễn biệt cụ mà! Thật lạ kỳ, sức mạnh vô hình nào đã kéo những con người từ các phương trời tụ họp về đây nếu không phải là sức mạnh của một tình cảm chân thành và niềm tin yêu vào chính nghĩa?! Sự kết thúc của một cuộc đời vĩ đại lại là khởi đầu cho những tình bạn mới! Dưới gốc những cây đại thụ qua đời luôn có những mầm xanh cựa mình vươn dậy. Ở trên cao có lẽ Người cũng đã ban duyên lành cho chúng tôi. Không khí trên xe bỗng trùng hẳn xuống khi chương trình tường thuật trực tiếp lễ tang và di quan Đại tướng của đài tiếng nói Việt Nam bị chen ngang bởi "cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc". Tôi có cảm giác như tất cả mọi người, không ai bảo ai, cùng đưa tay lên bịt mũi. Chú Lê Vũ rướn người lên tắt radio, lạnh lùng như phẩy tay đuổi con nhặng đang quấy rối quanh mình.
Hai hôm sau quốc tang, ngày 15/10/2013, Vietnamnet cho đăng bài "Tại sao ý kiến Đại tướng chưa được "nghe" hết?", ghi lại cuộc trả lời phỏng vấn của hai ngài bạch mao Dương Trung Quốc và Chu Hảo cho báo Vietnamnet. Độc giả Bức Tường Nước đã đăng nhận xét dưới bài này rằng:
Nếu Tuần Việt Nam - VNN không đăng mẩu bình luận này của TÔI- một vô danh tiểu tốt so với ông Dương Trung Quốc, ông Chu Hảo…thì tôi có cách đăng nhiều nơi khác rằng VNN là cơ quan truyền thông “không đa chiều VỀ CHÍNH TRỊ”!

Bình luận như sau: Ông D.T.Quốc và C.Hảo nhân cơ hội có nỗi đau buồn của dân tộc ta và quốc tế vì Bác Giáp mất, để ca ngợi Bác Giáp, Bác Hồ; nhưng THỰC CHẤT đã HẠ BỆ 2 vị lành tụ vĩ đại nhất của CM Việt Nam một cách vừa có thể là KÉM HIỂU BIẾT, vừa có thể là CỐ TÌNH lừa dối bác Hồ và bác Giáp cùng mọi người… Đó là: 1) Cố tình “QUÊN” rằng cả 2 Bác đều luôn khẳng định mình là NGƯỜI CỘNG SẢN cho đến giây phút cuối đời mình… mới có thể làm được cho dân tộc ta như vậy. 2) Cố tình “QUÊN” cả 2 Bác đều luôn khẳng định trung thành với Đường lối CM VN là “Độc lập dân tộc GẮN LIỀN VỚI CNXH”; chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế mà ông Quốc và ông Hảo lại đều tập trung ĐẢ KÍCH LÝ THUYẾT CỘNG SẢN-MÁC-LÊNIN VÀ ĐẢNG…thì còn gì mấy giá trị ở 2 lãnh tụ nêu trên của dân tộc ta nữa? Vì bình luận trực tiếp trên Tuần Việt Nam-VNN chỉ cho phép tối đa 1000 chữ, cho nên tôi không thể bình luận dài hơn. Nếu cần làm mọi người rõ, kể cả tranh luận, tôi sẽ công khai tranh luận với 2 ông đó và các vị “cùng hội, cùng thuyền” ). Bởi vì lần này là có các vấn đề vừa là Sự thật LS, vừa là lý luận khoa học, lại qua ý kiến “2 người nổi tiếng” nói về 2 lãnh tụ có công và uy tín cao nhất của dân tộc ta…- cho dù tôi đã công bố: không tranh luận trên Fb! Tôi nghĩ, như vậy sẽ góp phần tốt hơn cho tác dụng và uy tín của Fb-một “Mạng XH” vào loại rộng rãi nhất toàn cầu!).

Sau nhận xét này của Bức Tường Nước, Vietnam Net đã lẳng lặng hạ bài viết này xuống. Tuy nhiên một số báo mạng, với bản chất copy&paste, đã đăng lại trong tiếng vỗ tay của những độc giả thích được "xỏ lỗ tai".
Xe pháo chở linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh sưu tầm trên internet.

Chúng tôi hòa vào đám đông hàng ngàn người hai bên đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, khu vực Mê Linh - Đông Anh, để chờ đón đoàn xe tang. Một số công ty còn tổ chức in băng rôn, đồng phục đen cho nhân viên ra đứng bên đường tiễn biệt cụ. Thấy như đâu đây khung cảnh người dân Hà Nội đón đoàn Giải phóng quân về tiếp quản thủ đô năm xưa, nay tiễn Người về nơi chôn nhau cắt rốn. Kia rồi. Phía sau tiếng loa dẹp đường của mấy chiếc mô tô trắng của CSGT là đoàn xe tang, dẫn đầu bởi một chiếc xe đặc chủng cắm đầy ăng-ten của Bộ tư lệnh thông tin liên lạc. Tiếp theo đó là các xe chở quốc kỳ và di ảnh Đại tướng, quân kỳ và các huân huy chương của Người, đại diện các quân binh chủng,.. Linh cữu của Đại tướng được phủ kín bởi một lá quốc kỳ đỏ thắm, đặt trong một khung kính và trên giá của khẩu lựu pháo 105 ly, loại pháo đã từng từ trên núi cao rót lửa xuống lòng chảo Điện Biên, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ khi xưa. Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của dân tộc, vị đại tướng của nhân dân. Người sẽ hóa thân vào hồn thiêng sông núi để mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.


Hoàn thành tâm nguyện, chúng tôi thẳng tiến về Hải Phòng với niềm háo hức khám phá ngôi nhà của người bạn mới Tranmoscow. Ông chủ nhà có gương mặt "lừa tình", trẻ hơn tuổi thật đến cả chục năm, đón tiếp những người khách tứ xứ bằng các món đặc sản Nga, bánh mì đen - xúc xích lớn - cá hồi muối cùng vài chai rượu gạo của xứ Kim Chi. Lát sau, một người anh em từ Tiên Lãng đến cùng thứ "vũ khí hạng nặng": món nem phùng và vò rượu trắng. Niềm phấn khích lên đến cao trào khi "con ma xó internet" Khù Văn Khoằm xuất hiện cùng cậu con trai nhỏ. Trong khoảng khắc của sự lưỡng lự, những kẻ lữ khách suýt nữa thì bị quyến rũ bởi lời mời "ở lại, sáng sau về" của vị chủ nhân hiếu khách. May mà sự nuối tiếc 2 chiếc vé đặt sẵn tại Nội Bài đã chiến thắng.
Đặc sản Nga.
Tạm biệt "Phồng", tạm biệt những người bạn tâm giao lần đầu gặp mặt, theo anh chàng lái xe tên Khoa đang rã rời vì những chuyến đi liên tục, chúng tôi quay về Hà Nội, nơi chuyến bay đêm đang chờ đợi để đưa mình về với thực tại bộn bề của cuộc sống. Một chuyến đi tuyệt vời đầy ý nghĩa, đặc biệt là đối với người bạn đồng hành già nhiều trăn trở, một thương binh 2/4 của mặt trận Tây Nam năm nào. Chỉ đáng tiếc là không đủ thời gian để uống ly rượu cám ơn "người dẫn đường" và gặp mặt một số anh chị em khác. Và nghe nói, ngày hôm sau, báo đài Hà Nội đồng loạt đưa tin, Đoàn Tâm sau 3 ngày dốc sức tiếp đãi những người bạn phương xa, về đầu ngõ đã thấy bóng dáng vợ hiền tựa cửa ngóng chờ với ... chiếc chổi trên tay. Và từ đó, mùa thu Hà Nội, gió lại về...

Bài liên quan

Võ Nguyên Giáp 632058508241015357

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

  1. Một chuyến đi ý nghĩa và đầy ắp những kỷ niệm. Vì Người, cùng chung tay đi tiếp con đường lịch sử của dân tộc, không để bọn rận chủ xuyên tạc, chống phá!! cheer

    Trả lờiXóa
  2. Lúc đầu tưởng Tùng nhầm bánh dày giò (bánh dày kẹp giò) thành bánh giò, xem ảnh mới biết là bánh giò ăn kẹp giò, lạ nhỉ. Bánh giò, một thứ quà bình dân, ăn đêm và ăn nóng mới ngon.

    "Con ma xó internet" Khù Văn Khoằm sướng nhỉ, mà có biết nhậu không, được mấy li?.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gặp bác ấy được có 1 lúc vì phải ra sân bay nên không rõ tửu lượng thế nào, chỉ thấy cũng cầm ly mút rượu như ai :-)

      Xóa
    2. Nói chung là cũng đu được vài ly, khỏe người thì cũng được gần xị là quắc cần câu (m)

      Xóa
  3. Thu Hà Nội đầy tình người, thật cảm động.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết hay lắm, thấm đậm tình người và mang nhiều ý nghĩa.
    Người cùng Thanh Tùng sinh trước sau nhau 1 ngày (mặc áo màu da cam) là Lê Quang Trung à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không bác ạ, tay đó là Đoàn Tâm, kẻ thường được đám nặc nô mạo danh bên nhà bác Hòa Bình đó ạ! :-)

      Còn tay Lê Quang Trung thì thua em cả chục tuổi, sinh năm 1989 nhưng đã là con mọt Marx và Phật rồi. (p)
      Nó mặc áo trắng, đứng cạnh em trong bức ảnh cả bàn đứng cụng ly đó.

      Xóa
  5. À! Nhớ ra rồi. Cám ơn Thanh Tùng đã trả lời!

    Trả lờiXóa

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item