"Tôi có phản động không?" hay văn hóa tranh luận
https://daosichanga.blogspot.com/2013/10/toi-co-phan-dong-khong.html
Thời gian vừa qua tôi được khá nhiều người tin tưởng kết bạn và hưởng ứng trên Facebook, bắt nguồn từ những bài viết của tôi trên blog Đôi Mắt (Doi-Mat.vn). Cùng với đó, một số bạn đã đặt nhiều kỳ vọng vào tôi, hỏi thăm ý kiến của tôi về 1 số vấn đề mà các bạn ấy đang quan tâm, thắc mắc. Thực sự tôi rất trân trọng sự tin cậy và tình cảm của các bạn dành cho tôi nhưng do không có đủ thời gian để “gõ tù và hàng tổng” suốt nên đôi khi tôi không thể đáp ứng được mọi kỳ vọng của mọi người dành cho tôi. Hôm nay bạn Hoàng Vũ có hỏi tôi rằng: Anh thấy em có phản động ko?
Đây là 1 câu hỏi rất bất ngờ. Mấy bữa nay tôi thấy loáng thoáng lời qua tiếng lại giữa các bạn Vũ Xuân Quyết và Trần Nhật Quang, Màu Hoa Đỏ,… nhưng cũng chẳng có thời gian tìm hiểu xem ngọn ngành thế nào. Nhân câu hỏi của Hoàng Vũ, tôi xin tâm sự với các bạn thế này.Phản động là gì?
Theo từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam thì phản động là “sự chống đối về mặt chính trị nhằm phục hồi xã hội đã lỗi thời. Trong thời đại ngày nay, xu hướng phản động biểu hiện ở những việc làm chống lại các phong trào cách mạng, dân chủ và giải phóng dân tộc; hăm doạ, săn lùng và đàn áp các tổ chức và cá nhân hoạt động chính trị, đàn áp nhân dân lao động; tệ phân biệt chủng tộc, nhen nhóm và khích lệ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa chống cộng. Ở Việt Nam, từ phản động được dùng để chỉ những tổ chức hoặc phần tử ở trong hoặc ngoài nước có hành động chống phá cách mạng, chống chính quyền nhân dân”.Trải qua các giai đoạn lịch sử, từ “phản động” đã trở nên phổ biến và được sử dụng “dễ dãi” hơn rất nhiều so với cái nghĩa “nghiêm trọng” của nó, nhất là trên cái mạng ảo này. Tôi không rõ giữa các bạn có mâu thuẫn gì khác ngoài những tranh cãi quanh các phát biểu kiểu “bêu xấu cơ quan nhà nước” hay không nhưng tôi xin nói trên cơ sở này.
1. Phản ánh, phê phán, lên án các cá nhân, công chức, thậm chí 1 cơ quan nhà nước nào đó nếu họ có những việc làm, phát biểu sai trái thì có phải “phản động” không? Dứt khoát là không, nếu sự phản ánh – phê phán – lên án đó không nhằm những mục đích kích động lật đổ chính quyền, gây bất ổn xã hội (tức lợi dụng 1 hiện tượng để quy chụp cho bản chất).
2. Bất cứ 1 cá nhân, nhóm người nào nắm trong tay công quyền mà làm sai trái so với pháp luật, trách nhiệm, bổn phận của mình thì những người đó đương nhiên phải bị trừng phạt (luật pháp), phê phán, lên án,… Họ không phải là chính quyền, không phải là nhà nước mà chỉ là những đại diện thực thi quyền lực nhà nước. Mà quyền lực nhà nước là do nhân dân giao phó, nên chúng ta có quyền chỉ ra sự sai phạm của họ, chê trách họ. Tất nhiên, cần phải phân biệt sự phê phán mang tính xây dựng và loại phá hoại.
3. Phê phán những sai sót của bộ máy công quyền (mang tính xây dựng) cũng là 1 cách góp phần hoàn thiện bộ máy đó. Điều đó mang tính “thúc đẩy cách mạng” chứ không phải là “phản động” (chống lại cách mạng). Phê phán như vậy cũng góp phần nâng cao tri thức chính trị, quyền lực giám sát của công dân. Một xã hội không có phê phán là 1 xã hội hoàn hảo trong mơ hoặc 1 xã hội chết. Mà XH chúng ta rõ ràng không phải là trường hợp nào trong 2 trường hợp đó.
4. Dù là như thế, người phê phán chưa chắc đã hoàn toàn đúng mà đôi khi vô tình lại góp phần làm tồi tệ hơn vấn đề. Do đó, cần có tranh biện, luận giải giữa mọi người với nhau trên cơ sở vô tư, biện chứng khoa học để tìm ra đáp án tối ưu chứ không nên chủ quan duy ý chí để dẫn đến đối kháng lẫn nhau. Ai cũng biết là chỉ có một chủ nghĩa Marx, tức các công trình khoa học kinh tế - chính trị - xã hội của Marx, nhưng lại có rất nhiều trường phái khác nhau cùng nhận là “dựa trên Marx”. Và đã có 1 thời, các trường phái cùng 1 tổ này đã trở thành kẻ thù của nhau, chỉ vì ai cũng nghĩ rằng mình là đúng. Đó là sự mê muội của một thời duy ý chí. Nên biết rằng mỗi con người, mỗi đất nước, mỗi dân tộc có những suy nghĩ, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng,... khác nhau. Ngay cả những bộ đồng phục cũng có kích cỡ khác nhau, đường may cũng chẳng phải giống nhau 100%,.. Do đó, không thể có chuyện áp dụng nguyên si 1 học thuyết, 1 câu nói, 1 hành động,… vào tất cả các quốc gia, dân tộc, con người… Sự đa dạng vốn dĩ là 1 đặc tính của tự nhiên. Vậy thì, phải tranh luận trên cơ sở tôn trọng sự tự nhiên đó với mục đích tìm ra cái đúng nhất, khi đó cái chưa đúng sẽ tự động được triệt tiêu bởi chính người phát ngôn ra nó.
5. Có một câu nói là: đạo khác nhau không nói chuyện được. Tức là những người có nền tảng tư duy khác nhau, mục đích khác nhau thì nói kiểu gì cũng không thể thuyết phục nhau được. VD: tôi thích màu đỏ, bạn thích màu xanh, và chúng ta ngồi tranh cãi xem màu nào đẹp hơn!!! Do đó, cần phải phân biệt được đâu là vấn đề chúng ta “cùng đạo”, đâu là vấn đề chúng ta “khác đạo” để tránh những tranh cãi vô bổ, không kết quả, thậm chí tổn hại lẫn nhau. Các bạn Hoàng Vũ, Vũ Văn Quyết, Màu Hoa Đỏ, Trần Nhật Quang,… đều trong danh sách bạn bè tôi và đều “cùng một chiến tuyến” nên chí ít các bạn đều có những điểm chung trong quan điểm. Tuy nhiên, khi gặp những vấn đề mà 2 bên có quan điểm khác nhau, lại không đủ căn cứ, lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau thì lại cố thủ trong những “vỏ ốc tư duy” của mình và ném sang nhau những “chiếc mũ cối” chẳng liên quan gì đến vấn đề tranh luận trước đó. Các bạn đã đi vào cái vòng luẩn quẩn của tâm lý con người. Tại sao xưa có 3 Đảng cộng sản tại Việt Nam? Có phải 1 phần cũng vì không chấp nhận sự khác biệt trong tư duy đó ko? Chuyện gì xảy ra nếu Hồ Chủ tịch không nhìn thấy nguy cơ từ sự chia rẽ đó và hợp nhất lại?
6. Khi các bạn tự đào hố ngăn cách nhau cũng đồng nghĩa rằng các bạn đang đẩy những người kia về phía đối nghịch. Khi cái tôi lấn át lý trí, sẽ có những biểu hiện cực đoan và theo thời gian, nếu không điều chỉnh, những cực đoan đó sẽ rất dễ trở thành 1 phần con người chúng ta. Như vậy, cùng 1 lúc ta tạo ra 2 “kẻ thù”: một là người đang tranh luận với ta; một là những ý niệm cực đoan ngay trong chính chúng ta.
7. Trong sách Đắc nhân tâm, ông Dale Carnegie cho rằng “trong một cuộc tranh biện không có người thắng kẻ bại” và “Cách hay hơn hết để thắng một cuộc tranh biện là tránh hẳn nó đi”. Tất nhiên ông ấy đúng trong việc dạy người ta cách lấy lòng người khác. Còn ở diễn đàn này của chúng ta, mục đích chính của nó là tranh luận để tìm ra cái đúng, cái tốt, để vạch trần những cái sai, cái xấu,... nên dứt khoát không thể tránh tranh luận được. Có điều, trong các cuộc tranh luận đó sẽ không có người thắng kẻ thua mà hoặc cùng thắng, hoặc cùng thua. Nếu A và B biện giải về 1 vấn đề nào đó và A thuyết phục được B tin vào lý lẽ của mình thì không phải B thua mà chính là B cũng đã thắng vì nâng thêm được 1 mức hiểu biết. Còn nếu cả 2 cứ khăng khăng ý kiến của mình mà “bo bo xì” nhau thì cả 2 đều thua. Nếu bất phân thắng bại thì tốt nhất là chủ động tạm dừng tranh luận lại, cùng đi tìm thêm kiến thức để tiếp tục các “hiệp” sau. Nhưng phải lưu ý xem mình có phải đang vướng vào cái vấn đề “khác đạo” không.
Vài lời chia sẻ như trên, mong rằng các bạn sẽ sớm nhìn nhận rõ vấn đề, cùng hợp tác để tạo nên một văn hóa tranh luận có hiệu quả tích cực nhất./.
Tranh luận giờ không có văn hoá tý nào: điển hình nhất là sự kiện y tế, giáo dục và gần đây nhất là Ông Đông La nào đó phê phán VTV vì vụ ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa