"Nghị" và blog, tại sao không?

Chắc hẳn mọi người đều còn nhớ đến vụ lùm xùm "Tứ đại ngu" giữa 2 ông nghị Hoàng Hữu Phước và Dương Trung Quốc làm tốn biết bao giấy mực và nước miếng, đỏ bao con mắt và nóng bao cái đầu của báo chí, blogger, các ông bà nghị và ủng hộ viên "2 phe" hồi đầu năm. Có thể nói trước giờ hiếm có vụ nào mà "hoạt động" của các vị nghị viên lại được đông đảo dư luận quan tâm và tham gia hào hứng đến vậy, thậm chí theo chủ quan của tôi, tiếng vang của nó còn hơn cả việc bà nghị Hoàng Yến bị miễn nhiệm nữa. Vụ việc này làm cho tên tuổi của ông Hoàng Hữu Phước được người dân biết đến nhiều hơn, dù có phần tiêu cực do thành tích 'ném đá' của các loại lều báo, blogger (họ tập trung "đánh" vào cách hành văn của ông Phước chứ không thèm để ý đến những lý luận của ông ấy). Điều thú vị là 2 nhân vật chính đều là những đại biểu quốc hội nằm trong thiểu số nghị viên có viết blog (tôi không rõ bao nhiêu người viết nhưng "công khai" thì có vẻ rất ít): ông Dương Trung Quốc thì nổi tiếng vì là nghị viên đầu tiên lập blog dù bây giờ ông không viết nữa (do bận hoặc có viết nhưng không chính danh ông ấy); ông Hoàng Hữu Phước thì có lẽ là nghị viên có nhiều blog nhất, trong đó 1 blog có tên rất kêu là Anti china blog (ông ấy cũng "khoe" blog này trong một cuộc trả lời phỏng vấn của 1 đài truyền hình hải ngoại). Mặc dù nhiều blog vậy nhưng được ít người biết đến cho tới khi nổ ra quả bom "tứ đại ngu"!

Trên đây là toàn bộ "lịch sử" về việc viết blog của các đại biểu quốc hội mà tôi được biết (nếu ĐBQH nào đọc bài này mà thấy tôi bỏ sót mình thì vui lòng liên hệ để tôi bổ sung vào "lịch sử"!). Bây giờ quay lại vấn đề chính mà tôi đã đặt ra: Nghị và blog, tại sao không?

Như mọi người thấy, dân Việt ta khá thờ ơ với chính trị, cụ thể nhất là đối với việc đi bỏ phiếu, tham gia xây dựng chính trị và mới đây nhất là đóng góp ý kiến cho dự thảo hiến pháp. Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất có lẽ là do văn hóa người Việt: dĩ hòa vi quý, an phận thủ thường... Thậm chí họ còn "tự kỷ ám thị" mình về sự "nguy hiểm" của việc "bàn luận chính trị, tôn giáo chỗ công cộng"! Không quan tâm nên không hiểu, không hiểu nên "sợ", vì "sợ" nên cứ thầm thì, thẽ thọt với nhau làm cho chuyện chính trị Việt Nam dù đúng đắn đến mấy cũng bị nhuốm màu "thâm cung bí sử", bị méo mó, thậm chí xuyên tạc. Điều này dẫn đến mảnh đất chính trị màu mỡ trong bộ não người ta vô tình trở thành nơi cho những kẻ cơ hội gieo hạt giống của tư tưởng phản động. Bên cạnh đó, sự tuyên truyền và giáo dục tư tưởng chính trị một cách sơ cứng trong một thời gian quá dài càng làm cho người dân ngại ngần hơn khi muốn "mon men" đến các vấn đề chính trị của đất nước. Điều này trước mắt có thể giúp xã hội ta ổn định về mặt chính trị nhưng về lâu dài lại có tai hại rất lớn khi người dân không hiểu và từ không hiểu dẫn đến không tin vào lý tưởng của Đảng, vào con đường mà Bác Hồ và các vị lãnh đạo tiên phong đã chọn cho dân tộc. Nó giống như tình trạng hầu hết học sinh trong một lớp học không hiểu thầy cô đang giảng bài nhưng cứ gật gù lấy lệ, trong khi thầy cô lại tin tưởng vào cái gật gù đó, dẫn đến lỗ hổng kiến thức, dẫn đến việc học trò ngày càng mất căn bản, dẫn đến chán học, rồi thi rớt, rồi bỏ học,... Đất nước ta còn trong giai đoạn đầu của "tích lũy tư bản", khó khăn còn rất nhiều phía trước, cộng thêm tình trạng tha hóa của một bộ phận Đảng viên, công chức,.. sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng "gãy gánh giữa đường" bởi sự thiếu thông cảm của người dân "mất căn bản chính trị". Phải cần rất nhiều giải pháp và nguồn lực để thay đổi điều này mà một số đã được tôi trình bày trong bài Góc nhìn Đảng từ dưới lên, từ ngoài vào. Trong phạm vi bài này, tôi sẽ phân tích một giải pháp nữa là việc tạo sự kết nối chặt chẽ, tích cực, hào hứng giữa người dân và đại diện của họ: các Đại biểu HĐND, ĐBQH.

Vũ Thị Hương Sen - ĐBQH tỉnh Hải Dương
Có một sự thực là cho đến bây giờ tôi chẳng hề nhớ tôi đã bầu cử cho ai làm đại diện của mình tại Quốc hội và HĐND và tôi cũng chưa từng trao đổi (dưới mọi hình thức) với họ, chưa từng nghe - xem những thông điệp của họ nên chắc chắn chẳng biết họ thực hiện nhiệm vụ của họ ra sao. Tôi tin chắc rằng tình trạng này là vô cùng phổ biến đối với công dân Việt Nam (như tôi đã phân tích ở trên). Điều này dẫn tới một môi trường chính trị quần chúng không lành mạnh, một chiều và yếm thế. Môi trường đó tạo điều kiện cho các "con sâu" phát triển thoải mái bởi người dân đã tự vô hiệu hóa "quyền lực" của mình. Chúng ta không thực thi "quyền lực của lá phiếu" nên đã không tạo áp lực lên các vị đại biểu. Thiếu "mũi nhọn nhân dân" dí sau lưng, các vị đại biểu này tất yếu sẽ trở thành các ông bà "nghị gật" thay vì năng nổ thực hiện trọng trách được cử tri giao phó. Ngoài ra, bản thân các vị đại biểu không dễ chứng minh được năng lực của mình đối với cử tri và ngược lại các vị cử tri cũng khó lòng đánh giá đúng đắn về đại diện của họ. Hiện tại, như tôi thấy chỉ có một số vị ĐBQH chịu khó phát biểu, chất vấn những vấn đề "hot" là dễ được công chúng hoan nghênh, khen ngợi (chưa bàn đến chuyện đúng hay sai) còn đại biểu tại HĐND thì "thua", chẳng có mấy thông tin về hoạt động của họ. Để khắc phục điều này, các vị đại biểu nhất thiết phải chủ động cải thiện phương thức giao tiếp với cử tri. Rất may mắn thời đại CNTT hiện nay có nhiều giải pháp cho các vị ấy lựa chọn thông qua giao tiếp điện tử.

Tôi tìm thông tin về các vị ĐBQH và ĐBHĐND của TPHCM thì chỉ thấy trang web Đại biểu nhân dân TPHCM là có giới thiệu nhưng cũng rất sơ sài. Cách liên hệ với các vị đại biểu hiện tại xem ra rất thủ công: đến văn phòng của HĐND / Đoàn ĐBQH hoặc tham gia các buổi tiếp xúc cử tri. Những hình thức này chỉ phù hợp với các công dân có thời gian rảnh rỗi trong giờ hành chính mà thôi. Ngoài ra, nếu một công dân có kiến nghị đến HĐND hoặc Đoàn ĐBQH theo cách đó thì người tiếp nhận kiến nghị sẽ là một tập thể. Điều đó không có lợi cho công dân trong việc đôn đốc đại biểu thực hiện trách nhiệm của mình đồng thời không làm nổi bật được năng lực của từng đại biểu, giúp họ "tích lũy điểm" cho những lần bầu cử sau hoặc trong các đợt lấy phiếu tín nhiệm.
Thông tin ĐBQH trên trang web Đại biểu nhân dân TPHCM

Nhà nước Việt Nam đang từng bước xây dựng một "chính phủ điện tử" (theo xu hướng thời đại). Vậy thì các vị đại diện của nhân dân tại sao không tự "điện tử hóa" phương thức làm việc của mình trước đi. Điều này hoàn toàn dễ dàng, nhất là đối với các địa phương đã và đang đô thị hóa. Đó là một cách không thể dễ dàng hơn để các đại biểu thể hiện năng lực, trách nhiệm của mình đối với cử tri. Tôi lấy ví dụ về cách thực hiện như sau:
  • Đối với các đại biểu có khả năng viết lách hoặc muốn có "sân chơi" của riêng mình thì lập một blog dùng đúng tư cách đại biểu của mình để viết về các vấn đề xã hội, chính sách, hay bất kỳ thứ gì thể hiện quan điểm của họ, như cách mà ông Hoàng Hữu Phước đang làm hiện nay. Trên blog này cung cấp thông tin liên hệ của mình để cử tri liên hệ gửi thắc mắc, kiến nghị,... Đối với các vấn đề chung, chủ blog có thể đăng kiến nghị đó và câu trả lời hoặc cập nhật tiến trình giải quyết trên blog cho mọi người cùng theo dõi.
  • Đối với các đại biểu ít thời gian, không có khiếu viết lách hoặc khả năng về IT giới hạn thì có thể tập hợp lại thành một nhóm (tốt nhất là theo địa phương), thành lập 1 trang blog chung hoặc 1 diễn đàn (rất nhiều người có thể giúp họ điều này). Các đại biểu sẽ là các Ad, Mod của diễn đàn, tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc của người dân.

Ưu điểm: Các thông tin sẽ đến được với đông đảo cử tri và ngược lại các cử tri sẽ đóng góp được nhiều ý kiến cho đại biểu chọn lọc để "chém gió" trên diễn đàn QH và HĐND. Kỹ năng, sức cống hiến và "quyền lực" của đại biểu tăng lên, từ đó góp phần thúc đẩy bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn. Tạo được niềm tin trong nhân dân, lấy được "điểm" của cử tri. Kích thích môi trường chính trị nhân dân hoạt động một cách tích cực...

Nhược điểm: Các vị đại biểu sẽ "vất vả" hơn so với trước đây (nhờ vậy cử tri có thể "lọc" được các vị đại biểu "thích gật gù"); khó khăn ban đầu với một số vị đại biểu chưa quen với "cuộc sống số",...
"Nghị gật" khắp thế giới

Qua trường hợp của ĐBQH Hoàng Hữu Phước chúng ta thấy rằng làm "người của công chúng" vốn không dễ dàng nhưng "người đại diện cho công chúng" lại càng cần phải đòi hỏi cao hơn nữa, thế mà bấy lâu nay chúng ta vẫn "hững hờ". Tôi đánh giá cao cách ông Phước lập blog, đưa ra những chính kiến của mình trên đó, phổ biến những thông tin có ích cho cử tri,.. mặc dù không đồng ý lắm với cách thể hiện ngôn ngữ trong một số bài viết của ông. Đọc blog ông, chúng ta có thể thấy ông rất nhiệt tình với trách nhiệm đại biểu của mình. Và đó là điều cử tri cần nhất ở người đại diện của mình.
Vậy thì các vị đại biểu của nhân dân, còn chần chừ gì nữa mà không "thể hiện" mình đi? Hãy ghi điểm với cử tri một cách tích cực và hiệu quả nhất! "Nghị" và blog, tại sao không?

Bài liên quan

Hot 5234478824957250886

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

  1. Bần xin đăng lại trên trang nhà của mình: http://banconong.blogspot.com/2013/04/nghi-va-blog-tai-sao-khong.html#more . Thanks! (ok)

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô bạn Thanh Tùng!một ý kiến đáng để các đ/c "Nghị" của chúng ta thực hiện, thể hiện được hết trách nhiệm "đại biểu của nhân dân" khi có sự giám sát từ nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. bác làm cái ảnh họt gờn
    làm em phải qua xemhttps://huyco-troll.googlecode.com/svn/trunk/smile/12.gif

    mình vẫn thấy quốc hội còn nặng về hình thức lắm, có cải thiện đôi chút
    còn anh mặt trận tổ quốc thì chán nhất chả xứng với lịch sử việt minh

    Trả lờiXóa

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item