Bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Trung Đông (Kỳ 4)

KỲ IV: NGA NẮM GIỮ THẾ CHỦ ĐỘNG, PHẢN CÔNG MỸ TRÊN CẢ BA MẶT TRẬN.

1- Nga đẩy mạnh hướng Đông, tình hình kinh tế - chính trị Châu Á – Thái Bình Dương thay đổi căn bản.

Thông thường thì một vật khi bị nén ép ở một phía, nó sẽ dịch chuyển về phía bên kia. Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vì bị Mỹ và EU gây sức ép từ phía Tây nên Nga phải tìm sang phương Đông để tồn tại. Điều này chỉ đúng một phần. Từ nhiều thế kỷ, người Nga đã khai phá vùng Sibiri rộng lớn và đến cuối thế kỷ XIX, Nga đã có ảnh hưởng rất lớn lên vùng phía Bắc Mãn Châu, vươn ra Thái Bình Dương (trừ sai lầm bán Alaska cho Mỹ của Nga hoàng Nikolai Romanov II). Trong suốt thời kỳ Liên Xô tồn tại, họ đã không ngừng nghỉ thực hiện mục tiêu hướng Đông. Bằng chứng là sau khi đánh tan đạo quân Quan Đông của đế quốc Nhật Bản, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, họ đã giúp đỡ nhiệt thành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi trước Trung Hoa Dân quốc được Mỹ yểm trợ. Bằng chứng là cùng với Trung Quốc họ đã trợ giúp cho CHDCND Triều Tiên đứng vững trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bằng chứng là họ đã giúp đỡ chí tình cho nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ suốt 21 năm. Bằng chứng là Liên Xô đã liên tục khai thác và văn minh hóa vùng Sibiri vốn là nơi khó sống với dự án Baikal – Amur (BAM) nổi tiếng. Chính sách hướng Đông của người Nga là một chiến lược nhất quán từ thời Sa hoàng, xuyên qua thời kỳ Xô Viết đến tận ngày nay chứ không phải chỉ là phản ứng tức thời trước những biến cố ở Ukraina. Chính sách hướng Đông của người Nga chỉ bị cản trở bởi sự phản bội của Trung Quốc, khi họ bắt tay với Mỹ để chống lại Liên Xô mà họ gọi là “đế quốc xét lại”. Và cuối cùng, chính sách này buộc phải tạm dừng khi Liên Xô sụp đổ. Và nước Nga thừa kế chính sách đó như lịch sử dân tộc Nga đã, đang và vẫn diễn ra.

Từ thập kỷ ’90 của thế kỷ trước, mặc dù nền kinh tế gần như tan hoang sau “Kế hoạch 500 ngày” của I. Gaidar, A. Chubais và B. Nemtsov, Nga vẫn “chịu khó” tham gia Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM), nối lại các mối quan hệ với những bạn bè cũ, đặt thêm quan hệ với các đối tác mới. Năm 1996, Nga cùng với Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan thành lập “Nhóm Thượng Hải 5” và đến năm 2001 thì kết nạp Uzbekistan làm thành viên chính thức và các nước Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan làm quan sát viên, chính thức hình thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Từ năm 1998, cùng với Việt Nam và Peru, Nga bắt đầu tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đánh dấu sự trở lại của người Nga tại khu vực này về kinh tế, chính trị.

Ngày 10-10-2000, tại Almaty (thủ đô cũ của Kazakhstan), Nga cùng với Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan ký kết hiệp định thành lập Cộng đồng Kinh tế Á-Âu. Tổ chức này còn có các quan sát viên là Ukraina, Moldova và Armenia. Ngày 1-1-2010, Nga và Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan thành lập Liên minh thuế quan Á – Âu. Và đến tháng 1 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế Á-Âu và Liên minh thuế quan Á – Âu hợp nhất thành Liên minh kinh tế A – Âu.

Gần đây nhất, ngày 29-6-2015, Trung Quốc và Nga đồng chủ xướng đã cùng với 48 nước khác với tư cách là thành viên sáng lập đã ký bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), một định chế tài chính mạnh có số vốn dự kiến lên đến 1.000 tỷ USD. Trong đó Nga đóng góp 65,362 tỷ USD chiếm 6,66% số vốn góp, đứng thứ ba sau Trung Quốc (297,804 tỷ USD) và Ấn Độ (83,673 tỷ USD).

Những sự kiện trên đây cho thấy chiến lược hướng Đông của Nga là một trong những chính sách nhất quán, xuyên suốt qua nhiều giai đoạn lịch sử, bất kể dưới chế độ nào. Mức độ thực hiện chính sách đó có sự trồi sụt nhất định tùy theo hoàn cảnh lịch sử nhưng các mục tiêu cơ bản của chiến lược đó chưa bao giờ thay đổi. Điều này bác bỏ những nhận thức không đầy đủ rằng chỉ vì bị Mỹ và EU ép từ phương Tây, Nga mới mở cửa đi sang phía Đông. Trong tương lai, khi Nga đã đứng chân chắc chắn ở phương Đông thì phương Đông sẽ là điểm tựa mạnh mẽ để nước Nga, như một cái lò so bị ép chặt từ phương Tây sẽ “bật lại” chính phương Tây.

Trong quan hệ với phương Đông của Nga, Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng bởi nước này có thời là đồng minh XHCN của Liên Xô cũ, một đối tác mà Nga đã gây dựng lại quan hệ sau những tháng ngày “băng giá” quan hệ Xô – Trung từ những năm 1960 cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Vì là một nước có lãnh thổ trên cả hai lục địa Á – Âu, quan hệ tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Ấn Độ đóng vai trò quan trọng khi cả ba nước đều là thành viên lớn của khối BRICS, một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi gồm Nga, Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Về quan hệ quốc tế, Nga đóng vai trò quan trọng để tháo gỡ những vướng mắc giữa hai đối tác lớn “thỉnh thoảng lại hay hục hặc nhau” là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nga cũng có nhiều chính sách mềm dẻo trong quan hệ với Nhật Bản (trừ vấn đề Kuril), duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Iran, một đối tác lớn và lâu đời của Nga ở Tây Nam Á, đặt quan hệ với cả hai miền Triều Tiên, tăng cường quan hệ hợp tác vốn có về kinh tế và quân sự với Việt Nam cũng như một số nước ASEAN.

Sự trở lại Châu Á của Nga đã hình thành một số tam giác chính trị tương đối ổn định làm thay đổi tình hình chính trị - kinh tế ở Châu Á gồm: Tam giác lớn Nga - Trung Quốc - Ấn Độ, Tam giác Đông Á Nga - Trung Quốc - Nhật Bản, Tam giác Tây Nam Á Nga - Iran - Ấn Độ, Tam giác Đông Nam Á Nga - Trung Quốc - Việt Nam. Bởi vậy, không chỉ có sự trỗi dậy của Trung Quốc mà sự trở lại Châu Á của Nga cũng là một thách thức không nhỏ đối với chính sách “tái cân bằng” chiến lược hay “xoay trục” chiến lược” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Và quả thật, với chiến lược phương Đông được kiên trì thực hiện qua nhiều năm với cả hai thời kỳ tổng thống V. V. Putin và D. M. Medvedev, Nga không chỉ đã ổn định được tình hình sườn phía Tây khi “đóng băng” những sự kiện ở Ukraina mà còn bắt đầu “bật lại” Mỹ và phương Tây. Trong suốt nửa đầu năm 2015, bộ máy tình báo của Mỹ và phương Tây ra sức dò tìm, săn tin, phân tích, phán đoán, dự báo xem Nga sẽ hành động Ở ĐÂU. Lúc thì họ cho rằng những sự kiện lớn sẽ diễn ra ở vùng Baltic, lúc thì ở Ba Lan, lúc thì ở miền Trandniestr nằm giữa Moldova và Ukraina… Bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cũng tung ra đủ mọi thông tin thật có giả có, nửa thật nửa giả cũng có để thăm dò phản ứng của Nga. Cuối cùng, ngày 30-9-2015, 2 ngày sau khi khai mạc kỳ họp thứ 70 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cái “Ở ĐÂU” ấy đã có lời giải đáp: ĐÓ LÀ SYRIA. Một đáp số hoàn toàn bất ngờ với Mỹ và phương Tây do chính Nga công khai giải đáp bằng cả lời nói và hành động.

2- Không kích phiến quân ở Syria, Nga đã tác động mạnh đến những quan hệ xuyên thế kỷ, làm thay đổi cán cân lực lượng ở Tây Nam Á.

Mọi thông tin từng ngày, từng giờ về chiến dịch không kích của Nga chống khủng bố tại Syria đều có trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi xin phép không dẫn lại mà chỉ phân tích những vấn đề nổi cũng như chìm và các vấn đề có liên quan

a- Chiến thuật bất ngờ của Nga.

Ngày 28-9-2015, trong khi các nguyên thủ quốc gia tại Hội trường lớn của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang chăm chú lắng nghe bài phát biểu của ngài Ban Ki Mun, Tổng thư ký LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga V. V. Putin trong phiên khai mạc thì Bộ chỉ huy Không quân và Hàng không vũ trụ Nga (BBO Russia) đã âm thầm chuẩn bị cho Chiến dịch không kích ở Syria từ 10 ngày trước. Bằng nhiều biện pháp đánh lạc hướng, gây nhiễu, vòng tránh các trạm radar đối không, đối hải của Mỹ và NATO, BBO Russia đã chuyển nguyên vẹn cả một trung đoàn không quân hỗn hợp gồm các lực lượng tiêm kích, cường kích, trinh sát, tác chiến điện tử, vận tải, phòng không, tham mưu dẫn đường, hậu cần ký thuật, đặc nhiệm bảo vệ đến căn cứ Latakia phía Đông Bắc Syria.

Ngày 30-9-2015, Hội đồng liên bang Nga với 162 phiếu thuận/162 thành viên dự họp đã nhất trí tuyệt đối với đề nghị của Tổng thống Nga V. V. Putin về việc triển khai không quân chống khủng bố ở Syria. Thông tin này đã không được Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Cộng đồng tình báo Mỹ quan tâm đúng mức bởi trước đó, ngày 1-3-2014, khi những sự biến nghiêm trọng đang diễn ra ở Ukraina, Hội đồng liên bang Nga cũng nhất trí trao quyền triển khai lực lượng quân sự Nga ở Ukraina nhưng V. V. Putin đã không phải sử dụng đến quyền này. Đến tháng 6 năm 2014, V. V. Putin đề nghị Hội đồng liên bang rút lại quyền đó.

Nhiều người cho rằng V. V. Putin chỉ dọa. Còn các quan chức Mỹ và NATO theo nếp tư duy “có lệnh mới làm” thì tính toán rằng phải mất ít nhất 1 tháng nếu không nói là nhiều hơn, Nga mới có thể triển khai lực lượng đủ để có những hành động quân sự đáng kể. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau khi nghị quyết của Hội đồng liên bang Nga được thông qua, những trái bom đầu tiên từ các máy bay chiến đấu Nga đã dội xuống các căn cứ của quân khủng bố chống chính phủ Syria. Đây mới là thông tin làm chấn động cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng như dư luận toàn thế giới.
Trong khi hành động bất ngờ của không quân Nga không những làm cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng các chính khách phương Tây đi từ ngỡ ngàng đến lúng túng và phản ứng yếu ớt thì Tổng thống Putin và Chánh văn phòng điện Kremli đã tuyên bố rõ quan điểm của Nga:

- Trước đây, Mỹ đã nhiều lần đề nghị Nga tham gia liên minh 60 nước trong phối hợp hành động chống khủng bố ISIL ở Trung Đông nhưng Nga chưa có điều kiện tham gia thì giờ đây chính là lúc Nga có thể chủ động và tích cực tham gia cuộc chiến đó. Quan điểm này khiến Mỹ và phương Tây cứng họng bởi Nga đã thực hiện lời mời của Mỹ. Nhưng như vậy là chưa đủ bởi Mỹ luôn tuyên bố theo kiểu “câu sau đá câu trước”.

- Không quân Nga có mặt ở Syria theo lời mời của Tổng thống Bashar Al Assad, tổng thống hợp pháp, hợp hiến được dân bầu của chính phủ hợp pháp duy nhất ở Syria. Điều này phù hợp với một Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mà Liên Xô đã ký với Syria và Nga kế thừa trách nhiệm của Liên Xô có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận của hiệp ước đó theo đúng công pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lập luận này khiến Mỹ và NATO không thể tranh cãi về việc không quân Nga tham chiến ở Syria là hợp pháp.
Kèm theo hai lập luận “cấm cãi” trên đây, Nga còn có một số lập luận khác vừa để biện minh cho hành động của mình, vừa để “phản đòn” lại Mỹ và phương Tây.

- Chiến dịch không kích của Mỹ và liên minh 60 nước chống IS là không hiệu quả. Bằng chứng là sau 1 năm không kích, lực lượng IS đã mở rộng phạm vi chiếm đóng ra hơn 1/2 lãnh thổ Syria và vẫn chiếm cứ những vùng quan trọng ở Bắc Iraq. Chứng minh cho kết quả kém cỏi này của không quân Mỹ và liên quân là chính các tướng lĩnh của Mỹ cũng phải thừa nhận rằng hiệu quả của các cuộc không kích này phụ thuộc rất lớn vào nguồn tin tình báo trên mặt đất, thứ mà Mỹ gần như "trắng tay" ở Syria. Trong một bài viết mới đây trên Thời báo New York, các phi công quân sự Mỹ thừa nhận rằng họ đã phải quần thảo nhiều vòng trên bầu trời Syria để tìm kiếm chiến binh hay phương tiện chiến đấu của IS, vì không có các chỉ dẫn mục tiêu cụ thể, và nhiều lúc họ phải quay về căn cứ với cơ số bom còn nguyên trên máy bay. Với việc những "tai mắt" duy nhất trên mặt đất gần như bị xóa sổ ngay sau trận đầu tham chiến, có vẻ như cuộc chiến chống IS của Mỹ đã rơi vào thế bế tắc và vẫn chỉ dừng lại ở những cuộc không kích, nơi phi công chủ yếu xác định mục tiêu bằng mắt thường hoặc những bức ảnh vệ tinh.

- Mỹ không kích IS chỉ để yểm hộ cho lực lượng FSA thân Mỹ. Mỹ ủng hộ lực lượng này là hành động “bất hợp pháp và không hiệu quả” bởi có nhiều thông tin cho biết rất nhiều chiến binh do Mỹ huấn luyện đã nộp vũ khí, trang bị cho Al-Qaeda. Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Obama ngày 28-9-2015, tổng thống Nga đã nói thẳng: “"Hóa ra chỉ có 60 trong số những chiến binh này được huấn luyện tử tế, và chỉ 4 hoặc 5 người là thực sự cầm vũ khí, số còn lại chỉ đơn giản là xách những khẩu súng được Mỹ cấp phát chạy tới gia nhập IS”.

- Mỹ và phương Tây đã sai lầm rất lớn khi bất hợp tác với chính phủ của ông Assad để chống khủng bố bởi lẽ những chiến binh của chính phủ Syria nắm rất rõ những thông tin tình báo về vị trí, hướng di chuyển, thời gian di chuyển, cách thức bố phòng của IS. Những thông tin này tin cậy đến mức độ quân đội Iraq mới đây tuyên bố họ sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin “an ninh và tình báo” với Syria, Nga và Iran trong cuộc chiến chống IS. Khi Bagdad đã gần như mất lòng tin vào Mỹ thì việc hình thành một trung tâm thông tin tình báo chóng khủng bố ở Bagdad không phải là điều gì bất bình thường.

Còn lại là những tuyên bố về mặt kỹ thuật.

Trước các lập luận trên đây của Nga, Mỹ gần như bị trói gọn, nếu không nói là chặt. Bởi Mỹ và phương Tây vẫn khăng khăng đòi lật đổ Assad thì tại sao khi Nga hợp tác với Assad, kết quả không kích lại đạt được tới mức cả hệ thống truyền thông phương Tây do Mỹ kiểm soát lại đi hết từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác ?

b- Vì sao Mỹ phản đối Nga không kích ?

Xa hơn chút nữa, người ta có thể coi cuộc chiến chống IS của Mỹ là một “cuộc chiến cuội”. Mọi người chưa quên thời gian đầu của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, vào ngày 1-9-1939, Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Ba Lan và chiếm đóng nước này chỉ sau 10 ngày. Khi đó, cả Anh và Pháp đều lập tức tuyên chiến với Đức Quốc xã nhưng lại hầu như “án binh bất động”. Lịch sử đã ghi nhận cuộc chiến này là “cuộc chiến cuội”.
Người ta bất giác đặt câu hỏi là Cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên minh cuội tới mức nào ?
Nhìn vào lịch sử cổ điển của IS, chúng ta thấy chúng xuất phát từ đâu và vì sao chúng tồn tại và lớn mạnh.
Nhìn vào lịch sử hiện đại của IS, chúng ta thấy ai đã hiện đại hóa chúng và tạo nên một thế lực khiến cả thế giới phải đi từ kinh ngạc đến khiếp sợ.

Nhìn vào những gì mà IS đang thực hiện, ta có thể thấy những thế lực nào đang đứng sau những hành động của IS. Đặc biệt là sự “ưỡn ngực” bất thường của Arab Saudi khi “đột ngột Cao Sơn” đứng ra chủ trì một liên minh chống phiến quân Houthy ở Yemen đã phần nào hé lộ vai trò của Arab Saudi trong những cuộc khủng hoảng ở Trung Đông mà từ xưa đến nay, vẫn “cắm tăm cúi mặt” làm ra vẻ một “lão nông tri điền” trên “cánh đồng dầu mỏ” màu mỡ nhất Trung Đông?

Nhìn vào quá khứ của IS, người ta không khỏi đặt dấu hỏi tại sao từ thời Bil Clinton, CIA hầu như đã nắm chắc rằng trước sự kiện ngày 11-9-2001, Bin Laden chính là thủ phạm của các cuộc đánh bom (lần thứ nhất) vào tầng 1 tòa nhà WTC, là thủ phạm của vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào tòa đại sứ Mỹ ở Nairoby – Kenya, là thủ phạm của vụ đánh bom vào tòa nhà hành chính bạng Oklahoma, là thủ phạm của vụ đánh bom vào tòa nhà doạnh trại quân đội Mỹ ở Arab Saudi; nhưng tại sao hắn vẫn “nhởn nhơ” cho đến vụ WTC ngày 11-9 đen tối mới bị Mỹ quy là tội phạm khủng bố?

Xâu chuỗi tất cả những gì mà CIA và chính quyền Mỹ đang muốn che giấu nhưng bằng cách này hay cách khác, sẽ lộ ra một điều mà bất kỳ quan chức Mỹ nào lộ ra sẽ bị “cẩu đầu trảm”. Đó là mối liên hệ tay ba giữa Mỹ, Arab Saudi và IS. Chính vì thế mà cuộc không kích vào IS của Nga hiện nay được Israel ngầm ủng hộ với điều kiện hai bên tránh đụng độ. Chuyến thăm của Netanyahu tới Moskva vừa qua đã phần nào làm rõ mối quan hệ này bởi Israel là kẻ thù không đội trời chung của Arab Saudi cũng như tất cả những người Hồi giáo theo hệ phái Sunni.

Như vậy là sau cái bắt tay tay lịch sử từ thế kỷ XIX giữa gia tộc Saud và hệ phái Hồi giáo Wahhabi cực đoan ở Arab Saudi, đã diễn ra một cuộc bắt tay giữa các tập đoàn dầu mỏ Mỹ với gia tộc Saud ở Arab Saudi và đây không phải là cái bắt tay đầu tiên. Trong lịch sử, gia tộc Saud đã từng bắt tay với Anh, Mỹ qua các thời kỳ. Nhưng gia tộc này luôn nuôi dưỡng một vài “băng đảng” vũ trang giống như các tập đoàn tài chính ở Hongkong, New York, London, Tokyo, Roma… vẫn nuôi dưỡng những “lực lượng vũ trang ngầm” của mình phòng khi cần đến. Đó là các băng đảng Mafia tuy bất hợp pháp nhưng lại được những người hợp pháp bảo hộ.

Cho dù rất căm ghét Nga nhưng Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng nghị viện Mỹ cũng phải thừa nhận rằng những gì mà Washington đang làm là một chuỗi sai lầm nghiêm trọng qua ba đời tổng thống Mỹ. Cái sai lầm đó là gì? Không khó đoán bởi đó là sai lầm chiến lược khi các chính quyền Mỹ từ đời Busch bố qua Bin Clinton đến Bush con và Obama hiện nay đã vì những quyền lợi của tập đoàn dầu lửa Rockfeller mà bắt tay với gia tộc Saud, một gia tộc có truyền thống Wahhabism cực đoan nhất trong tất cả các hệ phái Hồi giáo trên thế giới này chỉ vì mục tiêu muốn làm "sen đầm" quốc tế. Tuy nhiên, cái mà John McCain nhận thức được mới chỉ là phần nổi của tảng băng Wahhabism đó.

Và từ đó, rất đễ hiểu những cư xử tiền hậu bất nhất của chính quyền Obama trong vấn đề Syria. Và lại càng không có gì khó hiểu khi chính quyền của ông Obama, một chính quyền tụ tập không ít nhân tài xuất sắc của nước Mỹ lại tỏ ra lúng túng, mất điều khiển, thậm chí là giận giữ vô cớ khi Nga đưa không quân tham chiến ở Syria. Đó là vì những ông chủ đích thực của Nhà Trắng ngồi ở phố Wall đang thúc giục, thậm chí đe dọa Nhà Trắng về những đổ vỡ chính trị có thể xảy ra nếu như khi quân đội Syria nhờ không lực Nga yểm trợ, giành thắng lợi mà tóm được một “cái lưỡi” quan trọng nào đó trong hàng ngũ các chỉ huy IS và trao hắn ta cho Nga. Lại càng nguy hiểm hơn cho những ông chủ này nếu như sau khi tiêu diệt IS, một sự kết nối quan hệ mới ở Trung Đông sẽ xuất hiện với bộ ba Iran, Iraq và Syria do Nga đứng ra tổ chức. Cùng với việc Israel phải làm hòa với Nga và nhờ Nga “nói giùm”, liên minh này sẽ đe dọa xé nát Arab Saudi cũng như “lên mặt” với các tiểu cường quốc dầu mỏ trên bán đảo Arab như Qatar, Barain, Kuwait, UAE, Oman và Yemen.

c- Hậu quả thất bại của IS là gì.

Cuộc không kích của Nga vào các lực lượng IS tại Syria đã làm tung tóe ra bao nhiêu thứ mà bấy lâu nay, chính quyền Washington muốn che giấu. Nó cũng làm cho các đồng minh NATO của Mỹ nhận ra rằng hóa ra từ lâu nay, mình chỉ là những “quân cờ” trên bàn cờ chính trị của Mỹ, hóa ra lâu nay, mình biến thành “con chó bông của Mỹ” như lời thủ lĩnh Đảng Dân tộc cực đoan Pháp Marina Le Pen nói.

Một mũi tên trúng nhiều đích. Chủ trương mở chiến dịch không kích khủng bố tại đã Syria lật tẩy “Chiến dịch không kích cuội” mang danh chống IS của Mỹ ở Trung Đông. Chiến dịch không kích của Nga tạo niềm tin cho các nước Trung Đông rằng chỉ có thể chiến thắng khủng bố nếu biết dựa vào thực lực của bản thân làm yếu tố quyết định kết hợp với sự hỗ trợ của đối tác tin cậy. Chiến dịch này cũng cho thấy dù có chạy đi bất kỳ đâu trên thế giới này, IS cũng không thoát khỏi sự trừng phạt.

Đối với Nga, chiến dịch này cũng góp phần đánh bại chiến thuật “nhóm lửa từ xa” của Mỹ nhằm chống Nga. Người ta chưa quên rằng trong cuộc chiến ở Checnia từ 1994 đến 2000, hàng chục nghìn phần tử phiến quân đã được các cố vấn, huấn luyện viên Mỹ đào tạo từ các căn cứ ở Afghanistan (nơi sau này mà Mỹ coi là hang ổ khủng bố) rồi tung về vùng Kavkaz qua ngả Gruzia để gây làn sóng li khai tại đây. Người ta cũng chưa quên rằng trong hàng ngũ những tên lính đánh thuê cho chính quyền vi hiến ở Kiev hiện nay trong chiến dịch được gọi là “chống khủng bố” ở Đông Nam Ukraina, có mặt hàng trăm tên lính được đào tạo qua các trại ở IS. Những tội ác kinh tởm mà đám lính đánh thuê này gây ra ở Ukraina mang dấu vết của IS.
Việc IS bị đánh cho no đòn còn động chạm đến một quan hệ ngầm thuộc tầm cỡ quốc tế. Đó là quan hệ giữa các tập đoàn tài phiệt – dầu mỏ Mỹ với gia tộc Saud ở Arab Saudi. Việc Arab Saudi sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới cùng với cương vị thống lĩnh OPEC của họ đã cho họ một vị thế không kém một cường quốc hạt nhân. Isarael đã nhiều lần tố giác Riad sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Washington đều lờ đi. Việc IS bị “ăn đòn” mà Washington không có cách gì cứu được sẽ làm rạn nứt mối quan hệ giữa Riad và Washington. Một khi mà Riad đã dám qua mặt Mỹ cầm đầu một liên quân chống lực lượng Houthy để bảo vệ chính quyền thân mình do Shale cầm đầu ở Yemen, dám không kích vào một đám cưới của người Yemen làm chết và bị thương gần 400 người; một khi Ryad cố tình tăng sản lượng dầu để hạ giá dầu, qua đó bóp chết “dầu đá phiến sét” của Mỹ thì có thể nói, giáo lý Hồi giáo cực đoan Wahhabism cùng với những chiến binh cảm tử còn hơn cả Samurai của Nhật Bản do dòng họ Saud điều khiển có thể biến Arab thành một quốc gia không thể kiểm soát được và đó sẽ là hiểm họa cho Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung.
Tất cả những điều trên, Nga đều đã thấy được.
--------
Nguồn: FB Tâm Minh Nguyễn.

Bài liên quan

Quốc tế 4289660472109050692

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item