Chúc mừng! Bạn đã bị sa thải!

Bình luận của người dịch : CNTB ở Hoa Kỳ có hình thù như thế nào? Có thật là nơi đáng mơ ước như nhiều người vẫn hay nổ không? Sau đây là ...

Bình luận của người dịch: CNTB ở Hoa Kỳ có hình thù như thế nào? Có thật là nơi đáng mơ ước như nhiều người vẫn hay nổ không? Sau đây là bản dịch bài báo Congratulations! You’ve Been Fired của tác giả Dan Lyons, đăng ngày 9/4/2016. Bài viết gợi cho cá nhân tôi rất nhiều điều, ví dụ sự liên tưởng tới những công ty đa cấp rùm beng vừa rồi: người ta cứ phải cố gắng phóng đại mọi thứ lên, để cho người khác tưởng là hào nhoáng. Còn thực chất là một đống đau khổ của người lao động. Tôi tin mỗi độc giả sẽ rút ra một vài ý hay từ bài báo.


***

Tại HubSpot, công ty phần mềm mà tôi đã làm việc trong gần 2 năm, khi bạn bị sa thải, điều đó sẽ được gọi là “tốt nghiệp”. Tất cả chúng tôi sẽ nhận được một email vui vẻ từ ông chủ, nói rằng “Thông báo tới toàn nhóm rằng X đã tốt nghiệp và tất cả chúng ta hào hứng muốn xem cô ấy sẽ sử dụng siêu sức mạnh của cô trong chuyến phiêu lưu lớn sắp tới”. Tới một ngày điều này xảy ra với một người bạn của tôi. Cô ấy 35 tuổi, đã làm việc cho công ty trong 4 năm, và được thông báo mà không có một lời giải thích bởi người quản lý của mình, mới 28 tuổi, rằng cô có 2 tuần để rời khỏi công ty. Vào ngày cuối cùng của cô, người quản lý tổ chức một bữa tiệc chia tay cho cô.

Điều đó thật sự quái đản, và độc ác, nhưng tất cả mọi người ở HubSpot cư xử như thể điều này hoàn toàn bình thường. Chúng ta được bảo rằng mình là những "ngôi sao nhạc rock", những “người truyền cảm hứng”, và “thay đổi thế giới”, nhưng sự thật là chúng ta có thể bị tống khứ.

Nhiều công ty công nghệ tự hào về cái thể loại văn hóa này. Amazon tiếp tục gây ồn ào về môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt của họ, đáng chú ý nhất là trong một bài viết dài lê thê ở tờ báo này năm ngoái. Hôm thứ Ba, Jeff Bezos, người thành lập Amazon đã nói rằng những người không thích môi trường làm việc tới kiệt sức của công ty thì cứ thoải mái mà làm ở chỗ khác. “Chúng tôi không bao giờ khẳng định rằng cách đặt vấn đề của chúng tôi là đúng đắn, chỉ đơn giản đó là cách làm của chúng tôi, và hơn 2 thập kỷ vừa qua, chúng tôi đã tập hợp được một nhóm những người cùng chí hướng” - ông ta viết trong một bức thư gửi các cổ đông.

Một vài người nhìn nhận lời tuyên bố như một dấu hiệu là ông Bezos ít nhất có vẻ thừa nhận rằng sẽ không bình thường nếu người lao động khóc lóc ở bàn của họ. Nhưng nó cũng là một tin nhắn thách thức rằng ông ta không có ý định ngừng lại.

Tôi sống đủ lâu để nhớ những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi mà giới điều hành trong lĩnh vực công nghệ đau đầu với việc níu giữ các tài năng. “Tài sản quan trọng nhất của chúng tôi đi ra khỏi cửa mỗi đêm” là câu nói quen thuộc thời đó. Giờ thì không còn chuyện đó nữa rồi.

Đối xử với người lao động như thể họ là máy móc để sử dụng hết công suất rồi bị quẳng đi là một phần trung tâm của mối quan hệ giữa chủ lao động và người lao động, mà những nhà công nghệ tuyên bố là một sáng kiến có tầm quan trọng cũng như chip và phần mềm. Mô hình bắt đầu từ thung lũng Sillicon và lan rộng. Các công ty lâu đời đang thuê các kỹ thuật viên “tăng trưởng đột phá” và xây dựng những “lò ấp trứng”. Họ nhìn thấy thung lũng Sillicon như là một mô hình khai sáng và suy nghĩ tiến bộ, cho dù rằng cách làm việc “mới” này thực ra là trò chơi cổ xưa nhất trên thế giới: đó là bóc lột lao động bằng tư bản.

HubSpot được thành lập năm 2006 ở Cambridge, Massachusetts, và trở nên nổi tiếng năm 2014. Đó là một trong những công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh và hấp dẫn tới nỗi thường xuyên xuất hiện trên bản tin những ngày đó, với những chiếc ghế lười và những ngày nghỉ không giới hạn, một công ty không tưởng nơi mà không cần thiết phải cân bằng cuộc sống, bởi vì công việc là cuộc sống và cuộc sống là công việc. Hãy tưởng tượng một ngôi nhà cộng đồng có vườn trẻ cùng với công nghệ khoa học và bạn sẽ có một ý tưởng về nó như thế nào.

Tôi đã gia nhập công ty năm 2013 sau khi trải qua 25 năm trong nghề báo và bị sa thải khi đang ở một vị trí cấp cao tại tòa báo Newsweek. Tôi đã nghĩ làm việc cho một công ty khởi nghiệp là điều tuyệt vời. Bổng lộc! Văn phòng sành điệu!

Vậy mà hóa ra là tôi đã tham gia vào một xưởng vắt mồ hôi (sweatshop) số hóa, nơi mà mọi người bị ních vào trong những căn phòng lớn, người nọ ngồi cạnh người kia, tại những cái bàn dài. Thay vì khom lưng xuống máy khâu, họ nhìn chăm chăm vào laptop hoặc quát tháo trên điện thoại, trong khi bán phần mềm.

Công nhân công nghệ không có sự bảo đảm công việc (job security). Bạn đang phải thực hiện một "lô xích xông nghĩa vụ", có thể kéo dài một hoặc hai năm, theo như lời của người thành lập LinkedIn, Reid Hoffman, cũng là đồng tác giả của một cuốn sách thể hiện ý tưởng của ông ta, “Liên minh: Quản lý nhân tài trong thời đại kết nối quan hệ” (“The Alliance: Managing Talent in the Networked Age.”). Các công ty sẽ vắt kiệt và vứt bỏ bạn ra khi có ai đó tốt hơn, hoặc rẻ hơn, muốn làm việc cho công ty. “Công ty của bạn không phải gia đình của bạn”, một dòng khác trong cuốn sách của ông Hoffman viết.

Ý tưởng của ông ta có nguồn gốc từ một “quy tắc văn hóa” mà Netflix xuất bản năm 2009, tuyên bố rằng “chúng ta là một đội, không phải một gia đình”. Netflix quan niệm bản thân như một đội thể thao, luôn luôn tìm những “ngôi sao ở mọi vị trí”. Trong mô hình công việc mới này, người lao động được kỳ vọng sẽ tự nguyện cống hiến hết mình và trung thành với công ty của họ, thậm chí ngay cả khi ông chủ không hề cảm thấy có nghĩa vụ nào như thế.

Tiếc là, làm việc ở một công ty khởi nghiệp thường vướng phải việc bị quản lý bởi những quản lý ít được đào tạo (hoặc không được đào tạo), và bị sa thải một cách quái đản. Lan tràn thành kiến dựa trên tuổi tác, chủng tộc và giới tính, cũng như quấy rối tình dục. Bữa ăn nhẹ miễn phí thì hay đấy, nhưng cái đầu của bạn cũng phải chịu đựng những ngôn từ và tư tưởng ngu xuẩn về nhiệm vụ thay đổi thế giới. Công ty bán cổ phần cho công chúng trong khi vẫn đang thua lỗ. Tài sản được sinh, nhưng phần lớn vào tay một nhúm người ở trên cao, những người thành lập và đầu tư tư bản rủi ro.

Quy tắc của Netflix được tích cực sao chép bởi vô số công ty khác, trong đó có HubSpot, nơi sử dụng một chuẩn đo lường, gọi là VORP (value over replacement player), hay giá trị trên cầu thủ thay thế. Ý tưởng tàn bạo này đến từ thế giới của môn bóng chày, nơi có thói quen định giá cho cầu thủ. Ở HubSpot, chúng tôi nhận được điểm VORP trong báo cáo hàng năm. Nó được cho là có tính khoa học, một phần của việc “tổ chức định hướng theo dữ liệu”, như việc quản lý đã gọi nó.

Văn phòng của chúng tôi là một xưởng ở thế kỷ 19 được sửa chữa lại, vốn được xây bởi nhà sản xuất nội thất A. H. Davenport. Những căn phòng gạch đỏ nơi mà những thợ thủ công lành nghề đã từng lao động trên các chạm khắc công phu, những kho báu chế biến gỗ này ngày nay có thể tìm thấy ở bảo tàng và Nhà Trắng, bây giờ chật ních những người trẻ, cả ngày dài chỉ để gọi điện cho các khách hàng tiềm năng, chạy đua để chạm tới chỉ tiêu gay go hàng tháng, với những thuật toán đo năng suất của họ. Các “Nhân viên cao cấp phát triển kinh doanh”, những người làm quảng cáo được ca ngợi, được trả khoảng 3000 đô-la một tháng, tức là 18,75 đô-la/giờ nếu bạn làm 40 giờ/tuần, mặc dù nhiều người làm nhiều hơn vậy.

Cố nặn ra các cuộc điện thoại, tạo ra một con số, để móc vào cái máy đang theo dõi bạn làm việc, đấy là tiến bộ ư? Những người làm việc trong cái xưởng nội thất có lẽ cũng không có một cuộc sống dễ dàng. Họ chắc chắn không có một quán bia giống như những công nhân ở HubSpot đã có. Mặt khác, họ cũng không phải đi qua hàng tuần đào tạo mà cảm thấy sợ hãi như truyền bá tín ngưỡng, được nói rằng họ có thể sử dụng “siêu sức mạnh” của họ để thay đổi “cuộc sống của mọi người” bằng cách lan rộng “niềm vui sướng” tới khách hàng của họ.

Nếu có lựa chọn, tôi nghĩ tôi muốn làm đồ gỗ hơn.

Dan Lyons
---
Dịch: Trần Đức Anh

Bài liên quan

Xã hội 4720786658374175405

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item