Nhập nhèm lịch sử, xin đừng lạm dụng 2 tiếng "nhân dân"

Sau khi ra "Lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, dù đã có nhiều sự phản đối từ người dân trên các diễn đàn mạng xã hội (không bị "chọn lọc" và "điều hướng" bởi các báo) nhưng có vẻ ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn không hề hay biết điều đó (vì có báo nào dám đăng đâu mà biết!). Hoặc cũng có thể ông Tùng cũng biết nhưng chẳng hề bận tâm mà lý do vì sao thì có lẽ chỉ ông ấy biết. Do đó, ông Tùng tiếp tục đăng đàn trên báo mạng Vnexpress để tuyên bố: "Binh sĩ ngã xuống ở Hoàng Sa hay ở Gạc Ma đều là những tấm gương hy sinh vì dân tộc".

Nhận thấy đây là một sự nhập nhèm giữa đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu,.. và là một sự cổ vũ to lớn cho phong trào xét lại lịch sử đang rộ lên trên một số tờ báo hiện nay, tôi đành tiếp tục phải nói về vấn đề này, những mong sẽ "giải độc" cho những ai đang bị choáng ngợp bởi những lời lẽ ngọt ngào và bức bình phong "nhân dân".

VNCH là chính thể bất hợp pháp và phi dân tộc
Trước hết, cần phải thống nhất lại một số điều về bản chất các chính thể tại Việt Nam từ 8/1945 đến 30/04/1975 như sau: VNDCCH là chính thể duy nhất hợp pháp trên đất nước Việt Nam vì 1) Lãnh đạo nhân dân giành chính quyền từ tay thực dân Pháp & phát xít Nhật; 2) Tiếp quản chính thức đất nước từ tay triều Nguyễn; 3) Lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc xâm lược lần 2 của Pháp; 4) Lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại sự xâm lược của Mỹ và chính quyền tay sai.
Nếu ông Đặng Ngọc Tùng và các "lều báo" không đồng ý với điều cơ bản trên đây, vui lòng tìm đọc lại lịch sử hoặc đề đạt ý kiến phản đối lên Bộ Chính trị và lãnh đạo Đảng - Nhà nước.
Như vậy chính thể Việt Nam Cộng Hòa mà tiền thân của nó là Việt Nam Quốc gia hoàn toàn là một chính quyền tiếm danh, được lập lên bởi các thế lực ngoại bang và là công cụ chống lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Việt Nam. Sự tồn tại của chính thể này chỉ có một mục tiêu duy nhất là phục vụ cho lợi ích của ngoại bang tại Việt Nam và cùng với đó là gây thiệt hại cho đất nước, cho dân tộc về mọi mặt: con người, tài nguyên, cơ hội phát triển hòa bình, sự chia rẽ,... Tóm lại, các chính thể phi nghĩa này là kẻ thù của dân tộc. Vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam bấy giờ dù do chính quyền VNCH quản lý nhưng thực chất là thuộc địa của Mỹ, do Mỹ nắm quyền quyết định. Chính quyền VNCH chỉ là những kẻ làm thuê, tay sai cho ngoại bang như chính những lời "thú nhận" sau đây của các vị "tổng thống" VNCH:
"Biên giới Hoa Kỳ không ngừng ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mà kéo dài, ở Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17 của Việt Nam, hình thành một biên giới của 'thế giới tự do', cái mà chúng ta đều trân trọng." - Ngô Đình Diệm (Trong bài diễn văn đáp từ Lyndon Johnson).

"Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!" hay "Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng!" hay "Nếu họ (Hoa Kỳ) muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính" - Nguyễn Văn Thiệu.

Thân phận người lính VNCH
Vì là một chính quyền phi nghĩa, phi dân tộc nên đương nhiên VNCH bị người dân khắp miền Nam vùng dậy "đồng khởi" ngay từ những năm đầu của thể chế này. Đội quân khổng lồ hơn 350.000 quân của VNCH (thời điểm đầu những năm 1960) với quân trang, vũ khí hiện đại nhưng với cái đầu rỗng về lý tưởng của những kẻ đánh thuê đã không thể nào "bình định" được miền Nam VN trong vòng 18 tháng như kế hoạch Staley-Taylor đặt ra. Trái lại, riêng trong 2 năm 1963-1964 đã có tới 16 vạn quân đào ngũ, riêng 6 tháng đầu năm 1965, thêm 87 ngàn nữa bỏ hàng ngũ. Và như thế, Mỹ đành phải đổ quân vào Việt Nam để trực tiếp tham chiến. Nhưng với thân phận là lính đánh thuê của thuộc địa, người lính VNCH vẫn chỉ là lá chắn sống cho lính Mỹ, đặc biệt là khi đội quân thiện chiến của Mỹ bị sa lầy tại Việt Nam và bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ phải giở trò "thay màu da cho xác chết" (Việt Nam hóa chiến tranh). Họ nào khác gì những kẻ đánh thuê đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Phillipine,... chiến đấu không phải cho tổ quốc mình mà thậm chí khốn nạn hơn, họ phải chiến đấu để chống lại chính tổ quốc mình, bắn giết đồng bào mình. Số phận của họ đã được người dân miền Nam đúc kết qua các câu thơ như:
"Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy MỸ sinh con
bao giờ hết chuyện nước non
Anh về anh có MỸ con anh bồng"
hay lời bài hát "Tấm thẻ bài" sau đây:
"Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đã mờ mờ mang tên anh.
….
Anh đã đi, đã đi vào vùng biển đời người
Anh ngủ yên, ngủ yên như cỏ úa
Anh ơi sau cuộc chiến này
Có còn chi để lại
Hay chỉ còn tấm thẻ bài mang tên anh"

Khoác trên người những bộ quân phục oai hùng cùng đủ loại vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới bấy giờ nhưng đạo quân khổng lồ với cái đầu rỗng và đôi chân đất sét đã nhanh chóng tan rã khi cơn sóng cách mạng tràn về, chỉ 2 năm sau khi đạo hùng binh Hoa Kỳ cuốn gói khỏi Việt Nam. Vậy mà giờ đây người ta ca ngợi một số người trong đạo quân phản dân tộc đó là "tấm gương hy sinh vì dân tộc" chỉ với một lý do duy nhất là họ đã bỏ xác tại Hoàng Sa trong một trận đấu súng xứng đáng được ghi nhận là ê chề và nhục nhã nhất trong lịch sử hải quân nhân loại.

"Vì dân tộc"?
Tôi không rõ ông Tùng căn cứ vào tiêu chí gì để nói rằng các binh sỹ của VNCH, một chế độ phi dân tộc - phản dân tộc, đã chết tại Hoàng Sa là "tấm gương hy sinh vì dân tộc" bởi ngay cả cái tiêu chí đầu tiên là "vì dân tộc" thì đã là một chuyện khôi hài rồi. "Vì dân tộc" nên những người lính ấy lên tàu ra Hoàng Sa, Trường Sa để tuần tiễu ngăn chặn đường tiếp tế trên biển cho cách mạng giải phóng dân tộc mình, lượn lờ các vùng duyên hải để nã pháo vào các làng mạc hoặc bất kỳ chỗ nào nghi có "Việt cộng"(?!). Nếu ông Tùng và các "lều báo" còn chưa tin thì tôi xin trích dẫn ra đây một mẩu chuyện trong vô số những câu chuyện huyền thoại về đoàn tàu không số (tiền thân lữ đoàn 125), có liên quan đến một "diễn viên chính" của "vở kịch" Hoàng Sa - 1974, soái hạm HQ-5.
Theo kế hoạch, ngày 12/2/1972, Tàu 653 xuất phát nhằm thẳng hướng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp tục hành trình theo kế hoạch, Tàu 653 hướng về phía Nam Côn Đảo. Nhưng đến ngày 18/2/1972, nhận được một bức điện từ Sở chỉ huy Đoàn 125 cho biết: Tàu HQ 05 của Hải quân Sài Gòn đang tuần tra tuyến Hòn Khoai - Côn Sơn, đề nghị cho tàu ngụy trang và kiên trì đi theo hướng quay ra miền Bắc. Sau khi nhận lệnh, các chiến sĩ tăng cường ngụy trang tàu và triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các loại súng DKZ, B41, AK, 12,7 ly đều được lắp đạn và bố trí sẵn. Nhưng khi cho tàu quay ra, tàu địch vẫn bám sát, cố tiếp cận với mục đích bắt tàu ta phải đầu hàng. Chúng dùng mọi cách: O ép, kêu gọi đầu hàng, dùng vũ lực… nhưng không dám tấn công vì chúng biết tàu của ta là tàu “nguy hiểm”, nếu tấn công tàu sẽ nổ. Thấy tàu ta không động tĩnh gì mà cứ thẳng tiến ra Bắc, tàu HQ 05 thay đổi hướng đi bằng cách chặn đầu ép tàu ta đi theo chúng nhưng trong liên tục 5 ngày, các thủy thủ thay nhau lái, canh địch và tiếp tục đi theo kế hoạch: thẳng hướng ra Bắc. Khi ra tới vĩ tuyến 17, biết không thể thắng được ý chí chiến đấu của ta, địch mới cho tàu quay lại. Đến trưa ngày 25/2/1972, tàu của ta về cập cảng an toàn, kết thúc chuyến đi đầy cam go, thử thách. Đó là một chuyến đi để lại rất nhiều kinh nghiệm, dù bị địch phát hiện và áp sát trong nhiều ngày, nhưng nhờ ý chí, sự quyết tâm, tàu của ta vẫn cập bến an toàn.
(Trích "Tàu Không số - Những câu chuyện huyền thoại")

Có thể một số người cho rằng những người lính này đã không có nhận thức đầy đủ về tình trạng đất nước mình bấy giờ, không biết rằng mình chỉ là tay sai của tay sai của đế quốc, mà chỉ nghĩ rằng đất nước của họ là vùng đất của Việt Nam cộng hòa quản lý nên việc họ chống lại quân Trung Quốc cũng có thể coi như là xuất phát từ tinh thần chống ngoại xâm. Điều này cũng khả dĩ có chút hợp lý nên xem như chấm cho họ một vài điểm "vì dân tộc". Nhưng như thế có đủ để lấy họ ra làm "tấm gương" cho hậu thế?

Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan,.. và ngay cả người đã đoạt được thiên hạ là Gia Long Nguyễn Ánh tất nhiên đều có thể đưa ra lý do để biện giải cho hành vi "cõng rắn cắn gà nhà" của mình là "vì dân tộc", "vì đất nước",... Nhưng bao thế hệ nay, người dân Việt chẳng bao giờ coi đó là những "tấm gương hy sinh vì dân tộc" cả. Việt Nam đâu thiếu những tấm gương rạng ngời về đức "hy sinh vì dân tộc" mà phải ép mình đi tìm chút le lói nơi "tấm gương" đã rạn nứt thành muôn phần?
Ngoài ra, nếu xét theo tiêu chuẩn "thiếu nhận thức" kiểu này, "không cần biết anh là ai, không cần biết anh từ đâu, không cần biết anh ngày sau (và ngày trước)" mà chỉ căn cứ vào việc "bùm chéo" vào quân ngoại bang xâm lược thì xem ra ông Đặng Ngọc Tùng và những người đồng quan điểm còn có khối vị "anh hùng" để mà tri ân, vinh danh, làm gương đấy. Ví dụ như trong Chiến dịch Đông Dương lần thứ nhất, 9/1940, quân Nhật từ Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam, tấn công các căn cứ quân Pháp và thuộc địa, cũng đã có kha khá lính khố đỏ (người Việt Nam, bắn quân Nhật xâm lược) "hy sinh vì dân tộc" đó thôi. Có lẽ nơi chín suối, họ đang chờ đợi đến lượt mình được ông Tùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và báo Lao Động "tri ân" đó!

"Vì dân tộc" xem ra là không ổn rồi. Bây giờ xem xét đến khía cạnh "kiên cường, anh dũng, hy sinh". Hy vọng là các "tấm gương" của ông Tùng sẽ có thêm điểm!

"Hi sinh" ư?
Hy sinh là chết vì một mục đích hoặc lý tưởng cao cả như "vì nhân dân", "vì đất nước", "vì sự nghiệp chung của dân tộc" hay đơn giản là "chết khi làm nhiệm vụ", tất nhiên là "nhiệm vụ" do nhà nước giao phó. Sự "hy sinh" là do chính thể hoặc nhân dân hoặc cả hai cùng ghi nhận. Những người lính VNCH chết trận này có thể được chính thể VNCH ghi nhận là "hy sinh" vì họ chết khi thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà công nhận sự "hy sinh" của họ thì thật là lố bịch, bởi (1) họ không thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào do chính thể này giao phó và thậm chí (2) họ còn thực hiện các nhiệm vụ để chống lại chính chính thể VNDCCH, tiền thân của CHXHCN Việt Nam.
Như vậy ông Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có lẽ đã mượn danh "nhân dân" để ca ngợi sự "hy sinh" của những người lính này. Trong lịch sử cũng có nhiều trường hợp là kẻ thù của chính thể đương thời nhưng lại được nhân dân tôn vinh và ghi nhận sự hy sinh, chẳng hạn như trường hợp các võ tướng nhà Tây Sơn như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu,... Vậy những người lính VNCH này có gì để được nhân dân tôn vinh ngoài việc bỏ xác tại Hoàng Sa? Phải chăng cứ chết tại thánh đường là đồng nghĩa với tử vì đạo?

Về "động cơ" để họ có mặt tại Hoàng Sa thời điểm tháng 1/1974 thì vì đây là nhiệm vụ của họ, được chính quyền VNCH cử ra Hoàng Sa để chống lại việc xâm lấn của Trung Quốc. Trước đó thì Hoàng Sa cũng là vùng hoạt động của các chiến hạm này nên cũng chẳng thể nói rằng họ là những chiến binh vì căm thù quân xâm lược nên xung phong ra đánh đuổi. Như ở trên đã nói, họ là những người lính không lý tưởng, mơ hồ về thế cuộc, lại ở phía đối lập với dân tộc, nên thật khó tin rằng họ sẽ sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì một điều gì đó giữa biển khơi. Nhưng giả sử như họ thực sự có một tinh thần chống ngoại xâm (giả thiết rằng họ bị tẩy não nên không biết mình cũng đang phục vụ cho một kẻ ngoại xâm khác) thì họ, những chiến binh kiên cường và anh dũng ấy, đã ở đâu khi lần lượt Đài Loan, Trung Quốc, Philippine, Malaysia,.. chiếm hàng loạt đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa trước đó? Hãy nghe Domingo Tucay Jr, đại tá về hưu của hải quân Philippines, nay là cư dân Viriginia, kể lại việc họ đã chiếm một lúc 6 hòn đảo nổi, trong đó có Thị Tứ (lớn thứ 2 ở Trường Sa), Bến Lạc (lớn thứ 3), Song Tử Đông (lớn thứ 5) một cách dễ dàng như sau: Họ mang theo mật lệnh, được dặn đến tọa độ nhất định mới được mở ra. Có 7 đảo, bãi hoàn toàn hoang vắng, họ chiếm đóng dễ dàng. Chỉ khi tới đảo Song Tử Tây, họ thấy quân Việt Nam Cộng hòa đóng thì "Chúng tôi báo về sở chỉ huy, được chỉ thị cứ để mặc họ" (nguồn tại đây: http://www.abs-cbnnews.com/global-filipino/07/11/11/secret-mission-1970-put-ph-troops-spratlys). Từ 1956, Đài Loan cũng đã chiếm đảo Ba Bình (lớn nhất quần đảo Trường Sa) và Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm (lớn nhất nhì ở quần đảo Hoàng Sa).

Như vậy, việc những người lính này có mặt ở Hoàng Sa chẳng qua cũng là một nhiệm vụ bình thường của họ, như việc họ phải tìm và diệt các tàu không số của "Bắc Việt", phải càn quét, bắn phá các vùng duyên hải phía dưới vĩ tuyến 17 (trong các nhiệm vụ này có lẽ họ chỉ giỏi ở nhiệm vụ thứ 3!). Cũng cần nói thêm là trong thời chiến tranh (1954 - 1975) thì các anh chàng lính thủy VNCH thuộc loại là sướng nhất: tàu to súng lớn chỉ có việc đi bắt nạt ngư dân và con buôn bên cạnh nhiệm vụ ngăn chặn những chiếc tàu "chíp hôi" vận chuyển vũ khí cho cách mạng miền Nam, vòng ngoài lại có các siêu chiến hạm của hạm đội 7 Hoa Kỳ bảo kê, chiến hạm của "Bắc Việt" thì vừa nhỏ vừa yếu lại chẳng bao giờ vượt qua vĩ tuyến 17 nên xem như hải quân VNCH không có đối thủ, làm vương làm tướng một cõi với mức độ thiệt hại thấp nhất trong các lực lượng tham chiến. Vì "tinh ăn mù làm" như vậy nên trong trận hải chiến, dù chủ động bao vây và tấn công trước 4 con tàu nhỏ của Trung Quốc, các "thiện xạ" của đội quân "anh hùng" này đã không tài nào tiêu diệt được mục tiêu. Để rồi hàng chục năm sau, các vị ấy lấy lý do không bắn hạ được tàu Trung Quốc vì nó ... quá nhỏ (!?) và khi những kịch bản "bi tráng" hào nhoáng bị bóc tẩy, những vị "anh hùng" lại chuyển sang dè bỉu, đấu tố lẫn nhau về ... nghiệp vụ!

Thật ra thì những người lính này hoàn toàn có thể có được một trận đánh ra trò với những gì mình có và giành được sự tôn trọng của nhân dân. Nhưng họ đã không thể làm được điều đó vì trình độ nghiệp vụ yếu kém của mình và nhất là số phận họ đã được những kẻ chóp bu định sẵn như là những con tốt thí cho một nước cờ tàn. Đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết, người đã từng có mặt tại cả hai chiến trường quan trọng nhất, chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh với tư cách phóng viên chiến trường đã kể lại trong ký sự - tiểu thuyết “Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” như sau:
Sáng hôm sau, đoàn xe của Nguyễn Văn Thiệu rầm rầm rộ rộ với đủ nghi thức tiền hô hậu ủng, tiến về căn cứ hải quân. Nguyễn Hữu Hạnh viện cớ bận việc không đi theo. Tuy nhiên, anh vẫn chăm chú theo dõi việc Thiệu làm. Trong một mệnh lệnh viết tay tại chỗ, Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thiếu tướng Trần Văn Chơn, tư lệnh hải quân, chịu trách nhiệm tổ chức hành quân đổ bộ lên các đảo nhỏ, đuổi hết những người Trung Quốc ra khỏi đảo.

Nguyễn Hữu Hạnh hết sức ngạc nhiên. Tại sao Thiệu có thể chuyên quyền độc đoán tới như vậy? Vận mệnh của quốc gia, tình trạng bao con người sẽ ngã xuống chỉ vì quyết định liều lĩnh, bốc đồng của Thiệu trong chốc lát sao? Muốn đuổi những người Trung Quốc là dân đánh cá ra khỏi đảo thì cần gì phải sử dụng tới uy quyền của một Tổng Thống? Trường hợp những người chiếm đảo là lính Trung Cộng, thì một bản mệnh lệnh của Tổng Thống viết tay là một kiểu chơi ngông, không lường hậu quả sẽ đến, không dự trù phản ứng của đối phương thì sẽ gặt hái được thất bại nhục nhã vì thua trận, nướng quân.
Cái mảnh giấy viết tay đó chính là hợp đồng bán nước cuối cùng của Thiệu. Một chế độ được dựng lên bởi ngoại bang thông qua các hợp đồng bán nước thì chuyện "nướng" thêm vài tên lính cho "chuyện làm ăn" thì có đáng kể gì. Đó là hậu quả tất yếu của những kẻ "lầm đường lạc lối" chứ làm gì có cái gọi là "hi sinh" ở đây? "Hải chiến Hoàng Sa" đơn giản lắm, có thể tóm lược thế này: những kẻ chóp bu của băng đảng VNCH bị ông chủ Mỹ ép phải cắt một phần đất hương hỏa cho tay hàng xóm. Nhưng để tránh sự chống đối của những người trong giòng tộc, sự kiện này cần phải được ngụy trang dưới vỏ bọc bị đánh cướp. VNCH cử 4 tên đàn em ra ngăn cản sự xâm lấn của tay hàng xóm, sau đó, tên dẫn đầu và tay chân thân tín của hắn đẩy 2 tên còn lại xông vào đánh trước. Hai tên đàn em thấy phe mình cơ bắp, to khỏe hơn hẳn đối thủ nên hùng hổ lao vào khí thế. Khi trận chiến đang giằng co, 2 tên đằng sau rút súng bắn thẳng vào 2 đồng bọn của mình đang vật nhau với tay hàng xóm, rồi co giò chạy. Nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", một trong 2 kẻ bị bắn đã may mắn thoát chết và vác tấm thân tàn cùng viên đạn oan nghiệt trở về, để rồi mấy chục năm sau kể cho chúng ta biết về sự thật của trận đánh.

TƯ DUY ẤU TRĨ

"Những người ngã xuống ở Hoàng Sa hay Gạc Ma đều là tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đáng được trân trọng", Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chia sẻ.
Điều này thì đúng. Chúng tôi không phản bác điều này.

Nhưng cái đầu của ông Đặng Ngọc Tùng chỉ nghĩ được vậy thôi sao? Một TWUV mà chỉ hiểu biết lịch sử hạn hẹp vậy thôi sao.

Ông chắc đã dược lớn lên và học lịch sử thì ít nhất ông phải biết là hàng ngàn đời dân ta giữ biển đảo, bao thế hệ con em đất Việt ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh Hải của Việt Nam. Vậy, vì cái gì, hay vì suy nghĩ hạn hẹp mà lại chỉ nghĩ cho một thời kỳ ngắn ngủn như vậy hơn nữa cách hành văn của bài báo và cách đạt vấn đề mắc rất nhiều lỗi không thể cho phép của một nhà báo, một tờ báo.

Chính vì cái tư duy ấu trĩ ấy mà ông đã mắc hàng loạt sai lầm khi cho đăng bài báo và phát động kê gọi đóng góp xây đên:

Thứ nhất: Muốn xây đền thì không phải ông muốn là làm, cho dù ông là ai. Phải có sự phê duyệt, cấp phép của các cơ quan chủ quản, của Bộ chủ quản và phải có ý kiến cho phép của nhà nước. Không thể tùy tiện muốn xây là xin đất, là thiết kế, là quyên góp, là xin tiền, là đặt tên tùy tiện.

Thứ hai: Cách phát động và cách đặt vấn đề thực hiện của ông chính là sự tùy tiện sỉ nhục Quốc thể và bôi nhọ Chính thể. Nhà nước không làm được việc này hay sao mà ông lại phải dùng chiêu trò xin tiền quyên góp này. Nhân dân sẵn sáng đống góp cho việc làm ân nghĩa này những không phải cho một đề án chưa chuẩn bị thấu đáo, chưa đủ độ chín của người đứng ra. Vấn đề đặt ra ở đâym lời kêu gọi của ông mang tính ngẫu hứng cá nhân mà không được cân nhắc, tính toán thiệt hơn cho đất nước.

Thứ Ba; Ngôi đền ấy phải được xây, nhưng phải là Đền cấp quốc gia và là nơi để tưởng niệm tất cả những con dân đất việt chứ không chỉ cho hai thời điểm mà ông nêu ra một cách thiếu cân nhắc như trong bài viết.

Thứ tư: Nhân dân chỉ đồng ý với việc cần thiết xây ngôi đền. Nhưng hoàn toàn không đồng ý với cách làm của ông. Đến lúc này chúng tôi thấy ông không hội đủ đủ các yếu tố về nhân cách và hiểu biết để đứng ra phát động việc này theo kiểu “lá cái”, theo kiểu “ăn xin” như thế. Ông phải được kiểm điểm trước Trung ương, phải xin lỗi nhân dân về cách làm và tư duy hạn hẹp của mình. Đồng thời ông phải rút ngay ra khỏi đề án này. Không thể để ông bôi nhọ lịch sử bằng hành động vấy bẩn lên ngôi đên linh thiêng ấy! Ông đừng tự ái! Lịch sử nghiêm khắc như vậy đấy chứ không thể tùy tiện như trong vườn nhà ông.

(Huan Tran Dinh)
Ông Tùng tôn vinh những người đã chết là "hi sinh vì dân tộc" thì ông cũng cần phải tôn vinh tất cả những người lính VNCH tham chiến ở Hoàng Sa, bao gồm những kẻ đã bắn đồng đội và bỏ chạy bởi lẽ đó chính là những người đã dẫn đầu đoàn tàu ra "nghênh chiến" với Trung Quốc, đã phát lệnh tấn công. Không có họ sẽ không có hải chiến, sẽ không có người chết và có lẽ cũng không mất toàn bộ Hoàng Sa vào tay Trung Quốc. Họ chỉ khác 74 vị kia là họ không chịu chết! Không lẽ ông Tùng vứt bỏ hết "công lao" của họ chỉ vì họ chẳng chịu chết hay sao? Mà tôn vinh toàn bộ lực lượng VNCH tham chiến rồi thì ông Tùng cũng cần tôn vinh Nguyễn Văn Thiệu cùng bộ sậu của ông ta vì đã "kiên quyết bảo vệ đất nước" trước sự xâm lăng của ngoại bang. Chẳng phải chính ông Thiệu là người ra lệnh cho hải quân VNCH xuất quân đó sao? Và cứ theo cái vòng luẩn quẩn đó, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ được đọc những thông tin lịch sử kiểu thế này: "Được sự giúp đỡ của các chiến sĩ biệt động thành các cánh quân ta đã nhanh chóng tiến vào trung tâm thành phố tiêu diệt các chiến sĩ còn ngoan cố không chống trả và tiến thẳng đến dinh Độc lập cắm cờ" hay "trong trận chiến đó, các anh bộ đội cụ Hồ đã tiêu diệt xyz các anh bộ đội cụ Diệm"..v...v...

"Anh dũng, kiên cường" ư?
"Hi sinh vì dân tộc" thì không phải rồi nhưng liệu 74 tử sĩ này có không đức tính "anh dũng, kiên cường" như ông Tùng hằng ca ngợi? Trong các bài trước chúng tôi cũng đã chứng minh rằng chẳng thể đào đâu ra được những mỹ từ đó khi nhìn vào màn trình diễn của quân đội VNCH tại Hoàng Sa.
Nay cũng xin tổng hợp lại một số lời kể của người trong cuộc dưới đây.

- "Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả." - Lời kể của ông Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ-16.

- "Các binh sĩ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) sau khi bị hỏa tiễn của Hải quân Trung Cộng bắn trúng hầm chỉ huy và bị chìm, trong khi đó tàu của Hải quân Trung Cộng đi ngang qua chứng kiến tình trạng này nhưng họ không đến bắt mà bỏ đi như lời khai của các binh sĩ của Hộ tống hạm này, sau khi được cứu vớt và về đến đất liền: “Chúng tôi có thể sắp bị bắt làm tù binh. Tôi ngoắc thủy thủ đoàn trên tàu của Trung Cộng, thủy thủ đoàn cũng ngoắc lại nhưng không đến cứu"."

- "Chúng ta xác-nhận là đối phương sợ chết, vì vậy Sĩ Quan Chỉ huy địch đã ẩn trốn ở hậu-diện." - hồi ký của tướng TQ Ngụy Minh Sâm, biên tập bởi A. Churchill trong quyển A Collection of Voyages and Travels. Cựu sĩ quan Sài Gòn Nguyễn Văn Thành của trang "Dân chủ ca" cũng xác nhận thông tin này bằng câu: "Người Việt-nam, qua lịch-sử, rất can-đảm. Sĩ Quan chỉ huy ẩn trốn khi đụng giặc, nằm trốn ở hậu-diện rất ít. Hải-Chiến Hoàng-Sa chỉ là một vết đen đơn-độc".

- "Tôi bỗng nhìn lại về phía trước, khẩu đại bác 40 ly đôi đang chĩa mũi lên trời mà nhả đạn liên tiếp. Tôi chỉ tay cho Hạm trưởng (Lê Văn Thự - TL), rồi như một phản ứng kỳ diệu, tôi chạy xuống hai lần cầu thang ngoài trời, hấp tấp leo lên cạnh xạ thủ chiều cao. Anh ta đang chũi đầu xuống như để tránh đạn nhưng chân phải thì đạp liên hồi, trông chẳng khác gì một người điên...." - Trung úy Ðào Dân, tốt nghiệp khóa 18 SQHQ/NT, "chiến đấu" trên tàu HQ-16 cùng trung tá Lê Văn Thự.

- "Tại Hoàng-Sa, giặc Tàu cũng hèn thôi." - Trung úy Hồ Hải, SQ Trưởng ngành Vô Tuyến Điện Tử kiêm Mật Mã của HQ5 kiêm SQ Truyền tin cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Như vậy thực ra 2 bên chẳng ai anh hùng cả, không có quyết chiến quyết liệt gì cả, cả 2 bên đều bịa đặt để đề cao bản thân.

- Là người trong cuộc, không chịu nổi hiện tượng "tự sướng" sống sượng và lố lăng quá đáng của những "đồng đội", năm ngoái (2013), trung úy Hồ Hải đã phải lấy làm xấu hổ cho họ: "Đã 39 năm trôi đi, các bạn nào đã bắn bạn, mà nay qua những bài viết "lạm phát" còn hăng-hái bắn nhiều, bắn hăng-hái hơn bao giờ hết lúc cuối đời, đã trốn chạy mà còn bịa đặt không xấu-hổ. Các anh vẫn kiên-quyết giết thêm đồng-đội HQVN của mình nữa hay sao...
... Tụi Tàu Cộng nói láo thật, nhưng chúng ta có thấy nhiều tên Tàu nào nói láo, bịa đặt "không thành có" quá đáng và lộ liễu như mấy câu này không? Thật xấu hổ vô cùng với ngay cả đồng bào Việt Nam ta."

Chỉ là sự "tự sướng" nhố nhăng!
Hiện tượng "tự sướng" nhố nhăng này hiện nay không còn quanh quẩn trong sân chơi của đám cựu binh VNCH nơi viễn xứ mà còn được bày biện trang trọng và ê hề trên các mặt báo của nền "báo chí cách mạng" trong nước. Lấy ví dụ như bài báo "Điều chưa từng kể về trận tử thủ trên đảo Hoàng Sa" trên Dân trí, bất cứ ai đã từng tìm hiểu nghiêm túc về "hải chiến Hoàng Sa" sẽ không khỏi phì cười ngay khi nhìn vào chữ "tử thủ" trên tiêu đề bài báo. Bài báo ghi lại lời kể của ông Võ Hà, một sĩ quan, đại đội phó công binh trên đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của ông này thì những người lính Trung Quốc cứ như thể đám zombies (xác sống) trong phim Mỹ vậy: "Khoảng 10h sáng ngày 20/1, Trung Quốc cho canô chở lính đổ bộ vào đảo. Chiến thuật “biển người” tiếp tục được áp dụng, họ cho hàng trăm lính với nhiều súng ống, có cả lính thổi kèn xung phong dàn hàng ngang chạy vào từ cầu tàu Lệ Thủy - đường tiếp cận duy nhất. Chúng tôi cứ nhắm súng bắn vào từng hàng người, nhưng lính Trung Quốc đông quá, hết lớp này ngã xuống là lớp khác lại xông lên. Chẳng mấy chốc đã áp sát lô cốt phòng thủ của tôi.".

MIG21, MIG23 "rải thảm" đâu? Pháo hạm đâu? Tên lửa đâu? mà Trung Quốc phải "nướng quân" vì một nhúm lính VNCH trên đảo vậy? Nực cười hơn nữa là ông ta mô tả lính Trung Quốc chẳng khác gì cách tuyên truyền bịp bợm, ngu dân và lố bịch kiểu "Việt cộng có đuôi": "Chúng tôi tận mắt nhìn thấy họ (những binh sĩ sống phía Trung Quốc) lột áo quần của những xác người là đồng đội họ và ném xuống biển". Lính Trung Quốc "máu lạnh" với đồng đội như vậy nhưng lại đối xử với những kẻ đã giết quân mình "hết lớp này đến lớp khác" chẳng khác gì ... thượng khách! Thiếu tá Hồng, cấp trên trực tiếp của ông Hà, kể với tờ nhật báo Viễn Đông rằng: "Họ cho chúng tôi ăn uống theo quy chế tù binh chiến tranh đã được quốc tế qui định, như tôi mang cấp bậc Thiếu tá thì để tôi ở một phòng riêng, bốn Trung úy thì cứ hai ông một phòng, như vậy chúng tôi có ba phòng ở liền nhau, còn ông Kosh người Mỹ một phòng riêng.". Các tù binh còn được dẫn đi tham quan nhiều nơi khác trên đất Trung Hoa!

Tất nhiên, cũng như ông Thiếu tá Hồng, ông Vũ Hà cũng không tiếc lời ca ngợi về tinh thần chiến đấu của bản thân và đồng đội. Thậm chí ông Hà còn "anh dũng" hơn ông Hồng vì ông Hà "là người tử thủ đảo từ đầu cho đến khi bị bắt" trong khi ông Hồng thì "nghĩ trong lòng rằng không bao giờ tôi đầu hàng, giả sử nếu cùng lắm bên Không quân ta phải thả bom trên đầu, tôi cũng chịu vì đó là chuyện bình thường của quân đội; vì tôi và anh em trên đảo sẽ được cứu nên tôi tìm cách ẩn trốn vào một bụi cây rậm rạp trên đảo, do đó khi chúng đã bắt hết các anh em, chúng kiểm soát danh sách và biết rằng còn thiếu một viên Thiếu tá là tôi, cả một Tiểu đoàn lính Trung Cộng dàn hàng ngang lùng sục làm sao mà tôi thoát được, và tôi bị chúng bắt sống lúc xế trưa". Có lẽ vì "chém gió" hăng quá nên lúc thì ông Hà nói "Tôi không nhớ rõ lắm nhưng có thể dưới 20 người phía Việt Nam đã chết" nhưng lúc lại nói "Tôi xác nhận có người chết bên phía Việt Nam trên đảo nhưng không nhớ rõ số lượng lắm và một số bị thương vì tôi là người trực tiếp trên đảo cho đến khi bị bắt"(!). Nhưng dẫu sao, theo lời kể của ông Hà thì có vẻ như ông Đặng Ngọc Tùng còn nợ các tử sỹ trên đảo Hoàng Sa một lời tri ân. Họ cũng "anh dũng chiến đấu và hi sinh vì dân tộc" đó thôi!
Lính VNCH bị Trung Quốc bắt tại Hoàng Sa
Tuy vậy, như tôi đã nói, tất cả đều là những trò tự sướng trơ tráo của những kẻ một thời theo giặc kiếm ăn nay lại được nâng đỡ, bơm thổi bởi đám "lều báo". Hãy xem những gì mà tài liệu của quân đội Mỹ, dựa trên báo cáo của Gerald E.Kosh, người Mỹ duy nhất có mặt trên đảo Hoàng Sa mà blogger Thiếu Long cho là đóng vai trò của người quan sát sự bàn giao Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, ghi nhận dưới đây:
  • "Vào ngày 20 tháng 1, trong số 48 quân nhân VNCH phòng thủ đảo chỉ có 20 lính địa Phương Quân là trang bị vũ khí (súng trường M16), không có sẳn vị trí hay kế hoạch phòng thủ." → Tức là cả đảo có 48 lính VNCH và tất cả sau đó đều bị bắt làm tù binh chứ chẳng có ai "hi sinh" cả!
  • Lúc 11.30 giờ, các chiến hạm TC bắt đầu pháo kích lên đảo Hoàng Sa theo đúng như cách thức đã tấn công đảo Cam Tuyền. Tác dụng của những viên đạn bắn ra từ CH.X lại một lần nữa cho thấy là của loại đại bác 105ly. Một điều hơi lạ là mặc dù chiến hạm TC bắn dọn đường liên tục với mức độ vừa phải trong gần một tiếng đồng hồ nhưng đã không gây ra tổn thất nhân mạng nào về phía VNCH cũng như không có một cơ sở nào bị hư hại.
  • Lúc 12.30 giờ, chấm dứt đợt tác xạ dọn đường, cuộc đổ bộ tấn công lên đảo Hoàng Sa bắt đầu. Mặc dù Kosh không quan sát được những diễn tiến hạ bè và người cùng cách thức đổ bộ lên đảo nhưng chắc là cũng giống hệt như cách thức tấn công lên đảo Cam Tuyền. Lực lượng tấn công được ước tính khoảng 2 đại đội chỉ chạm trán với tràng đạn M16 lẻ tẻ từ lính phòng thủ.
  • Ông Kosh đã lưu ý đến việc không thấy súng đại liên (thông thường cơ hữu của Tiểu đội) và máy truyền tin đơn vị (thường cơ hữu của Trung đội). Điều này cho thấy là TC tin tuyệt đối vào sự chính xác về tình báo của họ và đã thấy trước là sẽ không có thể xảy ra sự kháng cự đáng kể nào từ phía VNCH.
  • Sự kiện phía VNCH chịu tổn thất rất ít về nhân mạng cho thấy là quân đồn trú đã bị áp đảo và họ chỉ kháng cự yếu ớt, ngoài ra mặc dù TC quyết tâm dùng vũ lực để chiếm lấy Hoàng Sa nhưng họ chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để đạt mục tiêu của họ mà thôi.

★★★

Sự thật là như thế, vậy mà sau đám "lều báo" muốn tô vẽ lịch sử theo mục đích cá nhân của họ, bây giờ một ông Ủy viên BCH trung ương Đảng lại "hồn nhiên" kêu gọi nhân dân bằng chính những lời bịp bợm đã bị người trong cuộc lật tẩy. Cứ cho là ông không biết rõ về vấn đề này, tất cả chỉ là do "thằng trợ lý" nó trình lên thì thử hỏi, với vai trò là một lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như vậy, trước một vấn đề "nhạy cảm" như vậy, không lẽ ông chỉ máy móc làm theo "hướng dẫn" của cấp dưới?

Ông Tùng cùng đồng sự có thể "khuất mắt khôn coi" để bỏ qua những thông tin mà chúng tôi cũng như những người tìm hiểu một cách nghiêm túc về sự kiện Hoàng Sa đưa ra, và giữ lấy cho mình sự tôn trọng tinh thần "hi sinh vì dân tộc" của những người lính VNCH. Đó là quyền cá nhân của các ông ấy. Tuy nhiên, xin đừng lấy cái danh nghĩa "nhân dân" hay kể cả "tổng liên đoàn lao động Việt Nam" dù rằng ông đang là người đứng đầu tổ chức này để làm bình phong cho hành động của mình. Nếu các ông cho rằng việc "vinh danh, tri ân" các "anh hùng Hoàng Sa" là đúng đắn thì tại sao các ông không tự làm chương trình riêng cho họ mà phải nhập nhèm núp bóng vong linh các chiến sĩ HQNDVN tại Trường Sa? Như vậy các ông sẽ biết chính xác thế nào là "nguyện vọng của nhân dân" đối với các "vị anh hùng Hoàng Sa" của mình!

Nhân dân và Nhà nước Việt Nam từ lâu rồi chẳng hề nhắc đến tội lỗi và cũng chẳng hề thù hằn các cá nhân từng phục vụ cho ngụy quân ngụy quyền. Ngày 30/04/1975 chẳng hề có cuộc đấu tố hay "tắm máu" nào cả thì đến bây giờ lại càng không. Thế nhưng chính những lời lẽ, hành động như của ông Tùng lại khơi gợi lại vết thương về sự chia rẽ trong lòng dân tộc vốn đã ngủ yên từ lâu rồi. Nó cũng chẳng khác gì quan điểm lạ lùng của ông nhà văn "đổi màu" Nguyên Ngọc: "Chúng ta tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng từng có nhiều con hy sinh trong chiến tranh, là đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đừng làm quá. Còn có hàng triệu bà mẹ khác, có con đi lính cho chính quyền miền Nam và đã ngã xuống. Mình làm quá, các bà mẹ ấy sẽ tủi thân.". Các ông làm vậy là lợi dụng lòng trắc ẩn của nhân dân để xóa nhòa đi ranh giới thiện - ác, chính - tà và tô vẽ lịch sử theo ý nghĩ chủ quan của mình. Các ông trương ra tấm bảng "hòa hợp dân tộc" nhưng chính điều đó lại gây ra sự chia rẽ. Chúng tôi, những người chưa bao giờ nhận được một đồng lương từ ngân sách nhà nước, đã chẳng tiếc công tiếc sức để chống lại sự xuyên tạc lịch sử của đám "lều báo", một biểu hiện của cái mà Đảng CSVN gọi là "diễn biến hòa bình", trong khi đó một ông Ủy viên BCH Trung Ương Đảng lại mơ hồ về lịch sử, chính trị và có những phát ngôn, không biết vô tình hay cố ý, hỗ trợ cho "diễn biến hòa bình" trên mặt trận truyền thông như vậy! Đáng lo lắm thay!

Bài liên quan

Hot 2886871097208135619

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item