Mạn đàm về thiện và ác – Kỳ 3: Tiếp tục về Dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
https://daosichanga.blogspot.com/2014/03/nen-dan-chu-XHCN.html
Bây giờ sẽ đi phân tích về vấn đề dân quyền, như ở trên tôi đã nói, nếu không có Độc lập thì bạn hoàn toàn không có dân chủ. Mơ về một ước mơ viển vông khi nước ngoài đem lại dân chủ cho chúng ta là hoàn toàn không có cơ sở. Ngày hôm nay khi xem lại bản tin thời sự, thấy cám cảnh cho quốc gia Lybia khi hàng nghìn người tụ tập ở thủ đô Tripoli đòi NTC giải giáp vũ khí và thực thi dân chủ. Đây có phải cái dân chủ mà nhiều bạn hay nói đến không, một lần nữa thực tế lại cho ta thấy không có độc lập dân tộc thì hoàn toàn không có dân chủ. Tuy nhiên bây giờ ta sẽ bước sang một vấn đề mới đó là dân quyền hay cũng là tự do.
1 - Lãnh Tụ Hồ Chí Minh từng nói: “nếu có độc lập mà không có tự do, dân không được hạnh phúc thì cái độc lập đó cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Điều này có đúng không? Hoàn toàn đúng, và không thể chối cãi được! Một số trí thức thường lấy cái Tự Do ra để chỉ trích các chính thể Cộng Sản, các nhóm đối lập cũng đòi phải có tự do, phải có đa đảng, phải tự do báo chí. Vậy một lần nữa câu hỏi được đặt ra là Tự Do là cái gì, ai ở đây có thể tự nhận mình là người hiểu rõ tự do nhất? Bạn cho rằng bạn không có tự do ở các chính thể Cộng Sản chăng, bạn cho rằng bạn có tự do ở chủ nghĩa tư bản? Cái luận điệu nhàm chán này cứ lặp đi lặp lại đến nỗi nhiều lúc khi nghe thấy từ Tự Do phát ra tôi lại cảm thấy rùng mình. Rùng mình vì vốn họ không hiểu cái tự do là gì, thực ra nhiều người nói không sai ở Chủ nghĩa tư bản tự do, bạn có tự do một cái tự do vô cùng lớn lao đó là: Tự do bán sức lao động của mình – cái tự do nằm ngay trong một cái không tự do – đó là không tự do trong sự sở hữu cá nhân về Tư Liệu Sản Xuất. Vậy bạn bảo tự do chăng, tại sao lại là một cái tự do nằm trong một cái không tự do vậy, khi bạn phát biểu về tự do của CNTB chẳng nhẽ chính bạn không cảm thấy mâu thuẫn sao. Mâu thuẫn này nằm ở đâu, nó nằm ở chính cái hạn hẹp trong nhận thức của chính chúng ta. Chúng ta nói về Tự Do như thể chính chúng ta đã hiểu về Tự do vậy, nhưng không, bạn hoàn toàn không hiểu tự do là cái gì, bạn phát biểu về tự do mà không hiểu chính mình đang mâu thuẫn với mình. Nếu đặt trong vấn đề dân quyền thì hãy xem bạn có dân quyền không. Có. Trong CNTB chúng ta có dân quyền, dân quyền rất rõ, đó là những quyền cơ bản của của mỗi con người là quyền được tự do bán sức lao động, quyền không được quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền được tự do chỉ trích người khác, quyền được tự do gây chiến tranh, quyền được xâm chiếm thuộc địa, được đem quân đội vào đàn áp một quốc gia có chủ quyền với cái quyền được nói: Chúng tôi ném bom để bảo vệ dân thường và dân chủ ở quốc gia đó. Đây là cái dân chủ - dân quyền và tự do mà các bạn muốn nói tới chăng, hỡi những người kêu gọi dân chủ, tự do và đa đảng chăng?Kỳ 1: Sự thật đằng sau cuộc chiến Libya
Kỳ 2: Dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Kỳ 3: Tiếp tục về Dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
2 - Trong các bài giảng về chủ nghĩa Tam Dân của mình, Tôn Dật Tiên tiên sinh đã từng nói: nói Tự Do với người Trung Quốc là điều vô nghĩa, vì người Trung Quốc vốn không hiểu Tự Do, tại sao người Trung Quốc không hiểu Tự Do, bởi lẽ Tự Do không phải là một thứ xa xỉ với người Trung Quốc mà ngược lại, nó là một thứ quá phổ biến giống như không khí vậy. Ai cũng biết Tự Do là cần thiết, không khí cũng là cần thiết, nhưng không mấy ai thấy được tầm quan trọng của không khí, vì sao, vì căn bản chính là không khí quá phổ biến, quá dư thừa.Kỳ 2: Dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Kỳ 3: Tiếp tục về Dân chủ và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Lịch sử mấy ngàn năm phong kiến của Trung Quốc cũng như Việt Nam thì sự tự do là tương đối tốt, ta có thể thấy sự thay đổi triều đại phong kiến diễn ra nhiều, đây là thứ mà châu Âu rất khó có. Hơn nữa thứ duy nhất mà vua chúa phong kiến phương Đông bảo vệ chỉ là vị trí ngai vàng của họ, còn những thứ khác họ vốn không quan tâm nhiều. Người dân trong thời kỳ phong kiến chỉ có 3 nhiệm vụ cơ bản: một là đóng thuế, 2 là bảo vệ cho một dòng tộc và 3 là lễ bái. Có lẽ xuất phát từ chính quan điểm của Khổng Tử: “dân vi quí mà quân vi khinh” vậy nên trong chính thời phong kiến chúng ta đã có tự do hơn rất nhiều so với châu Âu. Ngay cả trong các vấn đề tôn giáo, chủ trương của các quốc gia phương Đông thường là tam giáo đồng nguyên, phát triển nền văn hóa đa nguyên. Với vấn đề giai cấp và phân tầng xã hội thì sao, chỉ cần là kẻ sĩ thì sẽ có địa vị trong xã hội, kẻ sĩ là ai – là người học sách là học sinh. Học sinh lại là ai, ngay trong các quốc gia phương Đông học sinh không phân giàu nghèo, sang hèn, bạn có thể thấy người đi học rất là tự do, chỉ cần muốn họ đều có thể học. Có thể đến đây các bạn rân chủ sẽ gào lên thời phong kiến có chia học sinh quý tộc và bình dân, nhưng hình như các bạn không hiểu ý tôi, cái tôi nói đến là tự do học hành, chỉ cần muốn thì ai cũng được học. Lịch sử đã cho thấy không ít những con người nghèo hèn trong xã hội có thể thay đổi vị trí của mình trong xã hội bằng con đường học hành, nếu nói Việt Nam có lẽ nổi tiếng nhất chính là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
So sánh với chính châu Âu thì sao? Người dân châu Âu lại chìm trong sự kìm kẹp nghìn năm. Nhìn lại lịch sử của châu Âu thì ta thấy nếu như phương Đông là phong kiến tập quyền, là chỉ bảo vệ quyền lợi cho một dòng tộc thì châu Âu khác, nó là phong kiến chuyên chế, là sự chuyên chế đỉnh cao, nó không chỉ bảo vệ cho một dòng tộc mà là nhiều dòng tộc. Mỗi một lãnh chúa cai quản vùng đất của mình thì có đủ mọi quyền với người dân của họ, nếu bạn còn nhớ một bộ phim về người anh hùng Wallace của Scotland đã từng đứng lên chống lại Henry Chân Dài, vua nước Anh thì bạn có thể thấy những quyền lực lãnh chúa phong kiến lớn thế nào. Thậm chí ngay cả trong đêm tân hôn, người vợ không được quyền hiến trinh tiết cho người chồng của mình, người mình yêu quý mà phải hiến trinh tiết cho lãnh chúa phong kiến. Còn về tôn giáo thì sao, lịch sử đã cho thấy những tòa án xét xử dị giáo với những hình phạt dã man và tàn khốc nhất trong chính lịch sử nhân loại. Đối với châu Âu tôn giáo từ lâu đã bị biến chất, nó không còn là tôn giáo của thưở sơ khai, mà nó là gì là thần quyền kết hợp với quân quyền để đàn áp bất cứ thứ gì chống lại chính nó, dù cho là dị giáo, là phù thủy hay cả những nhà bác học vĩ đại như Copecnick, Galileo. Về đẳng cấp trong xã hội thì tầng lớp cao nhất là lãnh chúa và quý tộc, kế đến là tăng lữ và tiếp theo là hiệp sĩ. Vì sao lại là tăng lữ và hiệp sĩ đứng thứ 2 trong tầng lớp bởi họ chính là thần quyền và quân quyền bảo về chế độ, họ không phải là trí sĩ. Hãy nhìn lịch sử châu Âu, nếu anh thuộc một dòng họ làm nghề nào đó thì anh mãi mãi sẽ chỉ là người làm nghề đó, cả đời anh không được đổi nghề và con cháu anh cũng vậy. Đã là con thợ rèn thì sẽ chỉ được làm thợ rèn, như vậy ta thấy rằng sự chuyên chế của châu Âu là quá lớn, với họ tự do là không có nên họ biết quý tự do.
3 - Nhưng với chúng ta, Tự do lại là cái quá bình dân. Bằng lập luận sắc bén của chính mình, Tôn Dật Tiên tiên sinh đã chỉ ra cho ta thấy một sự thật rằng người Trung Quốc vốn không có khái niệm Tự Do thật sự, kêu gọi Tự do ở Trung Quốc là điều vô nghĩa, không ai cấm kêu gọi tự do cả, nhưng nó là không có ý nghĩa ở Trung Quốc. Bởi vậy ông cũng chỉ ra vậy tự do là gì. Người nước ngoài nói người Trung Quốc là một nắm cát rời rạc, nhưng lại nói người Trung Quốc không có tự do, họ mâu thuẫn chăng. Đã là nắm cát rời rạc thì không phải không có tự do mà thực sự đó phải là rất có tự do. Cái Trung Quốc cần là gì, đó là một sự tự do thực sự chứ không phải một cái tự do giả tạo. Tự do đó là gì, nó phải là một khối bê tông rắn chắc và kết dính chứ không phải những nắm cát rời rạc. Cái tự do đó phải trên cơ sở là lấy tự do tập thể làm nguyên tắc, là một sự tự do trong một khuôn khổ, là cái tự do mà tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người khác. Đó mới là cái tự do đích thực. Hãy nhìn vào một lập luận rất biện chứng và logic, khi bạn có tự do, bạn dùng tự do của bạn xâm phạm tự do của người khác, làm họ mất tự do thì họ cũng sẽ lại xâm phạm tự do của chính bạn. Vậy kết quả là cả 2 đều mất tự do, một suy luận nhân quả thôi, từ đó bạn có thể thấy rõ ràng tự do là gì, đó là bạn tự do trong một khối đại đoàn kết chung, chứ không phải là tự do do chính sự phân tán. Một sự tự do cá nhân nằm trong chính tự do của tập thể, chỉ cần bạn tôn trọng tự do tập thể thì bạn chắc chắn có tự do cá nhân. Hiện nay ở Âu Mỹ, kêu gọi quyền tự do cá nhân rất cao, nhiều bạn thấy thế cho rằng đó là có tự do, nhưng đó không phải là tự do bởi chính tự do cá nhân của người này sẽ vi phạm tự do cá nhân của người khác. Thực ra một tư duy rất biện chứng thì bạn tự do nhất chính là khi bạn không vi phạm tự do của người khác, chứ không phải tự do là làm việc gì cũng được. Vì bạn nên nhớ nếu so sánh con người với con thú thì con người có tự do hơn hay con thú có tự do hơn. Theo cách hiểu tự do bây giờ thì con thú có tự do hơn vì sao: vì nó có tự sinh tồn, tự do tiêu diệt lẫn nhau, tự do theo kiểu là kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, tiêu diệt kẻ yếu, còn con người thì sao, chúng ta bị chế định bởi đạo đức, bởi đạo lý và bởi pháp luật. Nhưng đời sống của con người và con thú thì thế nào, không cần nói ai cũng hiểu, cũng thế thôi, tự do nói xét cho cùng tự do của mỗi cá nhân chính là tự do chung của tập thể, của cộng đồng vì ta đang sống trong một cộng đồng, không phải là sống một mình trên đảo hoang như Robinson Cruso.
Hơn nữa khi nói đến tự do, đến dân quyền thì ta phải chú ý đến 1 vấn đề nữa rất đồng hành và biện chứng với Tự Do, đó chính là bình đẳng. Bình đẳng và tự do không hề tách biệt nhau, nó đứng và quan hệ một cách biện chứng với nhau, tai sao phải có bình đẳng vì bình đẳng là mặt lượng của vấn đề, tự do là mặt chất của vấn đề, đo mức độ bình đẳng của con người trong một xã hội là một trong những đại lượng chính quyết định xem xã hội đó bình đẳng đến mức nào. Nhưng như thế nào là một xã hội bình đẳng, ai có thể nói cho tôi được không, bình đẳng mà hiện nay nhiều người vẫn hiểu là gì không. Bình đẳng có lẽ cho đến giờ chúng ta nói khí chính chúng ta cũng chẳng hiểu bình đẳng là gì cả.
4 - Thực ra về bình đẳng đã có nhiều người cho rằng đó là quyền tự do tham gia ứng cử, quyền bỏ phiếu bình đẳng, quyền có thể tự do lựa chọn cho mình người mà mình bầu. Thực ra những cái bạn nói vẫn chỉ là hình thức, tôi có thể chỉ ra cái hình thức đó là gì. Nếu như ở bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây khi lựa chọn tổng thống thì chúng ta đều thấy các ứng cử viên tổng thống đó đi đến các nơi để phát biểu, để kêu gọi bỏ phiếu cho họ với những lời hứa hẹn. Nhưng bạn xem nhé với câu chuyện truyền thông thôi, ai có nhiều tiền hơn, ai nắm được truyền thông thì người đó sẽ có lợi rất lớn. Ví dụ 2 ứng cử viên A và B, A giỏi hơn B rất nhiều nhưng muốn biết giỏi hơn ra sao, thì phải thông qua năng lực làm việc. Nhưng B nhờ có truyền thông, đi khắp nơi có thể lên truyền hình phát biểu thì như vậy đa phần mọi người sẽ bỏ phiếu cho B chứ không phải cho A. Nếu ở đây bạn nào học marketing thì cũng đều hiểu có 1 điều thôi rất rõ ràng và minh bạch đó là: hiệu ứng quảng cáo. Tại sao ta phải quảng cáo sản phẩm, vì như Hitler đã từng nói, lời nói thật chẳng qua là những lời nói dối được lặp đi lặp lại. Việc nắm được truyền thông thông qua tiền để quảng bá hình ảnh của mình hóa ra lại là một cái rất không bình đẳng. Dù cho bạn có muốn công tâm đi bỏ phiểu chăng nữa thì chính cái truyền thông, cái ti vi, cái loa đài đó lại là cái mà nó làm cho ta nhận thức vấn đề sai lầm. Cũng giống như việc các anh em hay chê các chị em trong việc cứ bị quảng cáo quyến rũ đi mua sắm mà thôi. Vậy ngay trong cái nhìn như bình đẳng, công bằng thì lại rất không công bằng, không bình đẳng rồi. Nếu như một số bạn cứ bảo rằng bầu cử bên Việt Nam không công bằng vì sắp xếp quân xanh quân đỏ thì chẳng nhẽ các bạn cũng không nhận thấy rằng các cuộc bầu cử khác cũng đâu có công bằng vì nó sắp xếp quân xanh quân đỏ sao. Cũng thế hiện nay rất nhiều người bảo xã hội phương Tây là dân chủ, bình đẳng thế bình đẳng thế nào khi người này dùng tư bản để nô dịch lao động của người khác, lấy tư bản để nô dịch lao động của người khác điều đó hoàn toàn là không bình đẳng.
Tôn Trung Sơn tiên sinh trong các bài giảng về chủ nghĩa Tam Dân đã nêu ra sơ đồ bình đẳng trong xã hội rất hay: ông bảo rằng xã hội vốn đã tồn tại cái không bình đẳng, đó chính là vị thế của từng con người trong xã hội khác nhau, vậy bình đẳng là gì? Tôn Trung Sơn chỉ ra những quan điểm sai lầm khi cho rằng ta sẽ đưa họ về cùng 1 vị thế hưởng thụ vì cái này tạo nên cái gọi là chủ nghĩa bình quân và cào bằng. Có thể xét thấy rằng chủ nghĩa bình quân và cào bằng tồn tại khá rõ nét ở một số nước CNXH năm xưa vì sao, họ hiểu nhầm câu làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu của Marx.
Thay vào đó Tôn Trung Sơn đã chỉ ra sự không thể cào bằng trong hưởng thụ được. Điều này là đúng, ví dụ như người có trí tuệ thì dù gì vị thế vẫn khác người không có trí tuệ. Ngay như xét trong 1 đơn vị sản xuất thì người nào có năng lực lớn hơn và cùng lao động với cường độ và thời gian như nhau thì sẽ được hưởng thành quả lớn hơn. Như vậy bản thân nó đã tồn tại 1 cái không bình đẳng rồi, nhưng Tôn Trung Sơn kế thừa rất kỹ tư tưởng của Marx ở điểm này. Ông đã đi sâu vào phân tích và cho ta thấy một điều rằng cái có thể làm bình đẳng chính là cho họ một xuất phát điểm bình đẳng, theo ông một xã hội bình đẳng nằm ở chính việc cho họ một xuất phát điểm cực kỳ bình đẳng chứ không phải một kết thúc điểm bình đẳng. Xuất phát điểm bình đẳng ở đây là sao: đó chính là họ được bình đẳng tiếp xúc với TLSX, họ được quyền lao động trong những môi trường lao động và bình đẳng như nhau, người này không có quyền hay khả năng đi nô dịch lao động của người khác, đó mới chính là bình đẳng, cái bình đẳng càng tương đối bao nhiêu thì sự thật nó lại càng tiệm cận gần với tuyệt đối bấy nhiêu. Cái mà Tôn Trung Sơn đề cập đến bình đẳng nó nằm ở chính là việc người càng có trí thức thì kết thúc điểm càng cao hơn nhiều so với người ít có trí thức. Điều này là tương đối đúng và nó đúng với chúng ta trong chính giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sao trong CNXH thì đó là làm theo năng lực, nhưng hưởng theo tỷ lệ đóng góp lao động. Tuy nhiên nếu bạn theo dõi kỹ các bài giảng của Tôn Trung Sơn thì bạn có thể thấy việc Tôn Trung Sơn nói đến chủ nghĩa cộng sản như chính là một thế giới đại đồng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là thế giới đại đồng nó là cái gì: thực ra nó là thế nào, cái bình đẳng mang tính tuyệt đối, cái bình đẳng của thế giới đại đồng là sao? Thực ra Marx đã chỉ ra rất rõ, kể cả không có giai cấp đi chăng nữa thì sự chênh lệch trong chủ nghĩa xã hội cũng là vẫn có, đó là vì sao, vì nó chính là sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động tri thức. Sự đối lập này ngay từ đầu nó đã mang tính chất tạo nên cái gọi là phân tầng xã hội. Thông thường người có tri thức sẽ được một địa vị xã hội cao hơn rất nhiều so với người không có tri thức. Và Marx bảo chỉ khi nào cái sự đối lập này không còn nữa thì sự phân biệt giữa các phân tầng xã hội mới có thể giảm bớt đi nhiều, lúc đó chúng ta mới bắt đầu tạm thời đi đến của cái giai đoạn đầu của làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Chứ không phải lúc nào cũng có thể đi vào cái gọi là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, mà nhu cầu ở đây là sao, nó là nhu cầu dựa trên cơ sở của nền sản xuất lúc đó, vì ta đều biết Marx từng nói sản xuất quyết định tiêu dùng chứ không phải tiêu dùng quyết định sản xuất. Vậy làm sao lại có thể gán cho ông một cái nhu cầu là vô tận được, điều này là sai so ý của Marx, chính cách hiểu sai lầm này lại đã tạo nên một thứ chủ nghĩa bình quân cũng như những lời phản biện vô cùng ngớ ngẩn vào Marx. Suốt 4 năm học về CN Marx tôi luôn cảm thấy tâm đắc nhất 1 câu: “Không sợ Marx sai, chỉ sợ ta hiểu sai Marx” và đến giờ nó vẫn đúng là như vậy. Cái xã hội bình đẳng tuyệt đối mà Marx nói đến nó dựa trên cái xã hội bình đẳng tương đối cộng thêm với việc không còn mâu thuẫn giữa lao động trí óc và lao động chân tay nữa. Nhưng để hiểu đến cái này thì còn rất xa rất xa, thực tiễn và hiệu quả nhất chính là cái mà ta đang hướng đến, làm theo năng lực, hưởng theo tỷ lệ lao động hay là mô hình bình đẳng mà Tôn Trung Sơn đã nói ra.
5 - Bây giờ đến vấn đề cuối cùng đó là vấn đề dân sinh và hạnh phúc. Các bạn nói đến dân chủ, nhưng các bạn có hiểu dân chủ nó phải gắn liền với dân sinh không vậy, nhiều bạn cứ hô hào nào là dân chủ là được quyền biểu tình, là dân chủ phải được quyền này quyền nọ rồi các bạn lên án nước này không dân chủ, nước khác dân chủ. Việc có biểu tình hay không không thể quyết định nền dân chủ một quốc gia. Bạn hãy thử xem nếu người dân được biểu tình, được la hét, nhưng cuộc sống không thay đổi thì đó có phải là dân chủ không, hay nó chỉ là cái hình thức. Nếu bạn đồng ý với dân chủ theo kiểu biểu tình thì xin lỗi bạn đã rơi vào cái bẫy của Bismarch. Năm xưa chính Karl Marx đã từng phân tích rất rõ: Bismarch là ai? là thủ tướng của Đức Phổ. Khi mà phong trào cách mạng Đức lên cao thì sao? ông ta sẵn sàng không đàn áp, cho biểu tình, biểu tình một cách thoải mái, biểu tình chán chê thì sao, ngày 1 rồi ngày 2 khí thế còn lên, đến ngày thứ 3 rồi ngày thứ 4 cuối cùng mọi thứ lại trở về đâu đó, nó không thay đổi và không hề thay đổi, đời sống của nhân dân có nâng cao lên không? không hề nâng cao. Bây giờ hãy nhìn vào chính xã hội của các nước tư bản xem, biểu tình có không, có rất nhiều; vì sao? vì họ thất nghiệp, vì họ mất đất đai, vì họ mất tư liệu sản xuất. Nhưng cái nhận được sau mỗi cuộc biểu tình là gì, không là gì cả, hay nói đúng hơn là họ nhận được cái lời hứa suông từ chính các chính trị gia mà thôi. Việc cải tổ dân sinh, đem lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân mới chính là mấu chốt của dân chủ.
Bây giờ hãy nhìn một cách thật khách quan, từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hàng loạt các nước Đông Âu đi theo TBCN, nhưng họ có thay đổi được gì, đời sống họ tăng lên bao nhiêu, hay như Philippine thì sao? Năm 1978 thu nhập bình quân đầu người của họ gấp 5 lần Trung Quốc và 10 lần của ta, bây giờ thì sao, thu nhập bình quân đầu người của họ bằng 1/4 Trung Quốc và chỉ ngang với ta. Cái dân chủ mà các bạn cứ hô hào theo CNTB nó nằm ở đây chăng? Nên nhớ CNTB có những nước rất giàu, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi họ làm giàu dựa trên cái gì, bạn không thể trả lời được vì căn bản bạn đâu có hiểu sự giàu có không phải xây dựng dựa trên 1 sự dân chủ biểu tình của các bạn, nó dựa trên 1 nền sản xuất lớn. Các nước TBCN phương Tây cũng vậy họ dựa trên 1 nền sản xuất lớn, 1 nền sản xuât toàn cầu mà ở đó họ vừa là người tham gia, vừa là người bóc lột, bóc lột từ chính các nền sản xuất của thuộc địa, đó là một điều chắc chắn. Sự bóc lột này vừa trực tiếp mà lại vừa gián tiếp, nhưng xét cho đến cùng nó vẫn chỉ là sự bóc lột của giá trị thặng dư mà thôi. Ở đây tôi không có điều kiện để giải thích bóc lột giá trị thặng dư làm gì, vì câu trả lời nằm hết trong Tư Bản luận rồi, nếu bạn muốn tìm hiểu sao không tự tìm hiểu thay vì bắt người khác phải gõ lại câu trả lời như vậy. Nếu không thì bạn đang vi phạm chính tự do của tôi đó, hỡi những người thích tự do kiểu phương Tây. Vậy nên có 1 điều rất hay khi nói đến vấn đề dân sinh: Tôn Trung Sơn tiên sinh từng nói đó là ở Trung Quốc làm gì có Tư Bản mà chống? Nói chống tư bản ở Trung Quốc là không có vì sao? Vì Trung Quốc là thuộc địa, toàn bộ Trung Quốc là vô sản. Vậy tiên sinh đề xuất cái gì? Ông đề xuất phát triển 1 nền sản xuất lớn, cho 1 phần các nhà tư bản Trung Quốc phát triển, nhưng lại ngăn cấm trở thành những nhà Tư bản lớn như kiểu Anh và Mỹ. Vì sao? Vì Trung Quốc cần đi lên thẳng CNXH, cần phải bỏ qua sự thống trị của chính CNTB mà trước tiên nó là sự thống trị trên bình diện chính trị. Việc thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, việc cho phép các nhà tư bản có thể phát triển là đúng với quy luật vận động của xã hội, nhưng phải ngăn nó tiến lên trở thành một nhà nước tư bản độc quyền vì xét cho đến cùng cái nhà nước tư bản độc quyền đó lại chính là cản trở cho sự phát triển của xã hội. Cái Trung Quốc cần hướng tới nó nằm ở chính cái gọi là Chủ nghĩa cộng sản, mà tiền đề của chủ nghĩa cộng sản là gì, là dân sinh, dân sinh là yếu tố quyết định.
6 - Các bạn hô hào dân chủ, nhưng các bạn không hề làm cho dân sinh được cải thiện, các bạn chỉ đòi hỏi những cái rất ngớ ngẩn, đó là biểu tình, đó là đa đảng. Thế thì các bạn sai rồi, sai trong chính cái tư duy ngớ ngẩn của các bạn. Thực tế đã cho thấy đa đảng chưa chắc đã đi nhanh hơn độc đảng, mà trái lại 1 nền chính trị chuyên chính lại có thể đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu hơn nhiều. Hãy nhìn thật kỹ mà xem nước Nhật dưới thời Minh Trị của thế kỷ 19 chỉ mất có 30 năm để đuổi kịp các nước như Anh và Mỹ, nước Đức Phổ của Bismarch cũng chỉ mất 40 năm. Thậm chí ngay trong thế chiến 2, Lenin chỉ cần 20 năm công nghiệp hóa để đi bằng 200 năm công nghiệp hóa của Anh, Hitler cần vỏn vẹn có 6 năm để đưa Đức thành cường quốc. Hiện nay thì sao, nước Nhật sau thế chiến 2 cũng chỉ cần có 30 năm khôi phục, nhưng khi Nhật thực hiện đa đảng và dân chủ của các bạn thì sao, từ năm 1990 đến giờ Nhật chìm trong 2 thập niên mất mát mà chính người Nhật cũng phải công nhận. Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan cũng vậy, chỉ 1 chính quyền để làm NICS, bởi lẽ một nền chính trị chuyên chính thực sự chỉ cần đi đúng hướng phát triển mà thôi. Cái đa đảng và độc đảng quan trọng là ở chính cái định hướng phát triển, và đối với 1 nền chính trị chuyên chính, chỉ cần đúng hướng, thì thành tựu của họ hơn rất nhiều so với cái gọi là thành tựu của đa đảng vì sao, vì đa đảng hiện nay là gì, là mỗi đảng đại diện lợi ích 1 giai cấp nào đó, 1 bộ phận nào đó trong xã hội, vậy nên họ lên chỉ tính các chính sách có lợi cho giai cấp đó, cho bộ phận đó, sự thay đổi chính sách liên miên chính lại là cái mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa tự do phát triển và không thể phát triển vì bạn có quá nhiều đường để đi. Một ví dụ rất hay: liệu bạn đi lên đỉnh núi bằng 1 con đường nhanh hơn hay là bạn đi lên núi bằng nhiều con đường, lúc đi đường này, lúc đi đường khác. Vậy nên Tôn Trung Sơn đề nghị thành lập gì, thành lập hiệp thương chính trị, cái hiệp thương chính trị là sao, nó là một nền chính trị đa nguyên, mà các đảng phái sẽ đại diện cho từng giai cấp để thể hiện sự đóng góp của giai cấp đó đối với quốc gia, họ đặt lợi ích của cái chung lên trên chứ không phải là việc tranh nhau những chiếc ghế trong quốc hội. Thống nhất chỉ cần một lãnh đạo, nhưng lãnh đạo đó là sự đóng góp chung của tất cả các đảng phái mà đại diện là chính đảng của đa số nhân dân lao động. Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn ra đời là vì thế, và ông đề nghị rằng không nên coi Đảng Cộng Sản là kẻ thù mà phải là chiến hữu, là đồng chí vì mục đích của chúng ta là chủ nghĩa cộng sản. Họ đặt lợi ích cái chung lên trên lợi ích cá biệt, vậy nên hiện nay dù Trung Quốc là Đảng Cộng Sản lãnh đạo nhưng chưa bao giờ họ đi ngược lại với hiệp thương chính trị cả và các đảng phái đều ủng hộ sự lãnh đạo này của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về hình thức khác nhau nhưng bản chất nó lại cũng chính là chuyên chính vô sản mà Lenin đề cập tới. Các bạn đừng hiểu chuyên chính vô sản là cái độc quyền và thế tập nhé, mà nó thể hiện sự dẫn dắt chuyên nhất và đại diện cho nhân dân lao động của toàn quốc gia đó. Còn thành quả của Trung Quốc thì sao, khỏi cần nói các bạn cũng biết, cái gọi là nền chính trị đa nguyên nhưng không đa đảng nó nằm ở chính chỗ này.
7 - Đa đảng có là dân chủ không? Không. Vì nó làm gì cải thiện được đời sống dân sinh, chỉ khi nào nó cải thiện được dân sinh thì may ra nó mới bước được 1/3 bước chân vào cái gọi là dân chủ. Tôi biết nhiều bạn đang đứng ra chê bai các nước như Bắc Triều Tiên, như Cuba vì sự lãnh đạo độc đảng. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao họ nghèo, có phải do độc đảng không, hay là vì họ bị cấm vận? Nên nhớ tổng thể xã hội là trao đổi và vận động, có trao đổi thì vận động mới nhanh, nếu Mỹ cho rằng CNCS là yếu, là sai lầm, là tất sẽ bị diệt vong tại sao Mỹ không mở cấm vận cho Bắc Triều Tiên, cho Cuba đi, rồi tức khắc CNCS ở 2 nước đó sẽ tự diệt vong mà, sao không cho họ tự do trao đổi và buôn bán?
Adam Smith đã từng chứng minh chuyên môn hóa và trao đổi sản phẩm lao động xã hội là động lực của phát triển. Vậy tại sao các bạn đã học kinh tế phương Tây không chịu mở cái đầu ra mà suy xét? Giờ là thời đại nào rồi, là chuyên môn hóa, là toàn cầu hóa, nếu cho Bắc Triều Tiên và Cu Ba mở cửa để thông thương xem, liệu họ sẽ thay đổi ra sao? Có 1 điểm mà chúng ta phải nhận thức rõ là 20 năm mở cửa và phát triển của Việt Nam nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng và lực lượng sản xuất của chúng ta vẫn còn thua xa 2 nước đó rất nhiều. Nếu họ thực sự được mở cửa và bỏ cấm vận tôi không dám nói là chúng ta sẽ bị họ bỏ xa bao nhiêu! Sự phát triển thật sự của một quốc gia không phải là do cái dân chủ giả tạo mà các bạn hô hào, nó nằm ở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Dù nói thì cũng nên phải có cái đầu mà suy nghĩ chứ, một sự mâu thuẫn quá lớn mà chính các bạn cũng không nhận ra sao. Mỹ không mở cửa cho Bắc Triều Tiên và Cu Ba không phải vì CNCS quá yếu như Mỹ tuyên truyền, trái lại nó quá mạnh, 1 Trung Quốc và 1 nước Nga đang lên là quá đủ với Mỹ rồi, Mỹ không muốn có thêm 1 Trung Quốc hay 1 Nga nữa đâu. Họ sợ đe dọa tới chính lợi ích cá nhân của họ thôi, chung quy lại CNTB vẫn là CNTB như Marx nói, nó luôn phải hoạt động theo kiểu cá lớn nuốt cá bé vì nó sợ ảnh hưởng đên lợi nhuận của nó, và việc duy trì 1 chủ nghĩa tư bản độc quyền là mục tiêu của họ vì như thế họ mới có thể bóc lột được.
8 - Cuối cùng các bạn hô hào tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, và bảo Việt Nam không có tự do tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng. Tôi tự hỏi các bạn cái đầu không vậy, bộ não các bạn để ở đâu rồi? Việt Nam có tự do tôn giáo, có tự do tín ngưỡng, nhưng Việt Nam không cho phép những thứ xâm phạm lợi ích quốc gia phát triển. Đó là gì? Là sự lợi dụng tôn giáo để mưu cầu lợi ích riêng, để làm cho xã hội thành mê tín dị đoan, cản trở con đường phát triển của chúng ta. Tôn giáo giờ gần như đã không còn tồn tại, nó chỉ là còn là cái hình thức để cho họ lợi dụng mà thôi, nó trở thành thuốc phiện của nhân dân. Bản chất tôn giáo là gì? Chúa là ai, thánh Ala là ai? Họ không phải là ai xa lạ, họ là chính những người đức hạnh và thông thái. Chúa, thánh Ala mong cho con người làm giống như họ, đó là sống có đức hạnh, sống vì hạnh phúc của nhân loại, chứ không phải lợi dụng hình tượng của họ để mưu cầu lợi ích riêng. Đọc Kinh Tân Ước và Kinh Cực Ước, ta thấy sao? Chúa xây dựng nên toàn bộ vũ trụ này trong 7 ngày, vậy thì cả vũ trụ này vốn là của ngài, có ai cướp của ngài đâu? Ngài cần gì phải lấy cái vốn thuộc về của ngài, con người là con của chúa là sống trong ngôi nhà của chúa, vậy vũ trụ bao la này đều là của chúa, liệu Đức chúa trời có cần cái mảnh đất bé tí tẹo của giáo xứ Thái Hà không? Đến cả quả địa cầu chúa còn chẳng cần nữa là, vì sao, vì nó vốn của ngài, có ai cướp của ngài đâu. Chúa có cần các cuộc thập tự chinh với Hồi giáo của Thánh Ala không, không, vì ngài cũng chính là Ala, hình thức thể hiện khác nhau nhưng đều là một là đấng toàn năng sáng tạo vũ trụ này. Vậy nếu chúa xuống hạ giới thì chúa sẽ trừng phạt những ai, đầy ai xuống địa ngục, đó chính là những kẻ đang lợi dụng chính hình tượng của ngài là những cha đạo của giáo xứ Thái Hà để mưu lợi riêng. Họ lợi dụng cái đó để mưu lợi, họ đi ngược với chính lời dạy của Chúa về một con người Đức hạnh, họ làm cho những người tin theo Chúa mất lòng tin vào ngài, tội lỗi đó là không thể nói được. Một mâu thuẫn quá lớn như vậy mà các bạn không nhận ra sao?
Các bạn thử nghĩ mà xem từ cổ chí kim đến nay, các bậc vĩ nhân chẳng vị nào không dạy ta đức hạnh và trí tuệ cả, vậy nên cả đời học chẳng mong cầu 1 thứ gì cho mình mà chỉ chuyên tâm vào một công tác, đó là công tác giáo dục mà thôi. Đức Phật 49 năm thuyết pháp cũng là giáo dục, Khổng Tử bao nhiêu năm bôn ba cũng là giáo dục, Chúa Giê Su cũng là giáo dục, Lão Tử cũng là giáo dục, gần đây thì có Karl Marx, Engels, Lenin, thậm chí cả Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh cũng là giáo dục. Vậy nên họ đều để lại một hệ thống bài giảng và kinh điển đồ sộ đó, bởi họ đều ngộ ra chân lý nhân sinh của vũ trụ, và họ hạnh phúc vì thế. Họ có một trái tim quảng đại và họ muốn chia sẻ hạnh phúc này với toàn nhân loại nên họ đi vào công tác giáo dục, họ nhận ra rằng không gì có thể thay đổi được con người hiệu quả bằng chính giáo dục cả. Vậy dân chủ là gì? Nó chính là chủ nghĩa cộng sản, chỉ trong CNCS thì ước mong về một thế giới đại đồng của Khổng Tử mới thành hiện thực, nó không còn là khả năng và ảo tưởng nữa. Vậy muốn dân chủ thì sao, thì phải đi vào công tác giáo dục là chính yếu, vậy nên tôi không ngừng nói phải học, phải thấm nhuần giác ngộ lý luận cách mạng cũng không nằm ngoài quan điểm này.
Bài viết của tôi hôm nay đến đây là kết thúc và nó cũng kết thúc 3 kỳ về dân chủ và dân chủ XHCN này.
Sau bài viết này tôi quyết định dừng lại và sẽ không viết thêm bài nào nữa, thay vào đó sẽ chuyên tâm làm công tác giáo dục. Điều rất mừng là bây giờ có anh Trần Thế Công và Nguyễn Bình Minh đã lập ra nhóm Gia Sư Khai Sáng để hi vọng có thể thực hiện giáo dục cho thế hệ trẻ, tôi cũng là một thành viên tham gia của kế hoạch này, vậy nên tôi nghĩ nếu các bạn ai có khả năng của mình có thể làm được thì hẵy nên tham gia, đó là một đóng góp cho chính xã hội đó, cho xây dựng tương lai của chúng ta và hướng tới chủ nghĩa cộng sản hay thế giới đại đồng đó.
Xin kết thúc ở đây, xin cám ơn vì đã đọc và theo dõi các bài viết của tôi trong thời gian vừa qua. Chúc các bạn có một nắm mới vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc.
Hà Nội, ngày 1 tháng 1 năm 2012
© Lê Quang Trung