Giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản

Muốn giải mã huyền thoại nông dân bị thương lái ép giá nông sản thì điều trước hết phải được làm rõ là cách thức mà nông dân sản xuất ra nông sản. Phổ biến nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay là các hộ nông dân cá thể sản xuất hàng hóa dựa trên mảnh ruộng được chia và sức lao động của gia đình họ.



Giả sử một hộ nông dân có vốn ban đầu là 100 đồng và sức lao động bỏ ra là 50 đồng, do vậy giá trị hàng hóa mà hộ này sản xuất ra là 150 đồng. Người ta sẽ đặt ra câu hỏi nếu thu nhập thực chỉ có 50 đồng ngang với sức lao động bỏ ra thì nông dân sẽ giàu lên bằng cách nào? Câu trả lời là nhờ vào năng suất lao động. Giả sử với chi phí sản xuất đã nêu một hộ nông dân trung bình sản xuất được 50kg thóc, tức là giá thóc là 3 đồng/kg, khi đó hộ nông dân nào khéo léo và tiết kiệm hơn thu được sản lượng gấp đôi là 100 kg, với giá thóc 3 đồng/kg họ sẽ thu được 300 đồng, trừ đi chi phí sẽ lãi 200 đồng. Đó là quá trình diễn ra trong nền kinh tế tự nhiên hoặc nền sản xuất hàng hóa nhỏ.

Khi chuyển dịch sang nền sản xuất hàng hóa lớn, tức là sản lượng của hộ nông dân đã tăng lên rất cao, hộ nông dân không còn có thể tự tiêu thụ nông sản của mình nữa, thương nhân xuất hiện để thực hiện việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để tiêu thụ số nông sản của hộ nông dân thì thương nhân sẽ phải bỏ ra một số vốn nhất định. Khoản vốn này chia làm hai phần, thứ nhất là vốn đầu tư cho cơ sở vật chất như kho bãi và phương tiện vận chuyển, thứ hai là tiền để thu mua nông sản. Trường hợp được dùng để minh họa sẽ là hộ nông dân sản xuất được 100 kg gạo với giá trị 150 đồng.

Giả sử ban đầu vốn đầu tư cho cơ sở vật chất là 0, chỉ có vốn để mua nông sản. Để thương nhân tồn tại thì nông dân phải chia một phần thu nhập cho thương nhân, và phương thức sản xuất tư bản đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận của nông dân phải ngang bằng với tỷ suất lợi nhuận của thương nhân. Từ hai yếu tố đã nêu thì có thể tính được kết quả như sau.

Nông dân: 100c + 22,47v = 122,47 đồng
Thương nhân: 122,47c + 27,53v=150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 22,47%

Nếu như trước kia nông dân bán 100kg thóc với giá 1,5 đồng/kg thì khi thương nhân xuất hiện họ sẽ bán cho thương nhân với giá 1,2247 đồng/kg, sau đó thương nhân sẽ bán ra thị trường với giá 1,5 đồng/kg. Điều này là cần thiết vì thương nhân giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí cho việc bán hàng và không có thương nhân thì nông dân cũng không thể tự mình tiêu thụ nông sản được. Giá nông sản mà nông dân bán được và giá thị trường tách biệt nhau là điều tất yếu của nền sản xuất hàng hóa.

Song vấn đề là khi năng suất lao động của hộ nông dân càng cao, sản lượng nông sản càng lớn thì tình hình đó đòi hỏi thương nhân không chỉ có vốn để mua nông sản mà còn phải có kho bãi và phương tiện vận chuyển, tức là họ phải đầu tư cho cơ sở vật chất. Giả sử thương nhân cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất là 30 đồng thì tình hình sẽ như sau.

Nông dân: 100c + 8,83v=108,83 đồng
Thương nhân: [30+108,83]c + 11,17v = 150 đồng
Tỷ suất lợi nhuận của nông dân và thương nhân đều là 8,83%

Khi xuất hiện phần tư bản cố định cần thiết của thương nhân thì phần thu nhập của nông dân sẽ giảm mạnh, giá bán nông sản của họ do vậy cũng sụt giảm từ 1,2247 đồng/kg xuống 1,0883 đồng/ kg.

Thực tế cho thấy số vốn đầu tư cho cơ sở vật chất phụ thuộc vào sản lượng nông sản của nông dân hơn là giá trị của nông sản đó. 100kg thóc cho dù có giá trị bao nhiêu thì cũng chỉ cần đến một diện tích kho bãi và số lượng phương tiện vận chuyển ít hơn nhiều so với 1000kg thóc có tổng giá trị tương ứng. Mặt khác xu hướng phát triển của nền kinh tế tư bản là tăng tích lũy tư bản khiến cho tư bản cố định của thương nhân sẽ càng ngày càng lớn, trong khi hộ nông dân không thể tăng quy mô vốn vượt quá mức độ sử dụng của hộ gia đình. Tức là giá trị thu nhập mà họ phải nhường cho thương nhân ngày càng lớn, bất kể năng suất lao động của họ tăng ra sao.

Quá trình này biểu hiện ra trên thị trường thành sự sụt giá ngày càng tăng của nông sản, nông dân chỉ nhìn thấy hiện tượng bề ngoài và gọi đó là hiện tượng thương lái ép giá. Khi được mùa, sản lượng tăng lên đột ngột thì rõ ràng là nhu cầu về kho bãi và phương tiện vận chuyển để thu mua hết sản lượng đó tăng lên. Nếu thương nhân không có vốn để đầu tư vào đó thì sẽ xảy ra tình hình nông sản bị ùn ứ và hư hỏng đi, nông dân sẽ mất một phần thu nhập của mình do nông sản không được chuyển hóa thành tiền. Hệ quả là nông dân phải giảm giá hơn nữa để thu hút tư bản đầu tư vào thương mại. Ngược lại khi mất mùa thì sản lượng nông sản thấp khiến cho một phần tư bản cố định của thương nhân trở thành thừa, thương nhân sẽ bị thua lỗ, họ phải buộc phải rút bớt vốn khỏi việc buôn bán nông sản.

Tình hình kinh tế của nông dân trở nên bi kịch ở chỗ năng suất lao động của họ càng tăng thì họ càng phụ thuộc vào thương nhân và thu nhập càng thấp đi. Người ta có thể phản đối bằng cách lên án thương nhân gian lận, nhưng thương nhân sinh ra từ nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa mà nông dân tham gia, sự gian lận chỉ là biểu hiện bề ngoài của những quy luật chi phối nền sản xuất đó. Trong phân tích trên đã chỉ ra ngay trong những điều kiện bình đẳng nhất với thương nhân thì nông dân cũng không thể tránh khỏi sự sụt giá của nông sản.

Dần dần quá trình tích tũy tư bản sẽ khiến nông dân phụ thuộc vào thương nhân, phụ thuộc vào vốn ứng trước của thương nhân và cuối cùng là trở thành người làm thuê cho thương nhân. Muốn thoát khỏi tình trạng đó trong điều kiện của nền sản xuất hàng hóa thì họ chỉ có một cách duy nhất là tư bản hóa phương thức sản xuất, tự biến bản thân thành nhà tư bản nông nghiệp, sử dụng lao động làm thuê, nhưng ở đâu ra lao động tự do trong một xã hội toàn những hộ nông dân nhỏ? Sự tích lũy trong xã hội đó vốn rất chậm chạp, chính tư bản thương nghiệp đã thúc đẩy nhanh quá trình phá sản của một số hộ nông dân, biến họ thành lao động tự do.

Không có cách nào bảo vệ nền sản xuất nhỏ của nông dân trước chính những thứ mà nền sản xuất đó tạo ra, hay nói cách khác nông dân không thể mãi phồn vinh trên mảnh ruộng được chia của họ, nền sản xuất nhỏ bé phân tán ấy tất yếu đi đến phương thức sản xuất tư bản với sự phá sản của đa số nông dân và một số ít trở thành nhà tư bản nông nghiệp. Việc nông dân bị thương lái ép giá nông sản chỉ là hiện tượng bề ngoài, vốn xuất phát từ quan điểm của người nông dân sản xuất nhỏ, không hiểu được những quy luật chi phối bên trong của nền sản xuất nên họ chỉ có thể bám lấy hiện tượng bề mặt. Sự phát triển thể hiện ra đối với họ bao giờ cũng là những trò lừa gạt, vô đạo đức. Để chống lại sự tan ra không cách nào tránh khỏi ấy thì họ tìm cách lên án sự vô đạo đức của tầng lớp tư bản giàu có, hay đòi hỏi những chính sách vô vọng để cứu vãn nền sản xuất của họ./.
----------------------------
Nguồn: Hiệp sỹ cưỡi lừa

Bài liên quan

Kinh tế 5463934177930918911

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item