Sự thật về cái chết của cụ Phạm Quỳnh

Phạm Quỳnh là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn nổi tiếng thời đầu thế kỷ 20. Ông được coi là một trong những người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận và thường được biết đến với câu nói nổi tiếng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn". Cái chết của ông, nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi) trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng 8 vốn là một điều bí ẩn. Nhưng cũng từ sự kiện đó cho hậu thế thấy được sự trái ngược trong nhân cách của các nhân vật lịch sử tiêu biểu cho thời kì lịch sử cực kì rối ren: nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai Phạm Quỳnh, cùng gia đình hiểu sâu sắc cách mạng nên đã gác một bên nỗi hận riêng và cống hiến toàn tâm toàn ý cho đến thắng lợi cuối cùng của dân tộc; Ngô Đình Diệm và anh em thì cõng rắn cắn gà nhà, trả thù tàn bạo những người yêu nước vì nợ nhà. Về cái chết của 3 nhân vật này có nhiều giả thiết như bị du kích thủ tiêu khi gặp máy bay Pháp, hay trong số người đi áp tải đó có người nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán,... Trong bài viết "Người nặng lòng với nước" đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 267, tác giả Phạm Tôn, hậu duệ của cụ Phạm Quỳnh, chủ nhân Phạm Tôn's Blog, đã phần nào làm sáng tỏ sự kiện này. Mời các bạn tham khảo.


Cứ nghĩ đến trường hợp Phạm Quỳnh là ta lại không khỏi nhớ đến mấy dòng Lỗ Tấn viết trong phần kết thiên kiệt tác A.Q chính truyện: “Còn như về dư luận, thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng: A.Q. không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn. Vì rằng: nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chứ!”1

Hơn 60 năm qua, người ta đã viết về ông trong sách báo biết bao nhiêu với giọng điệu như thế: lấy cái chết của ông vì bị bắn làm điểm xuất phát để đánh giá cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Suốt từ năm 1945 đến 1975 ở miền Bắc nước ta và sau năm 1975 là trong cả nước, hầu như đều một giọng như thế…

Trong Đời viết văn của tôi, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 1971, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chân tình, ưu ái viết về Phạm Quỳnh như sau:

“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Nam triều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền,tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”

Nhưng, ngay sau đó, như một phản ứng của bản năng tự vệ, ông lại vội vã bác bỏ ngay điều mình vừa khẳng định, bằng cách viết: “Có lạ gì trình độ chính trị của tôi thời này. Nếu tôi tinh khôn thì tôi đã hiểu hai thuyết trực trị và lập hiến chẳng qua chỉ là thủ đoạn của bọn cướp nước bảo hai tên tay sai bày ra để loè bịp, để ru ngủ người ta đương được chủ nghĩa cộng sản thức tỉnh.”
[next]
Đến năm 1998, trong Tác gia văn học Thăng Long – Hà Nội, nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản, Tô Hoài vẫn còn dè dặt viết: “Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền nhân dân khép án tử hình.

“Cuộc đời Phạm Quỳnh có hai mặt: Con người chính trị và con người văn hoá. Về những đóng góp của ông đối với việc xây dựng nền văn học quốc ngữ là không thể phủ nhận.”

Xem ra, vẫn nặng hơi hướng “dư luận làng Mùi”. Chỉ có trong quyển Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam do Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên, nhà xuất bản Văn Hoá-Thông Tin xuất bản năm 1993, là ghi giản dị: “Phạm Quỳnh mất năm 1945.”

Hơn 60 năm đã trôi qua. Nếu Phạm Quỳnh có tội ác nào với dân tộc, có nợ máu gì với nhân dân, chắc chắn đã có người phát hiện và tố cáo rồi. Nhất là những người suy nghĩ như “dân làng Mùi”, luôn cố tìm cách biện minh cho cái kết cục là đã bị tử hình của Phạm Quỳnh. Nhưng, tựu trung, tội của Phạm Quỳnh vẫn không ngoài hai tội “bán nước”“tay sai đắc lực cho thực dân Pháp”.

Về tội “bán nước”, ngay lúc sinh thời, ông đã có lần đau đớn thốt lên: “người ta bảo tôi bán Nước. Khi tôi ra đời, nước đã mất rồi, còn đâu mà tôi bán.”

Còn tội “tay sai đắc lực cho thực dân Pháp” thì ta hãy xem chính thực dân Pháp nói gì về “tay sai đắc lực” của mình.

Đến hôm nay, thì ngay cả trong nước ta, nhiều người đã biết đến Bản phúc trình (tối mật) đề ngày 8/1/1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi cho Toàn quyền Đông Pháp Jean Decoux và Tư lệnh Đại tướng Mordant. Nhất là sau khi giáo sư Nguyễn Phước Bửu Tập đã công bố bản dịch tiếng Việt trong Ngày Phạm Quỳnh tổ chức ở California, nước Mỹ tháng 5-1999. Bản dịch như sau:

“Thêm một lần nữa, Thượng thư Nội vụ (Phạm Quỳnh) lại cực lực phiền trách chúng ta về việc trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật.

“Phạm Quỳnh lặp lại điệp khúc yêu cầu chúng ta hoàn trả Bắc Kỳ về cho Hoàng Triều như Pháp quốc đã hứa. Tôi đã lưu ý Hoàng đế Bảo Đại về thái độ bướng bỉnh vượt quá thẩm quyền ông ta đòi nới rộng quyền hạn của Viện Cơ Mật. Hiện tôi đang chờ đợi một phản ứng khác bùng nổ từ ông ta nếu như chúng ta không chịu nhận sự bổ nhiệm một Khâm sai Hoàng Triều trên cõi Bắc Kỳ. Chủ quyền bảo hộ của chúng ta lại một lần nữa bị xúc phạm. Phạm Quỳnh đòi hỏi chúng ta trong một thời hạn ngắn nhất, cụ thể nhất, phải hợp thức hoá việc phục hồi chủ quyền của Vương triều trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh còn hăm he sẽ thúc đẩy các phong trào chống đối, nổi dậy nếu như chúng ta không đặt vấn đề thương thảo với Hoàng đế Bảo Đại trong những tháng trước mắt về một quy chế mới nhằm cải biến chế độ bảo hộ sang quốc gia liên hiệp như thể chế Commonwealth, mà trong đó những địa vị quan trọng phải nằm trong tay người bản xứ.

“Những yêu sách của Phạm Quỳnh cứ là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam Kỳ, tiến tới việc hình thành một quốc gia Việt Nam.

“Tôi xin lưu ý quý ngài về sự kiện này, bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hoà hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta, dù qua việc chúng ta đã dành cho ông một chức vị tối danh dự đã có.

“Cho đến hiện thời, ông ta là một đối thủ thận trọng, chừng mực nhưng kiên quyết trước vấn đề bảo hộ của Pháp quốc, do đó Phạm Quỳnh sẽ có thể trở thành kẻ đối địch bất khả quy của chúng ta, nếu như một khi ông ta bị lôi cuốn bởi lời hứa hẹn của Nhật Bản cho một chủ thuyết Đại Đông Á.

“Tôi xin chờ chỉ thị của quý ngài…”2

Tưởng chẳng còn gì phải bình luận thêm về tấm lòng son của Phạm Quỳnh, một con người nặng lòng với nước.
[next]
Qua nửa năm làm Thượng thư kiêm Ngự tiền văn phòng, chín năm làm Thượng thư Bộ Quốc Dân Giáo Dục và gần ba năm làm Thượng thư Bộ Lại, sau đảo chính Nhật 9/3/1945, Phạm Quỳnh thanh thản từ nhiệm, về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường bên bờ con sông nhỏ An Cựu. Tháng 6-1945, trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Vạn An, ông đã bộc bạch: “Tôi đã lỡ lầm mà ra làm quan, vì trước khi dấn thân vào hoạn lộ tôi vẫn tưởng tôi sẽ làm được rất nhiều việc mà trước kia tôi chỉ phụng sự được trong mực đen, giấy trắng.”3Và trong bài viết Lão Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường cũng vào những ngày ấy, ông tự trách mình: “khờ dại đem mình ra lăn lộn giữa phong trào hỗn độn, trong thời buổi nhá nhem, không biết cái thân “nho quèn” đương nổi sao được thời thế, và ở giữa cái xã hội xu thời mị chúng này, ai còn thiết đến kẻ văn nhân nho sĩ, chỉ biết đem một thái độ ôn hoà nho nhã mà đối với cái cuồng phong bác tạp, hỗn hào.”4 Ông lặng lẽ chuẩn bị trở lại với hoạt động văn học, dịch và chú giải 51 bài thơ Đỗ Phủ, bắt đầu viết tập Hoa Đường tuỳ bút – Kiến văn, Cảm tưởng I. Và tất nhiên là đọc, đọc rất nhiều sách báo…

Thấy tình hình trong nước có nhiều biến động mà ông anh rể vẫn bình tĩnh vùi đầu vào văn chương như thế, ông Lê Văn Tốn (còn có tên là Xuân), em vợ Phạm Quỳnh, có gợi ý là: “Trong lúc này, anh nên lánh đi xa một thời gian, sang Lào chẳng hạn, vì nhà vua Lào có vẻ mến mộ anh lắm, để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra”. Thì Phạm Quỳnh cười và nói rằng: “Chính lúc này mới càng cần ở trong nước, để còn có cơ giúp nước.” Và ông không đi đâu hết, cứ ở lại, đọc, dịch và viết. Ông đã viết non 50 trang giấy trong một cuốn vở học trò, được hơn chục bài. Bài cuối cùng còn dang dở là Cô Kiều với tôi, một đề tài ông ấp ủ đã lâu. Trong bài có đoạn: “Năm 1924, lần đầu làm lễ kỉ niệm cụ Tiên Điền, trước hai ngàn người họp ở sân Hội Khai Trí, tôi trịnh trọng tuyên bố một câu: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có điều chi nữa mà ngờ… Câu ấy người mình có người không hiểu, có người hiểu lầm.” Cây bút máy Waterman còn chặn ngang trên trang giấy, gia đình vô tình tìm thấy trên bàn viết sau khi “Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”.

Thành ra nhà văn hoá lão thành Vương Hồng Sển ở tuổi chín mươi đã có lí khi nêu câu hỏi trong tham luận gửi hội thảo về Phạm Quỳnh do Viện Văn Học dự định tổ chức vào cuối năm 1992 tại Hà Nội: “Tại sao Cách mạng lại giết Phạm Quỳnh? Cứ để cụ ấy sống có phải còn có nhiều cái mà học không?” Và rõ ràng là không phải chỉ có một người băn khoăn như vậy. Đó là câu hỏi của nhiều thế hệ người Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.

Vậy ai đã xét xử, kết án, và thi hành án tử hình Phạm Quỳnh?

Chúng ta hãy bắt đầu từ trước khi ông được “mời ra làm việc” trưa 23/8/1945.

Một sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến-Huế được chỉ định làm chủ tịch Thanh niên Tiền tuyến là Phan Hàm, nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh từ cấp trên là Lê Tự Đồng, Việt Minh Thuận Hoá. Phan Hàm cùng vài đồng đội đến biệt thự Hoa Đường đưa giấy của Việt Minh “mời Phạm Quỳnh ra làm việc”5 Ông ra đi, mặc áo lương đen, đầu không đội khăn. Khi sắp lên xe hơi, con gái là Phạm Thị Hoàn lo ông lên cơn đau dạ dày định chạy lên lầu lấy thuốc magnésie bismurée để ông đem đi, thì ông dịu dàng nói: “Thầy không cần, chiều thầy sẽ về”6 Hành động này, chắc chắn không thoát khỏi cặp mắt cảnh giác cao của Phan Hàm. Ông cùng lên xe hơi với con rể là Nguyễn Tiến Lãng.

Khi nghe tin Phạm Quỳnh bị bắt, các bà Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức là hai con gái lớn của ông, đến văn phòng Bộ Nội vụ tìm gặp người quen là ông Hoàng Hữu Nam, tức Phan Bôi,7 bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch, xin cho vào Huế đón mẹ và các em ra Hà Nội. Ông Nam khuyên không nên vào trong lúc này, vì nhân dân đang nổi dậy, vào có khi lại bị bắt giữ lôi thôi, không có lợi. Muốn đón cụ bà và gia đình ra thì để ông “tư” vào trong ấy. (Sau đó, gia đình đã được đưa ra Hà Nội an toàn.) Còn nếu muốn gửi thuốc men cho cụ ông thì cứ gói lại và đề ở ngoài là gửi cho “Thầy tôi”, tự ông sẽ cho chuyển đến tận tay. Hai chị em cũng được ông Nam giải thích rõ là: “Vì nay bọn Pháp đang tìm cụ để lợi dụng, nên chúng tôi giữ cụ lại nơi yên ổn thôi.” Hai chị em còn ngỏ ý xin được gặp cụ Hồ. Ông Nam nhận lời sẽ bố trí một hôm nào đó cho được gặp “ít phút thôi, trình bày ngắn gọn, kẻo Cụ ít thời giờ lắm.” Thái độ thân ái chân tình của ông Nam khiến hai bà cảm động và yên lòng, tin tưởng ở cách mạng.

Sau đó ít ngày, có giấy của Bộ Nội vụ báo Cụ Hồ nhận tiếp hai chị em vào 11 giờ ngày thứ sáu 31/8/1945, tại Bắc Bộ Phủ. Hai bà được đưa đến chờ ở một phòng rộng, lòng hồi hộp, lo lắng và sợ hãi nữa. Một lát sau thì Cụ ra, mặc áo kaki, đi dép lốp, đi đứng nhanh nhẹn; có ông Vũ Đình Huỳnh là thư ký riêng theo sau. Hai chị em đứng lên chào Cụ, Cụ bắt tay và mời ngồi. Cụ hỏi thăm thì hai chị em trình bày việc cha bị bắt và trình lên Cụ một phong thư kể rõ sự việc. Cụ Hồ nói: “Trong lúc khởi nghĩa, cũng không sao tránh được sự nhầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi còn đang ở trên Việt Bắc.” (Chiều 26/8/1945, Hồ Chủ tịch mới về đến Hà Nội, nhà số 48 phố Hàng Ngang).8 Cụ còn hỏi thăm gia đình được bao nhiêu anh chị em. Rồi cầm phong thư đưa cho ông Vũ Đình Huỳnh và nói: “Tôi sẽ chuyển qua Bộ Nội vụ.” Lúc đó, có người báo có đoàn đến xin gặp Cụ. Hai chị em đứng lên chào Cụ thì Cụ lại bắt tay một lần nữa rồi mới đi… Chuyện xảy ra đã lâu, mà đến năm 1988, đã 75 tuổi, cụ Phạm Thị Giá còn nhớ rõ từng chi tiết như vậy. Lòng nhân ái của cán bộ cách mạng và chính Cụ Hồ đã khiến hai chị em ngày ấy cảm động, quý mến vô cùng. Sau này lại càng khiến hai bà không sao hiểu nổi những sự việc đau lòng xảy ra sau đó.9

Bà Phạm Thị Thức, em bà Giá, là vợ cố giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Con trai út bà đã kể lại rằng trong một lần cùng đi máy bay sang Béc-lin (Cộng hòa dân chủ Đức) chữa bệnh, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế hồi Cách mạng Tháng 8, đã cố tìm gặp giáo sư Đặng Vũ Hỷ chỉ để nói một điều là: “Tôi đã nhiều lần muốn gặp anh để nói với anh về chuyện cụ nhà (Phạm Quỳnh). Hồi ấy, tôi ở Huế thật, nhưng hoàn toàn không dính gì vào vụ này, chỉ biết khi chuyện đã xảy ra rồi.” Ta không thể không tin lời của một trí thức cỡ lớn nói với một trí thức cỡ lớn như vậy.

Trong hồi kí của mình Nhớ lại một thời, do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 8/2000, tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế ngày ấy, đã nêu rõ: chính ông đã đề nghị tỉnh uỷ, ngay từ khi về đến Huế, là rút khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian” đã nêu trước đó trong cả nước. Và trong ngày khởi nghĩa tại Huế 23/8/1945, chính ông đã tuyên bố “bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào” trước đông đảo nhân dân tập trung ở sân vận động Huế. Trong những năm 90 thế kỉ trước, ở chỗ riêng tư, ông còn thổ lộ là: “Mấy chục năm qua, tôi vẫn áy náy, day dứt về việc cụ Phạm Quỳnh.”

Thế là cả Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế đều không biết gì về việc “xử tử hình Phạm Quỳnh”, nói gì đến xét xử, kết án…
[next]
Nhân hội thảo về Phạm Quỳnh do Viện Văn Học dự định tổ chức tại Hà Nội cuối năm 1992, đã có gần 20 tham luận gửi tới tham gia với những tên tuổi như: Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Tùng, Vũ Khiêu, Hoàng Tuệ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Đắc Xuân, Vương Trí Nhàn,v.v…Nhà văn Sơn Tùng chuyên nghiên cứu và viết về Hồ Chủ tịch đã đòi được dự để “công bố một tư liệu độc đáo: Hồ Chủ tịch phản đối việc xử tử Phạm Quỳnh”. Tư liệu ấy như sau:

“Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra gặp Cụ Hồ và báo: “Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi.”, thì Cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?…Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp…Đó không phải là người xấu!”10

Đúng là Nguyễn Ái Quốc “đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp” không phải chỉ một lần. Năm 1922, Phạm Quỳnh đi Pháp dự hội Đấu xảo thuộc địa tổ chức tại Marseille, có mang theo một cuốn nhật kí tuỳ thân nhỏ bằng bốn ngón tay. Trong đó có ghi: “Juillet, 13, Jeudi: Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins)”“Juillet, 16, Dimanche: Ở nhà. Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” Còn trên tạp chí Nam Phong khi đăng Pháp du hành trình nhật kí, ông cũng viết công khai: “Thứ năm, 13 tháng 7 năm 1922 : (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thoả thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỉ niệm dân quốc…Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào.”“Chủ nhật, 16 tháng 7 năm 1922: Hôm nay, không đi đâu, ngồi hầm trong buồng viết mấy cái thư về nhà.

“Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó đã đứng ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa, không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế, tưởng cũng chẳng là sự phi phạm gì.”11Không phải chỉ có hai lần gặp gỡ như vậy, mà còn có một lần gặp gỡ nữa, quan trọng hơn. Đó là lần họp mặt do các ông Lê Thanh Cảnh và Trần Đức tổ chức vào một buổi chiều, dùng cơm tại khách sạn Montparnasse, Paris, gồm 11 người; trong đó có: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến. Sau này, Lê Thanh Cảnh đã thuật lại cuộc họp mặt của “Năm nhân vật phi thường ngồi chung lại một bàn” trong hồi kí Rời mái tranh trường Quốc Học, bản thảo gửi đăng Đặc san số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học. Trong bài có dẫn lời phát biểu của Nguyễn Ái Quốc như sau: “Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là vì xưa nay, muốn giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngả tay xin ai được, mà phải dùng sức mạnh, như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng búa rìu.” Và lời của Pham Quỳnh: “Có lẽ ngay giữa tiệc này, tôi đã thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão: Quân chủ lập hiến. Nói đến nền quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền quân chủ, họ đã văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hoà khác nhiều lắm. Họ có thể đứng vào hàng đàn anh trên hoàn cầu. Đây tôi chủ trương là quân chủ lập hiến. Vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người đứng lên “thừa hành” bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định. Như thế, chúng ta có được một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho mình…Tôi có nhiều dịp đi đó đây, tiếp xúc rất đông đồng bào ba kì thì phần đông – mà xin quả quyết là đại đa số- đều nhiệt liệt tán thành chế độ quân chủ lập hiến. Người Nam cũng niềm nở hưởng ứng vì họ thấy đó là đường lối duy nhất để thống nhất lãnh thổ và dân tộc từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan.” Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến cũng trình bày chủ trương của mình. Thành ra đây là một cuộc họp mặt bàn việc nước, thẳng thắn, sôi nổi, có khi gay gắt, nhưng ai cũng một lòng vì nước dù cho quan điểm có khác nhau, thậm chí chống đối nhau.

Có lẽ qua ít nhất là ba lần gặp mặt mà nay chúng ta còn biết đó (có lần đã chụp ảnh kỉ niệm) và mười mấy năm đọc tạp chí Nam Phong mà Hồ Chủ tịch đã có nhận xét “Đó không phải là người xấu” để phản đối cái án tử hình mà Phạm Quỳnh đã phải chịu.
[next]

Nhà thơ lão thành Huy Cận, nhân hai lần tình cờ gặp nhau trong cuộc họp văn học nghệ thuật, đã kéo Phạm Tuyên ra riêng một chỗ để rủ rỉ kể lại một chuyện xưa. Lần thứ hai, năm 2001, được Phạm Tuyên biếu cuốn Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh mới được nhà xuất bản Văn Học phát hành, ông thức suốt đêm đọc một mạch hết cuốn sách. Sáng hôm sau, găp lại, ông nói: “Càng đọc kĩ những dòng chữ cụ viết mới càng thấy rõ hơn tấm lòng nhiệt thành yêu nước của cụ.” Rồi ông chân tình kể lại một lần nữa chuyện xưa: “Năm 1945, cuối tháng tám, tôi là Bộ trưởng Bộ Canh nông của chính phủ cách mạng lâm thời, được tham gia phái đoàn chính phủ vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại, có nghe dân chúng xì xào nhiều về chuyện cụ Phạm bị bắt. Sau đó ít lâu, lại được bạn bè từ Huế cho biết dân chúng đang rất xôn xao về vụ Cụ bị xử tử hình. Nhân một dịp được gặp Bác, tôi có kể lại chuyện đó, thì Bác thở dài, nắm tay tôi và nói: “Đã lỡ mất rồi”.12Trong bài Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam Phong, giáo sư Văn Tạo cũng xác nhận là nhà thơ Huy Cận đã thuật lại với ông câu “Đã lỡ mất rồi” của Hồ Chủ tịch13

Sau này, nhân dịp lên chúc Hồ Chủ tịch vào ngày mồng 1 Tết Bính Tuất năm 1946, nhà thơ nữ Hằng Phương có được Người hỏi han về tình hình giới văn học nghệ thuật. Nhân nhắc tới Phạm Quỳnh, Người tỏ ý rất tiếc về những gì đã xảy ra và nói đại ý: Nếu còn sống, ông ấy sẽ nghiên cứu dịch thuật có ích cho văn hoá và văn học nước nhà.14

Như vậy là đến cả Hồ Chủ tịch cũng phản đối việc tử hình Phạm Quỳnh. Vậy sự việc đã diễn ra như thế nào mà dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy?

Nhân chuyến từ Pháp về thăm Hà Nội, bà Phạm Thị Hoàn, người con thứ mười của Phạm Quỳnh may mắn được tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn Tấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Lương thực, đã nghỉ hưu. Cụ Tấn quê ở xã Đức Trường, huyện Đức Thọ – Hà Tĩnh, vào Huế làm công chức từ đầu thập niên 40. Cụ tham gia cách mạng, hoạt động bí mật, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế. Ngay sau khi cách mạng Tháng 8-1945 thành công cụ được bổ nhiệm Giám đốc Tài chính Trung Bộ. Cụ là người biết khá rõ về những ngày cuối của Phạm Quỳnh. Theo bản lược ghi lời kể của cụ Tấn từ 9 giờ 15 đến 10 giờ ngày 7 tháng 12 năm 1997, tại nhà riêng số 30 đường Trần Quốc Toản, Hà Nội, thì sự việc bi thảm đã xảy ra như sau:

“Cái chết của ông là chuyện bất ngờ. Tôi đảm bảo với chị là ông cụ không bị một tí hành hạ, bạc đãi nào. Tôi thấy tận mắt, không có một hành động bạc đãi nào, hoàn toàn không có đánh đập. Ông thường mặc một cái áo lương đen.

“Lúc đầu giam ở Thừa Phủ,trong đó có Ngô Đình Khôi và con trai. Có cả Nguyễn Tiến Lãng nữa. Sau khi được tin là tình hình không ổn, nên rời ông ra Hiền Sĩ, nơi có phong trào cách mạng tốt. Định di chuyển cả Nguyễn Tiến Lãng, nhưng vì ô tô nhỏ, xe chật, nên chỉ chở hai cha con Ngô Đình Khôi và ông thôi. Để ông Lãng lại, định hôm sau chở đi. Lúc di chuyển, anh em quá mệt, nhưng nghe tin Pháp nhảy dù, phải đưa ông nhà và cha con Ngô Đình Khôi ra Hiền Sĩ để giao cho tỉnh. Đây là cơ sở cách mạng rất nghiêm, chỉ thị của trên là không được bạc đãi, hành hạ”

Sáu mươi năm sau buổi sáng ông bị giết hại, qua bài báo của nhà văn Thái Vũ, học sinh Phan Hàm ngày nào nay là thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam, vì sự công minh của lịch sử, đã kể lại tường tận, chi tiết, cụ thể diễn biến từ khi ông đến nhà bắt Phạm Quỳnh cho đến khi biết tin Phạm Quỳnh bị giết và khẳng định đó là “hành động manh động” của người dân “chỉ mới hưởng một ngày đầu chính quyền cách mạng”, không phải của sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến, cũng chẳng theo lệnh của ai, dù là cấp thấp nhất của chính quyền cách mạng Thừa Thiên-Huế. Bài báo viết: “Tối đó (23-8-1945 – PT chú) anh Phan Hàm bảo với anh Nguyễn Thế Lâm là ngay đêm phải “giải” hai cụ ra khỏi thành phố, nghĩa là cả Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (có Ngô Đình Huân). Anh Nguyễn Trung Lập đi theo xe. Anh Lập lúc đó không phải trong nhóm Việt Minh trường Thanh niên Tiền tuyến…Xe ra đến Hiền Sĩ, cách Huế chừng 20km, cũng không xa giáp ranh tỉnh Quảng Trị… “giam tạm” mấy người trong một gian nhà bỏ trống, nhờ mấy “dân quân tự vệ” cũng mới vào đoàn (Chúng tôi nhấn mạnh. PT) trông coi rồi…theo xe về Huế ngay…Hôm sau, mấy tên biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ…bị dân quân chặn lại, bắt giam để báo về Huế, với đầy đủ vũ khí hiện đại, thức ăn nước uống, lại nhốt sát bên cạnh nhà giam Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi. Dân quân địa phương không biết gì đã đành, báo cáo về Huế, mấy vị lãnh đạo mới nắm chính quyền sốt dẻo lại không chú ý gì vì đang bận chúi mũi bao việc tày trời mới được đảm nhận.

“Việc “bỏ quên” đó thật tai hại, vì nơi giam các cụ và sáu tên biệt kích dù chỉ cách có…một hàng rào!

“Anh em Thanh niên Tiền tuyến đã “hốt” thực sự…Ba Thanh niên Tiền tuyến được Phan Hàm phái theo, trong đó có anh Lê Thiệu Huy… giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đến nơi, bí mật tiếp cận hàng rào…Lê Thiệu Huy gọi và ra hiệu nói chuyện…Tên Castella, thiếu tá chỉ huy…hỏi ngay “Phạm Quỳnh ở đâu?” Rõ ràng là chúng nhảy dù có chủ đích nhưng không biết là Phạm Quỳnh ở ngay nhà bên cạnh…

“Bọn Pháp sợ vì lúc ấy dân quanh đó và dân quân vài người đến, thấy đông, chúng xin hàng ngay. Tịch thu súng, mọi thứ tịch thu hết. Lúc anh em về lại Huế, báo cáo cấp trên là tuỳ lãnh đạo, ngoài ra không biết gì (Chúng tôi nhấn mạnh –PT)

Vì vậy, sau đó anh em Thanh niên Tiền tuyến cách li bọn biệt kích Pháp, đưa xuống Sỵa, còn đám hai cụ thì giao cho dân quân địa phương xử lý, chứ không phải Việt Minh Trung bộ (tức chính quyền mới thành lập)” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)15

Cụ Tấn còn kể tiếp:

“Lúc đó, ta muốn hoà hoãn với Nhật nên cho lính Nhật đi mua bán trong phạm vi nhất định, và phải đóng yên một chỗ. Nhưng, một hôm, Nhật chở một thuyền có bảy tên, anh em tự vệ đánh để lấy súng, giết được sáu tên, một tên trốn được, chạy về Kim Luông. Đồn Nhật đưa một đại đội ra đánh. Anh em tự vệ chiến đấu đánh lại hơn 2 giờ. Tụi Nhật tiến vào được hơn 3km, xông vào, anh em sợ Nhật đánh tháo, nên thủ tiêu ba ông.

“Tôi ở Huế, cách 25 km, nên không thấy lúc giải quyết thế nào. Chỉ biết là sự việc xảy ra ở xã.”
[next]
Tháng 2 năm 1956, nhân gia đình Ngô Đình Diệm cho người đi tìm và cải táng cha con Ngô Đình Khôi, ông Phạm Tuân, con út và bà chị là Phạm Thị Hảo đi theo để nhận di hài cha, đã biết thêm nhiều điều, do gặp nhiều nhân chứng còn sống. Nơi giam giữ cuối cùng là xưởng ép dầu tràm của bác sĩ Viên Đệ ở Cổ Bi cách làng Văn Xá 5km về phía Tây. Làng này lại cách thành phố Huế 15km, về phía Bắc trên đường Huế đi Quảng Trị. Đó là một nơi xa xôi, khó đi lại. Để tìm kiếm hài cốt, chính quyền Sài Gòn phải huy động công binh phát quang, san ủi đất làm đường, bắc cầu…trên hơn 15 km cho xe hơi đi và điều động binh sĩ giữ an ninh quanh vùng. Người canh gác xưởng kể: một đêm đầu tháng tám ta, trăng lưỡi liềm, khoảng mười một giờ, có người xưng là cấp trên đến bảo đưa ba người bị giam ra, cho ăn cơm. Khó ăn, ba người xin ít nước mưa chan cho dễ nuốt. Sau đó, họ bị trói và đưa xuống đò. Người chèo đò kể: đi quanh đi quất trên sông Bồ, gần một giờ sáng thì táp vào bờ, đến gần hai bụi tre thì giết ba người. Người chèo đò không được lên bờ, chỉ nghe thấy tiếng thét lớn bằng giọng Bắc “Quân sát nhân!” sau đó là ba phát súng. (Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân đều nói giọng đặc Huế). Rõ ràng, cho đến trước khi bị giết, Phạm Quỳnh vẫn không hề nghĩ là những người đã hi sinh xương máu đồng chí đồng bào để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc lại đi giết hại một người suốt đời nặng lòng với nước như ông. Chúng chỉ là những “quân sát nhân” mà thôi.

Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Đình Khôi không bị đánh chỉ bị bắn ba phát. Ngô Đình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn ngay vào đầu.16 “Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất”. Phạm Quỳnh ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc, xẻng đánh mạnh vào, “ba bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau…Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt kính cận”17

Theo các nhân chứng chứng kiến vụ sát hại thì sự việc diễn ra vào đêm trăng non mồng một tháng tám năm Ất Dậu, tức ngày 6/9/1945, chỉ sau ngày nước ta tuyên bố độc lập có bốn ngày.

Di hài Phạm Quỳnh được gia đình cải táng ngày 9/2/1956. Hôm sau đưa về Huế, đặt trong khuôn viên chùa Vạn Phước, nơi sinh thời ông thường đến di dưỡng tinh thần những khi có điều phiền muộn. Mộ chí ghi bằng chữ Hán, thật giản dị: Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng Chi di thể. (Thân thể còn lại của chủ bút báo Nam Phong Phạm Quỳnh – Thượng Chi). Từ 1975 đến nay (2006) khu mộ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Lại còn có người khắc trên đá vào bình phong của mộ hàng chữ Quốc ngữ câu nói bất hủ ngày nào của Phạm Quỳnh “Tiếng ta còn, nước ta còn”.


Đến đây, tưởng đã có thể hiểu đựơc vì sao lại có sự trớ trêu: các cấp lãnh đạo cách mạng từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến cấp cao nhất nước hồi ấy đều không hay biết, hoặc phản đối mạnh mẽ, vậy mà vụ sát hại vẫn cứ xảy ra. Tuy vậy, dù là do tình hình cấp bách, nhưng như cụ Tấn đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là kỉ luật rất nghiêm, không có chủ trương trả thù, vậy mà tại sao lại đã xảy ra sự việc động trời này? Và ai là người đầu tiên đã vu cáo Phạm Quỳnh bị “chính quyền nhân dân khép án tử hình”?

Sự thật lịch sử đã chứng tỏ chính quyền nhân dân từ tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi xảy ra sự việc, đến Bộ Nội vụ và cả chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều chưa hề bao giờ “khép án tử hình” Phạm Quỳnh. Vậy mà cái án bịa đặt trên giấy trắng mực đen ấy, hơn sáu mươi năm qua, đã đè nặng lên cuộc sống của con cháu Phạm Quỳnh, làm đau lòng mọi người Việt Nam có lương tri và còn bóp méo cả một giai đoạn trong lịch sử văn học nước nhà, chỉ vì tin vào “dư luận làng Mùi: Nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chứ”.

Đất nước ta đang phấn đấu thực hiện một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thiết tưởng đã đến lúc cần có một cách nhìn khác, đánh giá lại đúng đắn mọi sự kiện, con người đã từng bị đối xử không công bằng, cũng chẳng dân chủ, càng không văn minh trong suốt những năm qua. Trong số đó, không thể không kể đến trường hợp Phạm Quỳnh mà đến nay mọi sự liên quan đến cái chết bí ẩn của ông đã được làm sáng tỏ. Ông là một người cho đến phút cuối đời mình vẫn nặng lòng với nước, mong mỏi được cống hiến cho nhân dân, đất nước tất cả những gì mình có. Chỉ có điều, ông yêu nước theo cách riêng của ông và chỉ làm được những việc mà ông có thể làm và tưởng rằng đó là cách tốt nhất để thực hiện lý tưởng phục vụ đất nước của mình.

Nhà thơ lớn Đan Mạch Erik Stilnus đã ba lần đến Việt Nam dự hội thảo; lần đầu nhân kỉ niệm sáu trăm năm Nguyễn Trãi. Ông đã gặp một số nhà văn và học giả Việt Nam, lại được đọc bản dịch bài tựa và bài giới thiệu Truyện Kiều của Phạm Quỳnh nên đã cảm thương sâu sắc số phận học giả Phạm Quỳnh. Về nước, ông bắt đầu sáng tác trường ca Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục dài 367 câu. Cuối bài thơ ghi Copenhagen 17/9/1979-TP.Hồ Chí Minh 11/10/1980. Tháng 7/1997, nhà thơ Phạm Tiến Duật sang thăm Đan Mạch được ông tặng một bản, cẩn thận cho dịch sang tiếng Anh để nhiều người đọc được. Sau đó, ông còn gửi tặng bà Phạm Thị Hoàn, con gái Phạm Quỳnh cả bản tiếng Đan Mạch lẫn bản tiếng Anh có thủ bút đề tặng của ông.18

Chương I mở đầu bằng hai câu:

Chúng ta phải thừa nhận
Chúng ta đã đối xử sai lầm với Phạm Quỳnh

Chương VII lại mở đầu bằng câu:

Chúng ta đã đối xử sai lầm với Phạm Quỳnh

Còn trong chương VI, có những câu:

Chúng ta không nên gọi ông là một tên phản bội



Chúng ta cần kiên nhẫn giải thích…

rằng Phạm Quỳnh đã không thể hoàn toàn bỏ qua người dân trong những quyển sách ông viết

….Những đêm dài đọc sách,
không thể biến Phạm Quỳnh
thành một cận thần thân Pháp hơn,
mà có thể thành người giúp chúng ta
trong quá trình thời đại
Và thực ra thì ông ta có phần đúng19
---------
Phạm Tôn
---------------
[next]
MỘT GIẢ THUYẾT KHÁC

TƯ LIỆU THAM KHẢO

- Tố Hữu: Nhớ lại một thời nhà xuất bản Hội Nhà văn, 8/2000

- Nguyễn Công Hoan: Đời viết văn của tôi, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1971

- Tô Hoài: ….Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998

- Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên: Những nhân vậy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Văn hoá- Thông tin, 1993

- Lê Thanh Cảnh: Rời mái tranh trường Quốc Học, bản thảo gửi đăng Đặc San số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học

- Tiểu sử Phạm Quỳnh, Tạp chíThế Kỷ 21, số 122, 6-1999, Mỹ

- Và lời kể của ông Phạm Tuân, con trai Phạm Quỳnh; bà Lê Thị Trung, ông Lê Đức Vượng, cháu gọi Phạm Quỳnh bằng bác và một số con cháu khác của Phạm Quỳnh.

GHI CHÚ

1 Lỗ Tấn: Gào thét, nhà xuất bản Văn hoá Viện Văn học, Hà Nội, 1961, bản dịch của Trương Chính

2 Nguyễn Phước Bửu Tập: Chiến sĩ ái quốc Phạm Quỳnh, tạp chí Văn Hoá, Mỹ

3 Nguyễn Vạn An: Khi danh vọng về chiều: tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường, báo Tin Điển, ngày 23/3/1952

4 Phạm Quỳnh: Tuyển tập và di cảo, nhà xuất bản An Tiêm, Paris 1992

5 Theo tập tư liệu viết tay 10 trang của thiếu tướng Phan Hàm viết chiều ngày 8/11/1993 và Tuyên huấn Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993

6 Theo Phạm Thị Hoàn, bài Thầy Tôi , phát biểu tại lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh tại Paris, Pháp, báo Ái Hữu, số 115, tháng 6/1992, Paris

7 Hoàng Trình: Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) ngươi chiến sĩ giúp việc đắc lực cho bác Hồ, báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 11/2/2001

8 Vũ Kỳ: Nhớ mùa thu năm ấy,báo Nhân Dân, ngày 2/9/2000

9 Phạm Thị Giá: Thư gửi con trai, tháng 4/1988

10 Bài bà Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh viết tại Paris ngày 20/1/1994

11 Phạm Quỳnh: Hành trình nhật ký, nhà xuất bản Ý Việt, Paris, 1997

12 Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai Phạm Quỳnh, với người viểt bài này tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001

13 Giáo sư Văn Tạo: Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam Phong, báo Khoa học và Ứng dụng, số 2-2005

14 Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: Kẹo Tết của bác Hồ, tạp chí Thế Giới Mới, số Xuân Canh Thìn, 2000

15 Thái Vũ: Về cái chết ông chủ bút tạp chí Nam Phong, Tiền Phong Chủ Nhật, số 51, 18/12/2005

16, 17 Theo Phạm Tuân: Sống lại với kí ức thuở ngày xưa (báo Ngày Nay, số 385, ngày 30/6/2005, tiểu bangMinesota và tạp chí Việt Học Tạp Chí Phổ Thông số 2, tháng 6/2005, Nam California, Mỹ)

18 Xuân Ba: Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ bút báo Nam Phong, Tiền Phong Chủ nhật số 46, 13/11/2005

19 Erik Stilnus: Phạm Quỳnh và câu chuỵên tiếp tục. Viết về Việt Nam(trường ca). Bản dịch của Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thị Ngọ

Bài liên quan

Lịch sử 4750336340665668778

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

  1. Cám ơn chủ blog . Hôm nay lần đầu tiên tôi đọc và biết về Phạm Quỳnh dù trước đó tôi có biết là ông Phạm Quỳnh cùng cha con Ngô Đình Khôi bị giết nhưng tài liệu hôm nay về nhân vật lịch sử này tôi thấy ông thật đáng kính trọng . Cám ơn chủ blog rất nhiều .

    Trả lờiXóa

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Nhà bên

Thư viện blog

item