Chương trình "Giai điệu tự hào" muốn nói gì?

S au số đầu tiên của chương trình ca nhạc "Giai điệu tự hào" giới thiệu những bài hát nổi tiếng sáng tác trong những năm kháng chi...

Sau số đầu tiên của chương trình ca nhạc "Giai điệu tự hào" giới thiệu những bài hát nổi tiếng sáng tác trong những năm kháng chiến nhận được sự phản đối khá mạnh của đông đảo người xem là các thành viên của hai trang NCM & BCDCNT, tôi quyết định thu xếp thời gian để xem từ đầu đến cuối số phát sóng thứ 2 của chương trình vào tối thứ bảy 22/2/2014. Có lẽ những người thực hiện rút đã kinh nghiệm buổi phát sóng đầu tiên, hoặc người xem đã quen với "phong cách giật gân" của buổi phát sóng trước, nên lần này những hạt sạn trong chương trình hình như có vẻ "tròn trơn nhẵn mịn" hơn và dường như cũng bé hơn thì phải? Tuy vậy có rất nhiều điều đáng nói về chương trình này.

Điều đầu tiên, như lời người dẫn chương trình là nhà thơ Hồng Thanh Quang, vẫn với cái giọng "nhà quê" đầy "mu-gic" của anh, cho biết: chương trình sẽ diễn ra hàng tháng và trong nhiều năm, lại có cả website đàng hoàng chuyên bàn về mọi khía cạnh kèm theo có rút thăm trúng thưởng cho khán giả nữa. Bởi thế, diễn đàn ta rất nên có một topic (chủ đề) bàn về chương trình này nhưng dưới cái nhìn nghiêm khắc của NCM, để trình bày quan điểm của chúng ta về một chương trình hoành tráng của VTV lại được phát vào "giờ vàng" nhưng mục đích chưa rõ ràng và còn lắm điều tự mâu thuẫn lẫn tranh cãi chưa thống nhất về mục đích.

Tôi vừa xem xong nên ấn tượng còn đang mới mẻ, chưa lắng lại để chọn ra cái nào cần nói trước, cái nào nên nói sau và cái nào chưa nên nói. Có lẽ phải từ từ rồi mới nên bàn tiếp...


1 - NHÌN LẠI SỐ PHÁT SÓNG ĐẦU TIÊN

Trước hết mời các bạn cùng theo dõi số thứ nhất của chương trình này qua video sau đây được giới thiệu ngay sau buổi phát sóng:

Có thể nói "điểm nhấn" của số phát sóng đầu tiên là lời phát biểu của "nhà văn" Trang Hạ. Tôi xin ghi lại toàn bộ lời phát biểu của "nhà văn" này khi cô nhận xét về bài hát nổi tiếng Bài ca năm tấn của nhạc sĩ lão thành Nguyễn Văn Tý, nguyên văn như sau: “Khi mà Trang Hạ nghe bài hát này thì Trang Hạ nghĩ rằng nó hoàn toàn thuộc về quá khứ. Bởi vì trong ngày hôm nay nếu như là những cái cảm xúc đó nó vẫn còn duy trì cái chúng ta chỉ tự hào về năm tấn hoặc chúng ta chỉ tự hào là cái suy nghĩ của chúng ta đi cùng với mảnh đất mà không biết được rằng là nó lỗi thời với xã hội và thời đại đến như thế nào ấy bởi vì những hình ảnh hiện lên ở đây là những con trâu của những cánh đồng của thập kỷ 60 có lẽ là của Thái Bình và xuyên suốt cả bài hát là hình ảnh ấy được lặp đi lặp lại với những người phụ nữ trên ruộng lúa: con trâu đi trước cái cày theo sau và đó là một cái hình ảnh đẹp đẽ nhưng nó làm tổn thương xã hội này. Bởi vì suốt 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi và thậm chí là, nói xin lỗi, một số thanh niên nông thôn vẫn nói rằng chúng tôi chẳng khác gì đời cha anh tức là lấy mông con trâu làm thước ngắm. Và đó là một cái vẻ đẹp mà nếu chúng ta coi rằng là cái sự nghèo đói của thôn quê mà con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp và chúng ta coi những cái vẻ đẹp của những mái rạ khói lên trong chiều mơ màng thì đó là những cái vẻ đẹp mà chúng ta phải có trách nhiệm với sự nghèo đói đấy của xã hội. Có lẽ chính những cái người thành phố được ăn học như chúng ta và có hiểu biết hoặc có nhiều lựa chọn phải có trách nhiệm với những người nông thôn mà vẫn đi đằng sau lưng con trâu đó”. Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều nữa vì mớ lý luận zig-zag đó thật ra chỉ là một sự màu mè, văn vẻ nhưng trống rỗng. Chỉ băn khoăn một điều là không biết Trang Hạ viết lách ra những gì và ai đọc cô ta? Một nhà văn không biết đến lịch sử dân tộc và những giá trị nhân bản thì viết văn làm sao đây?

Sau Trang Hạ, sự xuất hiện của những Đàm Vĩnh Hưng, Kiều Anh, tốp nam hát bài Tiến lên chiến sĩ đồng bào ... và cả người không yêu thích âm nhạc như một bác sĩ ở tp Hồ Chí Minh tên là Tăng Hà Nam Anh... sẽ chỉ như một sự tiếp nối hợp lý của ý tưởng xuyên suốt có tính chỉ đạo của những người thực hiện chương trình là: càng giật gân càng tốt và đó mới là cái để thu hút khách xem. Thật ra việc tạo dấu ấn ngay từ lần xuất hiện đầu tiên chính là nguyên tắc của văn học nghệ thuật nói chung nhưng nếu các nhà tổ chức thật sự lương thiện, nhân văn và có tay nghề cao thì sẽ tạo dấu ấn bằng những thủ pháp nghệ thuật hơn chứ không phải bằng cách làm thiếu chuyên nghiệp như thế này. Và tất nhiên là, như một hệ quả hợp lý, sau khi xem xong số đầu tiên rất nhiều người đã phản ứng tiêu cực với những gì đã được xem thì cũng là điều dễ hiểu. Bản thân tôi khi nghe xong Trang Hạ phát biểu tôi cũng tắt tivi luôn. Chỉ sau đó gần 1 tháng mới xem lại qua video trên đây.

2 - SỐ PHÁT SÓNG THỨ HAI CỦA "GIAI ĐIỆU TỰ HÀO"


Số thứ hai của chương trình diễn ra vào tối hôm qua có tên là “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”, lấy ý tưởng từ mơ ước hoà bình trong cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Đây chắc chắn là ý tưởng của người viết kịch bản cho chương trình là Phan Huyền Thư. Nhưng nếu xem hết chương trình tối qua thì thấy cái đầu đề này chả ăn nhập gì với nội dung đã chuyển tải cả bởi vì với cách tư duy ấy thì có thể lấy bất cứ tựa đề nào, chẳng hạn như có thể lấy tiếng reo “Đêm qua tôi có một giấc mơ” của ông Obama trong đêm trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 của ông ta hoặc bất kỳ một tập hợp chữ nghĩa nào kỳ bí và hào nhoáng đều được cả, miễn là người xem không thể hiểu ngay ra nó là cái gì. Điều này, sự hào nhoáng, diêm dúa và thậm chí là kỳ vĩ luôn là đặc điểm lớn nhất của Phan Huyền Thư nhưng hỡi ôi, nó bao giờ cũng hàm chứa sự trống rỗng như chính Thư đã rất nhiều lần cho thấy như vậy. Chả có điều gì đọng lại sau màn sương khói che mắt người xem suốt chương trình. Thật ra điều này cũng không có gì lạ vì Thư đã thể hiện đặc điểm đó rất nhiều lần, ở rất nhiều nơi, như khi dẫn chương trình “Con đường âm nhạc” trên VTV3 trong đêm nhạc về nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn, hoặc khi làm giám khảo cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2 năm trước. Thư luôn nói rất nhiều điều màu mè về văn học nghệ thuật bất cứ lúc nào có cơ hội nói cứ như chị đang làm thơ mọi lúc mọi nơi nhưng thật ra chả có tý nội dung hay ho gì sất. Sự màu mè và trống rỗng này còn được phủ bóng xuống suốt số đầu tiên của “Giai điệu tự hào” phát sóng cuối tháng trước và kết quả là đã hứng chịu biết bao nhiêu phàn nàn của các thành viên trên cả 2 trang NCM & BCDCNT của chúng ta.

Những bài hát trong chương trình “Đêm qua tôi mơ…” đều là những bài hát nổi tiếng: Hà Nội niềm tin và hy vọng (Mỹ Linh thể hiện), Mùa xuân đầu tiên (Hồng Nhung thể hiện), Đất nước trọn niềm vui (Đăng Dương & Thái Châu the voice thể hiện), Tàu anh qua núi (Thu Minh hát), Đêm nay anh ở đâu (Lan Anh hát), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Thái Thùy Linh hát), Lá đỏ (Tạ Quang Thắng hát). Có thể nói các ca sĩ trẻ chưa theo kịp bậc tiền bối đi trước vì hát uể oải hơn nhiều và không chuyển tải được tinh thần của bài hát. Duy chỉ có bài Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) do Hồng Nhung thể hiện là mang lại màu sắc mới đáng suy nghĩ. Nghe Hồng Nhung hát tôi mới hiểu tại sao tôi không thích tất cả những bản thu trước đây của các ca sĩ cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên khi thể hiện tác phẩm này của Văn Cao. Khác với sự hân hoan có phần thái quá đến mức nhí nhảnh của các ca sĩ khác, Hồng Nhung thể hiện bài này rất sâu lắng, chậm rãi, đầy chất suy tư làm bài hát bật ra màu sắc mới: những suy tư trăn trở về thế thái nhân tình của một con mắt lọc lõi là nhạc sĩ Văn Cao và xa hơn là triết lý và nhân sinh quan của ông hơi khác với những cái mà trước nay người ta vẫn nói về cuộc đời và các cuộc cách mạng. Kết quả là bài hát này được giới trẻ bình chọn với tỷ lệ cao hơn lớp già và cả hai tỷ lệ đều cao; 97% của lớp trẻ và 96% của lớp già. Điều đó cho thấy bài hát mang ra trình diễn phụ thuộc rất nhiều vào người thể hiện trên sân khấu và lớp trẻ vẫn nhận biết được giá trị thật của tác phẩm văn nghệ miễn là phải có người nói cho họ biết.

Mỹ Linh mặc dù rất cố gắng nhưng bài Hà Nội niềm tin và hy vọng dường như không phải dành cho cô. Nó quá hoành tráng và đóng đinh với tên tuổi NSND Trần Khánh nên là sự thách thức không thể vượt qua. Còn lại, những Lan Anh, Thu Minh, Thái Thùy Linh, Tạ Quang Thắng… đều chưa làm hài lòng người nghe và vẫn có khoảng cách xa với người đi trước.

Tóm lại, đây là một trò chơi âm nhạc có bình chọn và có giải thưởng, sẽ kéo dài suốt năm và trong nhiều năm nữa. Nhưng do có sử dụng những bài ca đi cùng năm tháng, lại có sự xuất hiện của những người của một thời khói lửa đạn bom, như nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Hữu Thọ, GS – NSND Trung Kiên, GS Văn Như Cương, GS – bác sĩ – Nhà giáo Nhân dân Trần Quán Anh, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh, nhạc sĩ – nhà báo Nguyễn Thụy Kha, diễn viên điện ảnh – NSUT Minh Châu, nhà văn Trần Thị Trường..., nên bất luận thế nào tôi cũng cho rằng chương trình là có ích. Nó sẽ giúp người ta nhớ lại những bài hát hay nhất của nền ca khúc cách mạng Việt Nam, để từ đó mà nhìn vào thực trạng và vực dậy tình hình âm nhạc èo uột hiện nay. Chỉ ước sao chương trình có người viết kịch bản và đạo diễn thông kim bác cổ hơn thì chắc chắn kết quả sẽ còn tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, điều "hữu ích" cuối cùng này dường như chỉ là "tác dụng phụ" và chưa được những người thực hiện chương trình tính tới thì phải?

3 - SỐ PHÁT SÓNG THỨ BA CỦA "GIAI ĐIỆU TỰ HÀO"


Trình tự bài hát được trình diễn trong số phát sóng này như sau:

1- Tình ca tuổi trẻ (Tôn Thất Lập) do hai thế hệ ca sĩ trẻ & già trình bày.
2- Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc) do Đồng Lan trình bày.
3- Một rừng cây một đời người (Trần Long Ẩn) do Thanh Lam, nhóm Phương Bắc & dàn nhạc dây thể hiện.
4- Liên khúc: Tạm biệt chim én (Trần Tiến) do Tùng Dương & Trần Tiến trình bày. Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến) do Tùng Dương thể hiện.
5- Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng) do Uyên Linh trình bày.
6- Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn) do Cẩm Vân thể hiện.

So với hai số phát sóng trước, số này đã có nhiều tiến bộ hơn trên nhiều phương diện. Các bài hát được trình diễn nhìn chung cẩn thận hơn, bớt đi những màn múa minh họa không ăn nhập với nội dung, còn phần bình luận cũng không còn những hạt sạn to tướng như ở 2 số phát sóng trước. Có được điều đó chứng tỏ BTC đã quan tâm tới ý kiến góp ý của khán thính giả từ khắp cả nước bày tỏ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó suy nghĩ và tìm ra lối đi khả dĩ hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Xin phép được chỉ ra như sau:

1) Về chủ đề của số phát sóng:

Với chủ đề "Rừng cây, đời người", người xem vẫn chưa rõ BTC định diễn tả điều gì trong tháng 3 là tháng có ngày kỷ niệm lớn: ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26/3? Dường như ý tưởng chủ đạo của chùm ca khúc kể trên hãy còn quá mờ nhạt để có thể nhận biết rõ ràng và dứt khoát nội dung mà nó ca ngợi và nhất là nội dung ấy lại cũng chả mấy tiệp với tên của chủ đề "Rừng cây, đời người" cho lắm? Tất nhiên, nếu cứ dò dẫm và suy diễn thì cũng có thể hiểu được rằng chùm ca khúc đó là nói về tuổi trẻ, nói về thanh niên, và rằng các thanh niên hãy cố gắng cống hiến, chớ có so bì này nọ vì các lớp cha anh đi trước đã cống hiến rất nhiều xương máu để có ngày hôm nay nên các bạn chớ có quên lịch sử nhé!

Thế nhưng chả nhẽ khi thưởng thức nghệ thuật lại cứ phải suy diễn vì dù sao đây là chương trình Giai điệu tự hào nên không thể không có chủ đề một cách rõ nét? Thế còn tuổi trẻ trong xây dựng đất nước thì sao? Ngay bây giờ, tại đây tôi cũng có thể liệt kê ra hàng chục ca khúc ca ngợi tuổi trẻ và tình yêu trong sáng của họ trên mặt trận xây dựng đất nước. Này đây là Tuổi 20 đi xây thành phố tương lai (Lê Lôi), Tuổi xanh Mộc Châu (Hoàng Tạo), Tình yêu thảo nguyên (Cát Vận), Muôn nẻo đường quê hương (Phó Đức Phương), Gửi em cô gái Gò Công (Lê Lôi), 20 mùa nắng lạ (Trịnh Công Sơn). Này đây là Thành phố và tuổi xuân (Tân Huyền), Trên thảo nguyên Mộc Châu (Phạm Tuyên), Tâm tình với người thợ xây (Vũ Ân Khoa), Đàn sáo Hậu Giang (Trần Long Ẩn), Con kênh ta đào (Phạm Tuyên).... Nhiều, nhiều lắm. Những bài hát mà chỉ mới nghe tên đã thấy văng vẳng giai điệu rưng rưng lạ lùng!

2) Về các bài hát:

- Chính vì tính chủ đề chưa rõ nét như đã nói ở trên nên các bài hát được chọn trong số phát sóng này chưa phải là đặc sắc nhất, chưa phải đặc trưng nhất cho giai đoạn lịch sử cũng như chủ đề mong muốn đề cập. Đặc biệt bài hát Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến) cùng với phần nghệ thuật sắp đặt của nhà điêu khắc (nghề chính của anh chứ không phải là họa sĩ như giới thiệu) Đinh Công Đạt đã gây tranh cãi về tính thẩm mỹ sân khấu thì lại càng xa rời chủ đề của tháng 3 này.

- Các ca sĩ luôn luôn là nhân tố chủ chốt trong chương trình này nhưng thật tiếc là họ vẫn chưa làm thỏa mãn người xem. Ngoài ca sĩ Cẩm Vân vẫn giữ giọng hát rất tốt và bản lĩnh sân khấu đáng nể trong Bài ca không quên, Tùng Dương khá thành công với Vết chân tròn trên cát và 3 ca sĩ thế hệ trước Thúy Hà, Hương Giang, Hồng Liên vẫn còn nét duyên mặn mà với sân khấu trong Tình ca tuổi trẻ thì còn lại đều hát khá yếu ớt, thần sắc nhợt nhạt. Ngoài nhược điểm không chuyển tải được thần thái bài hát, họ còn hát lơi nhịp, lên bổng xuống trầm nhiều chỗ không theo nguyên bản của tác giả. Không biết điều này có phải là do sự chỉ đạo của giám đốc âm nhạc Quốc Trung hay không mà sai sót có tính hệ thống như vậy?

Chỉ biết rằng ngoài chúng tôi là những người nghe bài ca đi cùng năm tháng hàng ngày nên dễ dàng nhận ra những sai sót đó, thì trong trường quay còn rất nhiều khán giả khác cũng hết sức tinh thông âm nhạc. Đó là một bậc thầy dạy nhạc lý và lý luận kiêm chỉ huy của Nhạc viện mà NSND Thanh Hoa đã phải quay lại bắt tay với lời chào hỏi lễ phép. Đó còn là nhiều diễn viên ở các đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương, quân khu, quân đoàn đã về hưu đến theo dõi xem những giai điệu tự hào của họ được chuyển tải ra sao? Mấy giai điệu quen thuộc như 7 bài hát trên đây là quá dễ dàng nhận biết với những khán giả như vậy. Qua mặt họ làm sao được?

3) Về những bình luận:

Nhiều người đã khen phần bình luận lần này bớt đi những hạt sạn to tướng. Thậm chí còn khen vài bình luận viên trẻ là nói năng gãy gọn, khúc triết và sâu sắc nữa. Nhưng với tư cách là người chứng kiến toàn bộ phiên ghi hình ngay tại trường quay thì tôi có thể nói chúng ta nên dành những lời khen đó tặng cho các chuyên gia công nghệ thông tin của BTC đã giỏi "kỹ thuật dao kéo" thì đúng hơn. Hầu hết những đoạn gay cấn, gai góc và tràng giang đại hải trong bình luận đã được cắt xén để cho ra một phần nhỏ của bình luận nom tròn trặn và đẹp mắt. Trên thực tế thì:

- Vẫn còn nhiều bình luận kỳ khôi lắm, điển hình nhất là của một anh bên hội đồng trẻ cho "phong trào TNXP là ngu dốt" mà ở đây đã đề cập vài lần.

- Hoa hậu Thu Thủy nói rất dài, cứ là tràng giang đại hải mà lắm khi chả biết cô nói cái gì. Hễ thấy cô cầm micro là khán giả sợ hãi co rúm người lại như chuẩn bị để chịu tra tấn. Mà cô thì lại rất thích cầm micro mới hãi chứ. Mấy câu cô nói trên TV được mọi người khen là "súc tích, cô đọng" chính là kết quả của sự cắt gọt đến 70 - 80% rồi mới được thế đó.

- Nhiều bạn trẻ bình luận chả ăn nhập gì với nội dung cần thảo luận. Tuy duy cứ phiêu bạt đi tận đâu đâu.

- Thiếu sót lớn nhất cho đến số phát sóng này vẫn chưa được khắc phục, đó là bình luận không đi thẳng vào bài hát mà cứ lan man ra những cái râu ria bên cạnh bài hát. Nghĩa là chưa đi sâu vào cái hay cái đẹp của giai điệu, tính nhạc, gợi hình tượng và thẩm mỹ của âm thanh lẫn ca từ cùng bối cảnh ra đời của bài hát và những kỷ niệm của người nghe về bài hát. Và người nghe ngày hôm nay có cảm tưởng đẹp đẽ nào về bài hát được nghe? Đó mới là cái làm cho những giai điệu đó trở nên niềm tự hào của mỗi người trong chúng ta.

Tất nhiên để nói được những điều đó đòi hỏi thành phần bình luận phải đổi khác chứ không thể giữ nguyên thành phần trí thức thành thị phần lớn sinh sau 1975 ít chịu tìm hiểu lịch sử cha ông mà thường quan tâm thứ âm nhạc thời thượng của cả ta lẫn tây như một sự sành điệu, một thứ mốt và luôn cho rằng chỉ có họ mới là đúng, mới là trung tâm đất nước, còn bất cứ vị bô lão nào cũng đều cố lỗ sĩ và lạc hậu hết. Thật là suy nghĩ sai lầm. Chính những bạn thanh niên có suy nghĩ đó mới thực sự là những người cổ hủ, cũ kỹ và già cỗi trong tư duy khi thân thể còn chưa già. Thật là một thực trạng đáng buồn. Mong BTC suy nghĩ và khắc phục những hạn chế kể trên trong những số tới.

© BQT (Baicadicungnamthang.net)

Bài liên quan

VTV 7887153125438051104

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item