Những hạt sạn trong chương trình "giai điệu tự hào"

T ự nhận mình là "ông lão lẩm cẩm, ngại nơi tấp nập, ồn ào", "gã du ca" của nền âm nhạc Việt Nam – nhạc sĩ Trần Tiến chầ...

Tự nhận mình là "ông lão lẩm cẩm, ngại nơi tấp nập, ồn ào", "gã du ca" của nền âm nhạc Việt Nam – nhạc sĩ Trần Tiến chần chừ mãi mới nhận lời tham gia vào hội đồng bình luận của Giai điệu tự hào. Ông bảo: “Mình thích chương trình nhưng tuổi đã cao, sức lại yếu, 7 tiếng di chuyển từ Vũng Tàu về Hà Nội, 10 giờ đồng hồ làm việc ngoài trường quay, sợ cơ thể biểu tình”. Ấy vậy mà ông lại là người nhiệt tình nhất, năng nổ nhất trong ngày ghi hình hôm ấy. Nhưng hình như “cơ thể ông biểu tình” thật nên ông xui các bạn trẻ hãy vứt bỏ hết cái quá khứ đi! Cái quá khứ vinh quang mà đồng đội của ông đã hy sinh sương máu để có ngày hôm nay. Cái quá khứ mà chính ông và đồng nghiệp của ông đã vì nó mà bằng trái tim nóng và trí tuệ để sáng tác ra những ca khúc để đời !!! Cũng may mà có vị nữ tiến sĩ thông tuệ và trách nhiệm đã phản biện lại. Nếu không giới trẻ hâm mộ ông mà nghe ông thì lạc hướng mất!

* Các bạn ăn nếm món cơm độn ngô đừng sợ và cũng đừng bực khi MC nói ngô bây giờ chỉ để cho súc vật ăn! Vì bây giờ không chỉ có ngô mà cả gạo cũng để cho gia súc ăn mà người cũng vẫn phải ăn đó thôi!!!



* Còn dưới đây là phản ánh của diễn đàn "Bài ca đi cùng năm tháng" với đạo diễn chương trình "Giai điệu tự hào" - Phan Huyền Như - nhân bài trả lời phỏng vấn "Tác giả kịch bản “Giai điệu tự hào” Phan Huyền Thư: Sẵn sàng đối mặt với dư luận trái chiều" của cô trên báo Giadinh.net.

DƯ LUẬN TRÁI CHIỀU LÀ GÌ?
Chúng tôi đã xem 2 số của chương trình “Giai điệu tự hào” (GĐTH) phát trên đài Truyền hình Việt Nam (VTV1). Chúng tôi đã phản ứng mạnh mẽ về cách làm phản cảm của đạo diễn chương trình khi: - cho đám trẻ phát biểu hỗn xược trước các bậc lão thành; - mời người không biết gì về âm nhạc “ngồi” vào hội đồng bình luận (trẻ)…

Chúng tôi đã thẳng thắn phát biểu về phương pháp thể hiện rất rẻ tiền trong phần nội dung: - múa minh họa lạc điệu (không ăn nhập với nội dung ca khúc); - dùng tốp chèo minh họa cho bài hát âm hưởng dân ca Quảng Bình; - cắt ngang phần trình bày ca khúc của nghệ sĩ nổi tiếng rồi chèn ca sĩ trẻ vào hát tiếp (thực ra là phá hỏng) ca khúc đó; - mời ca sĩ rẻ tiền (ĐVH, Thái Châu…) để hát (thực ra là phá nát) bài ca cách mạng v.v…

Chúng tôi đã công khai phê phán về những điều không thể chấp nhận được trên sóng truyền hình quốc gia như: - nhà văn phát ngôn bừa bãi; - thạc sĩ – bác sĩ mà ăn nói như kẻ vô học; - đám trẻ phát biểu làm mất mặt các bậc lão thành v.v…

Chúng tôi cũng đã chân thành góp ý để cải tiến chương trình cho đàng hoàng hơn: - loại bỏ khỏi hội đồng bình luận (trẻ) 2 nhân vật là nữ nhà văn Trang Hạ và bác sĩ – thạc sĩ Tăng Hà Nam Anh; - không cho ca sĩ thị trường tham gia chương trình nữa, thay vào đó là những ca sĩ được đào tạo bài bản; - những người bình luận trẻ được tự do nêu ý kiến nhưng phải biết cách nói năng cho lễ phép trước các bậc đáng tuổi ông, tuổi cha, tuổi bác của họ, chứ không phải nói năng kiểu cá mè một lứa như 2 nhân vật vô văn hóa trên. V.v…

Thưa đạo diễn Phan Huyền Thư.

Những ý kiến trên chúng tôi phát biểu công khai trên chính diễn đàn của mình. Chúng tôi nói thẳng vào vấn đề cần bàn, không vòng vo diễn giải, không có ngầm ý phức tạp, không nhờ người khác chuyển tải giùm. Như vậy là chúng tôi thẳng thắn và chân thành. Qua đó chúng tôi hy vọng nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà đài, phía những tác giả của chương trình, phía những người có tâm huyết với giai điệu tự hào, hòng qua đó, những số tiếp theo của chương trình GĐTH sẽ là những “tác phẩm” hay, đẹp, hài lòng khán - thính giả.

Nhưng tiếc thay, chúng tôi không hề nhận được gì ngoài mấy lời này của chính đạo diễn qua phần trả lời phỏng vấn được dẫn lại trên trang này. Qua đó, tôi thấy cần phải lên tiếng ngay, thay vì đợi xem xong phần 3 GĐTH như dự kiến. Tôi sẽ lần lượt đáp lời theo từng ý của đạo diễn.

1) "Sẵn sàng đối mặt với dư luận trái chiều". Ơ, thế ra những ý kiến phê bình, góp ý của chúng tôi trên kia được coi là “dư luận trái chiều” à? Vậy tôi xin phép hỏi lại đạo diễn, thế nào là “dư luận”, thế nào là “trái chiều”? Có phải đó là những ý kiến ngược lại với ý của đạo diễn? Tôi hiểu, rằng những gì được cho là “sai”, người ta mới nói nó “trái” (tay ấy trái lè ra còn cố cãi; vì nó trái nên người ta nói gì nó cũng phải im v.v…). Vậy những phản biện của chúng tôi trên kia bị “trái chiều” rồi, thì cũng có nghĩa là những cái gì VTV1 đã phát trong 2 số đầu của GĐTH là ĐÚNG (phải chiều), là HAY hết? Đạo diễn có dám khẳng định điều này không? Xin nói thêm, chúng tôi thảo luận công khai, chứ không âm thầm TẠO DƯ LUẬN, vậy đạo diễn coi những ý kiến trên kia của chúng tôi là “dư luận” (trái chiều) liệu có chuẩn không?

2) “Với riêng tôi, đây là một chương trình sẽ có nhiều cách thể hiện và gợi mở cho chúng ta những suy nghĩ và cơ hội đưa ra những cảm nhận cá nhân của mình một cách trực diện nhất, thậm chí là khác với luồng suy nghĩ thông thường của chính mỗi người sau một thời gian khá dài”. Sao, đạo diễn tự cho phép mình coi những ý kiến của chúng tôi là “luồng suy nghĩ thông thường” đấy à? Vậy tôi xin cô (từ đây trở xuống, cho phép tôi xưng hô như thế cho tiện, bởi cô kém tôi đến 17 tuổi) hãy cố gắng đọc cho hết những “luồng suy nghĩ thông thường” này trước khi phát sóng GĐTH 3 nhé.

3) “… Lâu nay chúng ta thưởng thức các ca khúc theo một thói quen và một phản xạ mờ nhạt”, “… mà không biết đằng sau mỗi bài hát là những thông điệp, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội như thế nào và những người đã sống cùng với bài hát đó qua một chặng đường đời của mình như thế nào”.

Thưa cô, từ rất lâu trước khi cô có GĐTH, chúng tôi đã có website baicadicungnamthang.net. Ở đó, chúng tôi, những người điều hành, sử dụng website cùng đông đảo các thành viên của mình vẫn hàng ngày hãnh diện nghe các ca khúc truyền thống cách mạng, rồi bình phẩm, khen chê, trao đổi học thuật, đồng thời tìm hiểu lịch sử đất nước qua từng bài ca, từng tác giả, từng giai điệu một. Việc làm ấy mà cô coi là “một thói quen và một phản xạ mờ nhạt” sao?

Có phải trong một thời gian khá dài (đến khoảng 2 thập kỷ), VTV hoàn toàn quay lưng với những bài ca cách mạng, chỉ chăm chút cho ca khúc thị trường, rồi tổ chức không biết bao nhiêu chương trình âm nhạc để tôn vinh những bài ca mà cho đến hôm nay, nó biến đi đâu hết rồi? Rồi qua đó, bốc thơm không biết là bao nhiêu các “ngôi sao ca nhạc”, bây giờ các ngôi sao ấy đâu rồi, có ai tự hào về họ, tự hào về những ca khúc mà chính họ cũng gọi là “ca khúc thị trường” ấy không? Vậy thì cái gì mới là “một thói quen và một phản xạ mờ nhạt”, thưa cô?

4) “Tâm lý của chúng tôi cũng khá đồng điệu với khán giả trẻ ở chỗ: “Không có cái gì được gọi là đỉnh cao mãi mãi”. Cô ơi, theo cô thì đã có ai đánh đổ được (đỉnh cao) “Thuyết tương đối” của Albert Einstein chưa, cái “đỉnh cao” ấy nó tồn tại quá lâu, hơn 100 năm rồi đấy (1905 với Thuyết tương đối hẹp, và 1916 với Thuyết tương đối rộng)? Theo cô thì đến bao giờ cái thuyết này không còn ở đỉnh cao nữa? Cô ơi, theo cô thì Truyện Kiều (Nguyễn Du) chiếm đỉnh cao trong văn học nước nhà gần 200 năm rồi, sắp bị “rơi” khỏi đỉnh cao à?

Cô nghĩ sao về lời đáp trả tuyệt vời của MC Hồng Thanh Quang với cô nhà báo trẻ Nguyễn Quỳnh Hương (khi cô này phê phán bài ca “Đi học” một cách… chẳng xứng tầm nhà báo một tí nào): “Vâng, cứ theo lý luận của nhà báo Quỳnh Hương thì có lẽ chúng ta phải oán thán nhiều hơn nữa vì cứ phải đọc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền viết từ mấy trăm năm nay rồi, quá "cũ kỹ" và "cổ lỗ" vì không có ai chịu viết ra Truyện Kiều mới cho chúng ta đọc nữa…”?

Cô ơi, các bạn trẻ (trong đó có cô) muốn chiếm được đỉnh cao (về âm nhạc) từ những “đỉnh cao” đang tồn tại (các ca khúc cách mạng và những tác giả, những ca sĩ gạo cội đã thể hiện ca khúc ấy thời xưa), thì họ phải có những tác phẩm để đời vượt trội so với các tác phẩm mà cô đang giới thiệu trong GĐTH một cách tâm phục khẩu phục, phải thuyết phục được những đôi tai công chúng rất tinh anh bằng trình độ, bằng tài năng, bằng tâm huyết, chứ không phải bằng cách rẻ tiền là cho ca sĩ thị trường hát bôi bác rồi bảo rằng bài hát dở ẹt, không ai muốn nghe nữa (như ĐVH hát “Cô thợ hàn”).

5) “… chúng tôi cũng sẽ không để lỡ những phản ứng quyết liệt hơn, gây không khí hơn của các vị khách mời bình luận, thậm chí họ có thể bất đồng quan điểm và bỏ về ngay khi đang thực hiện chương trình… Tôi thích những hành vi mang tính thái độ, nó sẽ mạnh mẽ hơn cả ngôn từ”. Có lẽ cô phát biểu hơi chủ quan đấy. Tôi nghĩ, nếu có ai đó bỏ về giữa chừng, thì chỉ có thể là các bậc lão thành. Nhưng không phải vì họ phản ứng với chương trình, mà họ bực mình vì đám trẻ hỗn láo, cô ạ. Họ bỏ về vì sự hỗn láo vô giáo dục (như Trang Hạ và Tăng Hà Nam Anh) của đám trẻ, chứ không phải vì bất đồng chính kiến. Cái khác nhau là ở đấy, thưa cô.

Thôi, để kết thúc bài viết đã khá dài này, tôi xin nhắc lại câu hỏi rằng “GĐTH muốn nói gì?”.

Bài liên quan

VTV 7810931120489193975

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item