Chuyện chưa hề cũ: Kết án những nhà xuất bản vô lương

T rong bài trước , tôi đã kịch liệt công kích những hạng văn sĩ dùng văn chương khiêu dâm để gieo tai giắc hại trong đám thanh niên nam nữ t...

Trong bài trước, tôi đã kịch liệt công kích những hạng văn sĩ dùng văn chương khiêu dâm để gieo tai giắc hại trong đám thanh niên nam nữ thơ ngây. Tôi đã lột mặt nạ họ và hô một khẩu hiệu: trục xuất họ ra khỏi làng văn, làng báo.

Nhưng hạng văn sĩ đó phần nhiều chỉ biết cầm cán bút tán dương những điều nhơ bẩn chứ không đủ vật lực để xuất bản được những mớ giấy lộn mà họ gọi một cách văn vẻ là tác phẩm họ.

Họ đi tìm những người khác dư lực hơn nhưng óc lại tối tăm hơn, đê hèn hơn: những nhà xuất bản vô lương!


Lê Kiều Như và "dâm thư" Sợi xích

Những người này gặp được họ, coi như là một vinh hạnh lớn. Đọc những câu sáo lảm nhảm, nghe những giọng văn “son trẻ tài hoa”, chúng lấy làm sung sướng như đã gặp được một nhân tài chân chính. Rồi bị bọn văn sĩ nửa mùa biết đích chỗ yếu của mình, tán dương và phỉnh phờ một cách rẻ tiền, những nhà xuất bản đó vui lòng cho đem in những sách dâm bôn.

Thói thường, một người ngu ngốc bao giờ cũng được một người ngu ngốc hơn ca tụng, như lời một ngạn ngữ Pháp, nên hai hạng người đó một khi đã gặp nhau, rất lấy làm tương đắc!

Các bạn đừng tưởng họ không hiểu nhau mà cộng sự với nhau một cách mù quáng. Những văn sĩ khiêu dâm thì tự cho mình có một trách nhiệm thiêng liêng: đem văn chương làm món quà giải trí, bồi bổ tinh thần những người đọc và tôn thờ nghệ thuật tả chân để làm việc cho nền văn hóa nước nhà! Ôi, khôi hài mai mỉa!

Những nhà xuất bản vô lương – phần nhiều chỉ đọc thông quốc ngữ và quá lắm thì bập bẹ một vài tiếng Pháp – cũng tự cho mình như những người có chức trách phải khuyến khích con nhà văn nhà báo. Ngoài ý nghĩ đó, họ lại mắc một thông bệnh của những người “túi nặng, óc rỗng”: bệnh háo danh!

Đối với họ còn gì sung sướng bằng thấy tên mình được nhiều người biết tới, được đề dưới những cuốn sách đẹp đẽ và xinh xắn. Thật là vẻ vang có một, khi dưới tên họ trong tấm danh thiếp được chua thêm những chữ: giám đốc nhà xuất bản Z hoặc chủ nhiệm tùng thư X!

Chẳng những háo danh, họ lại có óc trục lợi đằng khác nữa. Thấy một số thanh niên nam nữ óc còn thơ ngây nhưng chứa đầu những ham muốn cặn bã, dơ bẩn và tội lỗi, họ liền nghĩ ra “phương pháp khai khẩn” chúng một cách đê hèn.

Thấy các báo khiêu dâm ở ngoài mang vào như Sex Appreal, Paris Magazin, Lire à deux và một số đông cùng loại đáo bán rất chạy, họ liền tìm tới các ông văn sĩ đốn mạt. Họ đặt trước những cuốn truyện tình hạ cấp mục đích chỉ để đánh vào chỗ yếu của phần đông người đọc để trục lợi như những nhà “truy hoan” ở chốn yên hoa mở ra chỉ cốt để thỏa mãn những sự kêu gào của xác thịt!

Còn gì nguy hiểm bằng: những văn sĩ tâm hồn ốm yếu và hèn mạt chỉ chuyên tả những cái hôi thối dơ bẩn, lại gặp được những con buôn vụ lợi óc tối đen, lương tâm chết, chỉ biết đuổi theo con bò vàng mà ôm mộng tưởng ô tô, nhà lầu!

Còn gì tai hại bằng: họ hùa nhau vì hư danh, vì tiền tài mà tung hoành trong làng văn, luôn luôn cho xuất bản những sách mà mỗi cuốn là một pho tự điển về tội ác, mỗi trang là một bản hồ sơ về trụy lạc và mỗi giòng mỗi chữ là một liều thuốc độc để đưa các thanh niên nam nữ sa ngã vào cõi diệt vong!

***
Nghề xuất bản trong tay hạng con buôn vô lương, dốt nát, ngu xuẩn và đần độn ấy đã mất cả tính cách thiêng liêng của nó. Ở các nước van minh, nó có một thế lực phi thường, nó được chỉ huy dưới tay những người tài cao học rộng. Nó được những người đầy kinh nghiệm nâng cao trình độ nó, săn sóc nó một cách thông minh. Nó dìu dắt dư luận và đi đôi với nghề cầm bút, dự một phần quan trọng trong việc khai hóa dân chúng.

Ở đây nghề xuất bản và lõi in hoạt bản mới xuất hiện trong ít lâu nay.
Hiện thời trừ một số rất ít người có học, có kinh nghiệm đang phụng sự nó một cách đúng đắn và có quy củ, còn thì nó bị coi rẻ rúng, tầm thường như những nghề đốn mạt khác.

Thấy số ít người đường hoàng sống về nghề xuất bản, một lũ người vô lương khác cũng lăn lưng vào nghề đó để hòng trục lợi.
Lũ người ấy trước khi vào nghề đã có một ý định đê hèn, thì nghề xuất bản tránh sao khỏi không bị quấy hôi bôi nhọ.
Họ ly dị cái nghề cũ đã nuôi sống họ, họ mon men kiếm chác bằng nghề bán chữ buôn văn.
Họ ngu si không hiểu rằng chỉ có người hèn chứ không có nghề hèn. Nghề nào cũng đáng kính miễn là ngay thẳng và chân thật. Đang sống ung dung trong các nghề lương thiện, đang làm một nghề hợp với chí hướng mình, họ lại bước sang nghề xuất bản một nghề quá tài hèn của họ, quá sức “thông minh” của họ! Họ không thấy họ đã lạc đường.

Bị mãnh lực kim tiền làm mù quáng, bị lòng ham muốn một thứ danh vọng viển vông xui giục, họ thẳng tiến trên con đường dài tắp xa lạ đầy những cạm bẫy có thể chôn vùi họ xuống bùn nhơ!

Đã manh tâm trục lợi, những nhà xuất bản đó có nề hà gì mà không dùng hết mánh khóe để dầy đạp các bạn đồng nghiệp, để lật nhào những người xứng đáng với nghề, hòng cướp lấy một địa vị quan trọng.

Nghề xuất bản trong tay hạng người đáo không còn phải là một nghề cao quý nữa. Nó là một nơi tụ họp của một giống sài lang, nó là một trường lớn đào tạo nên các thứ tội lỗi, các thứ xấu xa đê hèn, các thứ mánh lới xảo quyệt tai hại cho xã hội.

Thấy một cuốn sách ra đời được hoan nghênh, họ tìm hết cách bài xích, nào đặt tên một cuốn khác của mình xuất bản với một cái tên na ná giống để hòng đánh lừa độc giả, nào thuê tiền một vài văn sĩ vô lương tâm viết những bài phê bình bịa đặt để hòng giảm giá trị cuốn sách đó.

Mỗi khi cho ra một cuốn nào, họ hết sức quảng cáo gian trá trên các báo để đánh lừa độc giả. Nhiều khi họ dám cả gan khoe khoang rằng tác giả cuốn sách đó chưa hề được tới trường học tập. Họ khinh mạn không những dư luận mà cả tới pháp luật vì họ đã công nhiên ca tụng sự dốt nát, vô học kia! Nếu có ai kịch liệt công kích một cách vô tư những sách tai hại của họ thì họ lại dùng tới không phải quản bút mà là võ lực để đối phó dã man với nhà phê bình. Kể những mưu cơ gian trá xảo quyệt của họ có thể viết thành một cuốn sách lớn.

***
Thật, những hạng xuất bản nguy hiểm đó đang hợp lực với những ngòi bút suy đốn mà tung hoành làm loạn trong làng văn! Họ đang dìu dắt nghề văn đi tới sự khinh bỉ và ghê tởm.

Cho ra những sách dâm ô, họ đã công nhiên chịu những tội lỗi lớn lao trong những công việc ti tiện của họ. Họ tự nhận làm tày sai cho những tụi “ma cô” mà làm cái việc môi giới giữa làng chơi với gái đĩ!

Tâm hồn họ là tâm hồn những bọn giặc cướp giết người không hối hận, không ghê tởm, tâm hồn của những người không lùi bước trước ột cái gì ô uế và chỉ biết nô lệ cho đồng tiền.

Ăn chương, tư tưởng và nghệ thuật là một chuyện thừa đối với họ.
Đồng phạm trong vụ đầu độc đồng bào bằng truyện dâm, sách nhảm, tội trạng họ cũng lớn lao như những tội trạng của tụi văn sĩ khiêu dâm!

Lũ quỷ tinh khôn đó đang tác oai tác quái trong xã hội ta hiện thời, đáng phải chịu những hình phạt rất nặng. Phải “kiềm tỏa” chúng một cách ráo riết, chặt chẽ, gắt gao, coi chúng như những thú dữ ở các vườn bách thảo.
-----------
Bài viết "Kết án những nhà xuất bản vô lương - đồng phạm trong vụ đầu độc thanh niên bằng sách nhảm"
© Phạm Mạnh Phan
Tạp chí Tri Tân, số 5 (01/07/1941) 
----------
* Lều báo: Thay các nhà xuất bản bằng các tòa soạn báo, văn sĩ thành nhà văn - nhà báo thì sẽ thấy bức tranh của hơn 80 năm về trước nay đang hiện hữu trong xã hội ngày nay.

Bài liên quan

Truyền thông 1887852434669017189

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item