Thuyền trưởng HQ16 bẻ gãy các lời chỉ trích của "đồng đội"

Sau khi bài viết "Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa" của thuyền trưởng HQ16, trung tá HQVNCH Lê Văn Thự, được đăng tải trên báo mạng Calitoday.com, ông đã nhận được rất nhiều phản ứng, chỉ trích, chửi bới,... của những người "đồng đội" năm nào. Đương nhiên! Nếu các bạn đã xem - đọc - nghe - chứng kiến những gì mà các vị "quân nhục VNCH" trên đất Mỹ "trình diễn" 40 năm nay thì điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Bài viết của ông Thự chẳng khác gì xô nước lạnh hắt vào mặt một đám người đang trong cơn phấn khích tự sướng bằng một thứ ảo giác vinh quang. Ông Thự sau đó có viết một bài phản hồi, được Calitoday đăng lại và đó là câu trả lời cuối cùng của ông về vấn đề này cho đến tận bây giờ. Mặc dù vậy suốt 10 năm qua, chẳng thấy có "anh hùng" nào có khả năng phản bác lại những lý lẽ của ông. Trái lại, những kẻ ăn hại năm xưa cùng đồng bọn ngu dại và hung hãn vẫn trơ trẽn ra rả về "chiến tích" tưởng tượng theo những "tiểu thuyết lịch sử" đã bị ông Thự bóc mẽ, hòng "cả vú lấp miệng sự thật". Đáng lo ngại là sự trơ trẽn, lố bịch đó sau mấy chục năm diễn hề nơi đất khách, những năm gần đây đã mon men mò về, leo lên những trang báo "danh giá" trong nước như một "món lạ", hòng "dát vàng" cho một "đống phân 40 năm tuổi". Mời các bạn xem bài phản bác của ông Thự đối với những chỉ trích ngay dưới đây.
HQ-16 được đón tiếp tại Sài Gòn


Lời tòa soạn: Trong thời gian qua, calitoday.com có đăng bài "Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa" của ông Lê văn Thự. Nhiều ý kiến đã tham gia bàn luận, đồng ý cũng có và phản đối cũng có. Nay, Cali Today vưà nhận được bài trả lời của ông Lê văn Thự. Xin trân trọng giới thiệu với qúy độc giả trong nỗ lực tìm kiếm sự thật cho lịch sử VN.

⎈⎈⎈

Calitoday, 1/6/04
Lê Văn Thự

Kính qúi độc giả,
Sau khi bài viết "Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa" của tôi được đưa lên website Calitoday, nhiều độc giả góp ý trên mạng này, trong đó đồng ý cũng có mà chỉ trích cũng có. Tôi nghĩ đó là chuyện thường tình, nhưng tôi cũng xin phép được trả lời một vài độc giả đã buộc tội tôi, trong số này có cựu Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn là người trong cuộc - ông Toàn có mặt trên HQ5 là chiến hạm đã dự trận Hoàng Sa - và ông Hoàng văn Tâm mà tôi chắc cũng là một cựu HQ tuy ông không nói ra.
Những ý kiến của hai ông này nếu tôi không trả lời thì có thể gây ảnh hưởng sai lạc hay tạo nghi vấn nơi độc giả khi đọc bài viết cuả tôi. Trước khi trả lời thẳng vào những điểm ông Toàn và ông Tâm chỉ trích tôi, tôi xin nói rộng ra một chút về những gì liên quan đến trận chiến Hoàng Sa để quí độc giả hiểu rõ vấn đề hơn.
Giọng điệu của các vị này thật là quen thuộc!
 1. Trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra cách đây 30 năm ở giữa biển khơi nên không ai có thể biết để kiểm chứng những gì tôi hay các người khác có dự trận hải chiến Hoàng Sa viết ra, ngoại trừ những người trong cuộc. Nhưng những người trong cuộc một số hoặc vì không đủ điều kiện hoặc vì ngại ngùng không muốn lên tiếng để nói lên sự thật, một số khác thì vì lý do này hay lý do khác lại muốn che dấu sự thật bằng cách nói khác đi, do đó nếu độc giả chỉ đọc một vài ý kiến nêu lên trong mục góp ý của mạng này thì khó mà biết đâu là sự thật.

Muốn biết rõ về trận hải chiến Hoàng Sa phải tìm đọc tất cả các bài viết liên hệ rồi phân tích, so sánh
mới may ra thấy được đâu là sự thật. Chưa kể là phải sưu tầm thêm tài liệu của Bộ Tư Lệnh Hải Quân VN Cộng Hòa (BTL/HQ/VNCH) cũng như từ phía Trung Cộng có liên quan đến trận hải chiến Hoàng Sa. Công việc này đòi hỏi chuyên môn và chỉ dành cho những nhà nghiên cứu.

Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 tôi nghĩ là một thất bại trước mắt mọi người trong nước lúc đó (trong cũng như ngoài Hải Quân) vì đã không giữ được đảo Hoàng Sa, chứ không phải là một chiến thắng như một số người trong Hải Quân đang huênh hoan lúc này ở hải ngoại. Dân chúng Miền Nam thì rộng lượng chấp nhận thất bại vì cho rằng VN Cộng Hòa qúa yếu so vơí Trung Quốc nên dư luận qua báo chí thời đó không hề chỉ trích hay lên án Hải Quân VN đã để mất Hoàng Sa, còn trong nội bộ Hải Quân tôi đoán đa số cảm thấy không có gì để hãnh diện, không thỏa mãn và nghi ngờ tinh thần chiến đấu của các cấp chỉ huy trong trận chiến Hoàng Sa mặc dầu họ không biết sự thật như thế nào.

2. Tôi xin trích đoạn từ bài viết "Tường Thuật Trận Hải Chiến Hoàng Sa" của Đại Tá Hà văn Ngạc (page 21 of 33) để quí độc giả thấy phản ứng của vị Tư Lệnh Hải Quân VNCH đối với cấp chỉ huy trận chiến Hoàng Sa.
Đại Tá Ngạc viết: "Vào khoảng 01:00 giờ trưa (ngày 19/1/74), hai chiến hạm HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý, trời nắng và quang đãng. Tư Lệnh HQ đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm trở lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần, tôi nhận được giọng nói của Đô Đốc. Lệnh được thi hành nghiêm chỉnh ngay tức khắc. Sau khi liên lạc vô tuyến siêu tần số được điều hòa trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của hai chiến hạm được chuyển đầy đủ. Trên Tuần Dương Hạm HQ5 tôi cũng được thông báo về Tuần Dương Hạm HQ16 được Tuần Dương Hạm HQ6 tới hộ tống về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẳng.
Đến khoảng 2:30 chiều , khi cả hai chiến hạm đang trở về Hoàng Sa, quá ngang Hòn Tri Tôn, nghĩa là cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành nữa (tức là cách Hoàng Sa chừng 22 hải lý nếu chạy với vận tốc 15 hải lý/giờ:ghi chú của người viết) thì hai chiến hạm được phản lệnh trở về Đà Nẳng."
Tại sao Tư Lệnh Hải Quân(TLHQ) đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm HQ4 và HQ5 quay trở lại Hoàng Sa?

Tôi đoán là TLHQ sau khi nghe Đại Tá Ngạc báo cáo có phản lực cơ và chiến hạm trang bị hỏa tiễn của Trung Cộng xuất hiện để có lý do rút lui, đã không tin những gì Đại Tá Ngạc báo cáo nên mơí bắt Đại Tá Ngạc quay trở lại Hoàng Sa.
Nhưng tại sao một giờ rưỡi sau, TLHQ lại ra phản lệnh cho phép Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 trở về Đà Nẳng?
Tôi đoán là vì TLHQ cảm thấy bất lực trước một cấp chỉ huy tỏ ra tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ ở giữa biển mà ông không thể nào kiểm soát được. Nếu đã sợ mà rút lui thì khi bắt quay trở lại:
hoặc Đại Tá Ngạc có thể cho HQ4, HQ5 lềnh bềnh giữa biển mà vẫn báo cáo là đang tiến về Hoàng Sa như trích đoạn bài viết của Đại Tá Ngạc ở trên cho thấy lúc 1:00 giờ cách Hoàng Sa 10 hải lý; lúc 2:30 giờ lại cách Hoàng Sa 22 Hải lý. Như vậy là đi thụt lùi chứ đâu có tiến về Hoàng Sa như Đại Tá Ngạc viết? Có thể vị trí thật sự của HQ4, HQ5 ở các thời điểm nêu trong bài viết của Đại Tá Ngạc còn ở xa đảo Hoàng Sa hơn nữa - hoặc Đại Tá Ngạc viện dẫn lý do trở ngại kỹ thuật (như HQ4 hay HQ5 hư máy chánh chẳng hạn) để không thể thi hành lệnh được nữa.
Còn nếu có ra lệnh bắt đánh đến chìm thì Đại Tá Ngạc và HQ4, HQ5 cũng không thể thắng được địch. Không có tinh thần chiến đấu thì làm sao thắng? Do đó theo suy đoán của tôi, TLHQ nghĩ rằng tốt hơn là cho họ trở về để đỡ tổn thất thêm hai chiến hạm mà chẳng mang lại lợi ích gì.

3. Sau trận chiến Hoàng Sa, BTL/HQ/VNCH có báo cáo lên Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VN Cộng Hòa (BTTM/QĐ/VNCH) thì tôi chắc BTL/HQ ở trong cái thế phải che dấu sự thật và phải báo cáo là cả 4 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ10, và HQ16) đã tận lực chiến đấu và chiến hạm nào cũng bị thiệt hại không nhiều thì ít, riêng HQ10 bị chìm. Hải Quân VNCH đã nỗ lực bảo vệ Hoàng Sa nhưng không thể thắng được một địch quân hùng hậu và tối tân hơn.
Còn nếu báo cáo HQ4, HQ5 vô sự thì có êm xuôi không? Sau trận chiến tôi nghe nói BTL/HQ có thành lập ủy Ban Điều Tra trận chiến Hoàng Sa (do HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê điều khiển thì phải) nhưng tôi chưa bao giờ được ai hỏi một câu hỏi nào!

Tôi nghĩ BTL/HQ muốn che dấu sự thật nên khi phóng viên đài BBC phỏng vấn, hỏi tôi có phản lực cơ Trung Cộng xuất hiện trong trận chiến không? Tôi trả lời không có thì ngày hôm sau BTL/HQ phái một sĩ quan xuống HQ16 chỉnh tôi về câu trả lời của tôi.

Tuy BTL/HQ che dấu sự thật nhưng trong nội bộ Hải Quân, BTL/HQ đã đánh giá đúng thành tích chiến đấu của các đơn vị dự trận Hoàng Sa khi chỉ tiếp đón và ban huy chương cho một mình Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16.

Cũng chính vì sự che dấu này mà mọi chuyện không rõ trắng đen nên bây giờ ra hải ngoại, ai muốn viết sao về trận Hoàng Sa cũng được, kể cả viết sai sự thật, miễn người viết đề cao Hải Quân.

4. Sau khi trình bày những nhận xét của tôi về tình hình bên ngoài và bên trong Hải Quân đối với trận chiến Hoàng Sa vào thời điểm đó; tôi xin trả lời những điểm ông cựu HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn chỉ trích tôi.

Trước hết tôi xin trích đoạn bài viết của Đ/Tá Ngạc (page 10 of 33) nói về nhiệm vụ của Thiếu Tá Toàn như sau:
"...Ngoài ra vị Tư Lệnh HQ Vùng (Vùng I Duyên Hải ) còn tăng phái cho tôi HQ Thiếu Tá Toàn (ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Toàn, Khóa 11 SQHQ/Nha Trang) mà tôi chưa biết khả năng nên trong suốt thời gian tăng phái tôi chỉ trao nhiệm vụ giữ liên lạc với các Bộ Tư Lệnh cho vị sĩ quan nàỵ"
Ông Toàn được tăng phái cho Đ/Tá Ngạc chứ không phục vụ trên HQ5 như ông ta nói. Ông Toàn viết trong mục góp ý của Calitoday.com ngày Apr.20,2004:
"...tôi là một trong các nhân viên trên chiến hạm HQ5 bị thương tích và tôi được biết với các tài liệu còn lưu giữ tại Hoa Kỳ bởi các giới chức Hải Quân VN liên hệ đến cuộc chiến, cho biết HQ4, HQ5 bị đạn từ hơn 30 đến 50 vết đạn lớn, không kể rất nhiều vết đạn nhỏ khác, kết quả này do tài liệu của Hải Quân Công Xưởng VNCH kiểm chứng thiệt hại các chiến hạm sau trận chiến..."

Ông Toàn nói ông bị thương nhưng ông có được chiến thương bội tinh không? Mà bất cứ quân nhân nào dự trận bị thương cũng đương nhiên được cấp. Lúc còn ở trong nước, tôi và có lẽ nhiều HQ khác không nghe nhân viên HQ4, HQ5 bị thương hay chết trong trận Hoàng Sa cũng như HQ4, HQ5 bị trúng đạn như ông nói. Nếu có thì tại sao HQ4, HQ5 không được tiếp đón và ban huy chương mà chỉ một mình HQ16 được thôi?

Ông Toàn cũng biết là sau khi bài viết "Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa" của tôi đăng trên Thời Luận trong đó có nói HQ4, HQ5 chẳng bị trầy một vết sơn nào cả thì Hội Đồng Hải Sử (HĐHS) gồm hai vị cựu Đại Tá HQ đã lên tiếng chỉ trích tôi y hệt ông Toàn chỉ trích và còn nói thêm là một trong hai vị Đại Tá có mang theo ra hải ngoại đầy đủ phúc trình của BTL/HQ lên BTTM về trận Hoàng Sa cũng như phúc trình kiểm chứng thiệt hại của Hải Quân Công Xưởng về HQ4, HQ5, nhưng khi một số cựu HQ yêu cầu HĐHS công bố tài liệu để mọi người được biết thì HĐHS vẫn giữ im lặng!

Như vậy sự kiện ông Toàn bị thương, HQ4, HQ5 bị thiệt hại không có gì chứng minh cả.
Nếu ông Toàn có nêu tên vài ba người trên HQ5 đã chứng kiến ông Toàn bị thương thì tôi cũng khó mà kiểm chứng được mấy người đó có thuộc thủy thủ đoàn của HQ5 không? Ngay cả 3 chiến sĩ hy sinh thuộc HQ5 được nói đến trong "Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa" của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San (trang 248) gồm 1 Thiếu úy và 2 Hạ sĩ quan nhưng cũng không rõ tên họ của họ, trong khi tác giả cuốn sách này chuẩn bị tài liệu để viết từ năm 1990 (trang 16 sách đã dẫn) mà vẫn chưa tìm được danh tánh của 3 người này!

Một chi tiết nữa mà ông Toàn cũng biết là Hạm Trưởng HQ5 - HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh - hiện ở San Jose- CA, được rất nhiều cựu HQ góp ý về "Tuyển Tập Hải Sử" yêu cầu lên tiếng về trận chiến Hoàng Sa, nhưng Trung Tá Quỳnh vẫn giữ im lặng, chỉ cho biết, qua Trung Tá Trần Quang Thiệu bạn cùng khóa, trận Hoàng Sa là một thất bại, không có gì hãnh diện để lên tiếng.

5. Tiếp theo là phần trả lời ông Tuấn Nguyễn.
Ông Tuấn viết: "Viết sự thật là 1 chuyện nên làm. Tuy nhiên nay Đại Tá Ngạc đã ra người thiên cổ thì làm sao mở miệng được. Tại sao không lên tiếng khi Đại Tá Ngạc còn sống???".

Không phải tôi chờ Đại Tá Ngạc ra người thiên cổ rồi mới viết bài "STVTHCHS". Tôi không biết Đại Tá Ngạc có viết bài về trận Hoàng Sa. Chỉ khi ông Vũ Hữu San quảng cáo ra mắt sách về trận Hoàng Sa trên báo, tôi mới có ý định viết bài về trận Hoàng Sạ Trong khi nói chuyện với người bạn cùng khóa là HQ Trung Tá Võ Hữu Danh tôi mới được cho biết có bài viết về trận Hoàng Sa của Đại Tá Ngạc và Trung Úy Đào Dân và Trung Tá Danh đã cung cấp các bài viết đó cho tôi.
Tôi chỉ đề cập đến Đại Tá Ngạc khi thấy những điều ông nói liên quan đến HQ16 mà sai sự thật.
Những điều này cũng có liên quan đến HQ4, HQ5 dưới quyền điều động của Đại Tá Ngạc. Nếu ông không còn sống thì Hạm Trưởng HQ4, HQ5 có thể lên tiếng thay cho ông. Cũng như hai vị Đại Tá trong HĐHS cũng đã lên tiếng thay cho Đại Tá Ngạc khi buộc tội tôi "vạch áo cho người xem lưng và nói xấu đồng đội", để không chịu tu sửa "Tuyển Tập Hải Sử" phần viết về trận chiến Hoàng Sa.
Hai vị này cũng nói là HQ4, HQ5 bị trúng đạn trong trận Hoàng Sa nhưng lại không chịu công bố tài liệu chứng minh!
Tôi chỉ nói sự thật và nói những cái sai của Đ/Tá Ngạc chứ không nói xấu ông ta.
Đại Tá Ngạc không còn sống nhưng có nhiều người lên tiếng thay cho ông trong đó có cả ông Toàn, ông Tâm và ông Tuấn.

6. Sau cùng là phần trả lời ông Hoàng Văn Tâm.
Ông Tâm nói tôi có 3 điểm sai lầm sau đây:

1. "Chính tác giả (Lê văn Thự) tiết lộ không biết gì về hoạt động tác chiến của HQ4, HQ5 vậy mà dám đề tựa bài là: "Sự Thật Về Trận Hải Chiến Hoàng Sa"... Ngoài ra ông còn cho biết ông mất liên lạc với CHT Hành quân là Đại Tá Ngạc vậy mà ông dám phê bình bài tường thuật trận đánh của Đại Tá Ngạc là hoàn toàn sai".

Thật sự tôi không hay biết gì về hoạt động của HQ4, HQ5 từ ngày 18/1/74 đến ngày 19/1/74. Trong khi HQ16 di chuyển ra vào lòng chảo quần đảo Hoàng Sa trong 2 ngày đó, tôi không thấy HQ4, HQ5 trong tầm nhìn của tôi.
Trong trận chiến ngày 19/1/74, bài viết của ông Ngạc cũng như của ông San đều nói là HQ4, HQ5 chỉ cách đảo Quang Hòa 4 đến 5 hải lý mà sao tôi không thấy được? Tôi đoán là họ ở cách xa từ 8, 9 hải lý trở lên, và phải quan sát thật kỹ may ra mới thấy được hoặc không thể thấy được vì quá xa.
Tôi nói sự thật những gì xảy ra trong trận chiến và đính chính những điều ông Ngạc viết saị Ông Tâm đọc lại bài viết của tôi sẽ thấy tôi nêu rõ từng điểm một ông Ngạc viết sai.
Tôi không biết hoạt động của HQ4, HQ5 nhưng tôi biết chắc là họ không tham chiến vì họ ở rất xa trận chiến. Đó là sự thật.

2. Ông Tâm viết: "Thú nhận không biết hoạt động của HQ4, HQ5 vậy mà ông viết như đinh đóng cột: "Sự thật HQ4, HQ5 chẳng bị trầy 1 mảnh sơn nào cả. Cả Hải Quân đều biết... Nếu HQ4, HQ5 không bị trầy 1 mảnh sơn nào thì sao lại được Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đội?... Trong khi đó HQ4, HQ5 phải ứng chiến với 8 tàu TC còn lại để chúng không thể tập trung tiêu diệt tàu ông. Tình thế như vậy HQ4, HQ5 chắc chắn cũng phải mang đầy thương tích và tàu ông có bị 1 viên đạn lạc thì cũng chuyện thường. Nếu không xui xẻo bị trái đạn này thì tàu ông cũng đâu có trầy 1 mảnh sơn nào ?"

Nếu HQ4, HQ5 mang đầy thương tích kể cả người chết thì chắc chắn HQ4, HQ5 phải được Tuyên Dương Công Trạng. Nhưng sự thật HQ4, HQ5 không có mặt trong lễ tiếp đón chiến hạm trở về từ Hoàng Sa mà chỉ có một mình HQ16 được tiếp đón và gắn huy chương. Sự kiện này xảy ra ở bến Bạch Đằng trước sự chứng kiến của bao nhiêu người trong và ngòai HQ và diễn ra ngay trước BTL/HQ, chứ đâu phải xảy ra giữa biển khơi không ai thấy? Ông Tâm có nằm mơ không đây?

Ngoài ông Tâm ra, còn có ông Chu Bá Yến khóa 11 (cấp bậc Thiêú Tá hay Trung Tá HQ tôi không rõ) cũng gửi e-mail trong nội bộ HQ kèm theo 1 tấm hình TLHQ đang gắn huy chương cho một HSQ và nói đó là tấm hình TLHQ đang tuyên dương HQ4.
Cựu HQ Thiếu Tá Phạm Đình San đã trả lời bằng e-mail như sau: "...để tránh sự nghi ngờ là hình đã được ghép bằng kỹ thuật điện toán..., xin anh cho trích 1 đoạn phóng sự của báo Lướt Sóng Đặc Biệt đã nói về buổi lễ cùng danh tánh 1 vài nhân viên của HQ4 được gắn huy chương thì tốt hơn nữa...".

Tôi xin thêm là tấm hình có thể không ghép nhưng không phải là hình tuyên dương cho trận Hoàng Sa. Sau đó ông Yến trả lời là tấm hình này được "scan" từ trong quyển "Lướt Sóng-Tiếng nói của HQ-Số Đặc Biệt Chiến Thắng Hoàng Sa" mà không viện dẫn thêm được điều gì nữa để chứng minh tấm hình là thật chẳng hạn như trích dẫn bài viết trong tờ Lướt Sóng.
Buổi lễ tiếp đón một mình HQ16 diễn ra trước mắt bá quan mà nay ông Yến, ông Tâm cố nói lấy được là HQ4 được Tuyên Dương Công Trạng thì tôi hết còn ý kiến. Thế cho nên trận chiến Hoàng Sa xảy ra giữa biển khơi khuất mắt mọi người nên những người trong cuộc thiếu tự trọng lại háo danh tha hồ nói theo ý họ bất chấp sự thật.

Đây là một dẫn chứng khác cho thấy người trong cuộc nói sai sự thật (không đánh mà nói có đánh) nhưng lại lòi đuôi ra: trong sách "Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa"(TLHCHS) của Trần Đỗ Cẩm và Vũ Hữu San trang 111 có câu: "Hai đánh một, chẳng chột cũng què" chăng. Chúng ta phục vụ trên HQ4 ngày đó đều biết rằng sau hải chiến, chúng ta vẫn tiếp tục công tác tại vùng Duyên Hải Đà Nẵng không hề hấn gì." (tức là không bị thiệt hại, không về Sài Gòn dự lễ tiếp đón và tuyên dương: ghi chú của người viết).

Ông Tâm nói HQ4 phải ứng chiến với 8 tàu TC. Xin ông Tâm đọc các phần trích dẫn sau đây trước khi nói. Sách "TLHCHS" của TDC và VHS (trang 67 từ dòng 18) viết:
"Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76,2 ly đã chuẩn bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội Trung Cộng đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Có nguồn tin nói rằng chiếc tàu này sau đó phát nổ và đã bị chìm."
Trang 68 (sách đã dẫn) từ dòng 5 viết: "Mục tiêu của HQ5 là chiếc Kronstadt mang số 274 mặc dầu chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến ...Tuy nhiên bị trúng đạn quá nặng, chiết Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa để tránh bị chìm."

Như vậy là 2 chiến hạm Kronstadt bị loại ra khỏi vòng chiến, còn lại 6 chiến hạm Trung Cộng đi đâu mà tôi không thấy trong trận chiến. Nếu có 6 chiến hạm đó thì chúng phải tiếp cứu các chiến hạm Trung Cộng khác bị thiệt hại trong lòng chảo quần đảo Hoàng Sa hay truy kích và đánh chìm HQ16, HQ4, HQ5 để trả thù chứ?
Chưa kể các Phi Tiễn đĩnh loại Komar cuả địch đang trên đường tiếp viện. Loại Komar này chạy rất nhanh và sắp đến đảo Quang Hòa vì trang 68 (sách đã dẫn) viết: "...Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các chiến hạm VNCH quan sát thấy (không có HQ16 trong các chiến hạm này: ghi chú của người viết) có bốn lượn sóng lớn trắng xóa đang tiến từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn của địch đang trên đường tiếp viện."

HQ16 lúc đó như con gà què, lê lết rời Hoàng Sa sau cùng thì phải thấy các chiến hạm Trung Cộng đó chứ, và nếu có chúng thì HQ16 đã bị đánh chìm rồi!

Trong bài "Tường Thuật Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa" (TTTHCLSHS) của Đại Tá Ngạc (page 18 of 33) lại viết:
"...Nhưng chẳng may, HQ4 báo cáo bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữạ Việc này đã làm đảo các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút chiến hạm này xin bắn thử và kết qủa vẫn bị trở ngại và cần tiếp tục sửa chữa thêm, nhưng tôi vẫn còn chút hy vọng. Khu trục hạm HQ4 vài phút sau lại xin tác xạ thử lần thứ ba nhưng vẫn không có kết quả..."
Như vậy ông Tâm thấy HQ4 có hạ được chiếc Kronstadt 271 không? Và có ứng chiến được 8 tàu Trung cộng không? Hay Đại Tá Ngạc nói sai? Hay hai ông TDC và VHS nói sai? Hay tất cả các ông đó đều sai?

3. Điểm thứ 3, Ông Tâm viết: "Cuối bài viết, sau những suy luận vớ vẫn, ông gán cho Đại Tá Ngạc và bình luận gia Trần Bình Nam cái quyết định do ông nghĩ ra, để ông đưa ra một hàm ý nhục mạ các cấp chỉ huy HQVNCH trong trận HS."

Bài viết của tôi có đề cập đến bài "Biển Đông Dậy Sóng"(BDDS) của ông Trần Bình Nam. Tôi rất tiếc là tôi đã không trích đầy đủ để dẫn chứng điều ông Trần Bình Nam nói: là có lẽ có sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH. Nay tôi không còn giữ bài "BĐDS" nữa nên không trích ở đây được để ông Tâm thấy. Bây giờ tôi trích nguyên văn từ bài "TTTHCLSHS" của Đại Tá Ngạc (page 29 of 33) để ông Tâm thấy:
"...HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, tham mưu phó hành quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân còn đặc biệt cho tôi hay là có chiến hạm bạn (là Hoa Kỳ:ghi chú của người viết) ở gần, nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi không có một chút tin tưởng gì vào đồng minh này kể từ tháng 2 năm 1972 khi Hoa Kỳ và Trung Cộng đã chấm dứt sự thù nghịch nên Hải Quân họ sẽ không một lý do gì lại tham dự vào việc hỗ trợ Hải Quân VN trong vụ tranh chấp về lãnh thổ. Họa chăng họ có thể cứu vớt những người sống sót nếu các chiến hạm VN lâm nạn. Nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc tìm kiếm những nhân viên từ Hộ Tống hạm HQ10 và các toán đổ bộ lên trấn giử các đảo đã đào thoát để trở về đất liền, chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phiá đồng minh kể cả của phi cơ không tuần...".

Cũng trang 29 of 33 sách đã dẫn viết:
"...Một suy luận nữa là có thể trận hải chiến là một cuộc điều chỉnh sự nhượng quyền chiếm giữ từ một nhược tiểu đến một cường quốc theo một chiến lược hoàn cầu mà vài cường quốc đã ngầm thỏa thuận trước..."

Đại Tá Ngạc tuy không nói thẳng ra là Trung quốc quá mạnh (với phi tiễn đỉnh, với phản lực cơ, với tiềm thủy đỉnh) và đã có sự nhượng quyền giữa hai cường quốc nên Hải Quân VN Cộng Hoà có đánh cũng không thắng được (nếu không muốn nói là vô ích), nhưng những ý tưỏng này bàng bạc trong bài viết của Đại Tá Ngạc và cũng là lý do biện bạch cho sự rút lui của Đ/Tá Ngạc.

Không biết ông Tâm có thấy không nhưng nếu độc giả đọc bài "TTTHCLSHS" của Đại Tá Ngạc thì chắc sẽ thấy.
Chính vì bị ám ảnh bởi các ý tưởng này nên Đại Tá Ngạc quá lo sợ mà không dám đánh. Nội việc trên đường trở về Đà Nẳng mà còn sợ tiềm thủy đĩnh Trung Cộng phục kích thì còn đâu tinh thần để chiến đấu ?
Chính vì sợ mà Đại Tá Ngạc chỉ để cho HQ16 và HQ10 đánh cho lấy có (theo ý nghĩ của Đại Tá Ngạc) rồi cùng HQ4, HQ5 rút lui.

Phần sau cùng bài viết "STVTHCHS" của tôi chủ ý muốn nói là nếu cấp chỉ huy trận chiến và các đơn vị tham chiến đồng tâm hiệp lực mà đánh thì Hoàng Sa đã không mất lúc đó. Còn chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nơi đảo Hoàng Sa thì tôi không thể biết được.

7. Trong phần đầu của bài "STVTHCHS", tôi có nói muốn biết rõ trận Hải Chiến Hoàng Sa, những nhà nghiên cứu cần phải truy tầm tài liệu cả về phiá Trung Cộng nữa.
Hai ông TĐC và VHS đã làm công việc đó. Từ trang 102 đếøn trang 115 sách "TLHCHS" của TĐC và VHS nói về các website Trung Cộng mà nội dung đề cập đến HQ4. Các website này viết bằng Hoa ngữ và được trích dịch sang Anh ngữ nhưng khi đọc tôi thấy lủng củng, sai văn phạm và rất khó hiểu. Tôi chỉ đoán chừng thôi.
Tôi chắc các website này nếu có, cũng không nói lên sự thật vì Trung Cộng cách nay 30 năm là một nước độc tài sắt máu và cho đến bây giờ chính quyền Trung Cộng vẫn còn bắt giam những ai khác chính kiến, đòi tự do dân chủ hay chỉ trích chính quyền.
Trận Hải Chiến Hoàng Sa lại liên quan đến Quân Đội nhân dân Trung Quốc tức là thuộc loại bí mật Quốc Phòng thì ai trong nước họ dám lên tiếng đề cao kẻ địch là HQ4 như sách "TLHCHS" đã khoa trương?
Nếu đề cao kẻ địch chẳng được lợi ích gì mà còn mang họa vào thân thì có ai điên khùng để làm việc đó không?
Sự thật đọc mấy đoạn website trích dẫn trong "TLHCHS", tôi chẳng thấy họ đề cao gì đến HQ4 cả.
Các website Trung Cộng nói về trận chiến Hoàng Sa nếu có, thì chỉ là do sự dàn dựng của chính quyền Trung Cộng mà thôi. Mục đích là để nói với thế giới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của họ. Họ có dân ở đó, có cả một đội ngư thuyền ở đó và Hải Quân VNCH đã đến khiêu khích, đe dọa ngư dân, ủi và làm hư hại ngư thuyền của họ, cũng như xâm chiếm đảo của họ như một vài website đã trích dẫn trong sách "TLHCHS" của TĐC và VHS nói.
Trong bài "STVTHCHS" và bài trả lời này của tôi, tôi luôn luôn khẳng định HQ4, HQ5 không trực chiến với tàu Trung Cộng, họ chỉ ở bên ngoài "wait and see" rồi rút lui, nhưng tại sao Trung Cộng lại biết HQ4 và nói đến HQ4 trong website ?
Cái đó là vì Trung Cộng có bắt và đem về Trung Quốc một số quân nhân của HQ10 còn sống sót gồm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ và một Trung úy cùng một số nhân viên thuộc HQ4 đưa lên giữ đảo.
Trung Cộng đã điều tra để lấy tin tức từ nhóm quân nhân này nên mới biết rõ tên và chi tiết của từng
chiến hạm VN cũng như cấp chỉ huy VN trong trận chiến.

Trong bốn chiến hạm VN thì Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 là tối tân nhất do đó Trung Cộng mới nói đánh cho HQ4 tơi bời hoa lá thì mới oai hùng, (như website trích trong "TLHCHS" nói) chứ đánh với các chiến hạm tầm thường như HQ16, HQ10 thì đâu có gì oai phong. Trung Cộng đã cường điệu khi nói như vậy và HQ4 cũng dựa vào đó để cường điệu theo, chứ tối tân nhất mà chịu nhận là không đánh đấm gì cả thì coi sao được?

Sau khi trả lời rất chi tiết những góp ý của ba độc giả nêu trên và đề cập đến tính bất khả tín của tài
liệu do BTL/HQ VN Cộng Hòa và Trung Cộng đưa ra nếu có, tôi nghĩ là bài trả lời của tôi đã quá đủ, kể cả cho những thắc mắc chưa được nêu lên.

Tôi xin cám ơn Calitoday đã đăng bài "STVTHCHS" cũng như bài trả lời độc giả này của tôi.
Kính,
Lê văn Thự.

Bài liên quan

Hot 607214466986345486

Đăng nhận xét Nhận xét với Google +

@ Bạn đọc: Blog này là nơi thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Nếu bạn muốn trao đổi cùng tác giả, vui lòng liên hệ trang facebook: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nếu đây là lần đầu bạn đến thăm blog, vui lòng xem Thỏa thuận sử dụng để nắm rõ về những quy định của blog trước khi gửi phản hồi.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để chèn hình ảnh, youtube video và các bài hát từ nhaccuatui vào nhận xét các bạn chỉ cần dán đường link vào nhận xét của mình.

emo-but-icon

Bỉ ngôn

Kênh Youtube

Thư viện blog

item